Người Việt đang sống trong một trong 7 kỳ quan của thế giới – "vườn treo Babylon". Bạn không tin điều kỳ diệu ư? Này nhé, theo tổng kết của một tờ báo, chúng ta đang sống một "cuộc sống treo", treo đủ kiểu: đường treo, cầu treo, công viên treo, xóa treo cũng treo…, và nay đến lượt phim cũng… treo nốt!
Vụ "phim treo" thời sự nhất, gây chú ý nhiều nhất cũng chính là một trong những dự án phim bự nhất, ồn ào nhất từ khi vừa công bố tên phim: “Võ lâm truyền kỳ” "made in Thiên Ngân film Co.Ltd".
Từng giữ vị trí "treo" ồn ào này nhiều tháng trước đó là “Khách sạn không đèn”, một dự án phim kinh dị Việt Nam đầu tiên. Lửng lơ trong năm nay còn có: “Ghen”, dự án phim truyền hình dài 32 tập của M&T Pictures, ngưng quay khi mới hoàn thành 10 tập.
Kể thêm nữa còn có “Yểu điệu thục nữ”, cũng một dự án phim truyền hình dài tập do hãng phim H.K thực hiện, nhưng đang "treo" ở khúc kịch bản (tác giả Bùi Chí Vinh). Nhà văn Trần Nhã Thụy cũng đang gặp cảnh "treo" với một kịch bản của anh về nghề bartender.
Vận hạn "treo" của kịch bản này có vẻ còn đường trường lắm. Ban đầu nó là kịch bản thực hiện theo đơn đặt hàng của H.K Production sản xuất cho dự án "phim giờ vàng" của M&T Pictures, nhưng nhà sản xuất không duyệt, kịch bản được bán cho hãng phim Gia đình Việt.
Tưởng đã yên thân vì Gia đình Việt bắt được tay với một đại gia Hàn Quốc là hãng CJ, thế nhưng ngay cả sản phẩm chính thức đầu tiên của Gia đình Việt (phim “Mùi ngò gai”) cũng còn đang ‘"treo" vì không có sóng (truyền hình) thì lấy đâu ra đất cho bartender, thế là treo!
Tất nhiên, lục lại trong lịch sử điện ảnh Việt Nam còn nhiều "phim treo" khác. Ngay cả Thiên Ngân khi chưa chính thức thành lập hãng phim cũng đã từng "treo", hay nói đúng hơn cho tới hiện tại là bỏ hẳn dự án đầu tay thực hiện với đạo diễn Ngô Quang Hải dù đã tốn khá nhiều tiền cho quá trình chuẩn bị.
Tuy nhiên, thời "treo" hoặc "cancel" trong lặng lẽ (nên thường chỉ người trong cuộc biết và đau) nay không còn, thậm chí ngược lại. Điện ảnh nội khởi sắc, mặt trái của sự khởi sắc ồn ào lăng xê quảng bá cũng là ồn ào "bắn tỉa" những scandal, những trục trặc mà chỉ người chuyên nghiệp trong giới điện ảnh mới biết rằng vốn dĩ nó là rất bình thường.
Phim treo, nhiều kiểu treo
Treo dạng kịch bản là “Yểu điệu thục nữ”. Nghe nói khi đặt hàng, nhà sản xuất chắc như đinh đóng cột vào sự ăn khách của một tác giả tên tuổi trong làng văn nghệ, và kịch bản truyền hình cũng là chuyển thể từ một tác phẩm văn học của chính tác giả này. Thế nhưng kịch bản hoàn thành từ một "biên kịch tay mơ" đã khiến nhà sản xuất lung lay lòng tin (những cái đinh của lòng tin khi trước bắt đầu bị nhổ khỏi cột). Và thế là kết luận "kịch bản không ổn" (nghe khá mơ hồ) là cái giá… treo phim.
