Sự để ý của tôi bắt đầu từ hôm tình cờ trèo lên những bậc đá lên vườn đào trên Sapa khi mấy cô bán thuốc rao ầm lên để quảng cáo loại thuốc lá ba bị nào đó với công dụng “ông uống bà khen”.
Sau đó khi về Hà Nội mới để ý khắp hang cùng ngõ hẻm, thành thị nông thôn, từ tiệc lớn đến nhậu nhỏ thôi thì thực khách tất cả cứ như một lũ liệt dương vậy, tất tần tật cái gì cùng bỏ vào mồm cốt để bổ cái “ấy” mà thôi…
Từ chuyện uống vì cái “ấy”…
Nếu bước chân vào quán nhậu bất kỳ nào đó, có tí hơi hướng đặc sản, tỉ như dê, gà hay chó chim gì đó, sự gợi ý đầu tiên đối với khách ẩm thực là làm “tí” cho bổ kiểu quảng cáo thông dụng nhất là “ông uống bà khen”! Thôi thì không cần biết “ông” đã có “bà” hay chưa, cũng chẳng cần biết “ông” khoẻ hay yếu.
Lý luận của mấy nhà hàng rất đơn giản: nếu yếu thì nhất định là cần, nếu đã khoẻ thì sẽ khoẻ hơn; có bà rồi thì về áp dụng, nếu chưa có thì kiếm! Cẩn thận thì “rau sạch”, bất cần thì xài “hàng chợ”. Nói như vậy, không có nghĩa những kẻ đã tắm hồn trong những hũ “ông uống bà khen”, kết tội các loại quảng cáo ấy đã tiếp sức cho nền công nghiệp giải trí bất nhã vẫn bị đặt ngoài vòng pháp luật, nhưng nếu ai đã từng xơi những loại “bổ không thể bổ hơn” ấy thử tự vấn xem mình đã từng làm gì sau khi phê phê khi còn vẫn văng vẳng bên tai lời quảng cáo tai hại ấy, hẳn cũng đáng xem lại mình lắm chứ.
Trở lại chuyện rượu được quảng cáo, thôi thì từ ngũ gia bì, tam xà đại hội, ngũ xà bí kíp, rượu ong đất, rượu ngọc dương, pha sâm nhung, pha tiết, pha mật, hải mã, hồng sâm, thôi thì “bà khen” ráo trọi.
Có bận trên đường đi công tác, tôi được mời nhậu, với lời quảng cáo của người bạn nơi đó nghe ớn lạnh “uống xong mà nằm một mình là ân hận”! Khi vào quán, chủ quán được ông chủ tiệc mời rỉ tai mấy câu gì đó, hắn cười ha hả và dẫn tôi vào xem cái “ân hận” của hắn.
Trời đất ơi, tôi thầm la lên sau khi ánh điện được bật sáng, một bình rượu cỡ thùng gánh nước, không phải là ngọc dương tầm thường như vẫn được các hàng ăn đó đây quảng cáo, mà nguyên cả bộ “ấm chén” của cả chục con dê đực sau khi được hoá kiếp đã góp vào đây, sự ngồn ngộn đến ghê người ấy cùng bộ mặt vô cùng mãn nguyện của tay chủ quán đã ám ảnh tôi không chỉ trong bữa nhậu. Mãi sau này, mỗi khi ngửi thấy mùi hoi hoi tanh tanh, cái cảm giác rờn rợn lại ứ lên đến tận cổ, thà để “bà” chê còn hơn nốc vào họng những của ghê người ấy.
Nhân chuyện rượu bổ “ấy”, tôi đã trao đổi với khá nhiều bợm nhậu có thâm niên cao cũng như một số thày thuốc đông y, hầu như tất cả đều nhất trí cho rằng xuất phát điểm của loại “hàng” độc đáo ấy là từ Minh Mạng thang (nhất dạ lục giao) và cảm giác không được hài lòng của các quý ông. Sau này mọi sự cứ biến tướng dần và sang hẳn sự nhảm nhí như ngày nay, bất cứ thứ uống quái quỷ nào có chất cồn cũng đều khoác vào cho cái mác “bà khen”. Đã từng ai khi được mời tự chạnh lòng mà nghĩ “hay là nó trông mình có tướng… yếu”?!
… tới chuyện ăn cũng vì cái “ấy”
Hết hồi quảng cáo đồ uống, gần đây các nhà hàng chuyển sang quảng cáo đồ ăn, tất nhiên vẫn là chiêu quen thuộc là “bà khen”!.
Dạo mới đầu chơi trào lưu này, các quán ăn lấy mấy câu thơ kinh điển: “Tái dê chấm với tương gừng, ăn vào lại thấy bừng bừng như dê, đêm nằm vợ mới tỷ tê, ngày mai mình lại tái dê tương gừng” làm mồi nhử.
Sau đó, trên đà phát triển, lại thêm phần không phải quán nào cũng có thịt dê nên mới chế tác ra các loại thức ăn bổ “ấy”! Nào là ngọc kê, nào là gân bò, rồi sâu dừa (con đuông), bọ cạp, óc dê ngọc dương tần, mới gần đây nghe đồn có quán còn sáng chế ra món con sâu đất rang nhắm rượu bổ khủng khiếp.
Một lần có anh bạn tôi thủng thẳng hỏi tôi rằng có biết tại sao mấy hàng bán cái món chân gà nướng toàn xương với da nhạt thếch ấy, nếu quy ra thịt lườn gà có khéo phải chục cái không bằng một miếng những lại đông nghịt vậy không? Hắn tiết lộ cho tôi hay rằng ấy là họ ăn theo sách Tàu đấy, sơi cái món gân gà vào “ấy” gân lắm! Tôi phì cười và bảo hắn nếu thế thì sao không chọn gân bò, gân trâu cho nó hoành tráng, mà khéo nhà giàu họ sang Lào mà ăn gân voi, chắc chỉ có… voi mới chịu được. Không hiểu hắn ngộ ra điều tôi nói, hay cho rằng tôi đã báng bổ chân lý được đông dược của một dân tộc vĩ đại đúc kết mà kể từ buổi đó cho tới hết thời gian ở Hà Nội, nhất định không chịu đi nhậu với tôi nữa.
Nếu cứ từ những quảng cáo mà suy ra có thể đưa ra hai ý kiến: một là trước đây khi không có những món bổ đó, chắc cách đàn ông “hỏng” hết, hai là thời gian gần đây, có thể do Trái đất đang nóng lên hay hiệu ứng nhà kính gì đó, hình như khả năng của giới mày râu có vấn đề?
Tôi đã từng hỏi một chủ nhà hàng sao lại cứ quảng cáo như vậy? Ông ta thản nhiên trả lời không quảng cáo vậy chẳng lẽ lại khuyên khách hàng ăn cái này khỏi loãng xương, ăn cái kia có thêm vitamin A cho sáng mắt, ăn cái nọ chống đau đầu hay sao. Hơn nữa, ông ta bảo “chỉ có những người dư thừa mới vào quán nhậu, cái giống no cơm ấm cật mới dậm giật, mà phàm đã no cơm ấm cật rồi…”
Nghĩ mà khiếp, uống toàn thứ “bà” khen, ăn toàn thứ bổ không kể xiết, thảo nào phòng trào nhậu không cần tuyên dương điển hình, không cần tuyên truyền xã hội hoá, cũng chẳng cần cơ quan truyền thông nào trợ giúp mà cứ lên vù vù. Mà biết đâu đấy, có khi “bà” khen thật ấy chứ?!