Kim Ngọc: Chung sống với những điều cấm kị - Tạp chí Đẹp

Kim Ngọc: Chung sống với những điều cấm kị

Bộ Sưu Tập

Sự xuất hiện những người làm nghệ thuật đương đại trong khung cảnh đời sống văn hóa ở Việt Nam đã làm nảy sinh trong công chúng câu hỏi: Họ là những hiện tượng nghệ thuật mới mẻ thật sự, hay chỉ là “hàng giả”, “hàng nhái”, bởi những sản phẩm nghệ thuật mà họ giới thiệu thường lạ lẫm, vượt ra ngoài kinh nghiệm cảm thụ thông thường và có một đặc tính chung là rất “phản nghệ thuật” và có “nguồn gốc Phương Tây”.

Những nhân vật “Post modern” này, một số người có tiếng tăm lại là những người đàn bà đẹp trong độ tuổi trên dưới 30. Cuộc phỏng vấn này được thực hiện rất khó khăn vì người được hỏi đã có một câu tuyên bố xanh rờn: “Im lặng cũng là một cách đối thoại”. Nhân vật được mời đối thoại về âm nhạc đương đại là Kim Ngọc, nữ nhạc sĩ đã bị một đồng nghiệp “bêu riếu” trên mạng “Giai điệu xanh” của VietNamnet là “thiếu văn hóa”. Cô có vẻ bề ngoài rất giống O’ Connor với mái đầu trọc mới mọc tóc lại và một vẻ mặt thánh thiện thơ ngây không thể có được ở tuổi 30.

Ở Việt Nam, khi nói đến nghệ thuật đương đại, trong lĩnh vực âm nhạc người ta thường nhắc đến hai cái tên Vũ Nhật Tân và Kim Ngọc, còn những người khác thì sao? Ở ta liệu đã hình thành một “cộng đồng” những người làm nhạc đương đại hay chưa?

Chúng ta vừa chân ướt chân ráo bước vào thời hiện đại, thật khó mà nói đã có một cộng đồng làm nhạc đương đại hay các “nhà hậu hiện đại (post modern) theo cái định nghĩa đã được sàng lọc và thống nhất tại châu Âu và Mỹ, Úc vào thế kỷ 20. Trong tương lai gần, có lẽ chúng ta sẽ có một cộng đồng âm nhạc đương đại lớn mạnh, nếu biết nhìn nhận mọi hoạt động âm nhạc hiện nay như các hoạt động thể nghiệm.

Ở Hà Nội, theo quan sát của tôi đã hình thành một cộng đồng nhỏ làm nghệ thuật thể nghiệm, bao gồm cả các tác phẩm được thực hiện với âm thanh. Phần lớn các thể nghiệm âm thanh, thật đáng ngạc nhiên khi chủ yếu do các họa sĩ thực hiện, và tôi thấy không có lý do gì để đặt nó ra ngoài các bàn luận âm nhạc đương đại của Việt Nam.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, thế giới đã chứng kiến sự ra đời của văn hóa ngầm (tiếng Anh là underground culture, tiếng Đức là Soupkulture). Các nghệ sĩ thuộc “giới ngầm” này có nguồn gốc xuất thân hết sức phức tạp và đa dạng. Họ có thể đến từ văn hóa Pop, văn hóa cổ điển hàn lâm hay đương đại hàn lâm… Và thường thì họa sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, nhà thơ, diễn viên múa, nhà báo… giao du mật thiết. Từ đó xảy ra một quá trình liên kết và thẩm thấu lẫn nhau không chỉ giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau mà còn giữa các “giai tầng” văn hóa trước nay là những thế giới cách biệt. Có lẽ vì vậy mà bên cạnh các dòng chính thống, văn hóa ngầm đã có những cống hiến đặc biệt và được quan sát, ghi nhận trong lịch sử của âm nhạc thế kỷ 20 bình đẳng như một loại hình “chính thống”.
 
