Có lẽ không ít thì nhiều, các bạn cũng từng nghe nói đến việc ghép tạng (organ transplantation), chẳng hạn nghe tin Việt Nam đã thành công trong việc ghép thận, ghép gan, hoặc tin về những vụ buôn lậu cơ quan nội tạng từ những nước nghèo sang nước giàu. Sự đa dạng của thông tin cho thấy, ghép tạng là một hoạt động y học không đơn giản, cả về khía cạnh chuyên môn lẫn khía cạnh luật pháp. Trung Quốc mới ra luật ghép tạng vào tháng 7/2006, nhưng xem chừng việc lạm dụng các tạng ghép có nguồn gốc bất hợp pháp vẫn còn là một vấn đề phải tiếp tục đương đầu. Ở Việt Nam, pháp lệnh về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người chưa được ban hành, vì vẫn còn trong giai đoạn hình thành, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động với nhu cầu ngày càng cao này.
>>>Đôi điều về lịch sử
Nếu kỹ thuật phẫu thuật ghép là chuyện không quá phức tạp thì việc làm sao để cơ quan ghép tồn tại được trong cơ thể người nhận mới là chuyện khó. Tương truyền rằng ngay từ thế kỷ thứ ba sau Công nguyên, thánh Damian và Cosmas (tu sĩ được phong thánh trong Công giáo) đã ghép thay một chân bị hoại thư của một người La Mã bằng chân của một người Ethiopia vừa mới chết, tuy kết quả cuối cùng không được đề cập. Thế kỷ 16 cũng chứng kiến những ca ghép da từ người này sang người khác được thực hiện bởi nhà phẫu thuật người Ý Gaspare Tagliacozzi, tuy nhiên việc ghép da không thành công vì hiện tượng “thải ghép” mà lần đầu tiên được ông ta ghi nhận như là “một sức mạnh và quyền lực của tính cá thể” (force and power of individuality). Tất nhiên hiện nay, chúng ta đã biết đây là kết quả của việc hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại những tế bào lạ từ bên ngoài.
Trước khi y học tìm ra cách chống hiện tượng thải ghép, nhiều trường hợp ghép tạng cũng ngẫu nhiên thành công khi người cho và người nhận là những người sinh đôi cùng trứng (có cùng đặc điểm di truyền về tế bào). Ngoài ra, nếu xem việc hiến và nhận máu là ghép tạng (cũng là việc đưa các tế bào từ cơ thể người này sang cơ thể người khác) thì ca “ghép tạng” đầu tiên thành công đã được thực hiện từ năm 1818, khi bác sĩ sản khoa người Anh James Blundell truyền máu để cứu một sản phụ bị băng huyết sau khi sinh. Đó là thành công của việc phát hiện ra các nhóm máu khác nhau của con người và khả năng truyền máu của những người có cùng nhóm máu. Đây cũng là cơ sở của việc xác định sự tương hợp trong việc chọn người cho và nhận với việc khám phá ra “kháng nguyên hòa hợp mô” (KNHHM), trong đó việc chọn ra người có KNHHM phù hợp là điều kiện tiên quyết để việc ghép tạng thành công vì hạn chế được hiện tượng thải ghép. Vì KNHHM rất đa dạng so với nhóm máu (chỉ có 4 nhóm), nên thường thì người thân sẽ có cơ hội có KNHHM cao, tuy một người lạ hoàn toàn cũng có khả năng này. Nhưng dù là người thân thì việc tương hợp hoàn toàn cũng khó xảy ra, nói cách khác, ở người nhận vẫn có phản ứng thải ghép dù ở mức độ thấp.
Vì thế lịch sử ghép tạng chỉ thật sự sang trang khi các nhà khoa học khám phá ra các phương cách để khống chế hiện tượng thải ghép bằng cách dùng các thuốc ức chế miễn dịch. Khi phát hiện bản chất của hiện tượng thải ghép là phản ứng miễn dịch vào năm 1951, Peter Medawar đã khuyến cáo việc dùng các thuốc ức chế miễn dịch (UCMD). Thuốc UCMD đầu tiên được dùng là cortisone, kế đến là azathioprine (được phát hiện năm 1959), tuy nhiên mãi đến năm 1970 thì y học mới thật sự tìm được một thuốc UCMD hữu hiệu là cyclosporine. Nhờ có loại thuốc UCMD này mà việc ghép tạng trở thành một phương cách trị liệu thay vì chỉ là những phẫu thuật mang tính nghiên cứu khi thời gian sống của bệnh nhân có thể tính bằng con số năm thay vì chỉ là con số tháng. Cụ thể đến năm 1984 thì hai phần ba bệnh nhân được ghép tim có thể sống đến 5 năm hoặc hơn.
