Ai phải về quê?

Đã có không biết bao nhiêu bộ phim Việt Nam, cả nhựa lẫn truyền hình, mang cốt truyện đại khái thế này: Một chàng trai (nhưng phổ biến là cô gái) bỏ làng quê ra tỉnh mong được đổi đời. Sau khi gặp rất nhiều khó khăn, cạm bẫy, lừa đảo, một ngày kia cô chợt nhận ra làng xóm cũ là nơi thân thương nhất, và cô lên tàu lên xe hoặc… đi bộ trở về.

Mới thoạt nghe thì chân lý ấy chả có gì sai. Thậm chí còn “tiến bộ” vì nó kêu gọi mọi người hãy tìm hạnh phúc chính nơi mình đang sống, đừng mơ tưởng tới những hào nhoáng phương xa.

Có thực thế không?

Xu hướng di dân tự nhiên, từ nông thôn chuyển ra thành phố đang bùng phát, không chỉ ở nước ta. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mêxicô, Pháp, Đức… đều có tình trạng này.

Đấy là hệ quả (tôi không dùng chữ hậu quả) tất yếu của nền sản xuất công nghiệp. Tốc độ đô thị hóa là một tốc độ dùng để đánh giá sự lớn mạnh của một quốc gia. Nói cách khác, xu hướng “quê” lên “tỉnh” là không thể và không có lý do gì để đảo ngược (còn chuyện quản lý quy trình đó là chuyện khác).

Thành phố rõ ràng không phải là cạm bẫy. Thậm chí ngược lại. Nếu ta phải đi bệnh viện, nếu ta phải có việc báo cảnh sát, nếu ta cần kiện tụng thì ở thành phố rõ ràng an toàn hơn, nhanh chóng hơn. “Phép vua thua lệ làng” chứ không thua lệ thành phố. Nếu bạn không tin cứ mở báo Công an TP.HCM và các báo khác ra coi. Gần như 70% các vụ tai nạn giao thông, đâm chém và nhậu… xảy ra ở ngoại thành, trong các quận vùng ven. Nghĩa là càng xa thành phố càng lạc hậu.

Người dân bình thường không dùng tới thống kê. Nhưng có linh cảm rất mạnh. Họ nhận thấy một cách rõ ràng ở thành phố có nhiều cơ hội hơn, dễ kiếm tiền hơn và được hưởng nhiều nét văn minh hơn.

Cho nên mỗi độ xuân về, hàng ngàn hàng vạn nam nữ thanh niên khắp mọi tỉnh thành lũ lượt mua vé tàu, vé xe trở lại làng xóm, rồi sau mấy ngày Tết lại đi. Chắc chắn những con người ấy có lý do chính đáng, cả về kinh tế lẫn văn hóa và tình cảm để làm chuyện này.

Ngay trường Sân khấu Cống Quỳnh tại TP.HCM, nơi tôi quen rất nhiều sinh viên, tôi chưa gặp một em nào nói học xong thì sẽ về quê. Hầu như tất cả các nghệ sĩ thành danh Sài Gòn từ Minh Nhí, Thúy Nga, Cát Phượng, Mỹ Uyên… đều từ tỉnh đi lên. Nhiều người lúc mới tới nơi chỉ vài xu dính túi, bây giờ họ nhà cửa, ngựa xe, danh tiếng lẫy lừng.

Có lần, một diễn viên hài bảo tôi “Ngày trước hễ có dịp lên Sài Gòn em cứ khiếp sợ khi nhìn Nhà hát lớn, chả hiểu tới kiếp nào mình mới chui vào đấy. Không thể tưởng tượng được là bây giờ em đã diễn trên sân khấu đó cả chục lần, nhanh quá”. Đúng. Nhanh quá. Chỉ có “ Cuộc phiêu lưu vĩ đại” rời bỏ làng quê mới làm cho cô bé ấy thay đổi như thế.

Thành phố có nhiều cơ hội hơn, đó là thực tế cho những ai chọn nó…
Mỗi phim, khi cho nhân vật (thường đã bầm dập) quay về, là khi đó chính người làm phim thực ra cũng… không biết đi đâu!

Tôi không có ý bảo những người chưa ra đi là sai lầm và dại. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh: Thành phố có nhiều cơ hội hơn, đó là thực tế cho những ai chọn nó.

Trở lại các bộ phim của chúng ta

Các nhân vật thường bị lừa ngay khi bước xuống… bến xe, do một anh xe ôm khả nghi nào đó. Tiếp đến, cô ta (phải cô ta mới hấp dẫn) thường sa vào một nhà hàng, một quán bar, hoặc một ông chủ lưu manh, một bà chủ độc ác. Cô vỡ mộng.

Kể ra mộng như thế, tài như thế cũng dễ vỡ thật. Khi một thiếu nữ ngây thơ, không tiền, không người thân lại không có văn hóa “dẫn xác” tới mội chỗ đầy tệ nạn như vậy thì an toàn mới là lạ.

Nhưng xin nhắc lại: thành phố không phải là nơi toàn tệ nạn. Nơi ấy còn có tỷ lệ cao nhất các con người và cơ sở văn minh.

Khi các tác giả phim cứ ném nhân vật vào chỗ không văn minh một lần, hai lần, tới ba lần thì cần phải xem xét có lẽ chính họ cũng chẳng văn minh gì cả. Họ không hiểu chính xác nơi ấy, và họ không muốn miêu tả nó.

Do đó nhân vật của họ chỉ loanh quanh bị lừa bằng những thủ đoạn… rẻ tiền dễ quay và dễ viết.

Rồi mỗi phim, khi cho nhân vật (thường đã bầm dập) quay về, là khi đó chính người làm phim thực ra cũng… không biết đi đâu!

Muốn tiến lên thì phải có bản lĩnh, có kiến thức và trình độ. Điều ấy thì chính tác giả và đạo diễn chưa đạt tới, nói gì tới “gái ở quê ra”!

Tôi biết rằng viết tới đây sẽ động chạm tới nhiều người.

Nhưng may quá tôi đang ở thành phố, tôi không sợ động chạm bởi chuyện gì thì đã có nhiều bên công luận. Chứ ở làng mà bị mấy ông “Trùm chữ” ghét thì chết chắc!

Tóm lại, khi các nhân vật trong phim quay trở về, trừ một số trường hợp, còn theo tôi đó chính là bằng chứng nói lên sự thất bại của các tác giả. Chính họ đã không tìm được lối thoát. Một lối thoát khó khăn nhưng đáng ra phải thế!


From the same category