Vẻ đẹp da màu

Người đẹp nhất ở đâu? Chẳng cần đứng trước gương mà thầm thì “Gương kia treo ở trên tường …”, câu trả lời đã có sẵn từ một chuyện cổ tích:

“Xưa, Thượng đế tạo ra con người bằng cách nặn từ bột rồi xếp thành lớp và nung trong lò bát quái để mỗi người có một linh hồn. Lớp dưới cùng bị quá lửa nên đen thủi đen thui thành người da đen. Lớp kế tiếp vừa đủ lửa như chiếc bánh chín tới thành người da nâu. Lớp trên nữa bị non lửa nên vàng khè hoặc trắng bệch thành người da vàng và da trắng."

Kể vu vơ vậy thôi nhưng ý tứ đã rõ: người có nước da màu đồng, màu sôcôla là đẹp nhất. Vâng, đúng vậy. Có một vẻ đẹp rất mặn mà, độc đáo: vẻ đẹp da màu. 
 
Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ…

Nhưng câu chuyện cổ tích đó hẳn là do chính người da màu “sáng tạo” ra. Thực chất ra sao ?

Loài người, về hình thức đúng là chỉ khác nhau ở màu da. Người sống vùng xích đạo, da sẫm nhất, rồi nhạt dần khi tiến đến Bắc cực và Nam cực. Một trong những nguyên nhân là sự gay gắt của những tia nắng mặt trời. Giống như những chiếc bánh, sau lần vỏ, ai cũng như ai, cũng xương, cũng thịt, cũng óc, cũng tim, cũng lục phủ ngũ tạng… và đi sâu hơn nữa, cũng gen di truyền, cũng ADN mã hoá.

Da có màu khác nhau là do sắc tố da gọi là mélanin tạo ra. Mélanin có 3 loại: loại đen (eumélanin), loại hung đỏ (pheomélanin) và một loại đỏ rất hiếm gặp. Pha trộn các màu này theo các tỉ lệ khác nhau, tạo ra nước da đủ gam màu, từ trắng như trứng gà bóc của cô thiếu nữ Thuỵ Điển, đến đen như cột nhà cháy của anh chiến binh thuộc bộ lạc Hutu xứ Tanzania.

Giữa hai thái cực này là các màu trung gian, từ ngăm ngăm, nhuôm nhuôm, đỏ au, bánh mật, đồng hun đến các sắc độ của sôcôla thường gọi chung là da màu. 

Da đen hoặc da sáng, đố ai mô tả được “đen đến mức độ nào” để ai cũng hình dung được. Các nhà khoa học đã nghĩ hộ chúng ta. Họ dùng máy phản xạ kế phát tới da một tia sáng có tần số biết trước rồi ghi nhận tia phản xạ. Da càng sẫm thì hấp thụ tia sáng càng nhiều và máy sẽ trả lời cho bạn, một “hắc công tử” hoặc “bạch cô nương” có màu da ở sắc độ nào, bằng một con số cụ thể.

Vẻ đẹp da màu là vẻ đẹp hoang dã và khoẻ khoắn. Đó là những nét di truyền từ tổ tiên, kết quả của cuộc sống gần thiên nhiên. Đó là vẻ đẹp của những người vận động nhiều nên thân hình thon thả, bắp thịt săn chắc, đôi chân dài. 
Về mặt khoa học, màu da sẫm ít bị ung thư da, tránh  thừa vitamin D do nắng gắt.

Màu da của con cái phụ thuộc vào màu da của bố và mẹ, vì khả năng tạo ra bao nhiêu mélanin ghi sẵn trong gen di truyền. Thực chất đó là việc mà “hai nửa của nhau” đoạt quyền Tạo hoá để ban tặng cho “truyền nhân” của mình một màu trung gian từ hai cực là bố và mẹ.

Thế nhưng muốn đặt hàng một đứa con có một “độ đen” nhất định chẳng bao giờ thành công. Nhiễm sắc thể XY của bố và XX của mẹ chưa từng bao giờ thoả thuận được với nhau mình mang bao nhiêu “tài sản màu” ra đóng góp vào đứa con tương lai. Chỉ biết rằng nó cũng phải vừa giống bố vừa giống mẹ.

