Trong một lần vừa trò chuyện vừa trả lời phỏng vấn (với người viết bài này), Thanh Lam có nói rằng: Quốc Trung lười lắm. Nếu Trung không lười thì Trung còn làm được chuyện to lớn hơn nhiều!
Sau nhiều năm chia cách, sắp tới họ lại cùng đứng chung trong một Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Roskilde (Đan Mạch). Liệu có phải Quốc Trung tái hợp Thanh Lam hay Thanh Lam muốn lên hạng (quốc tê) thông qua Quốc Trung?
Từ hơn một năm qua, Quốc Trung quả đã được báo chí khai thác “nhiệt tình”, từ chuyện sáng tác, sản xuất âm nhạc tới chuyện… chăm con nhỏ và nhiều nhất vẫn là những chuyện xung quanh Thanh Lam…
Trên website của Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Roskilde (Đan Mạch), một trong những festival lớn nhất thế giới, trong phần giới thiệu về chương trình biểu diễn “Vọng Nguyệt” – Wishing upon to the moon của các nghệ sĩ Việt Nam, có những dòng: Nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu Việt Nam Nguyễn Quốc Trung cùng với nhạc sĩ Đan Mạch gốc Việt Niels Lan Doky biểu diễn cùng một nhóm những nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam. 12 nhạc công, ca sĩ sẽ biểu diễn cùng nam ca sĩ Tùng Dương và nữ ca sĩ lớn nhất Việt Nam – diva Thanh Lam.
Buổi trình diễn này là sự pha trộn giữa âm nhạc truyền thống Việt Nam với âm nhạc đương đại thế giới.
Sau tất cả những “dữ liệu” như thế, có lẽ những tựa bài kiểu “Thanh Lam tái hợp Quốc Trung” hay “Quốc Trung – Thanh Lam cùng tấn công âm nhạc thế giới”, hay khiêu khích như “Thanh Lam, muốn lên hạng vẫn phải nhờ Quốc Trung” v.v và v.v… hẳn sẽ gây chú ý hơn, khiến nhiều người tò mò hơn.
Ngày còn sống chung với Thanh Lam tôi cũng chịu áp lực lớn trong đời sống. Có cô vợ kiếm ra nhiều tiền thì mình cũng phải làm việc ra sao chứ. Ngày đó tôi còn chăm hơn bây giờ, nhưng thực sự cũng không làm được nhiều. Với lại tôi có cách nghĩ khác trong chuyện nhiều ít này. |
Nhưng câu chuyện với Quốc Trung lần này không nhắm mục đích gây ồn ào kiểu đó, cũng không có nhu cầu khai thác thêm kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ hay phẩm chất một người chồng tốt, đây là một câu chuyện về âm nhạc, về những con người say mê âm nhạc, về một cơ hội trong mơ với những nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam.
Tất nhiên, câu chuyện về Quốc Trung cũng không thể thiếu Thanh Lam, nhưng bạn sẽ được thấy Thanh Lam qua cái nhìn của Quốc Trung có lẽ hơi khác những gì bạn vẫn được biết…
Ngày sống chung với Thanh Lam, tôi chịu nhiều áp lực lớn
Thanh Lam đã từng than phiền về sự “lười” của anh. Dường như những gì anh làm không thỏa mãn nhu cầu được hát của chị. Dân nhạc thỉnh thoảng cũng đem cái việc sản xuất album rất lâu của anh ra để bình luận như một “điển hình” của sự lười, thậm chí lề mề. Anh nghĩ sao về chuyện này giữa thời buổi ai cũng lao vào làm việc như điên, ra sản phẩm lia lịa?
Đúng là tôi lười thật. Tôi lười so với những người chăm. Tôi đang lười so với chính khả năng của mình, so với những lúc mình không lười. Nhưng tôi không hề mượn cái lười để ngụy biện cho cái mình không làm được. Có nhiều lý do cho chuyện này. Tôi là người không ngăn nắp, thường không có kế hoạch, lại hay nể nang, ai nhờ cậy tôi cũng khó từ chối. Vậy là việc này chồng lên việc kia.
Cuối cùng thì “chậm” bị đánh đồng với “lười”. Nhưng tôi cũng đủ tỉnh táo để thấy thực sự sau tất cả những chuyện lười, chuyện chậm của tôi là gì. Tôi luôn đòi hỏi bản thân cao hơn mức độ hiện có và cả khả năng của mình. Tôi không đủ tài làm nhanh kiểu cứ một tuần nhất định phải có một cái gì đó “góp mặt với đời”. Đó là lỗi của tôi, tôi nhận, nhưng cũng phải nhìn rộng hơn, điều kiện làm việc ở Việt Nam hiện nay không lý tưởng.