Liên quan tới loại giá treo "kịch bản không ổn" cũng phải nhắc tới phim “Ghen” (KB Châu Thổ, ĐD Đặng Lưu Việt Bảo). Phim đang quay dở chừng thì nhà sản xuất phát hiện "hình như kịch bản không ổn", thế là phim bị ngưng quay để thẩm định lại kịch bản – một chuyện chưa từng có trong làng điện ảnh Việt Nam, đã khiến cả tác giả kịch bản lẫn đạo diễn nổi khùng.
May thay, sau khi thẩm định lại cả kịch bản lẫn 10 tập phim thành phẩm, thấy rằng không hay là do chọn sai diễn viên! Vì vậy M&T Pictures đang lập một ê kíp khác để tiếp tục dự án dang dở. Tuy nhiên, dù có thể tiếp tục thì vụ "treo" “Ghen” đã khiến M&T Pictures bị treo luôn cả dự án phim giờ vàng (mới chiếu một phim đầu tiên “Đi về phía mặt trời” thì "đứt sóng" vì không có phim chiếu tiếp).
“Mùi ngò gai” thì “treo” vì không có sóng! Định áp đặt công nghệ làm phim chuyên nghiệp kiểu Hàn Quốc vào Việt Nam (vừa làm vừa phát sóng) song "đường ray" công nghệ không tương thích, nên trượt (không nhà đài nào chịu hình thức này). Một dự án phim truyền hình dài tới 100 tập, được đầu tư vào loại lớn nhất hiện nay (khoảng 4 tỷ đồng), có 2 trường quay riêng phục vụ cảnh quay nội và ngoại, với một ê kíp tinh nhuệ từ Hàn Quốc, rút cuộc đã phải chọn giải pháp về "đường ray cũ" để giải tỏa tình trạng treo mấy tháng nay. Giải pháp "đường ray cũ" là bắt tay (hình thức) với một đơn vị sản xuất của đài truyền hình, và chấp nhận xé lẻ phim ra từng phần!
Nhưng xem ra kiểu ‘treo" của “Võ lâm truyền kỳ” mới thật xứng để… truyền kỳ! Tới hiện tại, chẳng có tòa án điều tra nào đưa được ra kết luận xem ý tưởng làm phim "ăn theo" (ít nhất thì ăn theo cái tên) một game online sớm nhất của ai: hãng phim Thiên Ngân hay hãng phim Phước Sang.
Chỉ biết, một ngày tháng tư đẹp trời, Thiên Ngân và công ty kinh doanh trò chơi nói trên tổ chức họp báo chính thức công bố dự án hợp tác làm phim “Võ lâm truyền kỳ”, trong khi trước đó vài ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hãng phim Phước Sang cũng thông báo kế hoạch làm “Võ lâm truyền kỳ” của mình.
Lần đầu tiên, thị trường phim Tết 2007 có nguy cơ xem “Võ lâm truyền kỳ” 2 bộ liền, một của đạo diễn Lê Bảo Trung, một của người đồng môn (cùng lớp Đạo diễn khóa 1 trường SK – ĐA), đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Võ trên phim chưa thấy đâu, nhưng thiên hạ được chứng kiến màn đấu khẩu và đấu chiêu của cả hai nhà: nào casting, nào ra mắt, nào thuê đạo diễn Hong Kong, nào mời Triệu Vy, Lâm Tâm Như, nào để Lam Trường vs Đan Trường, nào tuyển chọn thập đại mỹ nhân v.v…
Tuy nhiên 20 ngày sau khi “Võ lâm truyền kỳ” "made in Phước Sang" bấm máy, thì “Võ lâm truyền kỳ” "made in Thiên Ngân" tuyên bố bỏ cuộc chơi vì rõ ràng cuộc đua tranh độc quyền cái tên phim đã không dẫn tới đâu mà nguy cơ cùng thời điểm chiếu 2 bộ phim cùng tên chắc chắn sẽ không lợi về doanh thu và có thể còn là trò hề cho dư luận (trong sự vụ này, mặc dù hợp đồng hợp tác giữa Thiên Ngân với Vinagame có ghi rõ bên Vinagame có trách nhiệm lo về bản quyền tên phim, song thực tế Vinagame không lo gì vấn đề này cả.
