Có phải chồng lười do vợ?

Một câu hỏi chung cho cả vợ và chồng. Hãy xem quan điểm của các cặp vợ chồng này về chuyện “chồng lười do vợ”.

Bà xã Hoàng Thị Như Vân: Hãy kéo ông xã về với mình
 
Ông xã luôn coi công việc nhà là việc của cả hai vợ chồng vì vậy thường xuyên chia sẻ với tôi. Chúng tôi cùng nhau nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và nói đủ mọi chuyện. Mỗi người một việc, khi tôi nhặt rau và làm thức ăn thì ông xã cắm hộ nồi cơm, rồi tranh thủ lau nhà.

Tôi cảm thấy mình được chia sẻ rất nhiều và không khí gia đình thêm ấm cúng. Tuy nhiên tôi cũng không áp đặt một cách máy móc, hôm nào thấy ông xã mệt mỏi thì tôi để ông nghỉ ngơi, còn bình thường tôi hay nhờ ông làm hộ việc này việc khác.

Tôi muốn chia sẻ, đừng giao cho ông xã quá nhiều việc một lúc. Hãy để ông xã làm từng việc một và đừng quên động viên khen ngợi kịp thời. Với phụ nữ công việc bếp núc là chuyện nhỏ nhưng với đàn ông có thể coi là “công trạng” vì thế bạn đừng tiết kiệm lời khen.

Khen ngợi đúng chỗ sẽ tạo cho ông xã có cảm thấy mình quan trọng và vui vẻ trở về nhà sau mỗi buổi làm việc, có khi còn từ chối cả lời mời nhậu nhẹt của các bạn bè ấy chứ.

Theo tôi, phụ nữ không nên ôm hết việc nhà, hãy tìm cách khéo léo chia sẻ với chồng và cho chồng lựa chọn việc mình thích.

Khi cùng làm việc nhà vợ chồng sẽ cảm thấy thân thiết hơn, bạn sẽ ngạc nhiên về chính bản thân mình, và thú vị hơn là thấy vợ mình được hạnh phúc.

Không chiều chồng, cương quyết không làm những việc dành cho đàn ông như thay bóng đèn, sửa vòi nước, thay dầu quạt… vì làm như vậy ông xã sẽ ỷ lại và có cảm giác sợ việc.

Cuộc sống gia đình được gắn kết bởi các thành viên trong gia đình nhất là mối quan hệ giữa hai vợ chồng.
 
Ông xã Nguyễn Thành Dương : Sự khéo léo của bà xã khiến tôi thấy mình quan trọng
 
Khi vợ bận tôi sẵn sàng đi chợ và về nhà nấu cơm bởi tôi rất xúc động khi nghe bà xã tâm sự dù tôi biết mình đang được “nịnh”: “Em thấy yên tâm vì nếu em phải đi công tác sẽ không lo lắng vì anh có thể tự nấu ăn và chăm sóc gia đình, anh nấu ăn rất ngon”. Lúc ấy tôi thấy rất vui và thấy là mình có ích trong mắt bà xã.

Vợ tôi đã biết cách để lôi tôi vào bếp cùng cô ấy. Khi thì cô ấy nhờ tôi làm việc này, việc khác và không ngừng khen ngợi cho dù việc rất nhỏ. Cô ấy rất hay điện thoại hỏi tôi xem tôi thích ăn món gì để cô ấy nấu và như thế buộc tôi phải suy nghĩ xem tuần này mình đã ăn những món gì rồi và hôm nay nên ăn món gì.

Như thế cô ấy đã gieo vào tôi một trách nhiệm vô hình và dần dần tôi quen với sự trao đổi của vợ và tôi thật sự bị lôi vào cuộc. Tôi từ chối những cuộc hẹn không quan trọng sau giờ làm và về nhà cùng chia sẻ việc nhà với vợ.

Nhưng tôi thừa nhận vợ tôi rất khéo trong việc nhờ chồng, mặc dù tôi tự nguyện nhưng cũng thấy vợ mình đáng yêu và theo tôi trong cuộc sống gia đình đó là nghệ thuật của người phụ nữ. 

Khi cùng làm việc nhà, chúng tôi có nhiều cơ hội trao đổi thông tin, bàn luận về những vấn đề cả hai cùng quan tâm, định hướng cho tương lai và quan trọng hơn cả tôi giúp đỡ được vợ mình nhiều việc.

Các ông chồng chưa từng làm việc nhà hãy bắt tay vào, các ông sẽ ngạc nhiên vì sự nặng nhọc của những công việc không tên mà vợ phải làm thường xuyên và sẽ thương vợ hơn. 

Một số ông cho rằng, họ chỉ cần mang tiền về nhà là đủ, việc còn lại phó mặc cho người phụ nữ và ô-sin, nhưng có thể đó là một quan điểm chưa đúng đắn. Vì khi cùng làm việc nhà vợ chồng sẽ cảm thấy thân thiết hơn, bạn sẽ ngạc nhiên về chính bản thân mình, và thú vị hơn là thấy vợ mình được hạnh phúc.
 
Ông xã Khinh Phong: Tôi thấy mình cũng đảm đang
 
Tôi không biết gia đình người khác thế nào, chứ ở nhà tôi, việc gì tôi thấy mình cũng cáng đáng được hết. Cho con ăn, tắm cho con, sửa bóng đèn thậm chí nấu cơm… lúc nào tôi cũng sẵn sàng cả. Vấn đề là có cơ hội để thực hiện hay không.

