Từ đấu trường vào showbiz

Họ từng là những tài năng của thể thao Việt Nam. Còn hiện nay, người đã giải nghệ người vẫn tham gia huấn luyện nhưng công việc chính để kiếm sống và tiếp tục chăm chút danh tiếng thuộc về showbiz – nơi có nhiều hào quang hơn, song cũng tương đối trái ngược về chất với thể thao.

Lý do các anh chia tay sự nghiệp thể thao?

Ngọc Đàm: Từ năm 2000 tôi đã muốn bỏ thể thao chỉ vì chấn thương. Đáng lẽ giải trẻ vô địch Đông Nam Á năm đó tôi phải được 5 HCV chứ không phải 3, nhưng ngày đầu tiên tôi bị chuột rút và thất bại. Ngày hôm sau tôi như xuất thần, tay bị gãy mà không thấy đau, đến khi ra về mới biết. Hậu quả là phải mổ gắp xương, cắt dây chằng. Lúc đó, tôi nghĩ sẽ kết thúc sự nghiệp.

Thực tế, tôi đã nghỉ gần 1 năm để chữa chấn thương. Trước SEA Games 21 khoảng 3 tháng tôi quay lại đội tuyển và đoạt HCB duy nhất cho đoàn Việt Nam. Sau cuộc thi, tôi lại đau, nhưng vì SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam nên cố gắng “đu” theo. Không ngờ đoạt HCV. SEA Games năm nay tôi tiếp tục được gọi vào đội tuyển, nhưng tôi nghĩ nên dừng ở đây. Tôi sẽ thực hiện ước mơ từ năm 11 tuổi, đó là sự nghiệp văn chương. Còn trước mắt, tôi theo nghiệp ca sĩ, nó cho tôi nhiều cơ hội hơn.

Khánh Trình: Thể thao bỏ tôi chứ không phải tôi bỏ nó. Tháng 7/2002 tôi bị chấn thương gót chân và gối trái, phải chuyển về địa phương điều trị. Mệt mỏi và đau đớn, mà thành tích lại không cao vì không thể lấy lại được phong độ, nên tôi xin nghỉ luôn. 4 tháng sau giải nghệ, công ty quảng cáo Baby tuyển người mẫu, cũng rảnh rỗi nên tôi đăng ký dự tuyển. Đi diễn đúng một lần, hai tháng sau tôi giành giải Vàng cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2002 và trở thành người mẫu.

Cuộc sống vật chất và tinh thần của một nghệ sĩ có hấp dẫn hơn một VĐV?

12 tuổi Khánh Trình bắt đầu chơi thể thao – môn điền kinh. 14 tuổi đoạt giải nhất thành phố Nha Trang cự li chạy trung bình. 16 tuổi được gọi vào đội tuyển tỉnh.
17 tuổi đoạt HCV giải quốc gia 800m năng khiếu mục tiêu. 18 tuổi được tuyển thẳng vào Đại học TDTT TPHCM. 20 tuổi được gọi vào đội tuyển quốc gia, 21 tuổi đoạt HCV giải quốc gia cùng nhiều giải trẻ khác.

Khánh Trình: Mỗi suất ăn của VĐV là 45.000đ, một ngày chúng tôi có 3 bữa, đầy đủ dưỡng chất. Mỗi tháng dư ra được 700.000đ. Tỉnh còn trả cho tôi hơn 1.000.000đ/tháng. Nếu được HCV giải quốc gia, tôi được thưởng 500.000đ, địa phương tặng thêm 500.000đ nữa. Khi đó, tôi thấy cuộc sống VĐV cũng ổn, nhưng giờ giấc, sinh hoạt, tập luyện thì khá khắt khe. Song mình bị cuốn theo nguyên tắc đó rồi cũng quen, cứ đến 10 giờ đêm là mắt díp lại, 5 giờ sáng là tỉnh dậy. Nếu không có chấn thương đau đớn, mệt mỏi thì tôi đã rất hài lòng.

