Nghệ thuật thưởng thức nghệ thuật

Đến cái thời bạn đi ra làm này, bạn sẽ nhờ đến vai trò của những hướng-dẫn-viên-nghệthuật, đó là những cột báo văn hóa. Nhưng ggiở ra, chín mươi lăm phần trăm là về những vấn đề như “Đàm Vĩnh Hưng ước muốn cưới Mỹ Tâm” hay “Con của Brad Pitt và Angelina Jones sẽ mang quốc tịch gì”.

Bạn có nói đến những loại hình tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng ở đây ta không nói đến loại phim truyền hình dễ xem dễ hiểu bốn lăm phút mỗi ngày, mà ở đây là một bối cảnh tế nhị. Đó là những dòng nghệ thuật của những loại nghệ sĩ chối từ lối phổ thông: nhạc cổ điển dân gian mới, mỹ thuật đương đại sắp đặt, trình tấu underground… Người ta bảo đó là thứ cấp tiến mà bạn chẳng hiểu nổi. Nhưng có cách. Muốn thưởng thức được thì phải luyện được nghệ thuật xem-nghe-đọc.

Trước hết, dân văn phòng cũng biết rằng những loại văn hóa top-hit, văn hóa best-seller, văn hóa bỏ túi dễ nghe dễ xem dễ đọc là vì giống như cơm bình dân, đại chúng và không khó hiểu, những kiến thức trong đó là ngang bằng với mức phản ứng bản năng của tư duy. Như thế thì cũng không mệt óc, nhưng mà muốn lớn lên thì đứng trên vai những người khổng lồ. Mà người khổng lồ lúc nào cũng có sẵn vài vị trong lịch sử. Như vậy khát vọng lớn lên có xuất phát điểm đáng trân trọng.

Tuy nhiên, cùng là chỗ dân văn phòng với nhau, hỏi thật nhé: thực ra, nghệ thuật cao siêu để làm gì? Thì còn làm gì, nếu như bạn hiểu đồ trang sức có tác dụng như thế nào. Nói về nhạc cổ điển ư, đó là chuỗi hạt xoàn thế kỷ mười tám đeo thế nào cũng khó đi với những bộ cánh thế kỷ hai mốt của bạn. Bạn cũng biết nhạc của bản “Bốn mùa” thì khác với “Phiên chợ Ba Tư”, nhưng nhạc của  Rách-ma-nhi-nốp mà cái ông bố cứ bắt con trai tập đàn trong phim “Nghệ sĩ dương cầm” thì bạn cũng chịu, chẳng biết nó có khác gì cái nhạc của ông Sô-panh hôm nay ở Nhà hát Lớn không, mà đến ô-puýt thứ bao nhiêu cũng đã là một vấn đề điên đầu. Tranh của J.Pollock, nếu ai bảo đó là đỉnh cao của nghệ thuật biểu hiện thập niên 1960 thì nói thật, nếu không phải vì giá tranh cao đến triệu đô thì bạn cũng thấy giống như là con trai bạn một hôm nghịch dại đổ thùng sơn ra khăn trải giường. Và một quyển sách triết học như những vấn đề hiện sinh giải cấu trúc phân tâm học ắt hẳn không thể là cuốn sách gối đầu giường sau một ngày làm việc mệt nhoài người. Trừ khi bạn cần đọc để trích dẫn, để cho tay đồng nghiệp đáng ghét cứ trích dẫn “Tư bản luận” ra với sếp.

Thế thì đúng là nghệ thuật trừu tượng có lý để tồn tại, đúng như theo cách nói của một ông Hêghen viết một cuốn “mỹ học” nào đấy. Nghệ thuật đương đại, nghệ thuật độc lập, hay một cái tên chỉ dòng nghệ thuật không phổ thông này, là một vấn đề khá hóc đối với cuộc sống của một người làm viên chức: mình sẽ đến với nó như một thứ phụ tùng cần thiết, hay như một thứ đua đòi? Muốn chắc mình có cần nó không, thì phải thử. Và bài học thứ nhất là rước nó về nhà mình.

