Nôn nao…Thưởng Tết

Ghé thăm cô bạn thuộc loại “động vật có vú biết bay”, làm ở Việt Nam Airlines, thấy cô tay cầm viết, mắt nhìn giấy, rì rầm lẩm bẩm một mình. Nhìn xuống tờ giấy, thấy ghi “- Đi trễ 01 lần. (xuống hàng) -bị khách complaint 01 lần”.

Hỏi cô làm bản kiểm điểm cuối năm nộp sếp hả, cô cười khắc khắc, đính chính: “Đâu có, tự kiểm điểm thôi, coi bị mắc mấy lỗi, cuối năm được xếp loại lao động gì. Đừng có mà cười, hệ trọng lắm đó. Ấm túi hay lạnh túi là do nó quyết định. Mình tính trước coi được thưởng bao nhiêu, tính đường mua sắm chớ ngoài kia, tụi nó sale dữ quá, thấy mà phát sốt ruột”.

Chính cô bạn này nhắc cho tôi nhớ, thế là đã đến cái vòng hạnh phúc “mỗi năm em tính một lần”!
 
Điệp khúc sôi động thứ nhất: Bao nhiêu? Bao nhiêu? Bao nhiêu?

Có lẽ nôn nao nhất là cánh phóng viên, vì bên cạnh tiền lương cố định đến hẹn lại lên họ còn có nhuận bút, nhuận ảnh. Báo Xuân vừa phát hành buổi sáng, buổi chiều họ đã túm năm tụm ba, chắp tay thành khẩn “cầu trời năm nay báo bán đắt, in ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Thậm chí cháy sạp, phải in thêm càng tốt”.

8h sáng, mấy cô nhân viên trẻ gặp anh kế toán ở chân cầu thang, liền cười tươi với anh, cất giọng ngọt: “Anh Quý ơi, sếp duyệt tiền thưởng năm nay chưa? Bao nhiêu hả anh? Mấy tháng lương hả anh?”. Anh kế toán giữ mặt nghiêm, đáp gọn: “Chưa có”.

Bởi vì khoản nhuận bút của họ tăng lên so với mức bình thường gấp hai, gấp ba hay gấp năm lần là nhờ vào tình hình báo đắt hay ế. Quanh năm, có được một vài đề tài hay, độc, họ đã ôm ấp, nuôi nấng, giấu kín và chăm chút chờ đến số Tết mới trình làng, giờ lỡ mà báo ế, ông Phó tổng hành chính trị sự buông một câu: “Năm nay nhuận bút không có gì đột biến nha, chỉ như số thường, cao hơn chút đỉnh thôi” thì họ thất vọng và tiếc rẻ đến ngã lăn ra bất tỉnh mất!
 
Cũng không ai nhạy tin như dân phóng viên. Chưa đến giữa tháng Chạp âm lịch, mà báo nào tăng nhuận bút lên gấp mấy lần, thưởng mấy tháng lương, họ đã rành rẽ hết cả. Không dừng mối quan tâm lại tại đó để mà phân bì hay hí hửng, họ còn mở rộng vùng phủ sóng sang cả dân làm hàng không, bưu điện, dầu khí (luôn gắn với giai thoại tiền thưởng Tết lên đến con số hàng chục triệu, người ít đủ mua xe tay ga, người nhiều đủ mua…phân tư cái nhà!)
 
Và chính vì không giống như phần lớn các công ty, xí nghiệp khác, tiền thưởng Tết luôn luôn chỉ là tháng lương thứ 13, biết trước chẳng còn gì mà ngóng đợi, thất thỏm, tiền thưởng của những “loại hình nghề nghiệp” kể trên biến động theo từng năm, không năm nào giống năm nào, tùy vào kết toán tài chính cuối năm của công ty. Cho nên mới thập phần hồi hộp, cho nên mới chưa bao giờ nhân viên một lòng một dạ hướng về công ty như lúc này, cầu trời khấn phật cho công ty làm ăn phát đạt, thu hồi được nợ, tài chính khả quan, kết toán dư dả như lúc này. Tiền thưởng Up hay Down là theo cái nhiệt kế tài chính đó mà lị!
 
