Thế giới từ lâu đã tuyên bố nghề truyền thông là nghề nguy hiểm. Vừa phải chịu sức ép tâm lý nặng nề của công chúng, của ban biên tập và… bạn bè ban biên tập, vừa phải đến những vùng có chiến sự ác liệt, chịu đựng chen lấn, xô đẩy, thiếu an toàn, thiếu… tắm rửa. Toàn là những thứ đáng ngại với phái đẹp, cho nên số lượng các cô gái chọn nghề này không hề đông, và các giải báo chí có uy tín cũng ít khi lọt vào họ. Nhưng ở ta thì khác…
Nghề báo cần có kiến thức, điều ấy khỏi phải bàn, nếu không làm sao ta phân biệt được điện ảnh với đua xe, bóng đá với cạo sơn tường. Nghề báo cần có sức khỏe, điều ấy cũng không cần phải tranh cãi, nếu không lấy lực đâu để xé phong bì, ngồi cả ngày dự hội nghị hay dự tiệc khai mạc liên miên. Nghề báo cũng cần dũng cảm để khen một bài hát chẳng ma nào nghe hoặc một chương trình mà thiên hạ bị ép phải mua vé.
Nhưng nghề báo còn cần nhan sắc nữa!
Nhận định này của tôi có phải là do cô hoa hậu Việt Nam vừa rồi là sinh viên báo chí hay không? Dứt khoát là không vì chẳng có gì bảo đảm một học sinh báo chí sẽ ra làm báo chí, nhất là khi đã đội được vương miện!
Nhận định này căn cứ vào thực tế rõ ràng do hiện nay, ít ra trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, các phóng viên của chúng ta phần lớn là phụ nữ, ấy chết, là con gái mới đúng.
Từ văn học tới sân khấu, từ ca nhạc tới điện ảnh cho tới phóng sự xã hội, các nữ phóng viên đang tung hoành, xâm chiếm, đè bẹp, biểu dương tài năng, trí tuệ và… sắc đẹp.
Nếu các bạn được may mắn dự vài liên hoan phim Việt Nam gần đây, các bạn sẽ thấy trong khi nữ diễn viên đã ít, đã cũ, đã già, đã im lặng thì các nữ nhà báo đang đông, đang trẻ lại đang cười nói rộn ràng. Mà chẳng cứ gì xinê, những cuộc khai trương đêm nhạc, cắt băng triển lãm hoặc ra mắt chương trình, nữ “nhật trình” đang đóng vai trò thu hút rất mạnh mẽ.
Tại sao thế nhỉ?
Thế giới từ lâu đã tuyên bố nghề truyền thông là nghề nguy hiểm. Vừa phải chịu sức ép tâm lý nặng nề của công chúng, của ban biên tập và… bạn bè ban biên tập, vừa phải đến những vùng có chiến sự ác liệt, chịu đựng chen lấn, xô đẩy, thiếu an toàn, thiếu… tắm rửa. Toàn là những thứ đáng ngại với phái đẹp, cho nên số lượng các cô gái chọn nghề này không hề đông, và các giải báo chí có uy tín cũng ít khi lọt vào họ.
Và ở ta thì sao?
Ở ta thì chả có luật lệ rõ ràng. Các phóng viên lấy tin không phải lúc nào cũng bằng nguyên tắc về tính dân chủ và công khai (nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật) mà trong sự quen biết, sự mềm dẻo và sự… nũng nịu. Điều này thì các nữ ký giả hơn hẳn đàn ông.
Nếu như ở nhiều nơi, phóng viên tác nghiệp nhờ sự hiểu biết sâu sắc luật pháp, về vai trò của cơ quan ngôn luận thì ở nhiều tòa soạn của chúng ta, nhất là các tòa soạn những tạp chí mang nặng tính giải trí, ký giả hành nghề bằng nhờ vả, bằng xin phép và cả bằng nước mắt khi cần.
Mà chuyện ấy các cô vô địch!
Không thể chối cãi một thực tế: Lập luận là sức mạnh của đàn ông (đến mức nếu có một cô gái hay lập luận, bà con sẽ bảo cô ta nhiều… nam tính). Thế nhưng với nền nghệ thuật còn quá nhiều đơn giản của nước nhà, lập luận để mà làm gì? Để trở thành một kẻ suốt đời chê, một nhà mô phạm hay phóng viên cao đạo chăng? “Chúng nó” sẽ tẩy chay, sẽ không mời, sẽ đẩy mình “cô đơn” đến chết!
Trong các tòa soạn hiện nay, nếu là phóng viên về chính trị xã hội, về khoa học kỹ thuật hoặc về thời sự quốc tế, ban biên tập sẽ rất cân nhắc vì đấy là điều “sống chết” của tờ báo. Còn văn hóa ư? Khen nhầm (hay giả vờ khen nhầm) một bộ phim, một vở kịch, phê phán bừa một đêm nhạc thì có… chết ông Tây nào!
Vậy đây đúng là chỗ của các con, các cháu và các… em chứ “còn chờ gì nữa”! (Như lời kêu gọi của một hãng bia!).
Hậu quả là những buổi ra mắt hoặc trình diễn nghệ thuật, ta luôn luôn thấy cả chục cô xinh tươi, nhí nhảnh, ngồi hàng đầu, mặt mũi long trọng, ít khi hỏi gì nhưng lại lúi húi ghi chép một cách bí hiểm những điều… mãi mãi không bao giờ công bố, hoặc có công bố thì đơn giản đến… sửng sốt.
Hậu quả là ký giả Nguyễn Văn Tèo hoặc Trần Văn Củi rất khó gặp ông trưởng ban giám khảo này hay vị phụ trách hội nghị kia thì Công Tằng Tôn Nữ Thơ Ngây cùng Hà Kiều Bé Bỏng muốn tới bao giờ và ở bao lâu cũng được.
Những yếu tố đó tuy chưa ai tổng kết, nhưng được hình thành một cách tự nhiên và… hồn nhiên, trải qua “quá trình tiến hóa lịch sử” đã dần dần tạo ra sức mạnh vật chất, khiến các nữ phóng viên ngày càng đông đảo trong lĩnh vực này.
Nếu bạn không tin, thì cứ nhìn vào đội ngũ các “ký giả” về văn nghệ trên diễn đàn báo chí hôm nay, bạn sẽ thấy tỷ lệ phái đẹp đã, đang và sẽ ngày càng áp đảo.
Nhưng điều đó không có gì đáng phàn nàn, chừng nào bạn còn là một người hoạt động nghệ thuật biết ga lăng, hòa nhã và… đẹp trai./.