Nghệ thuật là thứ hầu như ai cũng biết là khác đời thường, nâng cấp hiện thực lên thành mức lạ. Nhưng để nhằn được những thứ lạ miệng, lạ mắt và lạ tai ấy, anh viên chức phải cố hơn bình thường tí. Vì kiến thức học đường và đại học ở ta nói chung không đưa lại bao nhiêu kiến thức về mấy cái vụ mỹ học hoặc nghệ thuật học, đã có ai còn nhớ mình học ra sao môn mỹ học ở nhà trường không?

Có ba thứ ở nhà bạn để chứng tỏ với khách khứa là bạn có tinh thần hiểu biết nghệ thuật đúng nghĩa. Thứ nhất là kệ băng đĩa với những bộ phim kinh điển cho đến những cành cọ vàng gấu bạc sư tử đồng cùng những dòng điện ảnh độc lập. Phim chiếu rạp hay Oscar của Viện hàn lâm Mỹ chỉ là phim tầm thường thôi! Một giá sách với những quyển sách dày, nặng cũng là một chứng chỉ cho trí tuệ. Nghĩa là chúng như một loại giáo khoa thư. Đáng buồn là như nhiều học trò, ta cứ mở sách ra học là mắt cứ díu lại.

Nhưng hãy khoan ngủ, còn sản phẩm nghệ thuật thứ ba trong nhà bạn, nhất là phòng khách ấy? Không cần dạy dỗ nhiều, bạn cũng biết được rằng treo một bức tranh là cả một hành động mang tính nghệ thuật. Nguyễn Huy Thiệp viết: “bây giờ [chúa công] mới nhìn rõ kiếm. Thế là sắp thanh bình thịnh trị rồi đó”. Vậy trước bạn mới chỉ đi xem tranh ở triển lãm, bây giờ bạn treo tranh trong nhà. Thế là một điềm báo bạn đã tiếp cận nghệ thuật rất chính đạo, nhất là khi bạn chọn đúng hội hoạ hiện đại. Tiếc rằng nghệ thuật hội hoạ đương đại ít tính giải trí hoặc mang tính giải trí khiến bạn đầy nghi ngờ: tranh vẽ như thế mà cũng là tranh? Có gì đâu, ông Andy Warhol chỉ photocopy hàng chục cái mặt Marilyn Monroe rồi bôi xanh đỏ tím vàng mỗi cái một phách, thế là thành tác phẩm!

Tỏ ra có khiếu nghệ thuật trong nhà dù sao cũng là ở nơi bạn đã có đủ áo giáp và thuốc giảm đau đầu. Có đi ra chốn trưng bày nghệ thuật mới hay ai là người biết thưởng thức, cũng như giữa những tràng vỗ tay của đám đông, đâu là tiếng vỗ tay hiểu biết.

Như thế nào là hiểu biết? Có nên thành thật mà nói ra những suy nghĩ tự đáy lòng không? Hay nghệ thuật lúc này là “nghệ thuật trình bày”, nghệ thuật thể hiện những mỹ từ đối với những tác phẩm sắp đặt khó hiểu và những thanh âm kỳ cục trên sân khấu. Thưởng thức nghệ thuật bằng cách đứng lẫn trong đám đông mà vỗ tay là cách mà đa số chúng ta lựa chọn, vì nó rất an toàn và phải chăng. Chỉ có điều, đôi khi chúng ta cũng hơi thảng thốt mà cũng biết thực ra chúng ta cũng đua đòi cho có vẻ sành điệu, cấp tiến và ủng hộ cái mới.

Nhưng như thế là rất đáng khen, đáng khen hơn rất nhiều người xem nghệ thuật qua báo chí. Những sự kiện văn hóa ở nước mình chẳng nhiều nhặn gì, một chương trình nào có mác nghệ thuật đương đại thì từ Nam ra Bắc, từ báo Trung ương dội về báo địa phương, đều được đưa tin đầy đủ kèm theo một vài bài giới thiệu, chủ yếu là tường thuật. Cứ ngồi ở bàn giấy mà đọc cho hết số báo trong ngày, bạn cũng tưởng như mình no nghệ thuật. Liệu bạn nghĩ mình nên ở nhà nghe người ta tả về bức tranh hay là đến tận nơi, nhìn tận mắt bề mặt chất liệu của nó, cảm nhận cả bầu không khí trước một tác phẩm như thế? Bạn muốn tắm mình trong màn trình diễn với tất cả các giác quan hay ở nhà xem ảnh chụp lại trên mạng? – Ok, vậy thì đi.

