Tác dụng phụ của liều thuốc ly hôn

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ DỰ BÁO
 
Có 1001 lý do khiến người ta ly hôn, cho dù chủ động hay bị động, sau ly hôn phần lớn họ rơi vào trạng thái chông chênh, tựa như phi hành gia bị mất cân bằng trong vũ trụ. Sự chông chênh ấy có thể là vài tháng, vài năm, thậm chí có người sẽ là cả cuộc đời.
 
Thu yêu rồi lấy chồng, bỏ qua lời khuyên ngăn của bố mẹ họ hàng. Cuộc sống hạnh phúc được chừng một năm, hai vợ chồng sống xa nhau, chồng làm việc tại một thị xã vùng Trung du, còn cô ở Hà Nội. Khoảng cách địa lý dần dần tạo ra khoảng cách trái tim. Khi Thu sinh con khoảng cách đó ngày càng xa hơn. Sau tất cả cố gắng, cuối cùng họ chia tay nhau và sản phẩm của họ là cậu con trai kháu khỉnh về ở với mẹ. Họ chia tay trong hòa bình và cùng nhau nuôi dạy con. Nhìn cảnh hai bố con chơi đùa với nhau Thu không thể nghĩ rằng mình đã ly dị.

Chia tay được hơn một năm nhưng đôi khi cô vẫn có cảm giác như chồng cô đang đi công tác xa, và một ngày khi công việc ổn thỏa anh sẽ về với mẹ con cô. Dường như Thu chưa chấp nhận mình là người tự do, vì vậy cô không cho ai cơ hội được đến với mình. Nhưng từ trong sâu thẳm, cú sốc vì sự thiếu thủy chung của chồng đã biến Thu thành người hoàn toàn khác. Cô sống trầm tư, khép mình, luôn tránh những cuộc gặp gỡ của bạn bè. Cô hoàn toàn đơn độc và mất hết niềm tin vào đàn ông.
 
Phương Anh, một đại lý của Công ty Bảo hiểm AIA lại khác. Sau ly hôn chị càng tập trung vào công việc. Trước đây, với đặc thù riêng, chị phải đi lại, giao tiếp nhiều. Đây chính là nguyên cớ cho chồng chị nói lời chia tay. Sau ly hôn, tuy không còn phải thanh minh với chồng lý do vắng nhà, nhưng chị lại không biết giải thích sao với hai đứa con gái đang tuổi lớn. Cô con gái đầu trách mẹ không dịu dàng, ỷ làm ra tiền, coi thường bố, không giữ được bố cho các con. Cô con gái thứ hai trễ nải việc học, bắt đầu ham chơi.

Bây giờ, chị mới thấm không khí của “ngôi nhà không có đàn ông”. Mỗi lần ông bố ghé đến trường đón con gái đi chơi, là các con lại thêm… buồn. Rồi cả việc ông bố nhường hết tài sản, nhà cửa cho mấy mẹ con, ra đi tay không càng làm cho các con day dứt và thầm trách mẹ mình. Khoảng cách giữa mẹ và con gái ngày càng xa, đó là điều chị không ngờ tới. Nỗi sợ mất con khiến chị luôn trong tâm trạng lo lắng. Thu nhập của chị đủ cho cuộc sống vật chất của mấy mẹ con, nhưng cuộc sống tinh thần thì sa sút thảm hại.
 
Sau ly hôn, Hoài Ngọc lại mệt mỏi với cuộc sống một mình nuôi con. Trước tòa, vì muốn chia tay với ông chồng vô trách nhiệm nên chị từ chối tiền trợ cấp nuôi con. Bởi chị nghĩ, còn sống chung mà anh ta chẳng quan tâm đến con, huống chi lúc đã chia tay. Vả lại, chị không muốn con gặp mặt cha, để khỏi bị lây nhiễm thói hư, tật xấu. Gần 3 năm sau ly hôn, ông xã chị đã lập gia đình mới, có một đứa con gái. Một lần nhìn thấy gia đình của anh ta vui vẻ đi dạo trong công viên, chị thương cho con mình hắt hiu trong cảnh “mồ côi cha”. Rồi thu nhập ít ỏi khiến cuộc sống không mấy thư thả. Đôi khi chị tự trách mình nóng vội khi quyết định ly hôn…
 

Khi kết hôn ai cũng mong muốn cuộc sống tốt đẹp, sinh con và cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc.

