Louisa Huỳnh Thanh Thuận: Tôi muốn ở lại - Tạp chí Đẹp

Louisa Huỳnh Thanh Thuận: Tôi muốn ở lại

Bộ Sưu Tập

Thuận sinh năm 1981, có ba mẹ cùng quê Sóc Trăng, sang Mỹ du học trước năm 1975 và lưu lại đó sinh sống. Thuận đã tốt nghiệp ngành báo chí và nghĩ rằng sẽ tiếp tục học thêm ngành luật để nối nghiệp mẹ và anh trai. Vì sau 4 năm học đại học báo chí với giấc mơ được làm người dẫn chương trình truyền hình, Thuận thấy giấc mơ đó nên cất lại trong Nhật ký thôi vì nghề truyền hình ở Mỹ quá khắc nghiệt…

Trong một chuyến du lịch ở quê nhà, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi với cô. Thuận hiện là người dẫn chương trình Talk Việt Nam trên VTV4 (kênh truyền hình đối ngoại), và các bản tin tiếng Anh trên VTV1. 

Thuận thấy nghề làm truyền hình ở Mỹ nói chung khắc nghiệt đến cỡ nào?

Thật khó miêu tả nhưng tôi thấy theo quy luật chung, người mới ra trường phải làm những công việc từ mức sơ đẳng nhất, kiểu như bị sai vặt ấy. Truyền hình ở Mỹ từ lâu đã là một công nghệ với từng công đoạn chi tiết, chuẩn xác. Vì thế, để thoát được khỏi tình trạng “sai vặt” đó, tôi ước chừng phải mất không dưới 10 năm.

Trong khoảng thời gian khủng khiếp ấy, thu nhập thấp lắm, thậm chí không đủ tiền trang trải cho cuộc sống cá nhân. Mấy người bạn học của tôi, là người Mỹ hẳn hoi chứ không phải da màu như tôi đâu, hiện đang sống vất vả vô cùng với những công việc ấy. Hơn nữa, đó lại là quãng thời gian tuổi trẻ nhất của mình….

Thế là chị tính lại? Như vậy, có thể nói là chưa yêu nghề đến mức say mê không nhỉ?

Có lẽ tôi lại nhiễm tính thực dụng của người Mỹ chăng? Tôi nghĩ hoài, thấy thà rằng mình tiếp tục tiêu phí thêm mấy năm học nữa để theo nghề Luật của gia đình còn hơn. Mẹ và anh trai tôi đang làm trong ngành này nên chắc chắn, bước đầu vào nghề của tôi sẽ đỡ mất thời gian. Tôi không muốn mình trả giá quá lớn cho một giấc mơ… hơi mù mịt vì thực tế, mình đâu phải là người tài năng xuất chúng!

Nhưng mà rõ ràng là cuộc đời không thể tính toán trước được. Thuận tính đã chấm dứt nghề báo ngay sau khi học xong mà cuối cùng đến nay, sự thể gần như ngược lại…

Cho đến lúc này ngồi nói chuyện với chị đây, tôi vẫn thấy khó tin vì chuyện được “lên hình” của mình trên VTV. Nó như một giấc mơ, không thể giải thích được. 

Mọi chuyện bắt đầu như thế nào vậy?

Năm ngoái, tôi về nước du lịch cùng cậu ruột. Tôi và cậu có gặp lại một người quen của cậu. Trong bữa ăn tối đó, chú ấy kể chuyện là có người bạn làm việc cho VTV4. Tôi buột miệng nói: Nếu có cơ hội nào làm truyền hình ở Việt Nam, thì chú bảo con với! Rồi câu chuyện qua đi…

Thế mà chú ấy nói với người bạn làm ở VTV4 thật. Sau này tôi mới biết đó chính là “sếp” của tôi (cười). Tôi về lại Mỹ, nhận được liên lạc từ chú “sếp” đó, đề nghị tôi gửi hồ sơ và một số băng ghi hình tôi đã làm thực tập trong thời gian học. Khoảng một tháng sau, chú ấy đề nghị tôi về lại Việt Nam để bàn bạc cụ thể về công việc.

Chị nhận lời có chút phân vân nào không?