Đi đến một triển lãm là một việc họa hoằn lắm anh viên chức mới đi. Với đại đa số dân công sở, đi xem triển lãm chỉ có ý nghĩa nếu để mua tranh, cũng như đi siêu thị chỉ có giá trị nếu mua được hàng hạ giá. Xét cho cùng, người ta vẫn nói nghệ thuật phục vụ đời sống và mua một tác phẩm nghệ thuật là điều lành mạnh và thiết thực nhất mà bạn có thể góp phần ở đây. Trong khi những nhà lý luận thuyết giảng rằng đối diện với một tác phẩm phải bằng những phức cảm nào đấy, thì bạn chỉ có một ý niệm về bức tranh dài mét rưỡi này liệu có vừa với mảng tường nhà mình không.

Cái gì đang diễn ra trên mặt toan rất có thể bạn chịu, có khi hoạ sĩ cũng chẳng cắt nghĩa cho tường. Hỏi hoạ sĩ điều ấy trước khi quyết định bỏ 300 đô mua ư? Có mà là một sự sỉ nhục đối với anh ta và chỉ tổ phô bày nỗi sợ hãi của một ông vua mặc bộ quần áo mới trong bạn.

Không hỏi, ấy là cách giữ thể diện cho đôi bên. Nghệ thuật đương đại là thế đấy, sự mù mờ mông lung ấy là một thuộc tính. Bạn cũng thấy, chơi nghệ thuật có gì hao hao đánh bạc. Đánh bạc còn biết mình thua vì sao và số tiền bị mất rơi vào cái lỗ nào, chứ dùng “tiền đổi hàng” thế này, một sự liều lĩnh quá ư quý phái, tiền rơi vào một cái lỗ có tên nghệ thuật. Trong khi bạn mang tranh về không biết treo ngược hay treo xuôi. Nghệ thuật chung quy đọng lại ở chữ “khác thường”. Việc bạn rời cái kén ù lì phi nghệ thuật của mình, tức cuộc sống thường nhật để đi xem một chương trình nghệ thuật là cả một sự khác thường. Cái khác thường ở chỗ: trong hai tiếng đồng hồ, nếu tâm trí bạn lửng lơ đâu đó chứ không đọng lại trên miệng ca sĩ véo von trích đoạn “Rigoletto” của Verdi thì ít nhất bạn cũng biết hôm nay Nhà hát Lớn thắp có đủ đèn hay không hoặc mốt váy đi xem nhạc thính phòng năm nay dài hay ngắn.

Tôi không đùa đâu, ít nhất vài chục phần trăm người xem cũng chia sẻ điều đó với bạn. Những thứ xem ngoài tiết mục biểu diễn cũng là những phần quan trọng của một buổi diễn, từ cái đèn chùm đến cái váy chị khán giả đang sột soạt bên cạnh kia, chúng làm nên “không khí văn hoá” của nơi đây đấy chứ.

Đầy rẫy những mối tình đong đưa từ ghế lô nhà hát trong vô số tác phẩm văn chương tuyệt tác. Ít nhất thì Natasha trong “Chiến tranh và hoà bình” của L.Tolstoi cũng đâu có tập trung xem ballet mà đang ngầm để ý những ánh mắt ngưỡng mộ mình. Mà chả ai bảo Natasha là vô văn hoá cả! Cuộc sống hiện đại lúc nào cũng lăm le có những quyển sách hướng dẫn sử dụng, những Readers’ Digest, cẩm nang thưởng thức bỏ túi, để chúng ta đối diện với các tình huống. Có thể chúng ta phản ứng khác nhau trước món “nghệ thuật”: say mê, chê bai, hay ngạc nhiên “nghệ thuật là mấy cái khỉ gió này ư?” Nhưng rõ ràng, việc nhấc mông mình ra khỏi ghế, đứng dậy để đến với nghệ thuật cũng là một điều hay. Ai cũng biết Điềm Phùng Thị là một nữ nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng ở Pháp và Việt Nam. Nhưng ít ai biết, năm bốn mươi tuổi, bà thôi công việc của một nha sĩ để bắt đầu cầm dụng cụ đẽo đá. Phải chăng tại vì bà ở Paris, kinh đô nghệ thuật của nhân loại mà sinh ra nhiễm căn bệnh nghệ thuật? Điều này thì không chắc, nhưng biết đâu với chúng ta, những người viên chức, cứ lân la với nghệ thuật lại có ngày “Nàng/Chàng nghệ thuật” để mắt đến ta?