>>> Việc ghép tạng và những vấn đề pháp lý
Khi phương pháp trị liệu bằng ghép tạng thật sự hiệu quả thì thực tế lại nảy sinh nhiều vấn đề không kém phần hóc búa. Đối với những tạng ghép lấy từ người sống như phổi, thận, gan, tủy xương thì nếu người cần ghép tạng được người thân trong gia đình có KNHHM phù hợp sẵn sàng cho thì dễ, tuy nhiên không phải lúc nào cũng tìm được một người như vậy. Vì là một phương pháp điều trị có tính cứu mạng nên nhiều người cần ghép tạng hoặc gia đình của họ sẵn sàng trả giá cao cho việc có được một tạng cần thiết, đặc biệt là các tạng buộc phải lấy từ những người sắp chết như tim. Điều này dẫn đến việc hiến tạng để lấy tiền (bán tạng) và khủng khiếp hơn nữa là có cả những đường dây buôn lậu tạng từ các nước nghèo sang các nước giàu, trong đó người ta không chỉ mua tạng giá rẻ mà còn bắt cóc, ép buộc hoặc giết người để lấy tạng.
Trước tình hình đó ở nhiều nước đã có luật về hiến và ghép tạng, theo đó nghiêm cấm việc mua bán tạng hoặc ép buộc người khác phải hiến tạng và có những hình phạt nặng nề cho ai vi phạm. Luật pháp cũng quy định chặt chẽ những điều khoản cam kết khi hiến tạng, chẳng hạn không đòi hỏi sự đền bù về vật chất nếu có những bất lợi đến sức khỏe của người hiến tạng sau đó. Nói cách khác “sự đồng thuận” (informed consent) là một điều kiện tiên quyết cần có ở người hiến tạng, cụ thể là họ phải được giải thích đầy đủ về những điều có thể xảy đến đối với họ và họ hoàn toàn phải được tự do trong quyết định chứ không chịu bất cứ một sự lừa dối hay ép buộc nào và điều này cần có những người có thẩm quyền về luật pháp chứng nhận. Tuy nhiên ngay cả khi đạt được sự ưng thuận của người hiến thì gia đình họ vẫn có quyền ngăn cản kể cả khi họ đã chết. Luật ghép tạng mới của Anh năm 2004 không cho phép gia đình ngăn cản nhưng thực tế thì các bệnh viện cũng rất ngại lấy tạng của người mà gia đình họ kêu nài khẩn thiết.
Một điểm quan trọng nữa, là có những nước có quy định luật pháp chặt chẽ trong khi nhiều nước khác lại chưa có nên nảy sinh hiện tượng “du lịch ghép tạng” theo đó người muốn được ghép tạng đi du lịch đến những nước khác để được ghép tạng. Trung Quốc được xem là nơi lý tưởng cho “du lịch ghép tạng” vì thứ nhất kỹ thuật ghép tạng khá tốt, thứ hai giá lại rẻ (chỉ bằng khoảng nửa giá ở các nước phương tây) và đặc biệt là có nguồn tạng phong phú. Nguồn tạng này theo nhiều nguồn thông tin là từ những tử tù và theo luật về ghép tạng của Trung Quốc mới ban hành năm 2006, sự hiến tạng của những tử tù nếu có phải xuất phát từ sự tự nguyện. Ở các nước phương Tây việc hiến và nhận tạng được thực hiện theo phương cách những người cần nhận tạng sẽ xét nghiệm về KNHHM và được đưa vào danh sách chờ cho đến khi có một người hiến tạng phù hợp. Việc được nhận tạng chỉ phụ thuộc 2 yếu tố: tình trạng bệnh lý cần nhận tạng (mức độ nguy cấp) và thứ tự trên danh sách chờ mà không phụ thuộc vào việc người đó có nhiều hay ít tiền.