Tới nay, Vinagame chưa mất 1 đồng nào trong 1 tỷ góp vốn nhưng đã có cả một "chiến dịch PR" cho thương hiệu. Hiện tại, cả Thiên Ngân lẫn Vinagame (đơn vị hợp tác) đều bảo lưu kịch bản và ý tưởng làm phim, nghĩa là "treo" chứ không "hủy".
Giám đốc sản xuất của Thiên Ngân cho hay hãng sẽ tiếp tục làm phim hài hành động kiếm hiệp với kịch bản của Nguyễn Quang Dũng, nhưng sẽ điều chỉnh để không còn liên quan gì tới thập đại mỹ nhân của “Võ lâm truyền kỳ” nữa. Trong khi đó Vinagame chuyển đổi dự án làm phim này sang hình thức mời gọi các game thủ tham gia làm phim “Võ lâm truyền kỳ” (video) và thi đấu trong cuộc thi mới mang tên Võ lâm điện ảnh. Cũng có nghĩa cả hai nhà đều tuyên bố sẽ không "treo" kịch bản hay dự án làm phim, nhưng đấy mới chỉ là tuyên bố, còn thực tế phải để… hồi sau mới rõ.
Treo kiểu gì cũng dở
Thực ra việc "delay" hay "cancel" trong giới sản xuất phim quốc tế là chuyện không có gì lạ. Ở Hollywood, khối dự án làm phim rùm beng rồi cũng phải trùm mền đắp chiếu. “Hồi ức của một Geisha” có thể đã có mặt Đỗ Thị Hải Yến, vậy mà nhà sản xuất còn đổi nguyên cả ê kíp làm phim, xoay chuyển hoàn toàn phong cách lựa chọn diễn viên, nên Yến hụt một vai hy vọng để đời.
Việc quyết định "treo" hoặc "hủy" một dự án làm phim nằm trong tay nhà sản xuất và với những nhà sản xuất chuyên nghiệp, liều mạng là một từ rất hiếm sử dụng. Khi thấy điều kiện sản xuất phim không an toàn (chủ yếu về doanh thu) là nhà sản xuất xem xét lại dự án ngay.
Sở dĩ lâu nay giới điện ảnh Việt và công chúng Việt không quen với chuyện "treo", "hủy" vì hầu như nhà sản xuất (Nhà nước) chẳng bao giờ lo lắng tới đầu ra, cứ duyệt kịch bản, có tiền là rót, là bấm máy, chuyện trục trặc thường xảy ra với những dự án quá lớn (tiền thực tế luôn vượt trội dự toán), hoặc những kịch bản thật sự "có vấn đề" (thường là những vấn đề nhạy cảm).
Bây giờ tư nhân đổ tiền túi làm phim, nhà đầu tư nước ngoài rót tiền làm phim, mọi chuyện sẽ khác, khán giả sẽ phải làm quen dần với chuyện khó nghe: phim kia tạm ngưng, dự án phim này xóa bỏ… Và các nhà sản xuất phim non trẻ sẽ phải tập cách đương đầu, chống đỡ, dự phòng với những nguy cơ đổ vỡ dự án (do khách quan, hoặc do chính sự thiếu kinh nghiệm của người trong cuộc) mà người thua thiệt (cả tiền bạc lẫn thương hiệu) là chính họ.
Còn khán giả, lẽ đương nhiên không bao giờ muốn dài cổ xem "phim treo", cuộc sống của họ đã bị "treo" quá nhiều rồi: đường treo, cầu treo, công viên treo, xóa treo vẫn còn treo./.