Nguyễn Đình Chi (Victoria Corp)

Nghệ thuật đối với cuộc sống của anh quan trọng như thế nào?

Có thể nói cuộc sống mà không có nghệ thuật thì thật là vô vị. Nghệ thuật giúp tôi cân bằng cuộc sống, những lúc gặp chuyện bất trắc trong công việc hay bế tắc trong cuộc sống tôi có thể lang thang ra ngoại thành và vác theo giá vẽ. Tôi vẽ bằng cả tâm hồn, tôi bộc bạch lòng mình và cố tìm lối thoát cho bản thân. Với tôi, nghệ thuật là cứu cánh, là tri kỷ và là một phần cuộc sống của tôi.

Theo anh, nghệ thuật có ảnh hưởng thế nào đối đời sống của những người làm văn phòng?

Khó mà có thể đưa ra lời nhận xét chính xác, nhưng theo tôi, mặt bằng thưởng thức nghệ thuật của người dân Việt nam nói chung và giới văn phòng nói riêng là khá thấp. Dường như, mới chỉ dừng lại ở sự cảm nhận mà chưa thể phân tích. Họ không giải thích được bài hát mà họ nghe ra rả cả ngày đó hay vì sao? Chỉ thấy giai điệu đó hay hay, nhạc đệm nghe êm tai, ca sĩ thể hiện đang nổi, đang thịnh hành. Một người có thể hát rất hay tác phẩm một nào đó nhưng họ không đọc được nốt nhạc hay nhịp phách…

Với tôi, nghệ thuật là cứu cánh, là tri kỷ và là một phần cuộc sống! 

Theo tôi, lỗi không phải tại họ mà lỗi là do thế hệ chúng tôi không được đào tạo cơ bản về nghệ thuật. Báo chí luôn dành cả chuyên mục, chuyên trang cho văn hoá nghệ thuật nhưng phần đa lại nói về đời sống của những người nổi tiếng hay những vụ bê bối của giới này.

Các phương tiện thông tin đại chúng nên định hướng cho độc giả biết cách thưởng thức các loại hình nghệ thuật thay vì như bây giờ: đưa họ ra một món ăn rất lạ và không chỉ cho người ta cách ăn như thế nào. Ở tầm vĩ mô, chúng ta nên nhìn lại, coi việc hiểu và cảm thụ nghệ thuật như món ăn tinh thần, góp phần làm phong phú đời sống của con người. Nếu thật sự muốn thưởng thức nghệ thuật một cách đúng nghĩa, thì ít nhất, đòi hỏi người ta cần có kiến thức cơ bản và một tâm hồn yêu nghệ thuật.

Phải chăng những người làm nghệ thuật thường có cái gì đó khác người, lập dị?

Không hẳn vậy. Tôi có những người bạn làm công việc nghệ thuật, họ có cuộc sống riêng và tôi cho rằng cuộc sống của họ rất thanh thản. Nhưng có một điều, trong những lúc thăng hoa, tìm cảm hứng sáng tạo họ thật lãng mạn. Sự lãng mạn đó giúp họ đưa ra những ý tưởng độc đáo, những sản phẩm tuyệt vời. Chúng ta đừng nên chụp cho những người sáng tạo nghệ thuật là lập dị, là khác người mà cần trân trọng họ và cảm ơn những tác phẩm họ đã cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội.

Nếu có ước muốn về lĩnh vực nghệ thuật, anh sẽ nói gì?

