Việt Nam là nước nhiệt đới với hệ động thực vật rất phong phú. Do đó, các bệnh da đặc trưng của thời điểm giao mùa cũng rất phổ biến và đa dạng. Hai chữ “ngoài da” đôi khi khiến người ta thấy không có gì nghiêm trọng, nhưng những phiền toái và hệ lụy của nó lại không đơn giản chút nào. Phòng bệnh hơn chữa bệnh! Bạn hãy nghiên cứu những thông tin dưới đây để biết cách bảo vệ sức khỏe cho cả nhà nhé!
1. Viêm da tiếp xúc với hóa chất từ thực vật
Viêm da quang thực vật: Thường xuất hiện vào cuối mùa hè, đầu mùa thu
Nguyên nhân: Do trong lá cây có chứa một số chất cần thiết để giúp thực vật kháng lại vi nấm, điển hình là chất Furocumarins với cấu trúc chuỗi (psoralene). Psoralene tương tác với ôxi trong không khí sẽ tạo ra chất ôxi hóa làm tổn thương cấp tính và tăng sắc tố da. Chất này thường hiện diện trong hai họ thực vật là họ hoa dạng tán và họ cam. Họ hoa dạng tán có cấu trúc nhận biết là nhiều hoa nhỏ trên một tán có hình dù hoặc hình cầu. Hạt của nhiều loại cây họ này có chứa psoralene. Hạt có nhiều vào mùa thu. Họ cam gồm các cây cam quít vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ngoài ra nhiều họ cây khác cũng có chứa độc tố gây hại cho da như họ cây cửu lý hương, họ dâu tằm, họ đậu.
Triệu chứng: Da sau khi tiếp xúc với hoá chất từ 30-120 phút sẽ nổi những mảng da đỏ-phù-ngoằn ngoèo. Khoảng 24-72 giờ sau, các mụn nước xuất hiện trên bề mặt tổn thương, đau nhưng không ngứa. Sau 1-2 tuần, có khi kéo dài hàng tháng hàng năm, vùng da bệnh sẽ thâm đen lại .
Phòng bệnh:
– Không nên trồng cây thuộc các họ kể trên ở gần nhà.
– Bảo hộ khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới tán cây.
– Rửa ngay với xà phòng và nhiều nước nếu tiếp xúc với thực vật nghi ngờ.
Viêm da dị ứng
Nguyên nhân: Thường gặp là do tiếp xúc với lá cây họ điều, họ cúc, cây xoài và bạch quả. Họ điều có lá kép, gồm 3 lá hoặc nhiều hơn . Hoa và trái mọc lên từ góc nách giữa cuốn lá và cành. Trái màu xanh–trắng, khi trưởng thành thì màu trắng. Cây điều có nhiều ở vùng nhiệt đới. Vỏ hạt điều chứa tinh dầu có các chất nhóm phenol khá cao. Urashiol được phóng thích tự nhiên từ vỏ hạt và vỏ cây thuộc các họ này vào cuối mùa thu – đây chính là tác nhân gây bệnh cho da.
Triệu chứng: Sau khi tiếp xúc, vùng da sẽ đỏ ngứa, phát triển ngày càng nhiều trong vòng 2 ngày. Sau đó nổi những mụn nước, bóng nước trên bề mặt thương tổn da.
Phòng bệnh: Ngay sau khi tiếp xúc với độc tố thực vật nghi ngờ, nên tắm ngay với xà phòng vì urashiol dễ dàng trôi đi nếu rửa sớm với nước, nhưng sau 60 phút đã bám vào da thì không còn rửa được nữa.
2. Viêm da tiếp xúc với hóa chất từ động vật
Viêm da do sâu bướm
Nguyên nhân: Tổn thương da do tiếp xúc trực tiếp với các độc tố gây kích ứng da có trong nhiều chủng sâu bướm. Da ngứa nhiều gây cào gãi. Chính những kích thích cơ học này sẽ gây tổn thương da và tạo ngõ vào khiến cho nhiều hóa chất hoạt mạch có trong lông của sâu bướm thâm nhập vào da. Kén sâu bướm treo lơ lửng trên cành và lá cây. Gió sẽ giúp khuếch tán lông hoặc kén sâu vào trong không khí và có thể rơi trên da hoặc quần áo chúng ta.
Triệu chứng: Sau khi tiếp xúc một thời gian ngắn, da nổi những sẩn đỏ và mụn nước. Tổn thương da gây bỏng rát, ngứa kéo dài đến 12 giờ sau tiếp xúc. Tổn thương da có hình đường sâu bướm bò trên da hoặc có hình đa dạng khu trú xung quanh vùng cổ áo, mặt trong cánh tay, cẳng chân, bên hông bụng, bàn chân do tiếp xúc với các lông cứng của sâu bay lơ lửng trong không khí và dính vào quần áo. Tuy nhiên tổn thương da có thể có nhiều hình dạng kỳ lạ khác nhau tùy theo cách tiếp xúc. Thường là một hoặc vài thương tổn. Ngoài ra, một số người bệnh có thể bị viêm khớp đỏ mắt, khò khè… nhưng không có trường hợp nào gây tử vong.
Phòng và điều trị: Rửa sạch vùng da tổn thương để loại bỏ các hóa chất và lông sâu bám trên da. Có thể dùng một số loại thuốc bôi dịu da và thuốc uống chống ngứa. Tuy nhiên, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu trong những trường hợp nặng kéo dài để có điều trị đúng đắn.
Tổn thương da do nhện cắn
Nguyên nhân: Nhện là loài chân đốt ăn thịt, có răng nanh và nọc độc để làm tê liệt hoặc giết chết con mồi. Đa phần độc tố nhện chỉ gây đau, sưng đỏ vùng da bị cắn. Tuy nhiên, một số độc tố nhện có thể gây hoại tử da – mô mềm (nhện ẩn sĩ), hoặc tổn thương cơ – thần kinh (nhện goá phụ đen).
Triệu chứng: Thường người bệnh không cảm nhận được vết cắn nhện ngay thời điểm xảy ra. Nhưng sau đó tổn thương da sẽ xuất hiện dưới dạng một nốt sưng phồng giống hình tổ ong tại vị trí bị cắn và lan rộng dần khoảng vài centimet hoặc rất to. Tổn thương gây ngứa nhiều, cảm giác hơi đau khi cào gãi. Đôi khi có thể phát hiện được vết đốt hoặc vết răng nanh nhện trên bề mặt da. Sờ mảng da tổn thương sẽ có cảm giác sâu, nóng, cứng.
Những trường hợp nặng như do nhện ẩn sĩ hoặc nhện goá phụ đen cắn, tổn thương da đỏ sẽ dần tái màu, hoại tử lan rộng và sâu, tạo các vết loét rất khó lành.
Điều trị: Bệnh tự khỏi dần. Tuy nhiên một số trường hợp vết căën bị sưng to và ngứa nhiều có thể được chữa trị bằng cách băng ép lạnh và thuốc uống chống ngứa. Những trường hợp kèm tổn thương toàn thân như chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi, nôn ói; trầm trọng hơn là gây tổn thương máu, thần kinh, cơ, nội tạng thì nên nhập bệnh viện chuyên khoa ngay để được điều trị đúng đắn./.
Bác sỹ da liễu Huỳnh Huy Hoàng