Nhưng dù Up hay Down gì, thì phổ biến nhất, cuối năm nhân viên mỗi người cũng được thêm tháng lương thứ 13, chưa kể những nhân vật có công trạng, thành tích đặc biệt, thì số tiền này thật khó mà đoán trước.

Cá biệt, có những công ty một mình một sách như công ty H. Hai năm nay, 98% nhân viên của họ, mấy trăm con người ta, Tết nào cũng treo niêu vì sáng kiến mới: Tết chỉ thưởng, và thưởng hậu, cho người nào có công trạng đặc biệt với công ty, không thưởng đại trà nữa, vì như vậy không khuyến khích được nhân viên và không…công bằng. Những nhân viên của công ty đó, cứ Tết đến, thấy bạn bè nhắn tin cho nhau tíu tít, “Tao được 5 triệu, hẻo quá, con Hòa tới 15 triệu, mày được bao nhiêu, ấm túi chớ hả?” lại cười hiu hắt. Có người cộc tính còn rủa “Thưởng không có, Tết đến làm cóc khô gì!”
 
Cá biệt, có những cơ quan làm ăn khấm khá nhưng không được tự hạch toán tài chính, thì dịp cuối năm cũng là dịp cấp trên làm ngơ cho anh em họ…mừng công nhau. Vậy là tiền thưởng chẻ nhỏ ra thành hàng chục tên gọi: lương tháng 13, tiền thưởng vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, tiền làm thêm giờ cả năm, tiền may quần áo, tiền hỗ trợ mua sắm phương tiện hành nghề…

Ôi thôi tùm lum thứ tiền mà đến chính người nhận cũng không biết mình đang nhận những tiền gỉ tiền gì, chỉ biết gộp lại một cục thì nở nụ cười sung sướng, kẻ chạy vù ra trung tâm điện máy Nguyễn Kim, người vọt thẳng đến Rosano Funiture, sếp thì đủng đỉnh ngó chiếc @, rồi lắc đầu cho qua, đợi một cái Tết nữa lên xe hơi luôn thể.
 

Hôm sau, hôm sau, hôm sau…, mỗi khi các cô gặp anh kế toán ở đâu, dù là trên đường đi… toa lét, cũng hỏi “Anh Quý ơi, sếp duyệt…?” Đến hôm nay thì anh đã cáu lên: “Chờ đấy! Còn lâu! Hỏi gì mà hỏi lắm thế!?” 
Ở cơ quan bạn có đang xảy ra cái điệp khúc tiền thưởng Tết này không?

Điệp khúc sôi nổi thứ 2:  Mua gì? Mua gì? Mua gì?

Báo T. nổi tiếng vì thưởng hậu. Bộ phận phóng viên, biên tập viên cỡ trưởng ban trở lên, làm việc đủ năm, xếp loại lao động tiên tiến, thì cứ yên tâm rung đùi biết rằng, tiền thưởng của mình sẽ không dưới hai chục “Tê” (triệu), (chưa kể mức nhuận bút tăng gấp 4-5 lần). Những nhân viên hành chính cấp thấp nhất cũng được dăm triệu. Thủ trưởng cơ quan này quan niệm, quanh năm trả lương thấp một chút, nhuận bút thấp một chút, dồn vào thưởng cuối năm. Coi như cơ quan “bỏ ống” cho anh em, để cuối năm họ được một khoản tiền lớn mà mua sắm những vật dụng có giá trị hoặc gửi tiết kiệm. 

Thế là nhân viên báo này, cứ làm xong báo Tết là tòa soạn vắng như chùa Bà Đanh, sếp muốn gặp chỉ có nước nhào ra các khu shopping đang ồ ạt giảm giá. Tiền chưa lãnh, nhưng ai ai cũng đã tính toán sẽ mua cái gì, gửi vào đâu, cho ai bao nhiêu rồi rút tiết kiệm ra xài trước. Không khí nôn nao, hồ hởi, sung sướng, một niềm phấn khích tập thể khiến sếp phải ôm bàn mà than: “Không cách chi quản lý nổi một lúc cả ba trăm con người đang hồ hởi sung sướng như thế này!”
 
