Tôi về công tác ở Hãng phim Giải phóng đến nay đã được 23 năm. Trong quãng thời gian đó, Hãng đã qua bốn đời giám đốc, nhưng tôi chưa hề biết nhà và đến thăm một ai, dù chỉ một lần.
Tôi không bao giờ ngồi ăn uống, tham gia nhậu nhẹt, không dự các đám giỗ, đám tiệc tại gia của bất kỳ lãnh đạo nào. Tôi chỉ gặp đồng nghiệp tại cơ quan, cố gắng làm tốt việc của mình và hết.
Có nhiều người, nếu không nói tất cả mọi người sẽ cho thế là cực đoan, là thiếu tình cảm. Tôi biết nhưng xin nói trước là sẽ không thay đổi. Vì theo tôi, lý trí quan trọng hơn.
Ở rất nhiều nước, nếu bạn là người chuyển từ công ty nọ sang công ty kia liên tục, người ta sẽ đánh giá bạn là người giỏi giang, năng động và ai cũng cần. Trong khi ở ta, một người như thế có thể bị kết tội là thiếu chung thủy, ai cũng ghét, có một lý lịch đáng nghi ngờ.
Theo tôi điều đó sai lầm hoàn toàn.
Giữa một kẻ giỏi chuyên môn nhưng hay cãi, hay phản kháng, có thái độ sòng phẳng và một kẻ kém cỏi nhưng hòa nhã có quan hệ dễ chịu, các nhà quản lý Việt Nam hay chọn kẻ thứ hai. Đấy chính là một bi kịch lớn, một “nguyên nhân” chiếm vị trí không nhỏ góp phần vào sự trì trệ của quốc gia!
Nhà giáo dục nổi tiếng người Nga Makarenco có nói: “Tình cảm thì gà mái cũng có”. Nhưng theo quan điểm của ông, mà tôi vô cùng tán thành, thì thế giới này được xây dựng bằng lý trí, và chính lý trí khiến loài người thông minh hơn muôn loài trên trái đất. |
Tôi rất bực mình khi ở đâu cần người lãnh đạo, ở đó những nhân vật ôn hòa, ít va chạm, ít đấu tranh thường thắng thế. Điều này đặc biệt phổ biến trong các công ty “quốc doanh” nơi mà hiệu quả lao động đôi lúc không phải là thước đo lớn nhất của năng lực, mà hiệu quả “quan hệ” được đánh giá cao hơn.
Cái lối sống thiên về tình cảm của chúng ta có rất nhiều ưu điểm, nhất là trong gia đình. Nhưng trong các văn phòng, các xưởng sản xuất nó trở thành một trở ngại, một rào cản của văn minh.
Rất nhiều người tôi quen, có trí tuệ, có chuyên môn cao, đã tìm được nơi mới đánh giá đúng năng lực của họ và sẵn sàng trả lương cao, nhưng cứ ngần ngừ không rời cơ quan cũ, mặc dù trong lòng tiếc nuối day dứt. Lý do viện ra là “chỗ này gắn bó tình cảm quá, ra đi thật áy náy”.
Theo tôi, thứ tình cảm đáng tin cậy nhất, ít ra trong công việc (và công việc, khổ thay luôn chiếm “thị phần” quan trọng nhất của đời người) phải được xây dựng trên năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, chứ không phải năng lực đi dự đám cưới, năng lực vào thăm khi đau ốm hoặc năng lực đến chúc tụng vào dịp lễ Tết.
Cái lối duy trì cơ quan như một gia đình, trong đó tất cả mọi người đều quây quần và “tha thứ” cho nhau đã có một thời gian rất lâu được đề cao quá đáng, được kể như là một “ưu thế” của phong cách Việt Nam nói chung và Á Đông nói riêng, đang ngày càng bộc lộ nhiều bất ổn thậm chí là… tai họa.
Thế là ở đâu có cơ quan Nhà nước, là ở đó có nạn con ông cháu cha, nạn họ hàng hóa hay ít nhất là nạn bạn bè hóa các mối liên hệ trên dưới.
Nếu như lý trí rất rành mạch thì tình cảm ở ta hay bị biến tướng thành những quan hệ linh tinh, đôi khi ai cũng cảm thấy sáo rỗng và vô bổ nhưng không ai dám nói. |
Nó trở thành nguyên nhân của sự thông cảm, sự xuề xòa, sự nể nang khiến những cơ quan này đánh mất đi tính rành mạch và tính chuyên nghiệp vốn là những đòi hỏi ngày càng gay gắt.
Tại một quốc gia truyền thống nặng nề như Nhật Bản, nơi người ta quen sống và chết suốt đời với công ty, các nhân viên coi ông chủ như người cha lớn, gắn bó và tận tụy đến cùng, những suy nghĩ kiểu đó cũng bắt đầu tan rã.
Lớp trẻ Nhật Bản đã hành động, và đã chứng minh kiểu suy nghĩ như thế là lạc hậu, thậm chí là rào cản cho sự phát triển của xã hội.
Như thế có thực dụng quá không? Theo tôi thì không. Như thế chỉ rành mạch quá mà thôi. Nếu pháp luật càng ngày càng tiến tới rành mạch thì tình cảm cũng không sao thoát khỏi xu hướng đó. Chơi là chơi, làm là làm, bạn là bạn, việc là việc… Thích hay không thích thì chúng ta cũng phải chấp nhận điều này.
Tôi còn muốn đi xa hơn nữa. Tôi cho rằng tin cậy trong công việc mới là tin cậy vững bền, là cơ sở của mọi tin cậy khác. Giữa lý trí và tình cảm thì tôi dứt khoát chọn lý trí.
Bởi nếu như lý trí rất rành mạch thì tình cảm ở ta hay bị biến tướng thành những quan hệ linh tinh, đôi khi ai cũng cảm thấy sáo rỗng và vô bổ nhưng không ai dám nói. Nào lễ lạt, nào thăm hỏi, nào mời mọc “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, tất cả đều biết, thậm chí đều mệt mỏi nhưng ngại nói ra. Thật khốn khổ thay!