Hiện tại ở Việt Nam mặc dù đã có nhiều trường hợp ghép tạng thành công chứng tỏ khả năng về mặt y học của Việt Nam không thiếu, tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, việc ghép tạng cũng chỉ mới dừng ở những trường hợp riêng lẻ trong đó chủ yếu là người thân trong gia đình hiến tạng. Lý do phần vì chi phí xét nghiệm KNHHM rất đắt (6-8 triệu đồng/ca) không thể xét nghiệm hết tất cả những người cần tạng và những người cho tạng để đưa vào danh sách chờ có trường hợp trùng khớp, phần vì chưa có luật về ghép tạng nên các vấn đề về pháp lý còn nhiều khó khăn khi hiến và nhận tạng không phải từ người thân cho người thân. Hy vọng trong một tương lai gần ta có được luật về ghép tạng cũng như có được những điều kiện về kinh phí và những tấm lòng thiện nguyện muốn chia sẻ sự sống của mình cho người khác.
Chuẩn bị đời sống sau khi ghép tạng
Trước những thành tựu về ghép tạng hiện nay, đời sống người sau ghép tạng được kéo dài một cách đáng kể, tuy nhiên không đơn giản rằng nó sẽ giống y như trước, mà cần phải được điều chỉnh để dự phòng các biến chứng, đặc biệt là để nâng cao chất lượng cuộc sống. Tùy bệnh, tùy điều kiện điều trị, đặc biệt là tùy vào nỗ lực cá nhân mà sức khỏe người sau ghép tạng có thể phục hồi chậm hay nhanh. Trong vài tháng đầu, những việc cần làm đó là dinh dưỡng tốt, tránh các yếu tố dẫn đến bệnh nhiễm, tái khám đúng hẹn và thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ sức khỏe khác. Nếu hồi phục tốt, người ghép tạng có thể quay trở lại công việc và những hoạt động khác trong thời gian ngắn sau vài tháng.
* Chuẩn bị ngôi nhà cho sự hồi phục
Trước khi rời trung tâm ghép tạng, cần nhờ người thân và bạn bè dọn dẹp ngôi nhà của bạn sao cho đảm bảo vệ sinh để tránh khỏi phát sinh những bệnh nhiễm trùng, vì hệ miễn dịch của bạn lúc này đã yếu hơn bình thường do việc dùng thuốc ức chế miễn dịch. Cụ thể cần thực hiện những việc như:
+ Giặt sạch và phơi nắng tất cả các loại chăn, màn, thảm…
+ Chà rửa nền nhà, lau quét bụi hoặc rửa sạch tường, cửa, các vật dụng trong nhà
+ Làm sạch máy điều hòa và thay các miếng lưới lọc bụi
+ Tìm cách ngăn bụi nếu môi trường xung quanh nhiều bụi bặm như đóng cửa kính, bật điều hòa hoặc làm lưới ngăn bụi…
+ Dời các chậu hoa tươi hoặc bình hoa khô ra khỏi phòng ở.
Khi người ghép tạng đã về thì không dọn dẹp phủi bụi khi có mặt họ vì bụi, nấm có thể làm phát sinh những bệnh nhiễm trùng (giống như khi trong nhà có người bị hen suyễn).
* Vệ sinh cá nhân
Những việc vệ sinh cá nhân tuy đơn giản nhưng nó có thể giúp ích rất nhiều cho người sau ghép tạng để tránh các bệnh nhiễm trùng. Cụ thể cần:
+ Rửa tay mỗi khi từ bên ngoài về nhà cũng như đề nghị khách rửa tay khi vào nhà.
+ Rửa tay sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với thú cưng hoặc làm việc nhà, trước khi ăn hoặc trước khi chuẩn bị thức ăn.
+ Vệ sinh thân thể đều đặn.
+ Vệ sinh răng miệng: chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ, có thể dùng thêm nước súc miệng và sinh-gôm loại không đường.
Nhìn chung việc giữ vệ sinh là rất cần thiết đặc biệt kể các đối với khách. Có thể ghi một bảng chữ nhỏ ở cửa để nhắc khách đến nhà. Ngoài việc rửa tay thì việc hạn chế không tiếp xúc quá nhiều khách nhất là những khách đang bị bệnh cũng là điều cần lưu ý.
Cẩn thận đối với các động vật có thể truyền bệnh
Ngoài những vật nuôi (thú cưng) mà ta có thể kiểm soát bệnh của chúng, cần phải để ý xua đuổi các loại động vật có thể truyền bệnh cho người sau ghép tạng như gián, chuột thậm chí chim chóc.
