Thủy Hương-người đàn bà đa đoan - Tạp chí Đẹp

Thủy Hương-người đàn bà đa đoan

Bộ Sưu Tập

Thủy Hương–người đàn bà đẹp, đa đoan? Hay là “búp bê”? Hay giả vờ là “búp bê” sống đời sống trong tủ kính? Dù khi nào, ở đâu, sắc đẹp vẫn luôn phải chịu sự tị hiềm của số phận. Mà Thủy Hương lại mang một vẻ đẹp hư hư, thực thực…
 
Chị nghĩ gì về con búp bê?

Búp bê đẹp, bình ổn, nhưng thụ động, vô hồn và ít nội dung.
 
Không biết chị giả vờ làm búp bê hay chị là búp bê thật, nhưng quả thật chị rất giống… búp bê?

Cuộc sống, đôi khi cần phải biết câm, biết điếc. Lúc đó, rất cần con búp bê. Nhưng không ai diễn cả đời được. Giả vờ làm con búp bê ngây ngô cũng tội nghiệp. 
 
Vậy mà không ít phụ nữ thông minh đến khi thành đạt lại ngộ ra mình ngốc nghếch: giá như mình đừng thông minh quá, hoặc ít nhất phải biết giả làm búp bê để giữ được cái hạnh phúc vốn dĩ mong manh?

Ông ngoại tôi là quan tri châu, có 3 bà vợ. Mẹ tôi ngày bé đi đâu cũng có kiệu, có kiếng. Lớn lên trong gia đình như thế, tôi luôn phải lấy chữ “nhẫn” làm trọng, trước khi ngẩng đầu phải biết cúi xuống. Ở tôi không có sự bình đẳng kiểu “cào bằng” với nam giới. Tôi rất tôn trọng đàn ông và biết nhẫn nhịn. “Vợ chồng cơm sôi bớt lửa có đời nào khê”, phụ nữ càng rời xa chữ “nhẫn” thì càng cô độc. 
 
Nếu đặt chữ “nhẫn” lên đầu, sao chị lại bỏ chồng ôm con vào Tp. HCM?

Đời sống của tôi thăng trầm, có nhiều vùi dập, chứ đâu được sướng như con búp bê, mà sức chịu đựng của con người chỉ có giới hạn. Dù muốn hay không cũng có những lần vi phạm chữ “nhẫn”.
 
Chúng ta hãy bắt đầu quá trình “vi phạm chữ nhẫn” của chị?

Mối tình đầu của tôi chính là bố của hai đứa trẻ. Khi còn bé chúng tôi đã để ý nhau. Khi tôi học cấp 3 anh ấy học xa nhà. Khi tôi học xa nhà thì anh ấy lại ra trường. Chúng tôi gặp nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi của dịp nghỉ hè và nghỉ Tết. Tháng 10 tôi làm luận án tốt nghiệp, tháng 12 tôi lấy chồng. Hai vợ chồng sống với nhau 6 năm.
 
6 năm đó chị có hạnh phúc không?

Lấy chồng xong tôi đi học trên đại học 2 năm, rồi về trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang giảng dạy. Những ngày tháng đó tôi phấn khởi lắm, đầy nhiệt huyết, cuộc sống rất trong lành. Nhưng tôi sinh hai đứa con liên tiếp, rồi có nghị định 87, giảm biên chế viên chức nhà nước. Cuộc rà soát năng lực diễn ra. Mình cũng có năng lực, nhưng không lẽ ngồi bình bầu với thầy cô? Tôi đành phải ra chợ! Tôi thuê một gian hàng ở chợ thị xã Tuyên Quang mở hiệu làm tóc phục vụ bà con. Mẹ chồng tôi là cán bộ tòa án cũng phải nghỉ và mở hàng cơm trong chợ. Đời sống khi đó rất cực nhọc. 
 
Và “mái nhà tranh” không thể níu giữ hạnh phúc?

Cái chính là 3 đời nhà chồng tôi độc đinh, anh ấy được nuông chiều quá, nên thiếu thực tế, vẫn giữ cung cách “con nhà”, một ngày vẫn dùng hai bao thuốc 555. Đã có một lần tôi xin anh ấy hãy cùng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng không thể thay đổi được điều gì. Rồi nợ nần chồng chất. Vừa sinh con gái thứ hai thì con trai 15 tháng tuổi co giật, tôi phải bán con heo, vay mượn thêm để đưa con xuống bệnh viện Nhi Thụy Điển chữa chạy.

Đó là thời gian tôi thất vọng nhất. Đời sống vợ chồng như địa ngục, không có lời trao đổi, con ốm không có sự chia sẻ. Lúc đó người bạn thân xin cho tôi xuống Hà Nội, làm ở Viện Thông tin khoa học xã hội. Tôi có cơ hội để thoát thân! Định cắp hai đứa con theo, nhưng anh ấy không cho, tôi đành đưa theo đứa con nhỏ. Tưởng anh ấy suy nghĩ lại. Không ngờ lại xuống Hà Nội quậy tôi. Những gì tốt đẹp nhất đã đổ xuống biển. Tôi chỉ còn một cách là bế con vào Sài Gòn. Lúc bấy giờ tôi mới viết đơn ly dị.
 