Về bản thân mình, tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về hội hoạ và âm nhạc, bởi vì thật là tuyệt vời khi tự mình “đọc” được bức tranh khi đi xem một triển lãm tranh nào đó hay bất chợt gặp ở đâu đó trong cuộc đời, hoặc thưởng thức một tác phẩm âm nhạc với đúng nghĩa của hai từ “thưởng thức”, rồi làm những gì mình thích. Cò n có một ước muốn lớn lao hơn mà tôi muốn chia sẻ, đó là sự đầu tư nhiều hơn cho cộng đồng xã hội để mọi người có kiến thức cơ bản về nghệ thuậ t, để khi tới nhà hát nghe nhạc giao hưởng sẽ không còn có người cảm thấy buồn ngủ hoặc cảm thấy bị tra tấn.

Ngọc Quý, (kế toán, Công ty Tín Nghĩa)

Đối với tôi nghệ thuật là cái gì đó liên quan đến nghệ sĩ, sân khấu nhưng ở mức độ tôi vẫn hiểu được. Dĩ nhiên, cái gì liên quan đến nghệ thuật vẫn phải mang tính giải trí và vì thế, nó đóng vai trò cũng quan trọng trong cuộc sống của tôi.

Cũng có lúc tôi tò mò đi xem triển lãm sắp đặt nhưng thú thật là tôi không hiểu một chút gì và cũng chẳng thấy gì là hay trong bộ môn ấy cả. Thi thoảng, tôi thích xem ba lê vì cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng hơn, bay bổng hơn.

Hơn nữa, những vở nhạc kịch trong đó rất dễ hiểu, không có gì phải suy nghĩ sâu xa cả. Tôi chơi với bạn vì cái duyên, vì công việc hơn là vì chọn bạn là người của nghệ thuật mới chơi. Tôi có nhiều bạn họa sĩ nhưng bình thường thì họ chẳng có gì khác mình cả. Khi vẽ họ mới dùng những kiến thức trừu tượng của họ thôi. Mà nghề nghiệp của họ thì tôi cũng không quan tâm, đó là công việc, cũng như công việc của mình họ cũng đâu cần biết làm gì.

Tôi cũng chẳng bao giờ xấu hổ khi mình không am hiểu về nghệ thuật.

Tôi cho là khi thăng hoa họ sẽ làm được nhiều việc lạ lùng. Nghệ thuật mà. Bản thân tôi, nghe nhạc, những bài hát dễ nghe, xem  phim, những bộ phim dễ hiểu, biết được bộ môn nghệ thuật này, kia là được chứ không nhất thiết phải hiểu nó hoặc không nhất thiết phải cố mà tìm hiểu. Chẳng hạn, có ai rủ tôi đi coi sắp đặt hay nghe nhạc thính phòng, tôi sẽ chẳng bao giờ đi cả. Chỉ mất thời gian.

Vì có hiểu gì đâu mà đi. Hay đi xem triển lãm tranh, có vé tôi cũng không đi mà sẽ cho người khác. Tranh đối với tôi không có chút ý nghĩa nào hết. Tôi cũng chẳng bao giờ xấu hổ khi mình không am hiểu về nghệ thuật. Tại sao phải xấu hổ khi tất cả những người tôi gặp cũng đâu ai biết gì về hội họa, mỹ thuật hay nhạc kịch gì đâu…

Phạm Thị Phương Nhung (Viện nghiên cứu địa chính)

Với công việc chính là nghiên cứu, vậy nghệ thuật có giúp gì cho cuộc sống của chị không?

Nói nghệ thuật thì có vẻ cao siêu nhưng có thể nói một số loại hình giải trí giúp cuộc sống của tôi đỡ buồn tẻ. Tôi có thể nghe nhạc, xem tranh,… nhưng đôi khi tôi không hiểu nhiều những gì tác giả mong muốn. Tôi chỉ cảm nhận theo suy nghĩ của mình và cảm thấy hài lòng. Tôi thích nhất xem phim khi rảnh rỗi, nhưng không phải bao giờ tôi cũng nêu được chủ đề của một bộ phim hay.

