Ở đằng đông nhớ đằng tây

Một trong những tình cảm ghi dấu đậm trong văn nghệ Việt Nam, suy ra trong tâm tình người Việt mà có thể gói lại trong một chữ là chữ “hoài”: hoài cổ, hoài hương, hoài niệm, và… “tóc chị Hoài” (tuy nói về một mái tóc thề nhưng truyện này của Nguyễn Tuân chính là một ký ức về cái đẹp đã đi qua).
 
Hoài niệm, hay là ở đằng đông nhớ đằng tây, đó là một câu chuyện rất dài về tâm hồn người làm công sở. Ngồi đây nhớ kia, ăn cơm mới nói chuyện cũ. Ở Hà Nội buồn tẻ thiếu chỗ chơi nhớ Sài Gòn đến cuồng cả cẳng. Thế mà ngồi Sài Gòn đông vui nhộn nhịp lại mơ “mùa thu lá rơi bên đường thật nhiều”.

Ở Việt Nam nhớ… nơi chưa được đến. Và ấm một chỗ làm việc thì lại nhớ, hay chính xác hơn là mơ một chỗ làm khác, mức lương khác và đồng nghiệp khác.
 
Tại sao chúng ta lại hay thay đổi vậy? Có phải vì tự do so với trước kia, biên chế vào đâu là chung thân cả đời đến khi cầm sổ hưu, ai cũng yên phận, mà nay cái mục “kinh nghiệm công tác” trong lý lịch nghề nghiệp trở nên nhiều ý nghĩa hơn nếu bạn trải qua dăm bảy cơ quan. Nay được gọi bằng cái tên tây tây là xi-vi (CV) nhưng thực ra chả khác gì cán bộ xưa tự thuật quá trình phấn đấu từ lúc bước chân vào cơ quan nhà nước.

Không lẽ bây giờ các nơi đều thích những nhân viên “đa hệ”, đánh đông dẹp bắc, thạo soạn văn bản lại giỏi tiếp khách hàng mà để quên những gã chuyên gia đầu bù tóc rối mắt cận ngồi một chỗ mấy năm trời chỉ để gỡ lỗi và đẩy cỗ xe chạy trơn tru?
 
Cơ quan nào cũng có cả người mặt tiền lẫn người hậu trường. Việc biết mình biết người, biết vừa lòng với vị trí của mình là một yếu tố quyết định làm nên sự ổn định của công ty. Những công ty hay thay đổi nhân sự hoặc là thiếu ổn định, hoặc là công ty đó kinh doanh những loại hình sản phẩm không cần người phụ trách chuyên biệt, loại công ty mua đứt bán đoạn, bán hàng đa cấp hai ba hệ.

Nhưng nói chung, chả công ty nào vui vẻ với việc nhân sự ra vào như cái chợ hết. Cách ổn định tâm lý lao động là điều các sếp phải thuộc nằm lòng trước khi tranh hùng xưng bá thương trường. Vì thế, cái bệnh mang tính Việt mà ta đang nói có trong mỗi người Việt – tính “hoài” là một điều nguy hiểm đến tính mạng doanh nghiệp.
 
Bắt đầu từ những biểu hiện
 
Hãy nói về chính những thứ văn thơ nhạc họa đẫm nước hoa “hoài” ấy. Trong một công ty, bao giờ cũng có một vài ba anh U40, lừ đừ như chuột phải khói, không nói thì thôi chứ giở ra là “Suối Mơ phải hát như thế này” hay “nhạc Trịnh thì chỉ có duy nhất một nữ hoàng chân đất và chỉ có ngày xưa mới hay…”.

Thậm chí anh ta có thể nổi đoá lên nếu bạn chứng minh có những nữ hoàng đi ủng da hát nhạc Trịnh rất hay ngày nay. Rất có thể anh ta là một kẻ tâm hồn treo ngược cành cây, mà như thế dễ có nhiều lúc buồn vô cớ, hỏng công việc.