Lúc đó chị có còn yêu chồng không?

Thú thực là tình yêu của tôi đã hết, chỉ còn lại tình thương! Khi tôi vào Sài Gòn, anh ấy vẫn theo đuổi. Anh vào Cần Thơ xin việc, tôi cũng cảm động lắm. Nhưng tôi nói: người ta có thể làm lại rất nhiều thứ từ đống đổ nát, song không thể làm lại trên sự coi thường! Khi mình cần sự giúp đỡ của chồng nhất, cầu xin chồng cùng mình nuôi con qua cơn khó khăn thì không được đáp lại. Mà lúc đau khổ nhất, con người ta sẽ quyết định nhanh nhất. 
 
Đối với người mẹ, việc chia con luôn là cực hình, mà ra Tòa không thể tránh được cái cực hình đó?

Nếu quăng cả tuổi trẻ của tôi đi mà con hạnh phúc tôi cũng dám làm. Nếu bạn nói tôi là búp bê thì chính là búp bê ở giai đoạn đó. Tôi đã phải giả câm để giữ quan hệ tốt đẹp. Nhưng nghĩ lại, thấy sống trong một gia đình mà bố mẹ như thế thì nhân cách của con cái không hình thành nổi. Nên tôi đành chọn phương án ly dị.

Khi Tòa quyết định chia con, tôi đau lòng, quẫn bách lắm. Tôi đã làm đủ thứ, từ thuê luật sư đến nhờ bạn bắt cóc thằng bé, mà tôi đã lên kế hoạch hẳn hoi. Nhưng nghĩ bố chồng tôi là con một, mẹ chồng mổ đẻ được cậu con trai đầu lòng, 6 năm sau mới đẻ được đứa thứ hai, đến đứa thứ 6 lại phải mổ, chỉ để cố kiếm cho dòng họ thêm một cậu con trai, nên tôi không nỡ bắt cóc thằng bé. Thời gian đó gần như tôi hóa điên, ngày nào cũng đi chùa, ăn chay để tĩnh tâm. 
 
Có khi nào chị ân hận về quyết định của mình không?

Không! Lúc nào tôi cũng trả lời không! Đó là một quyết định tình thế, mà tôi không còn con đường nào khác. Cuộc tình đó làm tôi đau khổ, nhưng cũng nhờ nó mà tôi có con, được nếm trải hạnh phúc làm mẹ. Nói cảm ơn biến cố thì sáo, nhưng đúng là nhờ nó mà tôi hiểu thêm giá trị đời sống.
 
Tình yêu thứ hai đến với chị như thế nào?

Đó là một nhạc sĩ . Nhưng cuộc tình này qua nhanh lắm. Vì tôi nhận ra cuộc sống của người nhạc sĩ này không giống như âm nhạc của anh ấy. 
 
“Thành tích” vang đội nhất của chị là đã , đang làm chủ trái tim của hai nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Với người đầu tiên, sao chị lại yêu và sao lại chia tay?

Anh ấy là người đàn ông thật sự hấp dẫn. Tôi cảm giác đó là người đàn ông hoang đàng, xung quanh có rất nhiều phụ nữ. Mỗi ngày ở bên anh ấy là một ngày hội. Lúc đó anh ấy muốn có đám cưới, nhưng tôi thì sợ lấy chồng. Có cái gì đó mơ hồ mách bảo tôi không ổn. Tôi lảng ra, sau đó thì anh ấy lấy vợ, một phụ nữ rất trẻ.
 
Và chị đến với một nhiếp ảnh gia nổi tiếng khác, vì tình yêu hay để trả thù?

Không, chúng tôi đến với nhau bằng tình cảm, sự chia sẻ, hiểu biết. Trước đó chúng tôi có một bề dày tình bạn.
 
Ở bên người đàn ông này chị có bình yên không?

Tôi cảm nhận được sự bình yên trong sự mong manh. Mong manh vì chúng tôi đều quá nhạy cảm.
 
Sao chị không kết hôn, ít ra chị tạm có sự an toàn, để đỡ cảm thấy mong manh?

Tôi không nghĩ phải giữ nhau bằng tờ giấy kết hôn. Tình yêu đích thực, bền bỉ đáng giá nhất. Nếu cần có một cuộc hôn nhân tôi sẽ lấy chồng. Nhưng tôi cảm thấy như thế này là đủ rồi! 
 
Nếu không cần giữ nhau bằng tờ giấy kết hôn thì cũng đâu cần giữ nhau bằng… “máu Hoạn thư”. Nghe nói chị hay ghen với những người mẫu ảnh của người đàn ông tài hoa này?

Anh ấy biết giá trị của mình và tôi cũng vậy. Tôi không ghen, thậm chí, qua tôi anh ấy biết nhiều người mẫu hơn. Sự gắn bó của chúng tôi chỉ có thể gây dựng trên tình yêu./.

Thực hiện: depweb

01/12/2005, 20:31