Với loại hình nghệ thuật mà chị cho là khó hiểu thì chị có tìm cách “cảm thụ” bằng cách nghiên cứu hoặc đi xem biểu diễn không? Tôi sẽ thử và nếu hiểu được tôi sẽ “thưởng thức”, còn nếu không hiểu được thì tôi sẽ không cố. Tôi không thể bỏ công sức để xem một thứ tôi không hiểu và lại càng không khi tôi bị “đánh vật” vài giờ đồng hồ ở nơi mình không thích để rồi chứng kiến không ít người có tâm trạng như mình.

Vậy chị nghĩ thế nào về dân làm nghệ thuật?

Tôi cảm nghệ thuật theo cách của mình và cảm thấy hài lòng.

Người ta cứ bả o giới làm nghệ thuật có cái gì đó điên dại nhưng theo tôi không hẳn vậy. Trong mỗi con người chú ng ta “nghệ thuật” là cá i biểu hiện tâm hồn mình, sự cảm nhận, còn với những người làm nghệ thuật, “nghệ thuật” mang tính sáng tạo, nó được thể hiện rất độc đáo và thường là chưa “phổ cập”. Vì vậy những gì dân nghệ thuật làm thường gây “sốc” cho mọi người, nhưng ở một mức nào đó vẫn được xã hội chấp nhận. Vậy tại sao chú ng ta không nghĩ rằng đó là “đặc thù công việc”?

Theo chị, bằng cách nào chúng ta có thể “phổ cập” thưởng thức nghệ thuật cho công chúng?

Phương tiện thông tin đại chúng là công cụ hữu hiệu nhất. Hãy cho người ta nắm hạt giống và dạy cách trồng rau thay vì đưa cho một mớ rau úa! Và tôi hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ trả lời phỏng vấn chị vẫn về đề tại nghệ thuật nhưng sẽ xoay quanh cái hay, cái đẹp của các loại hình nghệ thuật.

Đức Nam (Báo Bóng Đá)

Nghệ thuật có vai trò như thế nào đối với đời sống của anh?

Khái niệm nghệ thuật là rất rộng nhưng theo quan điểm của mình con người không thể sống mà thiếu nghệ thuật. Với nghề của mình nó có ảnh hưởng rất lớn, nó giúp mình nâng cao về mặt kiến thức và đưa các ý tưởng sáng tạo vào tác phẩm, đồng thời giúp cho mình giữ được tâm hồn thoải mái và đạt được hiệu quả cao trong công việc.

Trong các loại hình nghệ thuật thì mình cảm nhận được nhiều hơn cả về âm nhạc. Mình thích những tác phẩm mang giá trị truyền thống và mình không thích dòng nhạc thị trường. Mặc dù mình không được đào tạo cơ bản về nghệ thuật nhưng mình thưởng thức riêng theo cách của mình và mình thấy đồng điệu với những tác phẩm mình thích. Mình thích nhạc Văn Cao, Thanh Tùng, Phú Quang.

Còn với đa số dân văn phòng, nghệ thuật có ảnh hưởng như thế nào?

Xét trên mặt bằng của xã hội thì giới văn phòng được đánh giá là những người có tri thức và có đời sống tinh thần khá cao. Tuy nhiên, nhìn chung về thưởng thức nghệ thuật thì giới này mới chỉ dừng lại ở mức độ cảm nhận. Nói như thế không có nghĩa là không ai am hiểu về nghệ thuật nhưng số người đó là rất ít. Đôi khi mọi người hay chạy theo xu hướng xã hội, cũng tỏ ra sành điệu, nhưng không ít người ngay cả khi họ sành điệu thì họ cũng không biết mình đang sành điệu vì cái gì.

Muốn thưởng thức nghệ thuật thì phải học, còn nếu không hiểu biết gì mà cứ thưởng thức thì không nên.

Theo anh có nhất thiết phải thưởng thức những loại hình nghệ thuật khó hiểu không?

Muốn thưởng thức nghệ thuật thì phải học, còn nếu không hiểu biết gì mà cứ thưởng thức thì không nên. Đó là cách học đòi và mình không lựa chọn.

Có khi nào anh định thử sức làm nghệ thuật không?

Nhiều lúc mình có nghĩ tới chuyện này nhưng có lẽ đây là lĩnh vực rất khó và mình cho rằng mình không phù hợp. Mình thích sự cảm nhận hơn là khả năng sáng tác./.


From the same category