Dòng phim do Nhà nước tài trợ giờ đây chỉ trông mong vào những dịp lễ lạt nhưng cũng phải qua đấu thầu kịch bản gian nan để được cấp vốn. Các dự án phim nghệ thuật độc lập cũng chỉ trông mong vào sự tài trợ của các tổ chức điện ảnh nước ngoài và tìm đường ra bằng các Liên hoan phim quốc tế.
Dòng phim tư nhân bỏ vốn sản xuất thì đầy hoang mang về đầu ra khi mỗi năm chỉ có 3 ngày Tết để thu hồi vốn. Điện ảnh Việt bắt đầu có một sự phân cực rõ ràng và chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay.
Phim nghệ thuật: Không có cửa!
Phim nghệ thuật – ở Việt Nam thực ra là một khái niệm rất mơ hồ. Cũng chả biết dựa vào tiêu chí nào để đánh giá một bộ phim có nghệ thuật hay không? Hơn chục năm nay, báo chí quen có một tiêu chí để đánh giá là những bộ phim do nhà nước đặt hàng được xem là những bộ phim nghệ thuật.
Nhưng thử nhìn lại mà xem, bao nhiêu trong số các bộ phim “nghệ thuật” ấy đến được với công chúng và bao nhiêu khán giả đã xem nó? Bao nhiêu bộ phim chỉ chiếu đúng vài ngày lễ rồi biến mất và bao nhiêu phim chưa bao giờ có một ngày ra rạp, vĩnh viễn nằm trong kho?
Sự lãng phí tiền của cho nền điện ảnh bao cấp may thay cuối cùng cũng dần dần bị xóa sổ, dù quá muộn. Hàng chục đạo diễn giờ đây không thể rung đùi ngồi chờ dự án đến lượt mình rồi đốt tiền tỉ cho một bộ phim làm ra chỉ để đắp chiếu. Một số đạo diễn có tự trọng hoặc có tài bắt buộc phải lao vào một cuộc chiến sống còn để tồn tại với điện ảnh, tiếp tục theo đuổi nghiệp đam mê của mình.
Hai trong số ít những đạo diễn như thế là Bùi Thạc Chuyên và Ngô Quang Hải, đều là hai tân binh của điện ảnh Việt. Hai sản phẩm của họ đều là những nỗ lực tự thân.
“Sống trong sợ hãi” của Bùi Thạc Chuyên phải mất hơn 5 năm thầm lặng cho quá trình xây dựng kịch bản, tìm kiếm nguồn tài trợ nước ngoài.
“Chuyện của Pao” của Ngô Quang Hải cũng thế, phải vượt qua rất nhiều kịch bản của các đạo diễn “biên chế” để thắng giải trong một cuộc đấu thầu kịch bản do Nhà nước tài trợ dù Hải là đạo diễn trẻ tự do. Ngoài ra anh còn tìm kiếm được một nguồn tài trợ nước ngoài.
Và rõ ràng, nỗ lực tự thân của họ đã không hề uổng phí khi cả hai đều cho ra đời 2 bộ phim đầy đặn về mặt nội dung và nghệ thuật. Điều này đã được chứng minh khi “Sống trong sợ hãi” và “Chuyện của Pao” tranh nhau sát sao trong giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh VN 2006 cũng như sự công nhận của hầu hết báo chí và giới phê bình.
Tuy nhiên, dòng phim nghệ thuật, ngay cả những bộ phim hay và xuất sắc cũng gần như không có cửa tại các rạp chiếu ở VN. Không ai có thể phủ nhận được “Mùa len trâu” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh về mặt nghệ thuật, nhưng khi chiếu ở Việt Nam, dù được báo chí tung hô và đoạt hàng loạt giải thưởng điện ảnh quốc tế, bộ phim này vẫn gặp phải sự lạnh lẽo thờ ơ của khán giả Việt.
Gần đây nhất, hai bộ phim “Sống trong sợ hãi” và “Chuyện của Pao”, dù thắng đậm tại giải Cánh diều vàng rồi được báo chí đưa in sát sạt, dù làm lễ ra mắt hoành tráng và lên chiến lược tái phát hành bằng những chiêu marketing rầm rộ, cả hai bộ phim này vẫn rất khó khăn để trụ rạp khi số lượng người xem mỗi buổi chiếu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một nhà báo tại TPHCM kể, trong đợt chiếu “Chuyện của Pao” tại TPHCM tháng 8 vừa rồi, anh là người mua vé duy nhất trong một buổi chiếu và cuối cùng đành nhận lại tiền vì không đủ số lượng khán giả tối thiểu – 7 người – cho một suất chiếu. Anh cảm thán: “Phim nghệ thuật ở Việt Nam, có muốn xem cũng chẳng được!”
