Ca sĩ lười

Lười là một thuộc tính bản năng của con người. Ai mà chả có khi lười, Lê Hữu Trác lương y xưa còn tự gọi mình là Lãn ông – ông già lười. Ca sĩ cũng là người, tất nhiên không thể tránh cái lười được. Nhưng lười ngoài đời chẳng sao, chứ đem cái lười ấy lên sân khấu thì… chán quá, mà lắm khi lại nảy sinh nhiều chuyện dở khóc dở cười. Từ cái sảy nảy cái ung, lười quá có khi lại suy sụp cả cơ đồ sự nghiệp chứ chẳng chơi.
 
Lười không học bài

Bài ở đây là lời bài hát. Học thuộc lời ca khúc là nhiệm vụ bắt buộc của một ca sĩ, chứng tỏ tính chuyên nghiệp cũng như sự tôn trọng đối với tác giả và người nghe. Ấy vậy mà thời gian gần đây, từ show bé quy mô phòng trà đến show to hoành tráng sân khấu lớn, từ Diva cũ đến Diva triển vọng, ca sĩ trẻ, tất thảy đều đua nhau hát… sai lời.

Thà là bài mới không tập kịp, đằng này, những ca khúc nổi tiếng, đã đi cùng công chúng suốt một thời gian dài như nhạc Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Dương Thụ… lại thường xuyên bị hát sai lời. Trường hợp tiêu biểu và gần nhất có thể kể đến Mỹ Tâm. Trong đêm Con đường âm nhạc Thanh Tùng “Tôi sẽ kể em nghe” vừa rồi, không thể chấp nhận một ngôi sao Mỹ Tâm liên tục vấp váp sai lời trong Ngôi sao cô đơn, Em và tôi và Giọt nắng bên thềm – những ca khúc quá quen thuộc với đa số người nghe, khiến họ cảm thấy như bị xúc phạm. Không chỉ phá hỏng bài hát, sự sai lời ấy còn phá vỡ cả một không gian âm nhạc vừa được nhen nhóm, gây ấn tượng xấu cho cả chương trình. 
 
Chẳng may sai lời, ca sĩ thường tự sáng tác điền vào chỗ trống, hoặc chắp vá đoạn này lấp đoạn kia, hậu quả là… lắm khi sai luôn cả nhạc. Thế là nát bét cả bài hát nhạc lẫn lời. Vấn đề đặt ra: Tại sao sai? Vì lười! Nhưng lười trong trường hợp này nghĩa là không nỗ lực, là tự thỏa mãn với bản thân, tự cho mình thế là tốt lắm rồi. Có phải Mỹ Tâm suy nghĩ như vậy? Không biết! Chỉ chắc chắn một điều rằng, sau đêm diễn ấy, rất nhiều khán giả thất vọng về cô, dù họ có yêu mến tiếng hát cô đến mấy.

Không riêng gì Mỹ Tâm, những Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh được xưng tụng Diva đấy cũng có thể đếm hơn mười đầu ngón tay những lần sai lời vấp lỗi. Đừng biện minh con người không phải cái máy, lâu lâu cũng có lỗi này lỗi kia, vì khi trình diễn trên sân khấu, lấy tiền của khán giả, bắt buộc tiết mục của anh/chị phải hoàn hảo một cách chuyên nghiệp từ đầu đến cuối, từ hát đến diễn.

Lười hát bài mới

Nói là lười, nhưng thực chất là sợ thì đúng hơn. Cũng là từ Diva đến triển vọng, từ chính thống đến thị trường, chương trình nào cũng nhai đi nhai lại toàn bài cũ đã nổi tiếng cho nó quen tai, dễ được khán giả cổ vũ, chấp nhận.

Thanh Lam tại show nào không Trịnh Công Sơn thì cũng Lê Minh Sơn, tiếng là bài mới nhưng thực chất đã “tạm ứng” trước xài đỡ từ mấy mùa trăng cũ. Mỹ Linh, Hồng Nhung tương tự với nhạc Dương Thụ, đến nỗi trong đêm nhạc Dương Thụ ở phòng trà M&Toi mới đây, nhạc sĩ đã phải mở lời động viên hai cô dũng cảm hát những bài lạ của ông.

