Theo quan điểm phổ biến thì mục đích của cạnh tranh không phải là đánh bại đối phương mà là thể hiện bản thân mình. Theo quan điểm tâm lý học, cạnh tranh là nhu cầu tâm lý đòi hỏi xã hội và người khác công nhận mình, thể hiện cái tôi vượt trội, xuất sắc hơn người khác.
Phần cốt lõi của cạnh tranh chính là ở chỗ phát huy hết năng lực của mình, để khiến cho bản thân mình có tầm vóc nhất, ưu tú nhất, chứ không phải là nghĩ cách khiến cho đối thủ gục ngã. Như vậy, cạnh tranh không phải là so sánh cùng người khác, mà là so sánh với bản thân, là sự tự đánh giá, kiểm tra bản thân. Bất kỳ một sự cạnh tranh không lành mạnh nào đều là sự phủ định và làm nhục chính mình.
Bởi vậy, cạnh tranh không chỉ thể hiện năng lực của mình, mà còn là thể hiện nhân cách của mỗi người.
Thái độ cạnh tranh được coi là lành mạnh khi nó thể hiện những đặc điểm sau:
+ Ngay thẳng, trung thực với đối thủ.
+ Không được xem đối thủ cạnh tranh là kẻ thù.
+ Cạnh tranh một cách trung thực (tuyệt đối không là kẻ cản trở, là vật cản đối với sự thành công của người khác).
Mạnh Hà, nguyên đội trưởng công ty bảo hiểm Chinfon, trưởng đại diện chi nhánh công ty Bảo Minh: Tôi không còn sức chiến đấu với "cạnh tranh"
Cuộc sống luôn là một cuộc chiến không ngừng, dù nhìn dưới góc độ tích cực hay tiêu cực. Tôi tự nhận mình là người có khả năng nhưng lại không có sức bền chiến đấu, nên hậu quả là tôi phải làm riêng sau bao nhiêu năm làm việc ở các công ty bảo hiểm và đã rất gắn bó đến mức tưởng chừng không thể nào chia tay được. Thế nhưng, dưới quá nhiều áp lực công việc, gánh nặng của sự cạnh tranh và sức ép thành tích dồn từ cấp trên, cấp dưới khiến có lúc tôi tưởng như mình bị bóp nghẹt.
Và cuối cùng, tôi cũng đã đầu hàng. Làm việc ở công ty bảo hiểm đa quốc gia tầm cỡ, là đội trưởng (unit manager), dưới quyền có 40 nhân viên, đội tôi luôn vượt chỉ tiêu và tôi liên tục có mặt trong các chuyến công du nước ngoài nhờ vào phần thưởng xếp điểm. Tiền hoa hồng đủ để mua một chiếc xe tay ga mỗi tháng hẳn phải là niềm mơ ước của rất nhiều người. Vậy mà tôi đã phải đầu hàng, phải ra đi dù trong lòng có bao nhiêu điều nuối tiếc. Tôi tự thấy, đến lúc tôi không còn sức để chiến đấu với cạnh tranh nữa…
Minh Phương, nhân viên đối ngoại truyền thông, Công ty quảng cáo AVC: Cạnh tranh là thế mạnh của tôi
Tôi còn trẻ, rất sung sức nên cạnh tranh là thế mạnh của tôi. Thực ra, cạnh tranh lành mạnh hay không là do suy nghĩ của mỗi người thôi. Riêng tôi, tôi thấy trong môi trường làm việc lúc nào cũng có những trở ngại hiển nhiên và mình phải vượt qua hết. Người có khả năng sẽ là người thông minh, và người thông minh thì không thể bị người khác dùng các chiêu bài xấu để đánh bật họ ra được. Ở công sở, sếp chẳng bao giờ nghĩ xấu hoặc ghét nhân viên chỉ vì một vài lỗi lầm, mà thường là cả một quá trình.
Tôi tự thấy mình có lợi thế về nhiều mặt nên không muốn cạnh tranh gay gắt ở công sở vào thời điểm này. Người ta chỉ cạnh tranh khi cảm thấy yếu thế và muốn tồn tại ở một vị trí mà người ta quyết liệt cố thủ. Tôi chưa nghĩ mình đến tuổi ấy và đến mức ấy. Hiện tại, tôi đang có công việc với nhiều thử thách và rất hưng phấn với những dự án mà tôi đang theo đuổi. Tôi sẽ luôn cố gắng giữ mình ở vị trí giỏi nhất, tốt nhất trong công việc được giao, để không còn ai nghĩ đến việc cạnh tranh với tôi nữa.