Song đôi khi mọi sự không như ý nguyện. Nhiều đôi lứa không thể đồng hành trong chặng đường hôn nhân. Khi ấy, người tìm cách níu kéo, người lại buông xuôi tất cả…

Những tình huống như thế luôn thử thách người trong cuộc…

KHI SỐ ĐÔNG PHỤ NỮ LÀ NGUYÊN ĐƠN

Tình trạng ly hôn xảy ra ngày càng nhiều ở các thành phố lớn, và trở thành vấn đề xã hội. Đặc biệt, người đưa đơn ly dị đa số là phụ nữ. Cuộc sống hiện đại giúp người phụ nữ độc lập hơn về kinh tế và suy nghĩ. Nguyên nhân hàng đầu khiến nữ giới trở thành nguyên đơn trong các cuộc chia tay là do họ không chịu được sự thiếu chung thủy của chồng, kế đó là bất đồng về cuộc sống.

Nếu như trong xã hội trước đây người phụ nữ sống phụ thuộc vào chồng, nhiệm vụ chính là chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái và phục vụ chồng thì trong xã hội hiện đại người phụ nữ ngoài chức năng làm vợ, làm mẹ họ tham gia mọi công việc xã hội như nam giới. Điều này làm tư duy của phụ nữ thay đổi, họ có quyền mong muốn nhiều điều khác từ phía người chồng. Trong khi đó, không ít các đấng mày râu có suy nghĩ là cần một chỗ để quay về sau khi đã “vui vẻ” ngoài đường đó là gia đình và họ coi gia đình là nơi an toàn. Sống chết gì họ cũng không chịu ly hôn khi họ đã gây ra những lỗi lầm nghiêm trọng. Và khi người phụ nữ đã tìm giải pháp cuối cùng là ly hôn để giải phóng tất cả mà người đàn ông lại không muốn và tìm mọi cách níu kéo, thì rốt cuộc sẽ đẩy cuộc ly hôn đó đến sớm hơn.
 
Một trong những nguyên nhân nữa là vì phụ nữ không chịu được áp lực nặng nề của cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Họ muốn giải thoát mình khỏi cuộc sống hiện tại càng nhanh càng tốt để rồi sau đó nhiều khi cảm thấy hối tiếc vì những quyết định vội vàng của mình. Và sau ly hôn, đàn ông dễ lấy lại cân bằng, phong độ, thêm nữa, thường phụ nữ lãnh phần nuôi con, nên họ càng “khỏe” thân. Việc tái hôn của người đàn ông cũng dễ dàng hơn. 
 
HÃY NGHĨ ĐẾN PHẢN ỨNG PHỤ

Tại Tp. HCM, tháng 3 năm 2006 ra đời một trung tâm mới: Trung tâm ly hôn và tư vấn gia đình. Nhu cầu của xã hội cần những chuyên viên tư vấn chuyện ly hôn. Không chỉ phân tích mọi tình huống sai đúng để thân chủ có cơ sở quyết định nên hay không ly hôn. Khi đã chọn giải pháp chia tay, trung tâm còn giúp những người trong cuộc những bước chuẩn bị để bước vào cuộc sống mới. Số đông, ai cũng suy nghĩ, tươm tất cho đám cưới của mình sao cho nở mày nở mặt với bạn bè, họ hàng, nhưng không ai trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng… khi ly hôn.