Chữ underground music theo tôi có lẽ hợp hơn cả để gọi các hoạt động âm nhạc còn lạ hoắc mới xuất hiện gần đây tại Việt Nam. Nó “ngầm” thứ nhất vì không nhận được bất cứ sự quan tâm tài trợ và thừa nhận nào của chính phủ, nó cũng không tham gia vào guồng máy kinh tế thị trường của ngành công nghệ giải trí; thứ hai vì “đặc tính” thể nghiệm mạnh mẽ của nó trong bối cảnh trì trệ của dòng hàn lâm chính thống tại Việt Nam.
 
Vì sao đã từng là sinh viên Nhạc viện được dạy dỗ theo kiểu hàn lâm, chị lại lao vào con đường làm nhạc đương đại (hoặc thể nghiệm) ở khuynh hướng mà các thầy học của chị thường cấm kỵ (và có thể là đố kỵ)?

Tôi không nhận thấy có gì mâu thuẫn giữa hàn lâm và đương đại. Ông với cháu khác nhau nhưng không mâu thuẫn và hoàn toàn không loại trừ nhau. Còn những cấm kị thì tôi đã học được cách chung sống từ hồi đi nhà trẻ, rốt cuộc tôi luôn là người biết tôn trọng mong muốn của mình. 
 
Vậy nghĩa là nhạc đương đại là cháu chắt của hàn lâm?

Chữ “contemporary music” – tiếng Anh, còn tiếng Đức là “Neu Music”. Trong văn hóa hàn lâm chính thống tuy có nhiều cách chia, nhưng cách phân chia thống nhất nhất tại Tây Âu và Mỹ, Úc là được tính kể từ Stravinsky, nghĩa là ngay đầu thế kỷ 20 cho tới bây giờ (đương thời). Nó phân cách âm nhạc thế kỷ thứ 20 với các trào lưu âm nhạc thế kỷ 19 trở về trước bao gồm các chủ nghĩa ấn tượng, lãng mạn, cổ điển, tiền cổ điển, trung cổ.

Vậy anh thấy đấy, âm nhạc đương đại, cháu chắt trực hệ của âm nhạc cổ điển. Còn mấy ông cháu nhà chúng thì đều thuộc họ hàn lâm.
 
Tóm lại chị làm nhạc gì?

Nếu tôi sống và làm việc tại Việt Nam có lẽ tôi là một nhà thể nghiệm, vì như tôi đã nói với anh là chưa thể có âm nhạc đương đại tại Việt Nam theo cái nghĩa đã được định nghĩ ở châu Âu. Chúng ta phải tự định nghĩa cho mình một dòng âm nhạc đương đại bằng các hoạt động thể nghiệm . 
 
Làm nhạc đương đại dĩ nhiên không phải chỉ hiểu biết nó mà còn thích thú say mê nó nữa. Xin hỏi thật, ngay cả những người am hiểu và say mê âm nhạc có tính chính thống (âm nhạc bác học) cũng coi Béla Bartok, Igor Stravinsky là một cái gì đã rất chối, rất khó nghe chứ chưa nói gì đến Stockhausen, Pierre Boulez hay Luciano Berio… Vậy thì chị nghe các ông ấy thế nào, có thật sự cảm nhận được không?

Câu hỏi này thì khó đấy (nếu tôi nói thích liệu anh có tin không?). Ở Việt Nam, đã từ lâu nhiều người hỏi tại sao tôi để cái đầu trọc. Khi tôi trả lời vì tôi thích thì không có ai thỏa mãn với câu trả lời đó cả. Họ ép tôi giải thích lý do không được thì tự họ suy luận như sau:
 1- Người tu hành
 2- Có vấn đề về tâm thần
 3- Làm khác đi để nổi tiếng
 Ba tác giả trên không những tôi thích, hơn thế có những tác phẩm của họ, ví như giao hưởng cho bộ gõ của Boulez tôi vẫn “hưởng thụ” mỗi ngày đấy!
 
