Xác quyết: Có tham vọng là cần thiết! – Qua rồi cái thời “người thanh thì lánh về yên”, qua rồi cái thời “em ngoan” thì ngồi đấy chờ thời em đến. Thời buổi bây giờ, đất hẹp người đông, bạn không tự lên tiếng thì thần “Tài – Lộc” có khi cũng chẳng biết bạn có số trên cõi đời này! Vậy nếu muốn “có thời” đến trong tay, thì trước hết bạn phải lo mà tự vận động, lo mà tính toán cho riêng mình… Đấy! Như thế là bạn bắt đầu nghĩ đến tham vọng rồi đấy!
Bạn sẽ bắt đầu thực hiện tham vọng của bạn bằng cách nào đây? – Cũng qua luôn rồi thời cái Lý Thông, chuyên lấy nước bọt để thực hiện tham vọng trên sức lao động của người khác. Thời này, những người như Thạch Sanh bị ông bà mình bắt nhốt vào câu “… tứ chi phát triển” cả rồi! Nên những chàng Lý tân thời nếu có thừa nước bọt thì cũng giữ đấy làm năng lượng cho hành trình tìm danh lợi riêng mình.
Những nguyên tắc cạnh tranh tại công sở:
– Hãy chứng tỏ khả năng đi trước mọi người nhưng không ngáng đường bất kỳ ai. |
Nào… nghiêm!
Thật ra thì không phải thiếu những kẻ thực hiện toan tính của mình bằng cách lấy lòng người trên, nhưng những kẻ vào công sở với lời ngời ca “Ôi chị đẹp quá!”, “Ôi anh tài quá!”… thì giờ cũng đã mất thiêng, bạn không thể thực hiện chiến lược “kết thân bề trên” bằng cách hạ thấp năng lực bản thân như thế! Tốt nhất là nên chứng tỏ với sếp từ chính khả năng làm việc của bạn. Tất nhiên là sếp sẽ rất ấn tượng nếu bạn chứng tỏ được là người năng động, có khả năng giải quyết tốt công việc. Vậy thì lo mà hoàn tất mọi công việc được giao. Nên nhớ: là một người còn nhiều tham vọng phía trước, bạn chỉ nên quan tâm đến kết quả công việc, không phải hệ lụy quá nhiều vào phương thức thực hiện, cứ xong được việc là OK!!!
Lúc đó, chuyện thân thiện, hòa đồng trong môi trường làm việc trở thành thứ yếu. Người nhiều tham vọng không phải là người mang bộ mặt đăm đăm vào nơi làm việc, nhưng cách họ thoải mái cũng không hề đơn giản! Họ sẽ thoải mái thế nào đừng để sếp có cảm giác là họ vào công sở để chơi, để hưởng thụ cuộc sống vì đã có chốn nương thân đủ ấm. Và người tham vọng cũng sẽ không tham gia tụm 5, tụm 7 trong công ty, vì những to nhỏ bao giờ cũng dễ cho sếp cảm giác bất an, họ ý thức đều đó!
Như thế, một người nhiều cao vọng còn là người ý thức được việc phải làm, ý thức được giá trị bản thân. Họ luôn là người làm rất tốt công việc trong công sở, họ phấn đấu nhiều và thường không quen đặt mình thấp hơn người khác. Họ rất hãnh! Và ngay cả đối với sếp, nếu sếp không đủ làm họ phục, thì cũng đừng hy vọng nhận từ họ sự tôn trọng cần thiết! Lúc ấy thì hãy coi chừng, nếu họ không tính chuyện rời công ty, thì là họ đang tìm cách tiếp cận người cao hơn sếp (trực tiếp) của họ, có khi vị trí của sếp đang ngồi, một hôm, lại được mang ra xét lại.
Cẩn thận! Không chỉ có mình bạn quanh đây!
Bạn nên nhớ, người tham vọng luôn đòi hỏi bản thân và họ không quen với những sai sót trong công việc, có khi, họ còn cảm thấy khó khăn khi phải thú nhận những hạn chế trong công việc của mình. Họ rất khéo phòng thủ! Chẳng việc gì họ phải đi tỉ tê “ruột gan” cùng ai đó, vì biết đâu một hôm đẹp trời, họ lại bị chính “tâm sự” của mình làm cản trở đường thăng tiến.
Đã không ít những kẻ thực hiện tham vọng của mình bằng cách cản chân người khác. Vì thật ra, người có ước mơ leo thang trong công sở không phải chỉ một người, và vì tâm lý “chỉ cần được việc”, nên người nhiều tham vọng sẵn sàng “bán” một đồng nghiệp để rộng đường tiến bước. Chuyện loại bỏ đối thủ sẽ vô cùng đơn giản khi bạn nắm được “phốt” của họ, mà những điều này thì “nạn nhân” rất dễ sơ hở trong những lần mủi lòng tâm sự. Vậy nên, bạn cần ý thức rõ về điều đó, để liệu mà học cách tự bảo vệ mình.