Quan trọng nhất là những vấn đề xảy ra với con cái, Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Thường những cặp vợ chồng trẻ, ly hôn vì tự ái, và tự tin sẽ giải quyết hết mọi chuyện. Họ coi ly hôn như liều thuốc giảm stress, mà không biết thuốc này cũng gây ra rất nhiều phản ứng phụ”.
 

Đỗ Hà Thủy (Công ty nước ngoài)
 
Điều gì khiến chị quyết định ly hôn?

Có thể do quan điểm sống của chúng tôi quá khác nhau. Ngay từ khi mới cưới chúng tôi đã sống xa nhau, tôi làm việc tại Hà Nội còn chồng tôi công tác tại một vùng khác. Cuộc sống trôi đi, tôi sinh con và cảm thấy rất buồn, một mình vượt cạn, một mình nuôi con, một mình chăm sóc gia đình trong khi chồng đi biền biệt chỉ thỉnh thoảng mới về. Những lúc con ốm đau, tôi cảm thấy rất tủi thân và chạnh lòng khi nhìn thấy những gia đình khác hạnh phúc. Vì vậy nhiều lần tôi đã thuyết phục anh và mong muốn anh chuyển công tác về Hà nội nhưng chồng tôi không chấp nhận. Anh cho rằng điều đòi hỏi của tôi là không chính đáng, anh chấp nhận xa gia đình để kiếm tiền và mong tôi và con có cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng anh không biết tôi cũng cần sự chăm sóc về tinh thần của anh.

Từ cách nghĩ khác nhau,chúng tôi không còn lắng nghe nhau, anh chỉ biết mang tiền về mà không quan tâm đến tâm tư suy nghĩ của tôi. Thật sự nhiều lúc tôi muốn được anh chia sẻ, muốn anh lắng nghe nhưng anh cho rằng tôi đòi hỏi quá nhiều. Dần dần chúng tôi không còn trao đổi được với nhau, và khi con tôi 1 tuổi thì chúng tôi đưa nhau ra tòa.
 

Một lần đổ vỡ giúp tôi hiểu nhiều hơn giá trị đích thực của cuộc sống gia đình nên tôi sẽ thận trọng hơn trong việc tìm một nửa cho mình.

Sau khi ly hôn cuộc sống của chị có thay đổi nhiều không?

Tôi khẳng định là không, vì có lẽ tôi đã quen sống một mình ngay cả khi chúng tôi còn là vợ chồng. Tuy nhiên, khi đêm đến tôi cảm thấy có những khoảng trống trong con người mình và tự hỏi tại sao tôi lại chấp nhận cuộc sống như thế này. Tôi không còn có những giấc ngủ sâu, luôn giật mình tỉnh giấc giữa đêm. Gần một năm qua tôi có nhiều thời gian để suy nghĩ về tất cả và đôi khi tôi có cảm thấy hối tiếc.

Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết định như vậy, tôi đã giải thoát cho tôi, cho anh và tìm lại được cuộc sống của chính mình. Bây giờ cuộc sống của tôi cân bằng hơn, tôi tìm lại được niềm vui trong công việc, trong bạn bè và nuôi dạy con.

Chị nghĩ như thế nào về một cuộc sống gia đình mới?

Hiện tại tôi chấp nhận mình đã có một đứa con và tôi mong muốn tìm được cho mình một người đàn ông có thể hiểu tôi, tôn trọng tôi, có thể chia sẻ với nhau mọi thứ và quan trọng là người đó yêu thương con tôi. Tôi đã có trải nghiệm đời sau một lần vấp ngã và tôi cũng rút ra nhiều kinh nghiệm về cuộc sống gia đình.

Tôi cho rằng, hạnh phúc gia đình không chỉ là những bữa ăn mà quan trọng hơn là cùng hướng về nhau, đi cùng nhau trên một con đường, cùng chăm sóc con cái. Tôi cần thay đổi cách suy nghĩ của mình về gia đình, không nên sống quá bản năng, có lẽ tôi cần hy sinh nhiều hơn cho gia đình. Một lần đổ vỡ giúp tôi hiểu nhiều hơn giá trị đích thực của cuộc sống gia đình nên tôi sẽ thận trọng hơn trong việc tìm một nửa cho mình. 
 