Một sản phẩm âm nhạc có chất lượng cao cũng không đủ nuôi người ta trong vòng mấy tháng. Tôi phải kiêm nhiệm nhiều, không kén chọn để có thể sống được. Người ta cứ nghĩ tôi không bao giờ làm nhạc thị trường, nhưng tôi từng làm nhạc cho cả Đan Trường hát đấy. Tôi không chê gì ca sĩ thị trường, tôi biết là kiểu nhạc ấy không hợp với tôi, nhưng tôi vẫn phải làm thôi.
Một áp lực hay một điều kiện làm việc thế nào mới đủ khiến anh thay đổi thói quen ấy?
Ngày còn sống chung với Thanh Lam tôi cũng chịu áp lực lớn trong đời sống. Có cô vợ kiếm ra nhiều tiền thì mình cũng phải làm việc ra sao chứ. Ngày đó tôi còn chăm hơn bây giờ, nhưng thực sự cũng không làm được nhiều. Với lại tôi có cách nghĩ khác trong chuyện nhiều ít này.
Một nhạc sĩ chuyên nghiệp khác với một nghệ sĩ chung chung. Nhạc sĩ thì nên đi vào những dự án chuyên biệt và có tính sáng tạo cao, còn nghệ sĩ thì giống “thợ” hơn, họ thường làm điều họ thích. Thích hợp được với cả hai điều đó khó lắm. Tôi không thể đưa ra cái điều kiện lý tưởng được, việc ấy giống như tôi đang đổ lỗi cho khách quan.
Vậy sự nổi lên bất ngờ của anh thời “hậu Thanh Lam” có thể giải thích như thế nào? Anh đã có được động lực làm việc từ đâu?
Cả những gì tôi làm được thời gian qua cũng chưa đủ để xóa chữ lười đâu. Ca sĩ Tùng Dương vẫn còn đang than phiền về album tôi làm cùng cậu ấy mãi chưa xong đấy. Với “Đường xa vạn dặm” tôi đã phải tự đặt mình vào thế “cưỡi lưng hổ” để làm cho xong. Xong rồi tôi vẫn chưa đủ tự tin để tung nó ra.
Tôi gửi cho những người bạn của mình, rồi bạn của bạn, rất nhiều đối tượng khác nhau, để họ nghe trước, và tôi thấy họ đánh giá tốt, có cả xã giao và thật lòng. Tôi không đặt nặng chuyện nhiều hay ít người sẽ nghe nhạc của mình. Họ nghe như thế nào mới quan trọng. Và động lực này thực sự đáng kể: Tôi được tự do làm điều mình thích!
Ngày trước, ai tước mất tự do ấy của anh?
Không ai tước cả nhưng tôi không ra khỏi được cái vòng tự mình tạo ra quanh mình. Ngày trước, tôi làm cho Thanh Lam là chính, mà Thanh Lam thì chỉ thích hát pop thôi, nổi tiếng nhanh, ảnh hưởng rộng và kiếm được nhiều tiền. Lam vẫn nói với tôi là bớt đi những mày mò mất thời gian, tập trung mà làm cho Lam, nhanh, lại có tiền. Tôi đã làm như thế và không có nhiều thời gian cho những gì mình nung nấu nữa. Nhưng mọi chuyện đến lúc phải thay đổi, Thanh Lam đã thay đổi nhiều, tôi cũng vậy.
Sắp tới đây, anh và Thanh Lam lại đứng trên cùng một sân khấu, tại một Liên hoan âm nhạc cỡ quốc tế, “thi đấu” một cách sòng phẳng với các anh tài thế giới, anh có đủ tự tin nghĩ mình sẽ thành công sau thời gian dài không làm việc cùng Thanh Lam?
Tôi không thấy có vấn đề gì trong chuyện biểu diễn này, còn có thành công hay không thì phải chờ ở nỗ lực của tất cả mọi người và sự đón nhận của người xem. Với Thanh Lam, đẳng cấp ca hát đã được khẳng định, Lam sẽ không gặp khó khăn gì khi trở lại môi trường âm nhạc từng là của cô ấy. Tôi cũng rất muốn qua chương trình này tạo được một hình ảnh Thanh Lam ấn tượng hơn với khán giả ngoại.
Ngày trước, tôi đã gửi đĩa Thanh Lam cho những người bạn nước ngoài, cả anh em nhà Doky, họ đều khen giọng Lam hay nhưng đĩa nhạc có quá nhiều thứ, mỗi thứ một tí, mà ở một nền âm nhạc chuyên nghiệp họ không làm thế.
Tôi và Niels Lan Doky đã quyết định sẽ tìm và xác lập phong cách cho Thanh Lam cho các dự án có tính quốc tế. Các công việc khác của Thanh Lam không ảnh hưởng tới việc này nếu Lam vẫn còn muốn theo đuổi. Tôi làm âm nhạc đâu phải chỉ để kiếm những giây phút kiêu hãnh nhất thời.