Show Việt Nam Ca Hát Mẹ, Tôi & Em hoành tráng vừa xong của đạo diễn Huỳnh Phúc Điền cũng toàn ca khúc cũ, thậm chí lúc đầu Hồng Nhung còn định hát lại Họa mi hót trong mưa (Dương Thụ) đã cày nát khắp nơi, rồi Thanh Lam muốn tung hoành với Nắng lên (Lê Minh Sơn) cũng đã nắng tưng bừng suốt từ năm ngoái. Đạo diễn giải thích do bí bài. Nhưng nói ít thì ít, nói nhiếu thì nhiều, quan trọng là cách nhìn, là tư duy biên tập, tư duy người hát có dám thể hiện những ca khúc lạ, mới không, hay lại chọn bài cũ cho an toàn. Chính lối tư duy “an toàn” ấy sẽ dẫn đến sự dễ dãi, thậm chí trì trệ trong âm nhạc.

Tuy nhiên, ở đời có mấy ai dũng cảm đâu. Dù trước kia họ là người dũng cảm, nhưng khi có danh, có tiếng rồi lại hóa chùn chân. Nhìn lui nhìn tới, mới thấy trong chuyện này, hóa ra nhạc sĩ, ca sĩ mang tiếng thị trường lại “update” hơn khi liên tục thay đổi ca khúc, phong cách mới. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó, hàng chợ dù có cập nhật mấy cũng là hàng chợ, cứ giông giống nhau, na ná nà thế là xong. Đúng là ở đời chẳng có gì hoàn hảo. Chán!
 
Lười tập ban nhạc

Chuyện muôn thuở khi đi phòng trà, sân khấu xem hát là đây. Chán lắm khi ca sĩ hát như cái máy, trăm lần như một với đĩa midi hay chiếc Ipod nhỏ xinh hiện đại. Mà lại không trách được mới thật bức xúc. Hỏi làm sao trách khi thời buổi cơm áo gạo tiền, ca sĩ lo chạy show kiếm sống, thời gian đâu ráp nhạc cả ngày.

Rồi một lý do nữa là ca sĩ chê ban nhạc chơi dở, chơi sai, không hợp “gu”, lại có người sợ ban nhạc ghét bỏ chơi khăm, đánh sai hát “bể” là chết, nên thôi hát đĩa cho nó an toàn. Lại an toàn! Mà ngay cả ban nhạc cũng chạy show thu âm tưng bừng, chương trình nào dàn dựng lớn, 15 bài tập với ban nhạc được… 5 bài là nhiều. 
 
Mà đi xem-nghe ca nhạc sân khấu, ca sĩ hát đĩa chắc chắn không thể có không khí liveshow. Tại sao gọi là live? Vì live tiếng Anh, tính từ, nghĩa là thực, là tại chỗ, là sống, sống động, chứ không phải giả, không phải tiếng nhạc phát ra từ cái máy vô tri, không phải chết dí, cứng đờ. Dân trong nghề ai cũng biết vậy, miệng ai cũng bày tỏ hát sống mới đã, thế mà rốt cục vẫn phải midi hay Ipod.

Không phải không có cách khắc phục. Chỉ cần mỗi ngày tập một bài thôi, một tháng mỗi ca sĩ cũng được ít nhất năm bảy bài hát tốt với ban nhạc. Như những giọng ca phòng trà toàn hát sống với ban nhạc, chỉ ngôi sao bận rộn mới cần hát đĩa mà thôi. Thường thì một chương trình riêng của một “sao” nửa phần nhạc đĩa, nửa phần ban nhạc. Cá biệt có ngôi sao mười mấy bài toàn đĩa. Lâu ngày quen hát đĩa, đến khi bắt buộc phải hát sống không chạy theo nhạc kịp, lúng ta lúng túng như gà mắc tóc, hay đĩa bỗng nhiên trở chứng nhảy tưng bừng, ca sĩ đứng trời trồng trên sân khấu chẳng biết chui vào đâu cho đỡ ngượng.
 
Còn nhiều nhiều chuyện phát sinh từ tính lười của ca sĩ nữa, hay thì ít dở thì nhiều, có kể mãi cũng không hết. Chỉ thấy, từ lười sẽ sinh ra tính trì trệ, an phận, mà nghệ sĩ an phận thì không còn là nghệ sĩ nữa.

Lâu lâu lười một lần chẳng sao, chứ cứ lười mãi thì nguy đấy./.


From the same category