Bích Hà (Nhân viên bán hàng hãng mỹ phẩm Debon)
 
Sau hai lần thất bại trong hôn nhân, chị rút ra điều gì cho bản thân?

Tôi đã từng không tin vào số phận, tuy nhiên có những sự việc liên tiếp đến với tôi và làm tôi nghi ngờ vào đức tin của mình. Tôi đã hai lần được hạnh phúc, nhưng niềm hạnh phúc ấy quá ngắn ngủi rồi cuối cùng vẫn là những chuỗi ngày dài cô đơn.
 
Tôi luôn làm cho hạnh phúc tuột khỏi tay mình. Đôi khi tôi hay quan trọng hóa vấn đề và thường không đủ bình tĩnh để nhìn nhận sự việc một cách khách quan. Nếu tôi biết nhẫn nhục hơn thì chắc chắn cuộc sống gia đình sẽ êm đềm và tôi không phải chịu cảnh cô quạnh.

May mắn không mỉm cười với chị, chị đã hai lần đổ vỡ và bây giờ là kẻ cô đơn. Chị đã không còn niềm tin vào đàn ông, chị hoài nghi tất cả.

Mong rằng một ngày nào đó có một người đàn ông sẽ giúp chị lấy lại niềm tin.

Sau tất cả những biến cố đã xảy ra với mình tôi đã suy nghĩ nhiều và ngộ ra một điều, cuộc sống vốn rất đơn giản nhưng con người cứ làm cho nó rối tung lên sau đó lại tìm mọi cách để gỡ chúng ra. Cuộc sống gia đình cũng vậy, đừng trầm trọng hóa vấn đề, cần phải biết hy sinh cho người thân, không quá ích kỷ và quan trọng nhất là mọi người phải tin tưởng và trân trọng nhau.
 
Nếu gặp một người tốt và chị có một cơ hội làm lại thì chị sẽ làm gì?

Đây là câu hỏi mà nhiều lần tôi đặt ra và tôi rất hoang mang. Thú thực tôi đã không còn niềm tin ở đàn ông và tôi lo lắng mình lại thất bại. Vì vậy gần như một hành động tự vệ tôi luôn thu mình khi có một người đàn ông nào đó đến gần. Hiện tại cuộc sống của tôi là yên ổn cùng cô con gái xinh xắn, tôi có công việc, có bạn bè và tôi cũng ngại bắt đầu một cuộc sống mới. Nói như thế không có nghĩa là tôi từ bỏ những cơ hội hiếm hoi của mình, tuy nhiên tôi sẽ rất cẩn trọng.
 
Trần Hòa Bình (Phó Tổng biên tập Tạp chí Gia đình)
 
Phải chăng ly hôn là một cách để anh tìm lại chính mình?
 
Đúng, nếu hạnh phúc không thể tồn tại nữa thì hai người nên tách nhau ra nếu không sẽ là bi kịch cho cả hai người. Thà rằng đau một lần sau đó sẽ thanh thản còn hơn là níu kéo nhau cả cuộc đời. Nếu không thể chịu đựng được nữa thì ly hôn là giải pháp hay hơn cả. Tôi đã chấp nhận việc ly hôn và coi đó là một giải pháp để giải phóng cho cả vợ tôi và tôi. Rất đau buồn nhưng cần chấp nhận thực tế đó, còn hơn phải chịu đựng nhau cả đời, đứa con mình sẽ rất bất hạnh khi nó biết được bố mẹ nó vẫn sống với nhau nhưng không hạnh phúc. Tôi cho rằng, chúng tôi đã đúng khi quyết định ly hôn và riêng bản thân tôi đã đạt được hai điều sau khi ly hôn: nuôi con và làm lại cuộc đời mình.

