Những câu chuyện tếu táo, lối trả lời phỏng vấn như… trêu tức, như thách thức… đã là một phần diện mạo của Nguyễn Quang Dũng, nickname “Dũng khùng”, trên báo chí. Lần này, Dũng “khùng” cam đoan sẽ trả lời phỏng vấn một cách “nghiêm túc nhất có thể”, sẽ suy nghĩ chán chê trước khi trả lời.
Đây là một cuộc phỏng vấn qua email, khi Dũng đang ở Đà Lạt viết kịch bản cho “Võ Lâm Truyền Kỳ – Nhiệm vụ thập đại mỹ nhân”, mọi câu trả lời do chính Nguyễn Quang Dũng tự tay đánh máy, nếu có sự “can thiệp” từ phía người hỏi, chỉ là ở vài lỗi chính tả. Cũng vì hỏi qua email, nên sẽ có những câu hỏi hơi dài, nhằm tránh trường hợp người trả lời cố tình… né
Anh dường như là người rất giỏi trong việc tạo dư luận, hoặc dư luận cũng luôn quan tâm đến anh, từ hồi làm nhạc “Những cô gái chân dài” tới phim “Hồn Trương Ba”. Lần này anh có tin vào “vũ khí dư luận” cho dự án “Võ Lâm Truyền Kỳ” không?
Người ta không thể tạo ra được cái gì mà người ta không có, dư luận cũng không quan tâm đến những điều mà họ cảm thấy không thú vị. Tôi là người ý thức được điều đó và tự cảm thấy phải có trách nhiệm với những sản phẩm của mình để bảo đảm công chúng phải chú ý đến những sản phẩm mà tôi và nhà sản xuất đã bỏ công sức và tiền của ra để thực hiện.
Thời buổi hiện đại, mỗi sáng mở mắt ra, bạn có hàng tỉ thứ trước mắt, bạn sẽ rất khó chọn lựa để quan tâm đến cái nào, cách dễ dàng nhất là bạn chọn một thứ làm bạn thấy đặc biệt. Tôi không xem việc làm cho dư luận chú ý là “chiêu thức” mà tôi thấy rằng một người làm chuyên nghiệp phải ý thức được việc đó một cách nghiêm túc.
Việc phim “Hồn Trương Ba” không thắng oanh liệt về doanh thu, trái với “thắng” tưng bừng về dư luận, anh có nghe được những lời “chê” của ai đó rằng những tuyên bố của anh cũng là một kiểu “hồn Trương Ba da hàng thịt” không?
Tôi biết rất nhiều người chê, chê tơi bời, họ chê họ tức mà họ không ngủ được, nhưng tất cả “sự chê” đó chỉ bằng một phần nhỏ trong trí tưởng tượng của tôi trước khi bắt tay vào làm.
Tôi là người biết chấp nhận những thứ trái ngược nhau và cũng là người biết lúc làm thì hãy quên hết những thứ đó. Rất đơn giản, tôi phát chán những thứ cũ kỹ, công thức, lối mòn và tôi muốn làm cái gì đó khác, và khi tôi suy nghĩ như vậy thì tôi biết cũng có những người chịu không nổi điều tôi làm. Như thế mới có những thứ khác biệt trong cuộc sống.
Mới đây, ê-kíp làm “Võ Lâm Truyền Kỳ” của hãng Phước Sang đã úp mở thông tin sẽ mời những ngôi sao láng giềng như Triệu Vi đóng phim của họ, vậy là cuộc cạnh tranh sẽ rất gay gắt. Đây có phải là những áp lực cho anh khi làm “Võ Lâm Truyền Kỳ” cho Thiên Ngân?
Ăn ké World Cup một chút. Tôi thấy nghề đạo diễn cũng giống như nghề Huấn luyện viên. Khi anh đã ký hợp đồng với đội bóng thì anh phải làm tốt nhất trong điều kiện của đội bóng đó. Nếu nắm giữ đội bóng quá nhiều ngôi sao thì anh phải biết khai thác hết các ngôi sao đó, còn khi đội bóng ít ngôi sao thì anh phải biết chọn đấu pháp. Điều quan trọng nhất là anh cùng đội bóng đó ra sân và thi đấu với tinh thần khát khao chiến thắng. Vì thế áp lực lớn nhất của tôi là tôi phải khai thác được hết những gì tôi có trong tay.
“Nhảm nhảm”, “tếu tếu” được nhiều người coi là “phong cách” làm phim của anh sau “Hồn Trương Ba…”, cũng có người cho rằng đó là cách để anh “bào chữa sớm” cho những bộ phim… có thể dở của mình? Anh tự nhận thấy bản thân mình có cái nhìn thế nào về sự “nhảm nhảm”, “tếu tếu”?