Một điệu tâm hồn sầu não như thế xem ra tiêu cực hơn hẳn người “ngày và đêm bên nhau những đêm ngày chiến đấu”. Đó là một thuyết sẽ có nhiều người phản đối, nhưng nếu sớm nay đến cơ quan, không gì tệ bằng điệu “thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ…”.

Việc thì còn cả đống, mau lại tỉnh và hãy mau cất đi niềm hoài nhớ về “những khung trời ba bốn ngày xưa” ấy đi.
 
Người ta nói, hãy gỡ cuộn chỉ ngay từ khi nó bắt đầu rối. Ở đây, hãy giải quyết những mầm mống của sự bất bình, sự hoài niệm trời ơi đất hỡi về quá khứ. Khi vào làm, việc sống cho vừa vặn với khuôn khổ và ngồi cho thẳng hàng với nhau theo từng dãy là điều gần như mặc định.

Tuy thế, hiếm khi những cá tính lại vừa ngay với nhau được: không ăn cánh, đồng nghiệp bất hợp tác, hiểu lầm hay ghen tỵ… Và cuộc sống chẳng hề vuông vắn như những dãy bàn làm việc, như khay cơm hộp cả công ty đồng loạt ăn bữa trưa.

Để tiện so sánh, hãy nghĩ đến cuộc sống ở công sở như cuộc sống chung vợ chồng. Những điều va chạm lâu ngày tích tụ lại có thể đưa bạn vào cái bẫy nguy hiểm mà khi nhận thấy, bạn chỉ muốn thoát ra.

Kết quả tiêu cực của nó là bạn tự nhiên có một sự so sánh, à thì ra chỗ bạn đang làm không làm bạn thoả mãn, như vậy có những nơi tốt hơn, sẽ có chỗ như thế, nơi đó đang đợi bạn… Một lối mòn êm ái quen thuộc của những sự rạn nứt như những cuộc hôn nhân đoản thọ.
 
Lần này là lần chót?
 
Bạn nghĩ rằng việc thay đổi tiếp theo sẽ là lần chót? Điều đáng lo là bạn cũng không dám chắc như vậy. Liệu bạn có dừng chân ở một công việc tiếp theo, hay rộng ra trong cuộc đời, khi thất vọng với một điều gì, liệu chúng ta có thay bằng một nỗi thất vọng khác lớn hơn? Con cá to là con cá đã mất.

Bài hát hay là bài hát mang bao kỷ niệm những ngày đã qua. Trận bóng đá hay nhất là trận bóng đá kinh điển của một World Cup thập niên 1980, khi mà tivi còn đen trắng. Và cầu thủ đáng xem vẫn cứ là một danh thủ đã treo giày.

Thế có chán cho anh viên chức không cơ chứ! Một tinh thần hoài cổ man mác khiến cho mỗi lúc anh ta thấy cái thực tại thật vớ vỉn, giống như khuôn mặt vợ mình chẳng còn nữ tính như ngày xưa, thời cả hai chưa đổi xe máy…
 
Đặc điểm của người viên chức văn phòng là sự gắn bó ràng buộc vừa chặt vừa lỏng với nơi mình làm việc. Bạn như người đứng chông chênh trên một biên giới của hai khả năng: trung thành hết đời theo kiểu Nhật hay freelance, tự do bay nhảy từ nơi này qua nơi khác.

Với một năng lực tương đối phổ thông, bạn dễ chọn được vị trí tương tự ở các cơ quan, nhất là các công ty cạnh tranh. Việc khám phá một công việc mới trong một hoàn cảnh mới để thử thách mình là điều đáng khen. Song có điều, tâm thế nhùng nhằng, ở đông nhớ tây, về Tần nhớ Sở ở đây dễ đưa đến một cuộc sống nước đôi.

Tại sao mỗi viên chức chúng ta bước vào văn phòng, lại thèm nhìn ra cửa sổ, và có lúc thấy mình thật giống như là một tảng đá nặng nề, lăn không đi, di không rời? Không vừa lòng với thực tại có thể là một cú hích để làm cách mạng, song cũng có thể chỉ làm một “tiếng thở dài đáng quý”.
 