Việc “đứng chung” lần này có thể khiến người ta nghĩ rằng cuối cùng thì Thanh Lam vẫn cứ phải “thông qua” anh trên hành trình ra thế giới của mình, nếu quả thực có những cách nghĩ như vậy, anh có chút nào cảm thấy… tự hào không?
Có gì đâu mà tự hào hay tự cao, chúng tôi làm âm nhạc đâu phải để kiếm những giây phút kiêu hãnh nhất thời. Việc đứng chung này không cho thấy ai cao hơn, ai thấp hơn. Chính Thanh Lam cũng từng đề nghị tôi hợp tác trong các album sau này của cô ấy, chẳng hạn Lê Minh Sơn viết nhạc, tôi hòa âm, nhưng hiện tại tôi chưa sẵn sàng, vì đang dang dở nhiều việc.
Với Thanh Lam, khi đã ở đẳng cấp cao thì việc kết hợp rất dễ dàng. Phong cách mới của Thanh Lam cũng không ảnh hưởng gì tới việc cô ấy quay lại hát những bài của tôi. Lần này, Thanh Lam sẽ hát lại những bài trong “Mây trắng bay về”, lâu rồi cô ấy không hát kiểu đó nên chắc cảm xúc sẽ rất mới.
Ở lần “đem chuông” hiếm hoi này, anh có gì để tự tin trước các cao thủ đến từ bốn phương?
Tôi gửi đĩa “Đường xa vạn dặm” sang trước cho nghe, và nhận được những phản hồi tốt. Người làm nhạc nước ngoài họ thẳng thắn, không việc gì phải lấy lòng ai. Họ nói âm nhạc của đĩa này rất Việt Nam mà vẫn có tính quốc tế. Cuối cùng thì họ đã quyết định trong Liên hoan có một đêm World Music dành cho các nghệ sĩ Việt Nam.
Chúng tôi đăng ký tham gia Liên hoan dưới tên “Vọng Nguyệt”, chương trình biểu diễn sẽ là Wishing upon the moon. Niels Lan Doky có nói với tôi đây là cơ hội lớn nhất và có thể là cuối cùng vì thế phải tranh thủ. Tham gia Liên hoan thì không có tiền “cát-sê” nhưng cơ hội thì vô cùng. Chúng tôi sẽ có một đêm diễn ở Sài Gòn trước khi đi Đan Mạch, chương trình giống y như thêá sẽ đem đi.
Chúng ta cùng hy vọng anh và các cộng sự của mình sẽ có một đêm diễn “để đời” trước các đồng nghiệp quốc tế, cũng như cuộc tái hợp lần này giữa anh và Thanh Lam sẽ để lại ấn tượng đẹp, nhưng sau tất cả sự miệt mài làm việc nấp đằng sau chữ “lười”, anh còn chưa làm được gì mà thực sự rất muốn làm?
Cơ hội làm việc với tôi nhiều lắm, tôi muốn cộng tác hay nhận sản xuất cho ca sĩ thì không thiếu người. Tôi còn “nợ” một đĩa Hồng Nhung, một đĩa xẩm với Xuân Diệu đã
Chúng tôi làm âm nhạc đâu phải để kiếm những giây phút kiêu hãnh nhất thời. Việc đứng chung này không cho thấy ai cao hơn, ai thấp hơn. Chính Thanh Lam cũng từng đề nghị tôi hợp tác trong các album sau này của cô ấy, chẳng hạn Lê Minh Sơn viết nhạc, tôi hòa âm, nhưng hiện tại tôi chưa sẵn sàng, vì đang dang dở nhiều việc. |
hát cho tôi ở “Đường xa vạn dặm”, rồi đĩa Tùng Dương, vài đĩa “dịch vụ” khác…
Nhưng tôi muốn nhất là làm được một album cho bố tôi, vẫn với phong cách cổ điển nhưng được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ. “Cụ” nhà tôi hát vẫn còn tốt lắm. Tôi không có nhu cầu tạo ra một “ông Trung Kiên mới” mà sẽ làm bằng những cảm thức của một người con dành cho cha. Khi mình làm cha rồi thì mới hiểu tình cha con.
Nhân anh nói về tình cha con, xin dành câu hỏi cuối này cho chuyện đó. Cậu con trai của anh đã chứng tỏ nó có thể làm được gì để tiếp nối bố mẹ nó chưa?
Nó đang học piano. Nó thần tượng mẹ và thỉnh thoảng còn trách tôi: Sao bố không làm bài hát cho mẹ hát!
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này, và chúc cuộc xuất ngoại sắp tới của anh và các nghệ sĩ “nhà mình” sẽ thành công rực rỡ./.