* Giữ cơ thể khỏe mạnh
Người sau ghép tạng cần thực hiện nếp sống tốt để giúp tăng cường sự khỏe mạnh của cơ thêè:
+ Nghỉ ngơi đầy đủ, không thức khuya, làm việc quá sức.
+ Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là chất đạm, các vitamin và muối khoáng. Ăn nhiều rau quả rất tốt vì rau quả vừa cung cấp vitamin vừa cung cấp chất xơ giúp nhuận trường.
+ Tập thể dục đều đặn, vừa sức cũng giúp tăng cường sức khỏe. Đi bộ hoặc chạy bộ chậm là một hình thức thể dục tốt cho nhiều người. Ngoài ra cũng nên hỏi bác sĩ điều trị để biết khi nào có thể vận động và với lượng bao nhiêu thì vừa sức.
+ Uống thuốc đúng, đủ, đều vì việc uống thuốc là suốt đời và rất quan trọng.
+ Khám định kỳ đúng theo lịch hẹn hoặc khi có triệu chứng gì bất thường.
+ Giữ một thái độ sống tích cực cũng là một điều tốt cho sức khỏe. Có thể sáng tác nghệ thuật (thơ, văn, nhạc, họa…), trò chuyện với bạn bè, tham gia các nhóm đồng cảnh, tập thiền, tập yoga hoặc bất cứ hoạt động nào giúp ích cho tinh thần.
* Chuyện sinh hoạt vợ chồng
Tùy bệnh lý và tùy tình trạng sức khỏe mà người sau ghép tạng có thể sinh hoạt vợ chồng bình thường hay không. Nhiều người sức khỏe cho phép nhưng do tâm lý lo âu, buồn rầu về chứng bệnh của mình mà cuối cùng chuyện sinh hoạt vợ chồng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nói chung việc giữ một thái độ sống lạc quan, tích cực không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn giúp cho việc sinh hoạt vợ chồng được hạnh phúc.
* Hoạt động với công việc phù hợp
Hầu hết những người ghép tạng đều có thể trở lại làm việc và học tập. Tùy tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ quyết định khi nào có thể trở lại làm việc. Cần lưu ý chọn những công việc vừa sức, đặc biệt tránh những công việc có thể tiếp xúc với các mầm bệnh: làm việc ngoài công trường, tiếp xúc với nhiều người ngoài xã hội mà không biết được tình trạng sức khỏe của họ (khác với đi làm cùng với những đồng nghiệp trong một cơ quan mà sức khỏe của họ được kiểm soát tốt). Lưu ý trong thời gian đầu có thể xin đi làm hoặc đi học bán thời gian để theo dõi khả năng thích ứng của cơ thể sau đó mới tăng dần thời gian đi làm, đi học. Đối với trẻ em, khi trẻ có đủ sức khỏe để trở lại trường, cần thông tin và đề nghị nhà trường có sự quan tâm và biện pháp hỗ trợ trẻ.
Người sau ghép tạng không chỉ có một cuộc sống mới mà còn có một sức sống mới
Một điều đáng mừng đó là với những thành tựu về mặt điều trị ghép tạng của y học hiện nay, người sau ghép tạng có thể sống rất lâu năm thay vì chỉ một vài năm hoặc ngắn hơn. Hơn thế nữa, việc theo dõi về tâm lý của những người sau ghép tạng còn cho thấy họ có những thay đổi lớn lao trong tâm thức.
Ghép tạng ở Trung Quốc- Những vấn đề cần biết
Với luật được phép mua bán nội tạng, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã thu hút được rất nhiều bệnh nhân châu Á, trong đó có bệnh nhân Việt Nam đến ghép tạng. Dưới đây là những thông tin cơ bản, bạn có thể tham khảo nếu có ý định chọn Trung Quốc là địa chỉ cho cuộc đại phẫu thuật của mình hoặc người nhà.
+ Vấn đề thủ tục
Hộ chiếu + 2 ảnh 4×6
Đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam ở 1 trong 2 địa chỉ sau để xin cấp visa (theo dạng đi chữa bệnh)
– 46 Hoàng Diệu, Quận Ba Đình, Hà Nội (ĐT: 04.8235569)
– 39 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, Q.1, Tp. HCM (ĐT: 08.8292457)
Thông thường, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ cấp visa trong thời hạn 1 tháng. Nếu có nhu cầu gia hạn visa, người nhà bệnh nhân có thể đem giấy giới thiệu của Bệnh viện và visa đến phòng Quản lý Xuất nhập cảnh ở tỉnh có bệnh viện bệnh nhân đang điều trị để xin gia hạn.