Còn làm người mẫu, tôi kiếm được nhiều tiền nhưng cũng tiêu xài nhiều hơn. Một buổi chụp hình tôi nhận được 100USD, có những quảng cáo lên đến 1000USD – 2000USD, đi diễn bình thường cũng được 600.000đ/tối. Công việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều, nhưng lại không khỏe mạnh, cường tráng như khi tập thể thao đều đặn.

Ngọc Đàm: Tiền lương không nhiều, tiền thưởng cũng không cao. Nhưng sống trong môi trường thể thao cũng không phải tiêu tiền. Riêng giờ giấc tập luyện, ăn, ngủ khắt khe hơn nhiều so với nghệ sĩ. Tôi mới bước chân sang sân khấu ca nhạc, chỉ mong sớm tìm được chỗ đứng chứ chưa nghĩ nhiều đến vật chất.

Các anh nhận thấy mình có những lợi thế nào mà các người mẫu, diễn viên, ca sĩ khác không có?

Khánh Trình: Body là thế mạnh của tôi. Các người mẫu khác cũng có, nhưng nét đẹp của tôi là sự rắn rỏi của cả quá trình tập luyện thể thao cường độ cao. Ngay trong cuộc thi Siêu mẫu, tôi cũng đạt điểm cao nhất về ngoại hình. Thể thao cũng cho tôi một tinh thần. Vì dân thể thao thường làm điều gì cũng quyết tâm đến cùng.

Ngọc Đàm: Tôi mạnh về vũ đạo, sức khỏe. Tinh thần quyết liệt, không sợ khó, sợ khổ. Cuộc sống VĐV thường rất lành mạnh, không rượu chè, bia rượu, không chơi bời nên tôi có một thể lực và tinh thần khỏe mạnh.

Các anh nghĩ sao khi cả hai nghề thể thao, người mẫu/ca sĩ đều bị nhiều người nhìn nhận là không cần tri thức vẫn làm nghề tốt?

Khánh Trình: Một ngày tập luyện hay thi đấu đều rất mệt mỏi, VĐV về đến phòng thường lăn ra ngủ chứ làm sao đủ minh mẫn để học tập. Ngay sinh viên trường TDTT cũng ít ngồi vào bàn học hơn sinh viên các trường Kinh tế, Bách khoa… Bây giờ nghề người mẫu cũng không có nhiều điều kiện để học. Chi nhiều thời gian cho việc này đương nhiên sẽ bớt thời gian cho việc khác. Còn thông minh có sẵn trong mỗi người, chứ không nên chỉ căn cứ vào bằng cấp.

Ngọc Đàm: Người ta hay định kiến dân thể thao là chỉ phát triển tay chân mà không hiểu chúng tôi tập luyện như vậy thì còn đâu thời gian để học. “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, mọi người đều có công việc và vị trí riêng trong xã hội. Đâu có thể đòi hỏi một ông giám đốc chơi thể thao giỏi được.

Từ môi trường kỷ luật thép bước sang cuộc sống tự do, thậm chí phóng túng của showbiz, có khi nào anh bị “trượt” theo cuộc sống mới?

Khánh Trình: Thú thật là ban đầu tôi cũng bị ảnh hưởng một chút. Ví dụ về giờ giấc, VĐV thường phải ngủ 1–2 tiếng buổi trưa, phải đi ngủ sớm, sáng phải tập thể dục sớm, phải ăn uống khoa học. Làm người mẫu có khi đêm diễn xong tôi đi ăn, đi chơi, rồi ngủ qua trưa, dậy khi nào thì ăn lúc đó. Một tháng vào vũ trường 1–2 lần. Nhưng tôi đã sớm nhận thức được cái gì tốt cho cuộc sống của mình nhất nên đã thay đổi nhiều.