Có lẽ phong cách của tôi là thích làm những gì mà thị trường Việt Nam đang thiếu và nhu cầu đang cần. Đối với tôi thể loại phim nào cũng giá trị, quan trọng là phải làm ra chất thể loại đó và với “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, tôi tự hào vì mình làm được điều đó. Tôi cũng hay tự khen mình là “nhảm” vì nhảm làm tôi vui và đỡ mệt giữa một đống công việc nghiêm túc. Thật sự đôi khi tôi rất sợ những người nghiêm túc và tôi đang sợ luôn cả những câu trả lời nghiêm túc của chính tôi từ đầu đến giờ.
Tuy nhiên phá cách như thế nào thì tùy nhưng trong môi trường nhất định vẫn có một cái gì đó rất chung. Tôi nhớ hoài phim “Hoa hậu FBI”. Khi nhân vật chính trả lời phần thi ứng xử, dù cô ấy phát ớn kiểu trả lời “Tôi mong muốn hòa bình thế giới” của các hoa hậu, nhưng cô ấy vẫn buộc lòng phải nói “Tôi mong muốn hòa bình thế giới” để kết thúc phần thi ứng xử của mình trong không gian đó, thời điểm đó và được ban giám khảo cùng khán giả vỗ tay.
Đoạn kết phim của phim “Hồn Trương Ba da hàng thịt” là một loại “Tôi mong muốn hòa bình thế giới” và thật sự phim “Hồn Trương Ba da hàng thịt” “nhảm nhất” là đoạn kết vì nó quá nghiêm túc so với phim. Nhưng tôi cũng không buồn phiền điều đó vì tôi cảm thấy mình là một đạo diễn chuyên nghiệp và cần bảo đảm an toàn cho bộ phim phát hành đúng ngày.
Những quẩn quanh về đề tài, về cách thể hiện trên mấy bộ phim Việt ăn khách gần đây, từ chuyện đồng tính tới chân dài, khiến người ta nghi ngờ về một sự phục hưng thực sự của phim truyện Việt Nam, và nhớ lại những bộ phim “mì ăn liền” ngày xưa cũng từng chết chùm vì sự luẩn quẩn ấy. Là người làm phim thế hệ mới, anh quan niệm thế nào về sự quanh quẩn này?
Thật ra nếu bạn theo dõi những phim ăn khách của Hollywood thì bạn sẽ thấy một điều những phim ăn khách thường có chủ đề xoáy vào những thứ: hài, hành động, bạo lực, kinh dị, tình dục giới tính, tình cảm sướt mướt hoặc là hoang tưởng phi thực tế.
Tôi nghĩ phim Việt Nam chưa bắt đầu đi bằng con đường đó, nên sẽ chết từ khi chưa bắt đầu.
Người ta bắt đầu nói đến dòng phim tác giả, với sự xuất hiện của những người như anh hay Bùi Thạc Chuyên, dù là thị trường hay nghệ thuật thì cũng là dòng phong cách, nếu quả thực có “phong cách Nguyễn Quang Dũng” thì phong cách ấy sẽ thể hiện cụ thể trên phim của anh như thế nào, nói cách khác, cái Tôi của anh sẽ vào phim ra sao, không kể những lời tuyên bố? Anh có thể trả lời câu hỏi này bằng cách nói “Hãy xem phim của tôi thì biết!”, nhưng đặt trường hợp người ta xem rồi vẫn không biết, hoặc xem phim mà không biết anh đứng đằng sau phim ấy, thì anh có thể mô tả thế nào về cái “Tôi” của mình trong phim?
Phong cách của tôi là chẳng hề có phong cách gì cả. Nhà sản xuất cần gì cứ trả lương tôi cao, tin tưởng tôi và cho điều kiện làm việc tốt thì tôi sẽ suy nghĩ nghiên cứu thể loại phim đó. Không tin thì bạn hãy chờ đợi, tôi đã làm phim hài “Hồn Trương Ba da hàng thịt” và bây giờ tôi chuẩn bị làm phim hành động hài võ hiệp “Võ lâm truyền kỳ, nhiệm vụ thập đại mỹ nhân” và sau đó tôi sẽ làm một phim cho người ta sợ phát khiếp, có khi phải chạy ra khỏi rạp.
