Nhạc sĩ Quốc Bảo kể rằng có lần anh xem một bộ phim, tới đoạn kết của nó thì anh khóc mặc dù anh hiểu cái kết đó giả tạo!
Ôi, anh Bảo dễ thương của tôi ơi, cần gì phải cái kết. Chúng ta có thể khóc vì vở kịch hay bộ phim nào đấy, mặc dù “toàn bộ” nó là giả tạo cơ mà.
Vậy trong những trường hợp ấy, tác phẩm đúng hay ta đúng?
Đầu tiên, cái gì làm nên sự “đúng” của ta trong văn hóa? Đó là vì ta được giáo dục sự việc phải thế này, phải thế kia mới hợp lý, còn nếu đi chệch ra những cái phải đó, là bất cập, là sai!
Cứ cho rằng phần lớn mọi người đã được hưởng một nền giáo dục tốt, thì nền giáo dụng ấy cũng dựa trên những nguyên tắc chung. Trong khi nghệ thuật đôi khi lại là sự cố gắng phá bỏ những nguyên tắc này. Thậm chí sự phá bỏ càng quyết liệt, càng “trái khoáy” càng khác thường thì càng có giá trị.
Nói cách khác, người làm nghệ thuật xuất sắc luôn luôn cố gắng chứng minh cho công chúng thấy quan niệm có sẵn của họ là sai. Nếu ta đúng, ta phải hiểu là người nên yêu người.
Nhưng đạo diễn phim “Kinh Kông” đã cố sức chứng minh, và tuyệt vời hơn nữa, đã chứng minh thành công, là người có thể yêu khỉ. Hơn nữa khỉ ấy lại vừa đáng sợ vừa khủng khiếp vô cùng. Hàng triệu khán giả đã xem phim đó và có hàng trăm ngàn người khóc.
Tại sao khóc thì có nhiều lí do, một trong các lí do là họ thấy họ sai. Khỉ rất đáng yêu, ít nhất là khỉ trong phim! Chả có ai từ rạp chui ra là mò vào sở thú hay vào rừng để hẹn hò với đười ươi. Nhưng khối người đã hiểu ra một chân lý: cảm xúc không phụ thuộc vào cảm giác trong một vài trường hợp.
Tôi có một niềm tin vững chắc là nhiệm vụ của người nghệ sĩ là chứng minh không mệt mỏi cho khán giả thấy họ đã sai lầm. Rằng thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta từ bỏ những thói quen có sẵn hoặc thay đổi hẳn cách nhìn.
Điện ảnh, nói về phim truyện, chỉ xuất hiện khi có kịch tính. Kịch tính chỉ xuất hiện khi có cái sai. Và rất nhiều khi, tác phẩm trở thành giá trị khi cuối cùng té ra cái sai là cái đúng.
Chả có tác phẩm nào nói về một anh yêu một cô, sau đó cưới nhau, đẻ con rồi đến già yên ả. Tuy là chuyện ấy đúng, đúng vô cùng. Mọi tác phẩm đều cố gắng tìm cách để họ không lấy được nhau, họ bị cha mẹ ngăn cản, bị kẻ xấu lôi kéo hoặc bị… ung thư.
Thậm chí, cuối phim họ có thể không sum họp, thậm chí hơn nữa, cô nàng còn nã đạn vào anh chàng như phim “Người thứ 41” kết quả là bộ phim đó bất tử. Còn những bộ phim cưới nhau hạnh phúc thường chết trước khi sinh vì… chả có ai sản xuất.
Khi chúng ta ngồi xuống ghế trong rạp, thực chất là tham gia một cuộc chiến tranh. Một bên là những quan niệm của chúng ta được mang từ… nhà đến. Một bên là những cảm xúc của đạo diễn được chiếu trên màn ảnh.
Nếu đạo diễn chiến thắng, cảm xúc của ông ấy hay bà ấy làm cho cảm xúc của người xem bị khuất phục, thì tác phẩm đó tuyệt vời. Nếu người xem chiến thắng, cảm xúc của họ chẳng hề sứt mẻ gì, cứ trơ ra sau cuộc chiến thì tác phẩm đó vứt đi, và khán giả tuy thắng nhưng chẳng khoái trá, lại còn cáu gắt, cho rằng mình bị thua về kinh tế bởi tiền mua vé mất toi.
Trong nhiều thứ vớ vẩn mà cuộc sống (tôi không dám nói giáo dục) nhồi nhét vào đầu chúng ta, có một thứ gọi là những nguyên tắc.Và chúng ta cứ đinh ninh một cách tội nghiệp là chúng bất biến.
Ví dụ như ai cũng cứ đinh ninh ở chỗ công cộng thì phải mặc quần. Và kẻ nào không làm thế thực xấu xa ghê tởm. Nhưng nếu xem phim “Viên Thái giám cuối cùng” vào đoạn cuối phim, nhân vật chính cởi quần đi giữa nhà ga đông người mà ai cũng thấy anh ta tuyệt đẹp thì quan điểm đó đổ vỡ tan tành.
Trong trường hợp nhạc sĩ Quốc Bảo, phim đúng hay anh đúng? Tôi cho rằng phải nói chính xác là anh sai. Nhưng anh đã khóc. Khóc trong nghệ thuật là tuyệt. Nghĩa là Quốc Bảo hạnh phúc trong cái sai của mình. Tôi cũng mong đợi nhiều người… sai như thế.
Có một nhà phê bình đã nói: “Khi tác phẩm đã làm ta cảm xúc, ta không cần phải dùng lý luận để xem xét nó”. Đúng quá đi mất, tác phẩm không phải thuốc lá hay rượu bia. Những thứ ấy cho người thưởng thức khoái cảm khi dùng, nhưng sau đó luôn cần phân tích tỉnh táo để tránh gặp lại.
Điều vĩ đại và bí ẩn trong tâm hồn chúng ta, chính là ở chỗ đôi lúc nó không tuân theo lý lẽ. Nói cách khác nó luôn tìm được những lý lẽ mới, mới đến mức nhiều người la ó. Nhưng đấy mới tuyệt vời!