Nói cho cùng, dòng phim nghệ thuật (đích thực) không chỉ gặp khó khăn ở thị trường Việt Nam mà nhiều nước có nền điện ảnh phát triển cũng gặp tình trạng tương tự.
Mỗi năm ở Mỹ có trên dưới 100 bộ phim nghệ thuật kiểu độc lập nhưng chỉ có 1/10 trong số đó trụ được tại các rạp chiếu nếu đoạt các giải thưởng điện ảnh lớn hay các Liên hoan phim, số còn lại cũng chấp nhận phát hành qua thị trường DVD và may mắn lắm mới thu hồi đủ vốn.
Đạo diễn số 1 Trung Quốc – Trương Nghệ Mưu sau hai bộ phim thương mại thành công đã quay trở lại với một dự án nghệ thuật độc lập – “Ngàn dặm độc trình” nhưng số lượng người xem phim này tại Trung Quốc cực kỳ thấp.
Một ví dụ điển hình khác – đạo diễn nổi tiếng Hàn Quốc Kim Ki Duk mới đây cũng tuyên bố là ông sẽ không bao giờ cho chiếu phim của mình hay tham dự các Liên hoan phim trong nước nữa vì khán giả Hàn quá ghẻ lạnh với phim của ông. Kim là một đạo diễn độc lập danh tiếng, được giới phê bình quốc tế cực kỳ yêu thích vì những ý tưởng lập dị.
Trong năm 2003, Kim Ki Duk đã đoạt liên tiếp hai giải đạo diễn xuất sắc tại hai Liên hoan phim Quốc tế uy tín nhất là Berlin (“Cô gái làm phước”) và Venice (“Căn nhà trống”), từng có phim tranh cử giải Oscar (“Xuân Hạ Thu Đông… rồi lại Xuân”), từng có phim chiếu tại Cannes (“Cánh cung”), từng có phim chiếu mở màn tại một Liên hoan phim uy tín ở Đông Âu (phim mới nhất – “Time”)… nhưng ở Hàn Quốc, số lượng người xem phim ông cực kỳ ít dù khán giả Hàn được đánh giá là chịu khó đến rạp xem phim nội địa cao nhất nhì thế giới.
Dòng phim nào sẽ trở thành “niềm tự hào phim Việt” 2006? Rất khó để đưa ra dự đoán chính xác với một thị trường điện ảnh Việt đầy bấp bênh và cảm tính như hiện nay. Thôi thì lại một câu cũ rích – hãy để thời gian trả lời! |
Còn nhớ hè năm ngoái, khi ở Hàn Quốc, tôi đã đến nhiều rạp chiếu tại Seoul và Busan để tìm xem bộ phim “Cánh cung” (lúc đó mới ra mắt) nhưng hầu hết các rạp chiếu đều cho biết phim này chỉ trụ rạp được 2, 3 buổi chiếu rồi mất hút.
Về nhà tìm kiếm thông tin trên mạng, kết quả cho biết bộ phim này thật sự chỉ có 1398 lượt người xem và chiếu duy nhất 1 rạp ở Seoul. Nên nhớ, phim có số lượng người xem nhiều nhất tại Hàn Quốc năm ngoái – “Vua và anh hề” có số lượt người xem là trên 12 triệu người.
Dù vậy, những dự án nghệ thuật độc đáo này, dù quá riêng tư và dị biệt vẫn có một chỗ đứng trong giới điện ảnh. Trong làng điện ảnh quốc tế vẫn có rất nhiều đạo diễn tên tuổi vẫn không thỏa hiệp với khán giả để chọn con đường điện ảnh của riêng mình.
Ít nhất, họ còn có các Liên hoan phim quốc tế đỡ đầu, các nhà phê bình điện ảnh uy tính đánh giá cao. “Mùa len trâu”, “Sống trong sợ hãi”, “Chuyện của Pao” hay những bộ phim trước đây của Đặng Nhật Minh, Trần Anh Hùng… dù không chinh phục được khán giả trong nước nhưng đã hoàn toàn có “cửa” tại các đầu ra quốc tế.
Phim giải trí: Trông chờ 3 ngày tết
Khi mà dòng phim nghệ thuật (dù hay) ngoắc ngoải tại các rạp chiếu, thị trường điện ảnh nội địa là trận địa bỏ trống cho các bộ phim giải trí của các hãng phim tư nhân sản xuất. Nhưng xem ra, phim giải trí cũng rơi vào tình trạng… chết hàng loạt.