Nguyễn Quốc Bảo, Giám đốc Cty Awareness ID: "Chơi" người khác là anh đã thua nốt phần danh dự
Hiện ở công ty anh có sự cạnh tranh công khai hay ngấm ngầm nào đó giữa các nhân viên với nhau không?
Theo tôi cạnh tranh thì ở đâu cũng có, cạnh tranh lành mạnh, không lành mạnh, tây cũng có, ta cũng có, mỗi nơi mỗi kiểu, theo văn hóa, thói quen của từng nơi. Chắc tôi chỉ dám khẳng định có cạnh tranh lành mạnh tại công ty tôi thôi, còn cạnh tranh không lành mạnh thì tôi không biết, vì nếu biết thì tôi đã “xử” ngay rồi.
Chắc anh vẫn thường tạo ra sự cạnh tranh trong công ty mình?
Trước hết, cạnh tranh lành mạnh theo tôi là tốt, đặc biệt đối với một công ty dịch vụ chuyên nghiệp. Không cạnh tranh thì không phát triển. Cạnh tranh lành mạnh tạo ra các giá trị cộng thêm có ích cho chính công ty và cho khách hàng của công ty đó. Ví dụ: chúng tôi tạo ra sự cạnh tranh trong các hoạt động sáng tạo thông qua việc thường xuyên bình luận một chương trình PR cho khách hàng. Sự sáng tạo trong chương trình này được biểu dương trước tập thể và bản thân người chỉ huy dự án đó được yêu cầu trình bày lại sáng kiến của mình trước tập thể. Xin nói thêm, việc tạo ra cạnh tranh cũng cần sự tế nhị, khéo léo và hiểu biết của người lãnh đạo, nếu không nó cũng sẽ tạo ra tính đố kỵ và các tiêu cực khác.
Nếu anh biết trong công ty hiện có một vài “chiến binh” đang triển khai những chiêu thức chơi xấu đồng nghiệp mà vô tình lại “trúng ý” anh, anh sẽ giữ im lặng chứ?
Đã gọi là chơi xấu, cạnh tranh không lành mạnh thì chắc chắn mâu thuẫn với quyền lợi của công ty, không thể nào “trúng ý” tôi được. Quyền lợi của công ty bao gồm quyền lợi của từng cá nhân. Việc cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng lên cảm xúc, tinh thần làm việc và năng suất lao động đấy chứ. Tôi thật sự bức xúc nếu có ai trong công ty tôi làm thế và chắc chắn phải tước vũ khí của các “chiến binh” này ngay!
Anh đã bao giờ là nạn nhân của một vụ chơi xấu nào đó chưa?
Tôi cũng có gặp khi làm ở một công ty cũ và đó chính là lý do tôi xin nghỉ việc tại công ty đó. Tôi gặp nhiều khó khăn trong công việc vì những trò này. Nhưng thôi chuyện cũ, có khi không cần phải kể lể!
Đã bao giờ anh là thủ phạm trong trò chơi xấu?
Hồi còn đi học thì có. Lâu rồi, sau đó thấy tội nghiệp, nghĩ lại mình mới là kẻ thua cuộc, thất bại vì sử dụng “tiểu xảo”!
Là một giám đốc, anh cho nhân viên của mình một lời khuyên như thế nào khi họ là thủ phạm của một trò cạnh tranh bẩn?
Trước hết, “chơi” người khác là anh đã thua nốt phần danh dự của anh mà lẽ ra với phần danh dự đó, anh còn đủ tư cách để cải thiện “tình hình” nếu thua về tài năng.
Theo anh, cạnh tranh trong công sở nên dừng lại ở mức độ nào là “đẹp” nhất?
Theo tôi, đã đến công ty thì mức độ cạnh tranh nên dừng lại trong mục đích phát triển của công ty. Bất kỳ thành viên nào cũng phải hiểu và lấy sự thành công của tổ chức làm thành công của chính mình. Nhất thiết phải tránh tình trạng ích kỷ, hẹp hòi. Đã làm việc tại nhiều loại hình công ty, tôi chưa thấy ai ích kỷ mà thành công cả./.