Ở những cơ quan có mức thưởng ít hơn, thậm chí thưởng rất bèo bọt, thì cũng không ngăn được cái điệp khúc “Sắp có thưởng rồi, mua gì cuối năm” của nhân viên.
 
Tuyết Hà, nhân viên một công ty quảng cáo tại TPHCM, kể về kinh nghiệm của mình năm ngoái: “Ngay khi được sếp cho biết mỗi người sẽ được ba tháng lương, cả cơ quan chưa thấy tiền đâu nhưng đã nháo nhào chạy đi. Mình và hai cô bạn thân thì trưa nào, chiều nào cũng vậy, hết giờ làm việc là lăn lóc ở mấy trung tâm mua sắm. Hôm nào về cũng mệt mỏi rã rời, đói hoa mắt nhưng miệng cười toe vì tay xách đầy bịch lớn bịch nhỏ. Cuối đợt mua sắm ngồi cộng lại, đã thấy tiêu sạch bách số tiền thưởng, thâm mất hơn triệu chỉ cho váy xống, giày dép, nước hoa và ba thứ đồ vớ vẩn! Kinh khủng quá! Năm nay chỉ mua ba bộ đồ thôi, còn nữa dồn tiền đổi lấy chiếc Piagio ET8.”

Trong công ty của người viết bài này, có một cô bạn đồng nghiệp đã ôm đầu kêu lên, ngay mới sáng nay thôi: “Trời ơi, làm sao tôi sống nổi khi mà hội chợ mở khắp nơi, giảm giá khắp nơi, mà…sếp của tôi thì không biết gì đến tất cả những thứ đó. Ông ấy nói, ông ấy chỉ thưởng cho chúng tôi có một tháng lương thôi. Trời ơi!” Đúng là một vở bi kịch bản điển hình, nhận được 100% sự đồng cảm của ngồi làm việc lòng hướng về tiền thưởng Tết đang đọc bài này.
 
Điệp khúc sôi động thứ ba: Ngu gì nghỉ!

Thời điểm vài tháng cuối năm, các công ty “săn đầu người” gần như ngồi chơi xơi nước. Không một cái “đầu người” nào chịu rời bỏ công ty hiện đang làm (dù là công việc chán ngắt, trang thiết bị lạc hậu, đồng nghiệp cà chớn, thằng cha sếp dốt nát hách dịch…) để đi đến một nơi làm mới đầy thơm tho hấp dẫn. Lý do? Ngu sao đi! Làm quanh năm chỉ chờ đến những ngày này, bỏ đi thì có mà treo niêu.
 
Bởi vậy, cuối năm chính là thời điểm những người đi làm công ăn lương có sức chịu đựng tốt nhất trong năm. Đến mức dù có điều gì xảy ra với họ chăng nữa, tức mấy chăng nữa, họ cũng sẽ nín nhịn được hết, cùng lắm thì viết đơn nghỉ việc cất kỹ trong ngăn tủ, khóa lại, chờ ăn Tết vô rồi mới trình cho sếp. Tuy nhiên, cũng có những nhân viên mới ra trường, non chịu đòn, đâm đơn nghỉ việc bất kể thời điểm. Lúc này, các ông anh, bà chị có kinh nghiệm và đầy thiện ý sẽ khuyên: “Ngu sao nghỉ lúc này, em? Em tức ổng, thì em càng phải ráng ở lại, ẵm mớ tiền thưởng cuối năm đã chớ. Công sức mình đổ ra suốt một năm ròng, giờ để làm giàu thêm cho ổng sao?”. 

Nghe thực dụng và có lý hết đường cãi, phải không? Và thể nào trong số đó cũng có một vài lính mới chịu ngồi im lặng ngẫm nghĩ rồi gật gù: “Ừ, cuối năm rồi, chờ lãnh tiền thưởng đã. Ngu sao nghỉ!”

Sếp nhức đầu, nhân viên ngóng đợi


From the same category