Khi “bán” đi một đồng nghiệp, người tham vọng vừa giảm được tính cạnh tranh, lại vừa có thể chứng minh được lòng trung thành với sếp. Nhưng hãy coi chừng! Nếu sếp cũng là một người nhiều tham vọng, thì bạn hãy tin đấy là một cao thủ, vì ít ra, sếp cũng đã leo lên được đến chức… “sếp”! – Một người sếp tham vọng còn biết cách bảo vệ bản thân hơn bạn, sếp chẳng dễ tin ai đâu, và thường sếp chỉ làm việc với những người mà yên tâm là sẽ không ném đá vào sếp, những người chịu yên phận cho sếp bảo ban.
Còn với những nhân viên có năng lực nhưng máu tham vọng phát tiết quá rõ ràng, sếp ngại “nuôi nó sợ nó cắn lại mình”, hay chí ít, có ngày nó lại “lớn lên” ngang hàng với sếp. Mà đến lúc này, một người sếp tham vọng muốn ngáng đường nhân viên thì thật chẳng khó, có khi bạn “knock-out” ngay khi chưa kịp phô bày “cái phốt” của mình. Vậy mới thấy, không như một nhân viên tham vọng thường làm tốt cho công ty, một người sếp tham vọng có khi lại làm cho công ty mất đi những người có năng lực.
Nguyên tắc lấy lòng sếp và đồng nghiệp:
– Làm đúng những công việc được giao. |
Bạn sợ chưa?
Nghe đến đây chắc bạn cũng lo lắng, liệu rằng mình có nên làm người tham vọng hay không? – Nhưng thật ra, tham vọng hay không có khi chính bạn cũng không quyết định được! Có thể bạn đã là người tham vọng mà bạn không nhận ra (?!!).
Trong môi trường làm việc ở Việt Nam hiện nay, nhiều nơi còn quen cách làm việc chậm chạp, không tích cực trong công tác… có phải bạn thấy khó chịu vì điều đó? Bạn muốn thay đổi, phép thay đổi tích cực nhất là từ chính bạn: Bạn đòi hỏi hơn ở bản thân, bạn cầu toàn hơn trong công việc… Có thể ban đầu bạn làm rất vô tư, vì những tích cực từ yêu cầu thay đổi bản thân, không vì lợi ích công ty gì cả! Nhưng rồi rõ ràng, những cố gắng của bạn mang lại lợi ích cho công ty rất nhiều, đến mức bạn cũng tự thấy, mình làm việc tốt như thế, công ty lợi ích như thế, tại sao những đáp ứng từ công ty cho bạn không thỏa đáng thế này, thế kia?… Từ những suy nghĩ rất chính đáng như vậy, sẽ khiến bạn ngày càng có những đòi hỏi khác hơn, và lúc đó, những tham vọng từ trong bạn được dịp bộc lộ rõ ràng hơn!
Vậy nên, cũng thử nhìn lại, và tôi xác quyết một lần nữa: Bạn có tham vọng là cần thiết, nhưng hãy thử xem lại cách bạn thực hiện những tham vọng của chính mình!
Nguyễn Trọng Ninh (Cán bộ dự án – Tổ chức Phi chính phủ CARE tại Việt Nam) Nếu bảo tham vọng là những định hướng có tính kế hoạch cho bản thân, thì tôi nghĩ mình là người có tham vọng. Tôi phấn đấu cho một môi trường làm việc chuyên nghiệp, và một chức vụ cao hơn. Nhưng nếu nói tham vọng là phải đi kèm những cơ cầu, thủ đoạn trong công việc, hay cụ thể là những chung đụng trong môi trường công sở, thì tôi không chắc mình phải là người có tham vọng hay không. Tôi không thích và không quen ngáng chân người khác để mưu lợi riêng tư! Tôi thực hiện mục tiêu của mình bằng khả năng và kinh nghiệm mình trang bị được, không đụng chạm đến ai. Những người quá cơ cầu có khi làm tôi sợ, cũng may là môi trường làm việc của tôi ít phải gặp những người như thế! Tôi nghĩ, trong những môi trường làm việc được phân chia công việc và trách nhiệm rõ ràng, sẽ hạn chế được nhiều những cạnh tranh không lành mạnh, khi đó tham vọng chỉ còn là chất xúc tác để mọi người hoàn thành tốt công việc của mình. Phan Hồn Nhiên (Nhà báo – Biên tập viên báo Hoa học trò và Sinh viên Việt Nam) Tham vọng giản đơn chỉ là những mục đích xa gần trong công việc! Trong cùng một công ty, lắm khi hành động khác nhau là vì mục tiêu mỗi người lựa chọn để phấn đấu khác nhau, và