Không phân vân gì về công việc đâu vì đó toàn là những việc hợp với khả năng của tôi, chẳng hạn như làm biên tập các bản tin tiếng Anh, làm phóng sự ngắn cho phần bản tin này, làm hiệu đính cho bản dịch tiếng Việt các phim truyện tiếng Anh chẳng hạn… Chỉ có điều tôi sẽ sống xa gia đình. Nhưng ba má nói tôi nên thử sức khi có cơ hội nghề nghiệp lớn như vậy và biết đâu, tôi sẽ được vui.

Những ngày đầu tiên đi làm, cảm giác thế nào, chắc chị chưa quên?

Cũng là lạ vì tôi thấy mọi người, nhất là các chị em, trong phòng biên tập tiếng Anh sống với nhau như trong một gia đình vậy. Có thể nói với nhau ở cơ quan cả những câu chuyện bếp núc gia đình mà có lẽ ở Mỹ, đến bạn thân mình cũng không kể đâu. Tôi thấy cũng vui giữa cái không khí thoải mái đó, vì nó cũng hợp với tôi.
 
 Hóa ra là chị cũng thích “buôn dưa lê”?

Chỉ có điều là tôi bận quá thôi. Nhất là từ khi Talk Việt Nam lên sóng, ngày 1-1-2006, tôi túi bụi với công việc.

Chị có thể giới thiệu qua một chút về chương trình này cho bạn đọc của Đẹp?

Talk Việt Nam là chương trình tiếng Anh theo dạng talk show. Khách mời là những người nước ngoài hoặc Việt kiều đã và đang có kế hoạch công việc ở Việt Nam. Mục đích chủ yếu của nó là giúp cho bạn bè quốc tế biết được thực tế cuộc sống của người nước ngoài ở Việt Nam với rất nhiều khía cạnh khác nhau. Vì vậy mà câu chuyện giữa tôi với nhân vật cũng được thoải mái hơn vì không bị quá chuyên sâu vào một lĩnh vực chuyên môn nào mà vẫn có tính chất đời sống thôi.

Tuy nhiên, khi các chương trình Talk Việt Nam, thấy Thuận dẫn chuyện tự nhiên nhưng có vẻ còn cứng nhắc thế nào đó? Thuận nghĩ sao?

Vâng, đúng là như vậy. Tôi mới về thăm nhà, ba má cũng nói có nhiều chương trình không được thú vị cho lắm…

Theo Thuận, nguyên do vì đâu?

Cũng có nhiều. Một phần ở chỗ nhân vật chưa phải xuất sắc. Cho đến giờ, chưa có một nhân vật nào “gây sốc” cho tôi trong trường quay vì những câu trả lời độc đáo của họ. Cái đó rất quan trọng vì nó có thể giúp tôi chuyển hướng kịch bản trong phạm vi có thể, gợi cho tôi những ý tưởng trao đổi với họ khiến cho câu chuyện sống động hơn, nhiệt tình hơn…

Vai trò cơ bản của chị trong chương trình này?

Tôi chỉ là người dẫn chương trình thôi vì cũng có rất nhiều người tham gia làm các phần hậu cần khác nhau. Tôi cũng có tham gia một chút ở phần kịch bản.

Nhưng Thuận vẫn cầm kịch bản khi trò chuyện với nhân vật. Như vậy là sự chủ động của người dẫn đã bị hạn chế?

Thực tế trong trường quay cũng cho phép tôi chủ động xoay chuyển câu chuyện với nhân vật nhưng cũng phải nói thật là tôi thấy mình có quá ít thời gian dành cho Talk Việt Nam vì phải trải ra nhiều phần việc quá. 
 
Vì chị tham việc?

Ban Tiếng Anh nơi tôi làm việc hiện thiếu người, mà tôi thì cũng thích làm nhiều việc thật… Công việc nào tôi cũng thích… Thành ra thời gian của tôi dành cho Talk Việt Nam không được nhiều như ý tôi muốn. Tôi muốn được tham gia vào phần kịch bản nhiều hơn và nếu có thể được viết kịch bản nữa thì tốt quá, mà đúng ra phải làm như vậy để sự chủ động của mình được đảm bảo.

Nói chung lại là tôi nghĩ chương trình vẫn có thể được làm tốt hơn… mặc dù hiện tại, chương trình cũng đã được trong Ban đánh giá là ít nhiều có chất lượng, góp phần giúp cho VTV4 có được một vị thế nhất định trong khán giả. Ba mẹ tôi thì nói là chương trình chuyên nghiệp hơn nếu so sánh với các chương trình khác trên VTV4. Ba mẹ tôi còn kết luận như vậy là tôi đã thành công rồi.