Đứng núi này trông núi nọ thực ra là vì không nhìn thấy tổng thể, không nhìn thấy đỉnh Thái Sơn. Cũng như đa số chúng ta đi làm là để kiếm tiền, vậy nếu có một kết quả cụ thể thì liệu chúng ta có yên tâm chí thú với hòn non bộ trong vườn nhà mình không? Tiếc rằng đó là một điều chẳng hề bất biến.

Người hay viện dẫn câu “đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” chẳng ai khác chính là những anh viên chức, vừa có gì thương tâm lại vừa cay đắng khi nhận ra thay đổi công việc chỉ là một phần bề nổi của tảng băng trôi.

Còn những phần chìm khác chiếm bảy phần tám khối tích mà ta biết cả đấy nhưng ai dám trục vớt lên, tự bắt mình làm những cuộc cách mạng tâm lý, như một bác sĩ đứng trước khối u, rễ ăn len lỏi trong trí não, biết bao giờ mới nhổ sạch?
 
Cái lý của sự “hoài”
 
Như vậy là ta đang nói đến phần lõi rồi, những cái gì chất chứa trong đầu những người viên chức thành thị kia, tức là chúng ta, mệt mỏi với tám giờ làm việc và hai tiếng “kẹt xe” mỗi ngày.

Có cái gì lên tiếng trong nỗi nghẹn ngào hay chỉ là phút thương thân của chúng ta, một đời công sở với những ước ao tưởng như to lớn hơn thời trước – cái thời “bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ” mà rồi ta lại thấy mình hoá ra bất hạnh hơn.

Nhu cầu “hoài” có lý để tồn tại, chỉ có điều với mỗi người, nó biểu hiện khác nhau. Với người này, có thể là để làm sang. Với người khác, có thể là để làm dịu lại thần kinh. Với bạn, có thể là để bật khóc trước tấm ảnh chụp năm 20 tuổi ở bãi biển.

Với tôi, có thể là cười sặc sụa vì cái quần thụng hồi học cấp ba, mái tóc xù những năm tám mươi. Lùi lại một chút dẫu sao cũng là một liều thuốc có ích, chả thế mà người ta vẫn rất hay bảo thủ đó thôi.
 
Đứng đằng đông nhớ đằng tây cũng là vì trong tình thế so sánh ấy, như cô gái luống tuổi, chả biết bấu víu vào đâu, chỗ nào cũng chỉ là những mỏm đồi thấp tè tè, đỉnh Thái Sơn chắc gì đã có thật.

Sẽ là khó mà nhổ đến cùng những cái rễ của lối suy nghĩ rách việc này. Có biết bao người vui vẻ hạnh phúc với cuộc sống công sở đấy thôi? Chắc gì họ kêu ca, họ có biểu hiện đúng như trên, tức là họ đang không hạnh phúc, họ sống bằng dĩ vãng hay họ nhắm nhe chỗ khác?

Rất có thể những nhà văn viết những câu thế này: “những người bạn tôi, mười năm nay vẫn làm một việc… mười năm nay họ không nói câu nào mới”, là những người chỉ ngồi viết suông và chán… vợ.

Vợ và công việc là hai phạm trù có gì đó giống nhau: quen thuộc, dễ chán và khi “nói câu nào mới” là mầm mống một cuộc thay đổi tiềm tàng nhiều nguy cơ.  
 
Hình như kiếp sống của dân văn phòng là như thế: sống với những cái gì quen thuộc, phi quy chế bất thành văn phòng. Cho nên có từ núi này chạy sang núi khác thì cũng lặp lại quy trình ấy. Chạy đằng giời!
 
Trước khi quyết định “nhảy việc” bạn cần phải cân nhắc thật kỹ càng những câu hỏi sau:
1. Công việc mới có thật sự là công việc mà bạn luôn mơ ước?
 2. Liệu bạn có thể làm công việc đó trong một thời gian lâu dài mà vẫn cảm thấy thoải mái và thích thú?
 3. So sánh những cơ hội, các chính sách đãi ngộ mà bạn đang nhận được từ công việc hiện tại và các cơ hội công việc sắp tới, liệu có xứng đáng để “nhảy” không?
 4. Những điều kiện phải đáp ứng cho công việc mới liệu có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày của bạn hay không? Có phù hợp với sức khoẻ của bạn hay không?
 5. Bạn đã chuẩn bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho công việc mới chưa?
 
