Bước lên xe hoa, bạn đã bước qua ranh giới của tình yêu lãng mạn và cuộc sống vợ chồng, là từ thơ chuyển sang văn xuôi.
Vẫn hai con người ấy thôi, có khác nhau chăng, trước kia ai ở nhà người ấy, chỉ gặp nhau vào những lúc hẹn hò, còn bây giờ là 24/24, là cuộc sống thường ngày với bao nhiêu lo toan vặt vãnh.
Rất nhiều cuốn tiểu thuyết và phim tâm lý xã hội kết thúc bằng hình ảnh đôi trai gái sau bao gian nan vất vả, cuối cùng dìu nhau lên xe hoa. Có người nói: các nhà văn, nhà làm phim khôn thật. Họ mô tả rất say sưa giai đoạn đôi trai gái yêu nhau, cùng vượt qua bao khó khăn trắc trở, lên thác xuống ghềnh, nhưng đến khi hai người vừa kết hôn là… hết phim!
Bởi vì nếu làm tiếp tập nữa có khi lại phải có cảnh ngoại tình, ly hôn, nếu không sẽ rất tẻ nhạt. Chẳng lẽ lại chiếu cảnh hai vợ chồng nấu cơm ăn xong, ngồi xỉa răng, uống nước, cãi nhau vặt rồi lên giường đi ngủ? Thế thì có khi khán giả cũng ngáp mấy cái rồi tắt ti-vi, đi ngủ nốt!
Nếu cô gái nào mơ tưởng kết hôn là một giấc mơ lãng mạn, cả ngày tay trong tay ngồi tâm sự với nhau thì chắc chắn chỉ độ nữa tháng sau khi về nhà chồng sẽ thất vọng.
Vì sao ư? Đơn giản vì nói lắm phải hết chuyện.
Ca dao xưa cũng thừa nhận:
Ăn lắm thì hết miếng ngon
Người mà nói lắm hết khôn hoá rồ !
Nhưng không chỉ hết chuyện, mọi cảm xúc yêu đương cũng sẽ cùn nhụt đi. Các nhà tâm lý gọi đây là quy luật mài mòn cảm xúc. Đó là chưa kể, lúc yêu người ta có thể che đậy được những khiếm khuyết của mình.
Có anh chàng ngồi với người yêu suốt mấy tiếng đồng hồ, không hút một hơi thuốc lá, nhưng vừa chia tay đã vào hàng nước rít liền hai điếu. Có cô đến chỗ hẹn với người yêu bao giờ cũng đi đôi guốc cao đến 15cm nhưng khi ở chung một nhà mới biết chân cô đâu có dài đến thế. Có nàng khi yêu, đến nhà người yêu lúc nào cũng lăn vào bếp, đảm đang, thu vén. Lấy rồi mới biết nàng vừa lười, vừa bẩn.
Có thể nói, giai đoạn yêu đương người ta có thể sống giả vờ nhưng lấy nhau không thể che đậy mãi được, mà bắt buộc phải sống thật. Cho nên không ít người tỏ ra thất vọng khi chuyển từ tình yêu sang hôn nhân. Hạnh phúc vợ chồng không rồ-man-tíc như khi yêu.
Tình yêu có thể đến do một sự tình cờ nhưng hạnh phúc gia đình không thể ngẫu nhiên mà có. Nó phải được vun đắp, xây dựng một cách có ý thức, có kế hoạch trên cơ sở những cái có thực. Nó gắn bó hai con người không chỉ bằng tình yêu mà còn bởi trách nhiệm gia đình.
Ngược lại, không ít người khi còn đang yêu thì sống như vợ chồng, nhưng lấy nhau rồi lại thích mơ màng, lãng mạn. Sự nhầm lẫn đó nhiều khi rất tai hại.
Có một chàng trai gọi đến Trung tâm tư vấn với giọng phẫn nộ:
– Em không hiểu sao đang yêu nhau đến một năm nay, tự nhiên cô ấy lại bảo không yêu em nữa, muốn chia tay?
Người tư vấn hỏi:
– Yêu như thế nào? Có hay gặp nhau không?
Cậu ta trả lời thản nhiên:
– Suốt ngày! – Rồi giải thích thêm – Lên lớp ngồi cạnh nhau, về nhà ăn cùng, ngủ cùng, sáng mai lại đi học cùng, chẳng khác gì vợ chồng.
Thực ra yêu nhau kiểu ấy, chỉ hai tuần là đủ chán nhau rồi! Giữa hai kẻ yêu nhau không có gì ràng buộc khác hơn là tình cảm. Nếu để “con quái vật tình yêu” thoả mãn, no nê, làm sao nó sống lâu được. Sở dĩ tình vợ chồng có thể lâu bền là vì còn bị ràng buộc bởi nhiều thứ khác nữa. Đó là con cái, tài sản, là trách nhiệm với cha mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm, là tờ đăng ký kết hôn…
Cho nên người ta kết hôn không phải chỉ vì tình yêu. Nếu chỉ để yêu nhau thì có thể không cần kết hôn. Gia đình là tổ ấm mà con người trở về sau những giờ nhọc nhằn, là bến cảng bình yên để con tàu neo đậu ngày mai lại ra khơi đương đầu với sóng gió. Đừng nhầm lẫn trước và sau khi kết hôn. Nó khác nhau nhiều lắm đấy!