+ Vấn đề ngoại ngữ
Những bệnh viện lớn ở Trung Quốc thường có người phiên dịch bằng tiếng Anh cho khách nước ngoài. Nhưng phần lớn y bác sĩ lại nói tiếng bản địa. Nên nếu muốn thuận tiện hơn, bệnh nhân nên tìm người có khả năng nói tiếng Trung như người Việt gốc Hoa hoặc sinh viên du học tại Trung Quốc giúp đỡ khi câçn trao đôèi. Họ sẽ truyền đạt chính xác những thuật ngữ chuyên môn hơn.
+ Vấn đề ăn, ở, đi lại
Bệnh viện ở Trung Quốc như một khách sạn. Phòng của bệnh nhân rất sạch sẽ và tất cả đều khép kín, bao gồm hai giường ngủ, nhà tắm, nhà bếp… Người nhà bệnh nhân có thể tự đi chợ và nấu ăn, thậm chí có thể nấu những món ăn Việt Nam. Người nhà bệnh nhân và bệnh nhân nên chọn phương tiện đi lại bằng taxi, giá taxi ở đây khá rẻ và không phải trả giá như ở Malaysia.
+ Vấn đề thời gian, kinh phí
Thời gian cho một ca ghép tạng thông thường diễn ra trong một tháng. Tuy nhiên, nhiều khi lại tuỳ thuộc vào phần nội tạng mà bệnh nhân cần có sẵn hay không. Nếu sau khi thử máu và thực hiện các xét nghiệm khác, phần nội tạng bệnh nhân cần có sẵn trong “ngân hàng” nội tạng, thì cuộc đại phẫu thuật có thể được tiến hành ngay. Nhưng nếu “ngân hàng” không có sẵn, bệnh nhân sẽ phải chờ đợi. Nhưng sự chờ đợi cũng không quá lâu, vì “nguồn” nội tạng của Trung Quốc nổi tiếng là rất dồi dào. Chi phí cho một ca ghép tạng tùy thuộc vào từng bệnh viện. Nếu thực hiện ở những bệnh viện lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải giá sẽ cao hơn. Nhưng thông thường sự chênh lệch không quá nhiều. Chi phí từ 20.000USD/ca trở lên.
Có thể chọn các bệnh viện như Bệnh viện Quân đội, thị trấn Hổ Môn, huyện Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông; Bệnh viện Tứ Xuyên; Bệnh viện Vũ Hán, tỉnh Quảng Đông; Bệnh viện Bắc Kinh; Bệnh viện Thượng Hải… để thực hiện phẫu thuật ghép tạng.
Dưới đây là số liệu thống kê số ca ghép tạng hàng năm ở Mỹ (Theo Men’s Health)
Tim
2.125 ca ghép tim hàng năm.
2.860 bệnh nhân chờ đợi.
161 ngày là thời gian trung bình chờ đến lượt.
Tim chỉ có thể sống được vẻn vẹn có 4 tiếng đồng hồ sau khi lấy ra khỏi cơ thể. Danh sách ưu tiên được tính theo độ gần gũi.
Phổi
1.406 ca ghép phổi hàng năm.
2.875 bệnh nhân chờ đợi.
594 ngày là thời gian trung bình chờ đến lượt.
Ghép phổi là ca ghép nội tạng có độ rủi ro rất cao và quá trình rất phức tạp. Tỷ lệ người sống được 5 năm sau khi ghép ít hơn 50%.
Gan
6.443 ca ghép gan hàng năm.
17.142 bệnh nhân chờ đợi.
375 ngày là thời gian trung bình chờ đến lượt.
Gan sau khi ghép có thể tự phục hồi, tái sinh. Thường thì các ca ghép gan được thực hiện với những người trong cùng một nhà.
Thận
16.477 ca ghép thận hàng năm.
67.962 bệnh nhân chờ đợi.
1.582 ngày là thời gian trung bình chờ đến lượt..
Độ rủi ro của những bệnh nhân này gấp 3 lần những bệnh nhân mắc bệnh tim và thông thường thì 3 trong 4 người mắc bệnh tim không sống quá 2 năm.