Nếu không ắt là “có vấn đề” rồi. Chẳng thế, trong truyện ngắn “Oẳn tà roằn”, nhà văn Nguyễn Công Hoan kể: một cô nàng lẳng lơ, đi lại với khá nhiều chàng. Cô lấy cái thai làm sợi dây thừng để trói chân các chàng. May mắn làm sao, khi cô sinh, đứa trẻ lại có màu sôcôla của một anh oẳn tà roằn nào đó. Và thế là cả mấy chàng đang căng thẳng, hồi hộp ở phòng chờ nhà hộ sinh cùng thở phào nhẹ nhõm. Mình vô can ! 

Thế nhưng ngay cả điều này cũng chẳng có gì là tuyệt đối. Đã từng xảy ra trường hợp một cặp vợ chồng người Mỹ, cả hai trắng như bánh bao lại đẻ ra chú nhóc màu cà phê sữa, phải nhờ Viện hình sự phân tích ADN mời giải toả được mối nghi ngờ. Người ta gọi đó là hiện tượng “hồi tổ”, vì xa xưa anh chồng có gốc gác Phi châu. Lại nữa, có trường hợp sinh đôi nhưng cặp song sinh ấy nằm bên nhau hệt như một cục bột trắng xoá đặt bên thỏi than kíp-lê.

Ngoài chuyện nguồn gốc, màu da có thể thay đổi do điều kiện sống. Bạn sang xứ lạnh, chắc chắn sẽ trắng trẻo hơn khi sống trong nước mình thuộc miền nhiệt đới. Mà nói đâu xa, chỉ vài ngày đi biển, bạn có thể được nhuộm một nước da đồng hun. Dưới tác dụng của tia cực tím, những tế bào mélanoxit bị kích thích tạo thêm nhiều sắc tố da.

Bởi thế, cô gái trên công trường đầy nắng gió mới được người yêu ca ngợi “… nay da em nâu tươi màu suy nghĩ”, cái màu làm tấm huân chương cho thành tích lao động. 
 
Hoang dã và khỏe khoắn
 
Trải qua hàng triệu năm chung sống, khó có thể nói ai còn là người thuần chủng. Mỗi người đều có chút xíu dòng màu của sắc dân A, B, C, D… Sự lai tạp ngày càng phổ biến trong thời đại ngày nay, một thế giới hội nhập.

Song dù sao thì cũng có thể kết luận màu da đen là màu của những người đến từ Phi châu. Lúc đầu, họ bị buôn bán với tư cách những người nô lệ. Bởi vậy, họ bị khinh rẻ. Nạn phân biệt chủng tộc hoành hành và hiện vẫn còn tàn dư. Song dần dần, xã hội cởi mở. Luật giải phóng nô lệ do Tổng thống Mỹ Lincoln đề ra, tạo cho họ quyền bình đẳng. Người da màu được nhìn nhận lại. Họ tự khẳng định vị trí của mình trong xã hội.

Vẻ đẹp của những người da đen, hoặc da màu nói chung được phát hiện và thừa nhận. “Hòn ngọc đen” Naomi Campbell- người mẫu hàng đầu thế giới – đã làm liêu xiêu bao nhiêu nhà tỉ phú. Tuy chỉ chiếm 12% dân số, nhưng tỷ lệ hoa hậu Mỹ trong tổng số lại lên tới gần 30%. Không ít hoa hậu hoàn vũ là người da… không trắng. Hóa ra… da màu là màu da đẹp.

Màu nâu là màu tượng trưng cho sự điềm đạm, chín chắn, bền vững. Màu của đất, nơi cuộc sống nảy nở, sinh sôi. Về mặt khoa học, màu da sẫm ít bị ung thư da do ánh nắng mặt trời, tránh được sự thừa vitamin D do nắng gắt.

