Cưới sao: Sự cố và kinh nghiệm

Hãy lắng nghe các "sao" kể lại những sự cố của mình trong việc chuẩn bị hôn lễ để cùng rút ra những kinh nghiệm vàng cho một đám cưới hoàn hảo.

Cát Phượng

Sát giờ làm lễ cưới mà chẳng thấy phù râu, phù rể đâu. Gọi điện thoại thì đầu dây bên kia trả lời tỉnh bơ: “Ủa, em cứ tưởng hôn lễ tiến hành vào buổi tối!”. Rất may, anh Tấn Beo, Hoài Linh đã tình nguyện làm phù râu, phù rể bất đắc dĩ cho chúng tôi. Chỉ trong 10 phút, anh Hoài Linh hoá trang thành một kiều nữ xinh đẹp. Ngoài bạn bè thân thiết trong nghề, tất cả quan khách hôm đó đều không thể ngờ phù râu là đàn ông! Đến màn cho em bé ra sân khấu thì cu cậu không khóc mà hồn nhiên… tè trước mặt quan khách. Lúc này thì đúng là vô phương cứu chữa! Cũng may nhờ ý nghĩa của vở múa: “Những thiên thần” chào mừng một mầm sống ra đời, mà mọi người không “trừ điểm” đám cưới của vợ chồng tôi.

Kinh nghiệm:

Nếu trước đó Cát Phượng trao đổi, bàn bạc kỹ lưỡng với phù râu, phù rể thì chắc chắn họ không thể nhầm lẫn buổi trưa sang tối được. Nhiệm vụ của mỗi người trong ngày cưới – từ quan trọng đến thứ yếu cần phải được bàn giao, dặn dò một cách cụ thể. Còn sự cố em bé “tè dầm” trong ngày cưới là chuyện bình thường, không có gì để lo lắng, vì không ai nỡ trách móc sự hồn nhiên trẻ thơ đó.
 
Mỹ Lệ

Cùng một lúc, tôi đi làm tóc, trang điểm. Trang điểm xong vẫn chưa thấy thợ làm tóc đâu. Sợ khách đợi lâu nên thợ trang điểm quấn tóc cho tôi luôn. Ngồi làm tóc mà tay chân tôi bứt rứt không yên. Tóc quấn lọn vội vàng, vì thế vừa về đến khách sạn mái tóc đã đổ ập xuống, rũ rượi. Thú thật, lúc đó trông tôi như mụ phù thuỷ. Thế là khách lại phải ngồi đợi cô dâu làm lại tóc.

Kết thúc một ngày mệt mỏi, hai vợ chồng vừa đặt lưng xuống giường thì chồng tôi có tin nhắn: “Em nhớ anh quá!”. Khỏi hình dung cũng đủ biết tôi “nổi đoá” như thế nào. Chồng tôi hoảng quá, thề thốt, thanh minh đủ điều, tôi vẫn không tin. Đêm hôm đó thật căng thẳng. Hôm sau, tôi mới biết tin nhắn chỉ là trò đùa của bạn anh ấy!

Kinh nghiệm:

Mỹ Lệ lại “phạm lỗi” thời gian! Tiết kiệm thời gian trong ngày cưới rõ ràng rất nguy hiểm. Dù chậm trễ cũng không nên làm ẩu. Mái tóc “tổ quạ” của Mỹ Lệ là một minh chứng. Còn những người bạn đích thực, cũng không nên trêu cô dâu, chú rể vào thời điểm “nhạy cảm” như vậy.
 
Ngọc Nga

Hai vợ chồng chọn một khu vườn yên tĩnh, lãng mạn ở Bình An để tổ chức lễ cưới. 6 giờ đón khách ở khách sạn, 5 giờ cha xứ mới bắt đầu làm lễ. Tôi căn đúng một tiếng để từ Bình An về khách sạn, nhưng hôm đó là ngày nghỉ, nên mọi người đều đổ ra đường. Kết quả là kẹt xe! Khách bắt đầu kéo đến nườm nượp. Sơ đồ sắp xếp chỗ ngồi tôi lại đang giữ, lễ tân lóng ngóng không biết sắp xếp chỗ thế nào. Họ gọi điện thoại thúc giục tôi liên tục. Lúc đó, ruột gan tôi như lửa đốt. Ngớ ngẩn nhất là tôi chẳng nghĩ ra được gì, trong đầu chỉ ước giá như lúc này có một chiếc trực thăng! Tất nhiên là hôm đó, lễ cưới đã diễn ra muộn hơn so với dự định, quan khách nhốn nháo, chỗ ngồi lộn xộn, chả đâu vào đâu.

Kinh nghiệm:

– Nên “hào phóng” thời gian một chút, để sự cố xảy ra còn linh hoạt ứng phó.
– Khi gặp sự cố, rất cần sự bình tĩnh của cô dâu, chú rể để sắp xếp, giải quyết mọi việc cho hợp lí. Còn ngồi mà ước có trực thăng như Ngọc Nga thì kết quả sẽ tệ hại hơn.
 
Tấn Minh

Đám cưới của tôi bị thiếu 8 mâm cỗ! Vốn là người cẩn thận, trước đó tôi đã lên danh sách khách mời rất chặt chẽ. Nhưng không ngờ lượng khách phát sinh nhiều quá. May là “xoay” 8 mâm cỗ cũng không đến nỗi khó khăn. Buổi tiệc kết thúc, mọi việc thu xếp ổn thoả cũng đã quá nửa đêm. Lúc đó hai vợ chồng mới ôm bụng nhăn nhó vì đói. Vợ tôi để quên hết quần áo trên ô tô, không thể mặc váy cưới ra ngoài ăn đêm, khách sạn lại hết đồ ăn. Cuối cùng, chị đầu bếp thương hại nấu cho chúng tôi hai bát… mì tôm!

Kinh nghiệm:

 – Lượng khách có thể phát sinh do mỗi gia đình có thể có nhiều người đi, vì vậy trong vấn đề tiệc tùng, cô dâu chú rể nên dự phòng vài mâm cỗ.
 – Dù công việc bận rộn đến mức nào cũng không nên để bụng đói. Nếu không may một trong hai người kiệt sức, chắc chắn sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề rắc rối.
 
Ngọc Khánh

Trước lễ cưới, chúng tôi đã chuẩn bị những món quà lưu niệm rất dễ thương: tách ngộ nghĩnh, ly thuỷ tinh xinh xắn. Món quà này là lời cảm ơn của vợ chồng tôi đến họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp đã đến chung vui. Đám cưới lu bù, tôi không nắm bắt được tất cả công việc. Thấy quà lưu niệm, nhân viên khách sạn cẩn thận… cất hết vào kho. Buổi tối, khi khách về hết, tôi mới giật mình nhận ra thiếu sót của mình. Sau vụ đó, chồng tôi cứ trêu: “Em là nhân viên tổ chức sự kiện có kinh nghiệm mà chẳng chuyên nghiệp chút nào!”.

Kinh nghiệm:

Chỉ quan tâm đến những việc đại sự mà bỏ qua những chi tiết nhỏ cũng không phải là hay. Rõ ràng hôm đó quan khách rất hài lòng về sự đón tiếp chu đáo của cô dâu, chú rể. Nhưng sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều, nếu hôm đó họ nhận được món quà lưu niệm xinh xắn của vợ chồng Ngọc Khánh./.


From the same category