Anh cho rằng, con gái anh đã sinh ra anh và khi ly hôn anh đã đấu tranh để được nuôi con?

Đúng vậy, trước đây tôi là một thằng văn nghệ nửa mùa nhưng khi có con tôi khác hẳn. Tôi sống ý thức hơn, không lêu têu, tôi học nấu ăn, chăm sóc gia đình và tôi có mục đích rõ ràng trong cuộc sống. Vì vậy khi ly hôn tôi dành tất cả mọi thứ cho vợ nhưng chỉ có một mong muốn duy nhất là được nuôi con. Phải khó khăn lắm tôi mới đạt được điều đó và tôi cảm thấy mãn nguyện.

Anh đã tổ chức cuộc sống như thế nào khi anh ở tình trạng gà trống nuôi con?

Là một người chuyên tư vấn tình cảm cho người khác nhưng anh cũng là người thất bại trong hôn nhân.

Anh cho rằng, sau những vấp ngã của cuộc đời anh đúc kết được nhiều kinh nghiệm và muốn dùng những kinh nghiệm thực tế đó giúp cho những ai gặp khó khăn trong tình cảm.

Đây là việc vô cùng khó khăn khi tôi bắt đầu cuộc sống mới, phải tổ chức một cuộc sống mà trong đó tôi vừa làm bố vừa làm mẹ. Tôi đã rất bối rối và không biết phải bắt đầu từ đâu. Sau một hồi loay hoay, cuộc sống mới của bố con tôi cũng được hình thành. Phải thú thực cuộc sống đó bắt đầu từ một cái chạn bát và những lo toan vụt vặt đời thường. Đối với tôi khó khăn lớn nhất là chăm sóc cô con gái. Tôi đã phải học cách vừa làm bố vừa làm mẹ, học cách chăm sóc con. Tôi phải học hỏi các chị em đồng nghiệp nhiều, học cách buộc tóc cho con, trang điểm cho con khi ở trường học tổ chức văn nghệ. Tôi phải cảm ơn con tôi, vì nhờ nó tôi biết trân trọng cuộc sống và con gái tôi như của để dành của tôi.

Một ngày nào đó con gái anh sẽ có cuộc sống mới, vậy khi đó anh sẽ có dự định gì cho riêng mình?

Điều này tôi cũng đã nghĩ đến nhưng dù sao tôi vẫn muốn dành thời gian cho con. Tôi muốn cháu học xong đại học và lo toan cho cháu thêm một thời gian nữa, tiếp đó tôi sẽ đi tìm một nửa của mình. Tuy nhiên tôi sẽ rất thận trọng, bởi đã một lần đổ vỡ nên tôi cũng không muốn làm tổn thương người đàn bà mà tôi chọn lần thứ hai.

Nếu có một lời khuyên cho các chị em phụ nữ đang có gia đình mà họ cho rằng mình không hạnh phúc trọn vẹn anh sẽ nói gì?

Có nhiều điều tôi muốn chia sẻ nhưng có lẽ điều quan trọng nhất mà một người phụ nữ có gia đình cần làm là lòng bao dung, độ lượng, đức hy sinh. Nói như vậy thì có vẻ cao siêu, khó hiểu nhưng nếu áp dụng cụ thể vào từng gia đình thì nó rất linh hoạt. Hãy dành tất cả những gì tốt nhất cho gia đình, biết tha thứ sai lầm cho người khác mà đừng bao giờ nghĩ rằng mình bị thiệt thòi. Hãy biết chia sẻ những khó khăn với chồng thay vì chì chiết, dằn vặt. Người đàn bà trong gia đình cần biết giữ lửa, xác định mục tiêu của mình. Tôi rất thích câu tổng kết của một triết gia nào đó: Tình yêu của người đàn ông là sự nghiệp và sự nghiệp của người đàn bà là tình yêu./.


From the same category