nếu mục đích có giống nhau, cách họ tiếp cận với mục tiêu đó cũng không giống nhau. Tôi không phản đối việc chọn tiền bạc hay danh vị làm mục tiêu cho tham vọng, nhưng chỉ có thế thì quá hạn hẹp. Có thể xuất phát từ môi trường làm việc, cái tôi cần bây giờ là tổ chức một êkíp làm việc thật tốt. Khi có một êkíp làm việc hiện đại, tôi sẽ có cơ hội làm việc nhiều hơn, công việc của tôi sẽ thuận lợi và đạt được nhiều mục tiêu tôi đề ra. Còn nói về tham vọng “sâu xa”, có lẽ tôi luôn muốn được làm nhiều hơn, kiếm được nhiều cơ hội thích hợp hơn để thử thách, để biết được mình là ai, mình có thể làm được gì. Tôi không phủ nhận vai trò làm động lực của tham vọng, nhất là những tham vọng trực tiếp như tiền bạc. Tôi hiểu, đời sống bây giờ cho người ta cơ hội giải trí và chi tiêu cao hơn, dẫn đến nhu cầu tiền bạc cũng lớn. Nhưng nếu chỉ những cái thúc ép từ bên ngoài, người ta có thể quên mất đòi hỏi sự hoàn thiện từ bên trong của bản thân. Tôi làm việc với nhiều người trẻ, thường dưới 25, những tham vọng của họ, chẳng có gì làm tôi lo lắng là sẽ ảnh hưởng đến mình. Trái lại, tôi luôn muốn họ đi xa hơn. Bởi tôi biết, thực tế sẽ giúp người ta có những điều chỉnh tham vọng chính xác. Với tuổi dưới 25, nếu trong nghề báo, không nên sớm đặt tham vọng của mình vào tiền bạc hay sự nổi tiếng, đây vẫn còn là lúc cần phấn đấu, một chút hy sinh về tiện nghi hiện tại sẽ giúp mình vững vàng hơn về sau! Trương Phúc Hậu (Kỹ sư Công nghệ thông tin – Fusione Technology Vietnam) Mà đâu phải riêng những người trẻ chúng tôi, nhiều người đã trưởng thành nhưng vẫn phí sức cho những mục tiêu không phù hợp đấy thôi! Trước đây, trong công ty tôi có một chị team leader đạt được tham vọng trở thành senior manager chỉ dựa vào khả năng quảng giao của chị ấy, nhưng sau đó, những tiểu xảo bị phát hiện và chị bị sa thải. Vậy mới thấy, việc đặt và thực hiện mục tiêu sai đâu chỉ ở người trẻ! Bản thân tôi, tôi thực hiện tham vọng bằng việc duy trì những mối quan hệ sẽ cần đến và cố gắng học tập để tích lũy thêm kiến thức, tôi chưa đặt tiền bạc lên hàng đầu, và sẵn sàng phiêu lưu cùng công việc mình yêu thích tại một công ty có tiềm năng. Tôi nghĩ điều đó rất thú vị, quan trọng là mình chịu trách nhiệm về mỗi tham vọng và cả những thất bại từ tham vọng đó. Lê Nguyễn Duy Nhân (Trưởng phòng kỹ thuật – Bộ phận bất động sản – VinaCapital) Khi có tham vọng, tôi luôn ý thức những việc mình phải làm, cần làm, tránh để những cơ hội bị trôi qua một cách lãng phí. Khi tôi dựa vào những cơ hội, những mối quan hệ để thực hiện kế hoạch của mình, có người lại bảo tôi thế này thế nọ; rồi ngay cả việc tôi giữ bí mật những thông tin mình tìm được, họ cũng bảo tôi ngáng chân đồng nghiệp. Sao họ không nhìn lại những cố gắng tôi bỏ ra để có những thông tin đó? Nếu ai đó chưa sẵn sàng hay không muốn chen chân, thì hãy cứ an phận! Riêng tôi, tôi thấy mình làm đúng những việc bản thân mình muốn làm. Người Việt mình quen tâm lý an phận, đôi khi là không thực tế! Họ không dám nhìn nhận chuyện thu nhập là rất quan trọng. Hiện tại, tham vọng của tôi trước tiên là gắn liền với vấn đề thu nhập, kế đến là môi trường làm việc. Tôi đã làm việc dưới nhiều áp lực, có thể đây là điều mà những người tham vọng cần xét lại, không nên đặt mục tiêu quá cao so với khả năng, tránh làm khổ mình từ những ước vọng quá tầm! Đến thời điểm này, tôi thấy mình và mức độ tham vọng của mình là Ok. Chỉ tiếc một điều, vài người bạn đã không hiểu đúng về tham vọng trong công việc của tôi, khiến mối quan hệ giữa chúng tôi không được duy trì như nó đáng có./. |