6 tuổi Ngọc Đàm được tuyển vào trường Năng khiếu nghiệp vụ thể dục thể thao TPHCM – môn thể dục dụng cụ. 11 tuổi đoạt giải bạc Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 3. 12 tuổi vào đội tuyển quốc gia. 3 năm liên tiếp đoạt 7 bộ huy chương ở giải trẻ toàn quốc và đoạt 3-4 huy chương tại các giải chuyên nghiệp toàn quốc. 16 tuổi, đoạt 3 HCV, 1 HCB giải trẻ Đông Nam Á. 17 tuổi đoạt HCB SEA games 21. 19 tuổi đoạt HCV SEA Games 22.

Ngọc Đàm: Cuộc sống mới thoải mái hơn nhưng cũng có những gò bó nhất định. Thoải mái vì không ai kèm cặp như huấn luyện viên, nhưng gò bó do chính bản thân mình đặt ra. Tôi thấy như thế còn khó hơn. Nếu trong thể thao mình làm biếng thầy sẽ bắt mình tập, ca sĩ làm biếng thì đâu có ai làm thay mình được. Tôi nghĩ muốn thành công phải tự đặt ra khuôn khổ và phải tuân thủ nó.

Có khi nào anh tiếc nuối và muốn quay lại với thể thao?

Khánh Trình: Có những đêm nằm ngủ, tôi mơ mình xỏ giày vào sân tập, mà cứ lo ngay ngáy về vết thương. Tỉnh dậy tôi buồn lắm. Nhưng tôi nghĩ kỹ rồi, tiếc nuối cũng chẳng làm được gì. 26–27 là tuổi chín muồi của thể thao, năm nay tôi đã 25 tuổi, cũng chẳng còn nhiều cơ hội để quay lại với nghề. Nên tôi chỉ chơi những môn khác, nhẹ nhàng hơn như bóng chuyền, bóng rổ. Nhưng chỉ chơi nghiệp dư.

Ngọc Đàm: Ham muốn thì vẫn còn, nhưng tiếc nuối thì không. Lâu lâu tôi ghé qua phòng tập, chỉ để nhìn… dụng cụ! Chưa bao giờ tôi nghĩ mình bỏ hẳn thể thao. Có thời gian rảnh tôi sẽ tập luyện. Nhưng chỉ tập cho riêng mình chứ không phải vì những tấm huy chương.

Ca sĩ, người mẫu, diễn viên cũng như VĐV, chỉ có một thời tuổi trẻ. Các anh sẽ làm gì khi hào quang chấm dứt?

Khánh Trình: Tôi đã tạo dựng được nhiều mối quan hệ trong nghề người mẫu. Nhưng chắc cũng chỉ làm mẫu được 3 năm nữa. Tôi đã đóng phim 1735 km, nếu may mắn và có năng khiếu, hy vọng tôi sẽ bén duyên với điện ảnh. Dẫu sao diễn viên cũng ít bị giới hạn tuổi tác hơn. Ngoài ra, tôi sẽ đi học thêm khóa quản trị kinh doanh. Có thể sau này tôi kinh doanh về nhà hàng vì có chỗ dựa là mẹ đang làm đầu bếp ở Pháp.

Ngọc Đàm: 21 tuổi, tôi còn quá trẻ để lo mình… già! Trước mắt, tôi chỉ tập trung làm tốt công việc của mình. Hiện tại, tôi đang có 3 phòng tập chuyên dạy về hip-hop và vũ đoàn BOS (Những Chàng trai Thép). Hip-hop đứng giữa nghệ thuật và thể thao, nó đúng là sở trường của tôi. 3 – 4 tháng nay tôi đi hát đôi cùng ca sĩ Thy Dung, nhưng đó là bệ phóng để tôi phát triển nghiệp solo. và khi đó, BOS sẽ nhảy cho tôi. Ca sĩ có vũ đoàn riêng do chính mình dạy – từ trước đến nay chưa ai làm điều này, hy vọng sự tiên phong này sẽ đem lại những hiệu quả nhất định cho tôi!/.


From the same category