Vẻ đẹp da màu là vẻ đẹp hoang dã và khoẻ khoắn, vẻ đẹp của thể thao. Đó là những nét di truyền từ tổ tiên, kết quả của cuộc sống gần thiên nhiên, kiếm ăn bằng sự săn bắt và hái lượm. Nó không màu mè, yếu ớt, giả tạo. Đó là vẻ đẹp của những người vận động nhiều nên thân hình thon thả, bắp thịt săn chắc, đôi chân dài.

Họ mang những ưu điểm của “ưu thế lai”, chọn lọc được những gì tốt nhất của bố và của mẹ. Họ thừa hưởng những nét đẹp của người da trắng: chiếc mũi dọc dừa, cặp mắt to, làn da mịn. Tổ tiên xa xưa truyền lại cho họ sức khoẻ tuyệt vời, khiến họ trở thành những vận động viên xuất sắc trong các môn điền kinh, bóng rổ, quyền Anh …

Trên mặt báo , chẳng ngày nào người ta không nhắc đến đôi chân “bay múa” trên sân cỏ của các pháo thủ da màu nã bóng vào cầu môn đối phương, những Pélé, Henry Thierry, Vierra…

Nét nhạc Phi cũng mang đầy tính chất hoang sơ. khoẻ mạnh, rộn rã, yêu đời, hừng hực lửa… đã tạo ra những “ngôi sao đen” ngời sáng, những Tina Turner, Whitney Houston, Knowles Beyonce, những Lionel Richie, Price, Usher…

Người ta cũng tiếc cho một Michael Jackson – vua nhạc pop – chối bỏ màu da đáng kiêu hãnh của mình nhờ mỹ viện để được đứng vào hàng ngũ những người da trắng và sống cuộc sống buông thả đến nỗi sự nghiệp đang tiêu tan.

Vẻ đẹp trí tuệ mang dấu ấn da màu
 
Không chỉ có vẻ đẹp hình thể hoặc tài năng bẩm sinh về thể thao hay ca nhạc mang tính di truyền, người da màu còn xuất sắc trên nhiều lĩnh vực. Một Kofi Annan đứng đầu Liên Hợp Quốc hòa giải những vấn đề đầy mẫu thuẫn của toàn thế giới là một chứng minh. 

Lật tờ Fortune, tìm người có thu nhập lớn nhất trong công nghiệp giải trí bạn sẽ bắt gặp một phụ nữ da màu Oprah Winfrey, cô gái chưa chồng xuất thân nghèo hèn đã vươn lên trở thành người làm chương trình Tivi giỏi nhất thế giới, mỗi ngày thu hút 14 triệu người xem và bán ra 132 nước, hàng năm kiếm không dưới 200 triệu đôla.

Theo dõi những tin tức thời sự, ngày nào chẳng thấy hình ảnh một người đàn bà da màu khác là Condoleezza Rice (cũng lại chưa chồng!) được mệnh danh là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”, 15 tuổi tốt nghiệp phổ thông, 22 tuổi lấy bằng Tiến sĩ, 25 tuổi được phong giáo sư hiện điều khiển bộ máy ngoại giao Hoa Kỳ mà thực chất là nhân vật số 2, chỉ sau Tổng thống Mỹ Bush. 
 
Trong điện ảnh, không chỉ tại Hollywood mà trên toàn thế giới, danh giá nhất là giải Oscar. Trong danh sách này bạn sẽ thấy hàng loạt “minh tinh” da màu Denzel Washington (2 Oscar), Jamie Foxx (1 Oscar), Will Smith, Queen Latifah, Eva Mendes…

Những người da màu nổi tiếng đáng phục ở chỗ họ phải phấn đấu gian khổ hơn rất nhiều so với các chủng tộc khác mới vươn lên được đỉnh cao do những thành kiến nặng nề của xã hội. Và nếu ca ngợi nhiều về họ lại đâm ra … phân biệt chủng tộc mất rồi. Chỉ cần nói đủ để minh họa cho một câu trong bài “Trái Đất này là của chúng mình” mà chúng ta thường hát thủa ấu thơ: “Màu da nào cũng quý cũng thơm”./.


From the same category