Trên “Giai điệu xanh” của VietNamnet, một nhạc sĩ (báo mạng gọi là soạn nhạc) trả lời phỏng vấn có nói về sự “thiếu văn hóa” của chị, khi chị bảo nhạc của Bethoven là “sến”. Nếu vậy chỉ có văn hóa đương đại là giá trị, còn văn hóa cổ điển là vứt đi ư? Chị không bao giờ yêu thích nhạc cổ điển à?

“Nhạc sĩ trên Giai điệu xanh” chụp cho tôi một cái mũ còn anh hôm nay chụp thêm cho tôi một chiếc nữa.

Đúng là tôi xếp Bethoven, Chopin và một vài nhạc sĩ nữa vào “sến”, nhưng việc coi sến là nhục nhã, là bôi nhọ và phủ nhận văn hóa cổ điển là ý kiến riêng của các anh. Đối với tôi, sến không phải một sự nhục nhã, sến đơn giản là một mạch ngầm chảy suốt trong lịch sử âm nhạc hàn lâm đến tận bây giờ. Tôi có những tiêu chí riêng cho cái chữ sến này trong lịch sử âm nhạc hàn lâm và cũng muốn liên hệ nó với một vài tiêu chí (chỉ riêng âm nhạc, không bàn đến văn chương) trong các dòng nhạc sến của văn hóa đại chúng tại Việt Nam. 
 
Trong bối cảnh văn hóa của nước ta với những ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Phương Đông và Phương Tây cổ điển cộng với sự bành trướng khủng khiếp của văn hóa đại chúng thì những thứ gọi là“Nghệ thuật thể nghiệm underground” của chị và những người giống chị liệu có đất sống? Chị có buồn không khi thấy mình lạc lõng trong một nền văn hóa chính thống và trước một khung cảnh nghệ thuật rất sôi nổi của văn hoá đại chúng?

Sự sôi nổi của bữa tiệc nhà hàng xóm không làm tôi cảm thấy khu vườn của mình lạc lõng. Sống ở đâu tôi cũng đã là người Việt Nam, và đất lành thì chim đậu. Với những gì đang diễn ra tại Việt Nam, tôi nhận thấy ngày càng có nhiều cơ hội hơn cho những người như mình, và đấy cũng là cơ hội của Việt Nam. 
 
Hiện nay chị đang làm gì và sắp tới chị sẽ làm gì?

Tôi đang sửa nhà để có một phòng thu làm việc được. Tiếp tục thực hiện các đơn đặt hàng làm nhạc cho múa đương đại và một số nhóm nhạc châu Á. Đầu năm tới tôi muốn hoàn thành CD do một mình tôi hát, đồng thời sử dụng phần mềm do chính tôi lập trình trong 6 tháng làm việc vừa qua tại New York. Từ nay đến cuối năm tôi cũng đã nhận lời mời biểu diễn tại một số gallery và trung tâm văn hóa trong nước.

 – Bố là nhạc sĩ Trần Ngọc Xương.
 – Từ 6 đến 17 tuổi học piano tại Nhạc viện HN. 14 tuổi bắt đầu học sáng tác với bố, sau đó học tại khoa sáng tác NVHN đến năm 2001.
 – Từ 1/2002 đến 12/2004 học sáng tác ngẫu hứng và nhạc điện tử tại đại học âm nhạc Cologne CHLB Đức.
 – Phần lớn các tác phẩm cho dàn nhạc của Kim Ngọc được biểu diễn tại nước ngoài và phát trên kênh âm nhạc của các đài phát thanh như WDR, RFI, Radio France, ZDF Amsterdamer…
 – Music-Theatre có 4 vở : “Một và Hai” và “Cái chết của con Thiên Nga” công diễn tại Cologne. “Gió Nồm” công diễn tại Cologne, Bruxels, Basel, Freiburg. “Năm Ngón Chân” công diễn tại Mỹ trong khuôn khổ dự án “Con Đường Tơ Lụa”. – Trong nước mới chỉ công diễn vở music-theatre “Bài Ca Đứa Bé Lang Thang” tại nhà sàn Đức và năm ngoái làm nhạc cho vở múa đương đại “Venus in Hanoi” của Felis Ruckert.

 

Thực hiện: depweb

29/11/2005, 16:24