Tiêm hay không?
Kháng thể sẵn có từ mẹ theo máu nuôi dưỡng bào thai truyền sang con chủ yếu trong 10 tuần cuối thời kỳ có thai. Do đó, sau khi sinh vài tháng dù chưa kịp phát triển hệ thống miễn dịch, trẻ vẫn còn khả năng đề kháng với mầm bệnh tự nhiên và các trẻ đẻ non sẽ nhận ít kháng thể nên dễ bị nhiềm khuẩn nói chung.
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ đều cảm nhiễm. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh thường bền vững. Trẻ sinh ra từ người mẹ đã bị bệnh sởi trước đây sẽ được miễn dịch thụ động do mẹ truyền cho trong khoảng từ 6-9 tháng tuổi hoặc lâu hơn tùy thuộc vào số lượng kháng thể mẹ tồn dư trong thời gian có thai và tỷ lệ giảm kháng thể trong máu mẹ.
Ở nước ta, từ khi triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm đã giảm hẳn. Tuy nhiên công tác phòng chống bệnh tật chỉ bằng tiêm một liều vắc-xin duy nhất cho trẻ dưới 1 tuổi là không đủ để khống chế một cách bền vững. Do vậy, ngoài liều vắc-xin duy nhất tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, các chuyên gia y tế đã đề nghị cho trẻ tiêm mũi vắc-xin thứ 2 ở tuổi lớn hơn. Việc làm đó là hoàn toàn cần thiết và có lợi cho sức khỏe.
Đối tượng tiêm chủng
Vắcxin chỉ để phòng ngừa trước khi nhiễm bệnh, khi đã mắc bệnh thì không thể tiêm vắcxin nữa mà phải điều trị. Để tiêm vắcxin hiệu quả, cần tuân thủ nguyên tắc ”tiêm sớm, đúng lịch, đủ mũi”. |
Tất cả trẻ em cần được tiêm chủng kể cả các trường hợp như:
– Có tiền sử dị ứng hoặc hen (trừ trường hợp biết rõ dị ứng với một thành phần nào đó của vắc-xin).
– Ốm nhẹ, có thân nhiệt dưới 38,5oC.
– Tiền sử gia đình co giật, động kinh hoặc ngất.
– Đang điều trị các thuốc kháng sinh.
– Nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV nhưng chưa biểu hiện triệu chứng của AIDS (cần được tiêm vắc-xin sởi khi được 6 tháng tuổi và nhắc lại lúc 9 tháng tuổi).
– Dấu hiệu và triệu chứng của AIDS, ngoại trừ vắc-xin (phòng lao).
– Các bệnh mạn tính hoặc bệnh gan.
– Các bệnh thần kinh bẩm sinh (bại não, hội chứng Down…).
– Sinh non hoặc nhẹ cân (không nên trì hoãn tiêm vắc-xin).
– Đã hoặc sắp phẫu thuật.
– Suy dinh dưỡng.
– Có tiền sử vàng da khi sinh.
Riêng với trẻ đã có phản ứng quá mẫn cảm khi tiêm vắc-xin, không nên tiêm những liều tiếp theo. Người có tiền sử dị ứng với các thành phần của vắc-xin cũng không nên tiêm.
Lưu ý khi tiêm chủng:
– Nếu tiêm hơn một loại vắc-xin trong cùng một thời điểm, phải sử dụng riêng bơm kim tiêm cho từng loại vắc-xin.
– Mỗi loại vắc-xin cần được tiêm ở những vị trí khác nhau.
– Không tiêm hơn một liều của cùng một loại vắc-xin cho phụ nữ hoặc trẻ em trong một lần tiêm chủng.
– Tiêm đúng khoảng cách. Phải đợi tối thiểu 4 tuần giữa các liều đối với bạch hầu, ho gà, uốn ván và viêm gan B.
– Cẩn thận khi tiêm cùng lúc nhiều loại vắc-xin.
Nhiễm trùng bệnh viện – một trong những nguyên nhân gây tai biến khi tiêm chủng
Tiêm chủng bao giờ cũng có tai biến (Đẹp 89 đã đề cập) nhưng chỉ ở một tỷ lệ rất thấp và nhỏ hơn rất nhiều so với những nguy hại do không tiêm. Vấn đề chỉ còn là các nhân viên y tế phải đảm bảo nguyên tắc vô trùng và phải thử phản ứng miễn dịch cho trẻ.
Trường hợp nhiễm trùng máu và sốc do nội độc tố ở các bé tiêm chủng Priorix tại Q.5 Tp.HCM hồi cuối tháng 5/2006 vừa rồi vẫn gặp trong y khoa do công tác vô trùng chưa đảm bảo (Y học gọi là “nhiễm trùng bệnh viện”).
Tác nhân gây nhiễm trùng bệnh viện nói chung gồm vi sinh vật, siêu vi khuẩn, các loại ký sinh trùng, nấm với các tỷ lệ được đánh giá như sau:
– Vi khuẩn: 90%
– Virus: 8%
– Nấm: 1%
– Ký sinh trùng
Hay gặp nhất là :
* Tụ cầu vàng: Phát triển được trong nhiệt độ 10 – 45oC, tồn tại trong không khí, các chất lỏng, trên mặt đất, gây tổn thương dạng nhọt, apxe, nhiễm trùng máu… gặp nhiều nhất ở lĩnh vực nhi khoa và ngoại khoa.
* Tụ cầu trắng: Người bệnh thường mang vi khuẩn này trên da với mật độ 105 vi khuẩn/cm2 – có thể gây viêm nội tâm mạc và nhiễm trùng máu.
* Liên cầu:
– Nhóm A: Nhiễm vào cơ thể qua không khí, bụi… gây nhiễm khuẩn sản khoa, viêm phổi, tinh hồng nhiệt…
– Nhóm B: Gây nhiễm trùng đường sinh niệu và viêm màng não trẻ sơ sinh.
– Nhóm D: Gây nhiễm khuẩn ruột, vết thương đường tiết niệu.
Các vi sinh vật trong bệnh viện và các cơ sở y tế có rất nhiều do nhiều người với nhiều loại bệnh khác nhau mang đến và do đã từng được điều trị bằng kháng sinh nên đa số chúng là loại đã đề kháng với hầu hết các loại kháng sinh thông thường.
Đường xâm nhập chủ yếu là do:
– Môi trường tiêm chủng không sạch, chưa được khử khuẩn.
– Dụng cụ y tế không sạch, chưa khử trùng hoặc đã khử trùng nhưng để lâu dễ bị tái nhiễm.
– Da, niêm mạc… nhân viên y tế không sạch gây bội nhiễm cho dụng cụ hay trực tiếp lên chỗ tổn thương khi tiêm, làm thủ thuật…
Việc tiêm chủng là cần phải làm và rất nên làm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hơn các phụ huynh nên cho trẻ đến tiêm ở các cơ sở y tế chuyên sâu, có đầy đủ phương tiện, đảm bảo vô trùng và có sẵn các phương tiện cấp cứu, xử trí khi cần thiết.
Các biện pháp chống nhiễm trùng bệnh viện:
– Rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn
– Đảm bảo kỹ thuật vô khuẩn, thực hiện nghiêm ngặt quy trình xử lý dụng cụ.
– Vệ sinh phòng tiêm và làm các thủ thuật y học hàng ngày và định kỳ.
– Cọ rửa, vệ sinh bề mặt các khoa phòng và toàn bệnh viện.
– Xử dụng hàng ngày các chất tẩy rửa có tính sát khuẩn.
– Xử lý chất thải đúng quy chế./.