Vì thực tế, chúng tôi sống cùng gia đình nên mỗi người một tay, không mấy khi có việc. Tôi tin là mình xứng đáng được giải “tư cách” tiêu biểu đi nhận phần thưởng cho đức lang quân trong năm chẳng hạn.

Cuộc sống gia đình đôi khi tưởng phức tạp nhưng lại đơn giản, và ngược lại, có khi thấy đơn giản nhưng lại vô cùng rối rắm.

Tình yêu và lời nói thì chưa đủ để hình thành nền tảng một gia đình hạnh phúc, chỉ có hành động mới chứng tỏ được mình đã cống hiến gì, đã làm được gì cho vợ con.

Có thể mình không thấy được chính bản thân vì ai cũng luôn đặt cái tôi của mình lên trên, cũng cảm thấy mình hoàn hảo.

Không biết bà xã tôi “phán xét” mình thế nào, chứ tôi tự thấy, lúc nào mình cũng “đảm đang” đầy tinh thần trách nhiệm cả. Phụ nữ ngày nay cũng đi làm kinh tế, cũng làm việc giỏi không kém gì đàn ông, thậm chí là giỏi hơn. Đã vậy, họ còn gánh vác sứ mệnh thiêng liêng, làm mẹ, chăm sóc gia đình, quán xuyến nhà cửa.

Trách nhiệm có vẻ quá nặng nề nên nếu đàn ông có ghé vai vào gánh vác, chia sẻ một chút cũng là điều tất yếu. Phụ nữ, nhất là phụ nữ Á Đông luôn phải chịu thiệt thòi, đàn ông lại hay cửa quyền, ỷ lại. Tôi biết vậy nhưng hy vọng mình sẽ là ngoại lệ. 
 
Bà xã Việt Hà: Chồng thì muôn đời… lười
 
Việc nhà ấy à. Đàn ông luôn miễn cưỡng làm dù có thể họ làm rất tốt. Việc lớn, đã có thợ làm. Chẳng hạn mắc ti vi cáp, sửa điện, nước…. Việc nhỏ, thôi thì cố làm cho xong. Nói thế thôi, chứ ông xã tôi thì cái gì cũng biết làm, làm cũng khá tốt, nhưng chỉ thiếu động lực. Việc nhà đôi khi cùng làm, cùng chia sẻ thì gia đình rất đầm ấm vui vẻ. Tôi nghĩ ai cũng làm được tất cả mọi việc, quan trọng là họ có sẵn lòng, có hăng hái làm hay không. 

Tôi có giọng nói khá ngọt ngào (đó là nhiều người nhận xét vậy), đó cũng là vũ khí của tôi mỗi khi muốn chồng giúp đỡ mình trong việc nhà, chăm sóc con.

Chẳng hạn, thay vì nói chồng pha sữa cho con, tôi sẽ nói: “Em không rời con được, vừa quay đi là nó khóc, mà đến giờ nó bú rồi, sao giờ anh?” Là ngay lập tức anh ấy sốt sắng: “Để anh pha sữa cho”…. 

Thật ra, ông xã tôi có tài nấu ăn và chăm sóc con cực giỏi. Có điều, mỗi khi anh ấy hoàn thành xong sứ mệnh, gian bếp trông như một bãi chiến trường. Nhưng dù sao, được ăn ngon, con tươm tất là điều mà tôi mong đợi nhất.

Bí quyết để chồng siêng năng nhiều khi cũng không khó lắm. Tôi chỉ cần hỏi: “Bây giờ giữ con và nấu cơm, anh chọn việc nào đây?” Là tôi biết thừa anh ấy sẽ thở dài: “Vậy thôi để anh nấu để còn được bữa cơm ngon….”. 

Tôi biết phụ nữ bây giờ cáng đáng cùng lúc rất nhiều việc. Thậm chí họ còn làm tốt hơn đàn ông. Nhưng như vậy chắc chẳng tồn tại gia đình nữa vì có ai cần ai nữa đâu.

Cùng chung sống vui vẻ là một nghệ thuật mà vai trò người phụ nữ rất quan trọng. Biết nhường nhịn, dịu dàng sẽ tốt hơn. Giả vờ yếu đuối một chút với chồng cũng chẳng ảnh hưởng, mất mát gì cả. Còn hơn cứ cố gồng lên rồi sẽ bị stress mất. Càng stress lại càng mất bình tĩnh sẽ dẫn đến những tình huống cãi vã không hay.

Tôi tin những người vợ giả nai một chút, chiều chồng một chút lúc cần thiết sẽ hạnh phúc hơn, được chồng yêu hơn những phụ nữ nguyên tắc, cứng rắn. Ai cũng nói chồng lười biếng là do người vợ cứ thích cầu toàn nhưng tôi không nghĩ thế.

Chồng thì muôn đời… lười. Việc nhà với 1001 thứ linh tinh để đối phó thật kinh khủng với bất kỳ ai, huống chi là đàn ông, đại diện cho phái chỉ thích làm… việc lớn.

Tóm lại, chồng có nhiều chiêu để trốn việc thì vợ cũng có nhiều cách để níu ông ấy vào bổn phận, quan trọng là cả 2 có tìm được tiếng nói chung cùng nhau hay không./.

Các tin liên quan:

Chồng lười tại vợ
Vì sao đàn ông không muốn về nhà?
Hãy để anh là bờ vai rộng


From the same category