Này, nhưng hình như Thuận còn chạy “show” bên ngoài nữa, đúng không? Giống như việc Thuận dẫn chương trình gặp gỡ với sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội của Bill Gates cách đây vài tháng?

Sao biết tôi chạy show? Tôi tham việc quá thôi… Bây giờ, có những chương trình nào cần người dẫn nói tiếng Anh là họ hay gọi tôi. Mới rồi, tôi có tham gia dẫn chương trình trong lễ kỷ niệm 10 năm- khu công nghiệp Việt Nam- Singapore cùng anh Quang Minh- ban Thời sự. Trước đó là chương trình phụ nữ APEC. Hiện tại thì tôi đang làm hiệu đính cho các văn bản tiếng Anh của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chuẩn bị cho APEC. Tôi hi vọng là tới đây khi diễn ra hội nghị APEC, tôi còn bận rộn hơn…

Nhưng chị vừa nói muốn dành nhiều hơn thời gian cho Talk Việt Nam cơ mà? Sao lại nhận nhiều việc vậy? Không phải vì thu nhập đấy chứ?

Vì tôi muốn làm tất cả những gì mà tôi có cơ hội nhận được thôi.

Được biết là ở VTV, chị vẫn làm việc như một cộng tác viên, chứ chưa phải là một nhân viên chính thức. Điều đó có ảnh hưởng gì đến tâm lý làm việc của chị không?
 Không đâu ạ. Tất nhiên nếu như có một hợp đồng chính thức thì tốt hơn nhiều vì có một cái gì giống như câu nói “chính danh ngôn thuận” vậy. Nhưng tôi nghĩ việc đó không đơn giản vì tôi mang quốc tịch Mỹ mà. Tôi là một ngoại lệ ở VTV. Hợp đồng lao động chính thức với một “người nước ngoài” như tôi là việc mà VTV chưa từng làm… 

Chị vừa có một tháng về thăm nhà. Chuyến đi đó có khiến chị định vị lại được là tương lai của chị lâu dài là ở đâu không?

Tôi muốn ở Việt Nam, giờ thì có thể nói như vậy rồi. Vì thế mà tôi muốn làm được thật nhiều công việc khác nhau bên cạnh công việc chính là ở VTV. Làm việc nhiều như thế, tôi cũng nghĩ là mình có ích với nhiều người hơn…

Thấy trong câu chuyện chị rất gắn bó với ba mẹ, lại là con gái út phải không? Vậy chắc ba mẹ không vui khi chị muốnở lại Việt Nam?

Ba mẹ chỉ bảo là nếu tôi thành công ở Việt Nam thì đó là điều đáng kể nhất rồi. Hơn nữa, tôi có thể dành dụm để một năm về thăm ba mẹ được một tháng như vừa rồi mà. Tôi ở đây thì nhớ nhà nhưng về bên đó, lại nhớ công việc quá…

Chỉ nhớ công việc thôi à?

Tôi còn nhớ món bún chả trên phố Hàng Mành nữa, món ăn mà tôi thích nhất. Tôi cũng nhớ không khí quán cà phê Highlands ở Hà Nội vì quán đó giúp tôi đỡ nhớ nhà ở Mỹ hơn, do nó có nét gì đó rất Mỹ. 

Bún chả và cà phê Highlands – đó là hai sở thích chị làm khi có thời gian rảnh rỗi?
 Ngoài ra là xem phim và đặc biệt nhất là ngủ. Lúc nào tôi cũng thèm ngủ. 

Thế còn chăm sóc bản thân bằng cách đi làm đẹp hay mua sắm chẳng hạn?
 Nếu như đó là liên quan đến công việc chẳng hạn như đi may áo vest cho các buổi ghi hình Talk Việt Nam chẳng hạn. Đơn giản vậy thôi vì tôi không có thời gian… Tôi còn chưa có nhiều dịp đi lang thang ở Hà Nội nữa kia dù tôi biết bây giờ là mùa đẹp nhất của thành phố này./.
 
 

Thực hiện: depweb

01/11/2006, 14:16