Tôi chỉ muốn nhà sản xuất nhớ đến tôi là một đạo diễn thu được tiền cho họ và họ phải trả lương cho tôi rất cao. Còn khán giả họ sẽ cười sặc sụa, tức tối, la làng, giật mình, phát ói, mắc cỡ khi nhìn lên màn hình, cười tủm tỉm hay nín thở, thút thít trong rạp và tôi ngồi quan sát họ trong rạp một cách hạnh phúc và ghi chú những điều rút kinh nghiệm.
Vậy trong trường hợp anh không mang được nhiều tiền về cho nhà sản xuất, tức là phim làm ra bị… lỗ, thì “giá” của anh sẽ được điều chỉnh như thế nào?
Lại mượn chuyện World Cup. Khi một cầu thủ được chuyển nhượng, giá thường xuyên được nâng lên. Ai thích thì mua. Xin tiết lộ là lần này lương của tôi ở Galaxy cao gấp 5 lần khi làm phim “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Lại nhắc tới phim này, tôi thấy “Hồn Trương Ba…” không thắng về doanh thu như mơ ước thôi, có lẽ những người làm phim cũng hoang tưởng, đặt chỉ tiêu doanh thu cao quá, nên cuối cùng không đạt mục đích, chứ so về thời điểm chiếu, hoàn cảnh chiếu, thì vẫn là thu được rất nhiều!
Nói tiếp về chuyện tăng giá. Tôi dám khẳng định nếu “Võ Lâm Truyền Kỳ” không có được doanh thu như mong muốn, mà mong muốn luôn là… vô cùng, thì một cuộc chuyển nhượng khác sẽ diễn ra, và giá của tôi sẽ chỉ có tăng chứ không xuống. Chừng nào các nhà sản xuất còn chưa hợp tác với nhau thì giá “chuyển nhượng” sẽ còn tăng hoài, vì cầu thủ “ngôi sao” quá ít!
Dư luận, như đã nói ở câu hỏi đầu tiên, lại bắt đầu sôi lên quanh vụ “Võ Lâm Truyền Kỳ, họ sẽ còn “soi” anh nhiều sau “vụ” “Hồn Trương Ba…”, anh đã lên chiến lược đối phó hay “tận dụng” hiệu ứng dư luận này chưa?
Tôi không sợ người ta “soi”, tôi cũng chẳng phải lên chiến lược vì người ta hỏi thì tôi cứ trả lời những gì mình suy nghĩ . Nếu báo chí bán báo được thì phim tôi bán vé được.
Những nhà sản xuất “Võ Lâm Truyền Kỳ” đã tin tưởng ở anh thế nào, sau khi phim “Hồn Trương Ba…” một phim anh làm cho đối thủ của họ, không đạt được hiệu quả về doanh thu? Liệu có phải họ khoái cách anh đã tạo được dư luận, hay họ tin vào cái tài thực sự của anh, hay cả hai?
Nếu nói GALAXY họ tin vào khả năng tạo dư luận của tôi thì họ nên tin chính họ hơn vì họ là công ty P.R chuyên nghiệp. Giống như cầu thủ đá thuê thôi, đội bóng nào thấy ai phù hợp thì họ mời, khi nào không phù hợp nữa thì họ bán đi. Khi là đối thủ tức là đối thủ, khi nào là đồng đội thì cùng nhau chơi hết mình. Chuyên nghiệp là vậy. Bóng đá đã làm từ lâu rồi.
Câu hỏi cuối, học theo cách anh “nhái” các phim khác, xin “nhái” theo khuôn mẫu của vô số các cuộc phỏng vấn khác: Anh có thể nói gì, nói đúng theo phong cách của anh, về chính bản thân anh và mẫu người… phụ nữ, bạn gái mà anh mong muốn?
Có một người bạn đã nhận xét như thế này mà tôi thấy “nhảm và mắc cười”: Thằng Dũng Khùng nó có sở thích giống đại gia: thích ăn sushi, ở resort, xe ôtô và gái đẹp mà nhảm nhất là nó không phải đại gia.
Về phụ nữ. Tôi trân trọng những người nào yêu thích tôi cho dù là ai vì điều đó không có nhiều. Hấp dẫn của phụ nữ đối với tôi cũng giống như sở thích xem phim của tôi. Tôi bị lôi cuốn bởi những hình ảnh âm thanh sống động còn sự sâu sắc của bên trong thì thật là khó bởi vì hình ảnh âm thanh thì có thể tiếp cận ngay và giá trị bạn thấy bằng giác quan rõ ràng, còn cái nghệ thuật tiềm ẩn sự sâu sắc thật khó đoán, giá trị của nó có khi cả đời bạn mới tìm thấy được, đôi khi nó lại là giá trị ảo./.