Nếu như các câu hỏi trên chưa tìm được những lời giải đáp thích đáng thì bạn cần xem xét lại quyết định của mình. (Theo JobVN)
 
Đa số các bạn trẻ hiện nay thay đổi các công việc một cách thường xuyên, thời gian bám trụ giỏi lắm là 1 năm. Với tâm lý “làm cho biết, làm để lấy kinh nghiệm” và để “làm đẹp cho CV” nhưng các nhà tuyển dụng lại hoàn toàn không ấn tượng bởi danh sách công việc thay đổi xoành xoạch trong một thời gian ngắn ngủi.

Điều đó không đảm bảo cho sự thăng tiến, ổn định và phát triển nghề nghiệp của các ứng viên. Người Nhật Bản rất coi trọng tính trung thành của nhân viên vì thế trong quá trình tuyển chọn nhân sự, những ứng viên có “thành tích” nhảy việc thường xuyên sẽ dễ dàng bị loại đầu nước. 

Quách Tuấn Khanh – Giám đốc Power Up

Khách quan mà nói thì tôi cho rằng, phần lớn những người đi làm công đều vì thu nhập. Nơi nào thu nhập cao hơn, chắc chắn họ sẽ chọn, đơn giản thế. Nhiều người hay nhìn trước mắt chứ ít khi nhìn xa.

Năm năm, mười năm đối với họ là chuyện quá xa vời. Nếu ràng buộc bằng lương bổng, thì nhân viên tôi đều bai bai sạch. Vì công ty Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với công ty nước ngoài hoặc các công ty liên doanh.

Ai hỏi tôi có hồi hộp không nếu nhận một nhân viên giỏi mà CV (lý lịch) thì chi chít những việc là việc, tôi sẽ chẳng ngần ngại trả lời là “nhận”. Vì sao? Chỗ trống thì rất nhiều, mà người giỏi thì lại không nhiều, vị trí key staff (nhân viên chủ lực) không phải ai đảm nhận cũng được.

Do đó, nhân viên giỏi chẳng bao giờ không có việc, mà đối thủ cạnh tranh thì luôn dùng lương để “dụ” nhân viên. Cuối cùng, người giỏi lúc nào cũng nhảy việc như sóc. Không thể trách họ được vì họ đi làm vì tiền mà.

Nhưng là chủ, tôi sẵn sàng chi phí cho người giỏi còn hơn là phải tự làm mọi việc hoặc để nhân viên không giỏi làm, phải làm lại thì càng mệt hơn. Sếp nào cũng có cách giữ nhân viên riêng của họ, còn trong trường hợp nhân viên tin cậy mà cũng dứt áo ra đi thì cũng đành chịu.

Một công ty không thể vì một vài cá nhân mà đình trệ hoạt động, luôn phải có kế hoạch thay thế trong trường hợp xấu nhất. Người nhảy việc nhiều thường rơi vào 2 tình huống: một là người ta giỏi quá, những nơi họ làm chưa trả lương xứng đáng, hai là người ta dở quá làm mấy bữa thì chủ… chạy.

Mà chủ doanh nghiệp bây giờ cũng tinh lắm, chỉ cần đưa một vài dự án nho nhỏ để xem nhân viên giải quyết thế nào là biết ngay trình độ giỏi dở. Từ đó, sẽ có cách điều chỉnh lương bổng cho hợp lý. “Tiền nào của nấy mà”. 
 
Kelvin To – Nghề tự do

Nếu được hỏi tôi có hài lòng với cuộc sống, công việc đang có không, dĩ nhiên là tôi hài lòng. Vì công việc là do tôi chọn, tôi hoạch định cho riêng mình.