Thử điểm lại năm ngoái mà xem: “39 độ yêu” trở thành một nỗi ê chề của phim hè. “1735 km”, của đạo diễn trẻ Việt kiều Nguyễn Ngiêm Đặng Tuấn, được đào tạo bài bản ở Mỹ, dàn diễn viên trẻ đẹp nhưng vẫn… chết vì thiếu hiểu biết, đến nỗi phá sản luôn cả một hãng phim mới hình thành.
“Thập tự hoa” dựa theo truyện ngắn hay của Trần Thùy Mai, diễn viên cũng người mẫu, ca sĩ cũng vẫn chết như thường vì nhạt. “Sài Gòn Love Story” cũng của một đạo diễn Việt kiều Tây học khác, thì đã 2 năm mà chưa thấy bóng dáng đâu.
Phim hè thất bại, chiếu Giáng sinh cũng “chết”, một năm có 365 ngày, chỉ còn 3 ngày Tết để các hãng phim tư nhân tranh nhau giành khán giả. Cuối cùng, năm ngoái chỉ có “Đẻ mướn” của Hãng Phước Sang là thắng. Dù xem “Đẻ mướn” của Hãng này, một bộ phim kiểu Thái + Đài Loan những năm 80, 90 thế kỷ trước, đôi khi ớn lạnh vì “ghê”, nhưng với sở thích khán giả bình dân thì như thế là “sốt” là “hot” nên phim này nghiễm nhiên trở thành “niềm tự hào phim Việt” nếu tính lượt khán giả đến xem. Hai bộ phim khác là “Hai trong một” của Thiên Ngân (may ra) hòa vốn còn “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của HK Films thì (nghe đâu) lỗ chỉ vì chiếu quá Tết, khán giả hết hứng đến rạp.
Mùa phim giải trí của các Hãng phim tư nhân năm nay cũng đầy hoang mang trong cuộc tranh giành khán giả 3 ngày Tết. Phước Sang xem ra có lợi thế nhất vì đã loại được đối thủ Thiên Ngân và trở thành độc quyền với dự án “Võ lâm truyền kỳ”. Vẫn với tiêu chí làm phim “sên sến”, ăn theo một sự kiện đang sốt (lần này là game), diễn viên gồm một ít ca sĩ + vài người mẫu + dăm ba diễn viên điện ảnh (kiêm truyền hình, kiêm sân khấu) và những chiêu câu khách bằng mọi giá, “Võ Lâm truyền kỳ” cũng dễ trở thành con át chủ bài của mùa phim Tết năm nay.
Đối thủ lớn nhất của Phước Sang là hãng Thiên Ngân có “Trai nhảy” của Lê Hoàng phim làm từ năm ngoái cũng hồi hộp chờ ngày ra rạp nhưng yếu thế hơn.
Một kịch bản khác của Lê Hoàng là “Chuông reo là bắn” giờ chuyển tay sang đạo diễn Trương Dũng và do hãng Giải Phóng sản xuất, cũng dự định chiếu Tết.
Ba bộ phim khác chọn điểm rơi vào dịp Giáng sinh – Tết Tây là “Dòng máu anh hùng” (đạo diễn Charlie Trực Nguyễn), “Áo lụa Hà Đông” (đạo diễn Lưu Huỳnh) và “Sài Gòn nhật thực” (Othello Khanh) theo như công bố của nhà sản xuất trên trang dữ liệu điện ảnh www.imdb.com.
Đây cũng là ba bộ phim có kinh phí sản xuất lớn, thực hiện bài bản theo đúng kiểu phim Hollywood, dàn diễn viên nổi tiếng trong nước và quốc tế (Dustin Nguyễn, Johnny Nguyễn, Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân, Như Quỳnh…)
Tổng cộng có ba bộ phim do các hãng phim tư nhân góp vốn sản xuất và ba bộ phim có yếu tố nước ngoài tham gia cuộc đua. Ba bộ phim 100% vốn Việt vẫn theo chiêu thức câu khách kiểu cũ – dựa theo các sự kiện kiểu scandal, giật gân, hiếu kỳ (game ăn khách, đồng tính, người mẫu “nuy”…). Ba bộ phim có yếu tố nước ngoài quay trở lại với lịch sử, hoài niệm xưa cũ (một phim lấy cảm hứng từ Kiều, một phim lấy cảm hứng từ cuộc khởi nghĩa chống Pháp và một phim kể về những thân phận lưu lạc trong chiến tranh)…
Bộ phim nào sẽ chiến thắng trong cuộc đua này? Và dòng phim nào sẽ trở thành “niềm tự hào phim Việt” 2006? Rất khó để đưa ra dự đoán chính xác với một thị trường điện ảnh Việt đầy bấp bênh và cảm tính như hiện nay. Thôi thì xin kết một câu cũ rích – hãy để thời gian trả lời!