Tôi làm việc theo một quy trình cụ thể, nhất định chứ không phải ngẫu hứng là làm hoặc vì tiền nhiều mà nhảy việc lung tung. Khi được phỏng vấn xin việc, tôi cũng đưa ra những chiến lược và nhận dự án cụ thể, đại loại mình sẽ mang lại những gì cho công ty, cống hiến như thế nào, hiệu quả ra làm sao.

Sau khi hoàn tất mọi công việc được giao, giao kèo theo thỏa thuận ban đầu, thì tôi sẽ nghỉ việc, làm việc khác. Sự nhảy việc của tôi không có nghĩa là tôi tham một công việc nhiều tiền hơn mà tôi đã hoàn tất phần thỏa thuận với công ty.

Những dự án mới, thử thách mới luôn làm tôi hưng phấn. Tôi thích thể nghiệm chính khả năng mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Làm việc một nơi trong nhiều năm liền chắc chắn không phải là mong muốn của tôi. Môi trường thay đổi luôn cho mình những cái nhìn mới, ý tưởng mới để phát triển công việc tốt hơn.

Trong tương lai, tôi không có ý định làm công nữa mà tự mình sẽ điều hành một doanh nghiệp. Do đó, tất cả những gì tôi làm hôm qua, hôm nay đều là cơ sở nền tảng cho công việc ngày mai.

Trình độ, kiến thức và kinh nghiệm làm việc của mình trong quá khứ sẽ phản ánh bản thân trong quá trình sắp tới. Hy vọng mọi tạo dựng của tôi được nhiều người nhìn nhận, đánh giá cao và ủng hộ sau này.
 
Minh Phương – Nghề tự do

Sau nhiều lần nhảy việc, tôi chủ động nhảy về nhà luôn, chỉ nhận việc tự do (freelance job). Thú thật, lúc làm việc tôi cống hiến hết mình cho công ty và trách nhiệm với những dự án của mình cho đến phút chót.

Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ không đủ sức để kiêm lâu dài vì công việc của một nhân viên dự án rất vất vả và phức tạp. Sau khoảng 1, 2 năm vắt kiệt sức, tôi buộc phải nghỉ ngơi vài tháng để hồi phục để có sức sáng tạo.

Dĩ nhiên là không có công ty nào tốt đến mức cho tôi nghỉ ăn lương một thời gian dài như vậy. Nên khi đã kiệt sức, tôi sẽ chủ động xin nghỉ. Khi nào thấy sung sức, tôi lại tiếp tục chinh phục công việc khác, vị trí khác, thường là vị trí cao hơn vì tôi đã có kinh nghiệm làm việc hơn.

Mức thu nhập phản ánh được trình độ, năng lực của mình nên tôi buộc phải đề cập đến vấn đề đó khi đi làm. Nhưng điều kiện làm việc cũng là một vấn đề quan trọng tương đương bên cạnh tài chính. Nếu điều kiện tốt mà mức lương chỉ đạt 80% thì tôi cũng sẽ chọn việc đó chứ không chọn công việc lương 100% như mong đợi mà điều kiện làm việc, môi trường không tốt bằng.

Đối với tôi, uy tín, chuyên nghiệp và tên tuổi của công ty là điều kiện quan trọng khi tôi quyết định nhận việc hay không. Xã hội phát triển đồng nghĩa với việc nhân lực có trình độ được trọng dụng.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chỗ nào có việc mình cũng nhảy vô làm, một hai ngày thấy không phù hợp lại nghỉ, tìm chỗ khác. Khi nộp đơn vào một công ty nào đấy, người xin việc phải xác định được mình cần gì, được gì ở vị trí mình muốn xin vào. Khả năng mình có phù hợp hay không.

Tóm lại, mơ mộng thì có quyền mơ mộng, ngồi chỗ này có thể nghĩ đến chỗ khácnhưng chỉ có thể nghĩ thôi. Thực tế thì phải tùy thuộc vào chính bản thân, ước muốn của mỗi người. Người sợ thử thách thì cả đời sẽ chỉ làm một nơi, người thích phiêu lưu luôn muốn chinh phục những việc khó khăn./.


From the same category