Tôi vừa đọc nhận xét của một ai đó về fastfood (thức ăn nhanh) cứ như đó là một phát minh quan trọng của loài người! Nhớ ba năm trước, khi chuẩn bị lên đường sang Mỹ, tôi được vài người bạn mời tới tiệm fastfood McDonald bên trong một siêu thị ở Sài Gòn. Họ bảo, tôi cần làm quen với loại thức ăn đó hoặc ít ra là để biết mà kể với bạn bè bên Mỹ rằng Việt Nam cũng có fastfood!
Đó là lần đầu tiên tôi biết McDonald. Nhưng lần đó tôi không dám ăn thử, vì giá một cái hamburger nhỏ ngang với hai đĩa cơm. Khi phải trả tiền ăn thì tôi là một người rất tiết kiệm. Tôi vẫn nhớ ba tôi có lần mang về nhà một cái radio hình tròn có biểu tượng Gà rán Kentucky (KFC). Đó là khi KFC mở cửa tiệm bán gà rán đầu tiên ở Sài Gòn và tặng radio để quảng cáo; nhưng cho tới khi rời Việt Nam tôi chưa bao giờ ăn gà rán Kentucky!
Khi sang Mỹ, bà chủ nhà tôi trọ không thích nấu nướng và giải pháp duy nhất là ra tiệm fastfood. Chúng tôi ăn ở McDonald hoặc Burger King mỗi tuần ít nhất 5 bữa tối. Tôi ghét khoai tây chiên, tôi cũng không chịu nổi 5 bữa hamburger mỗi tuần, còn món salad ở đây thì khá đắt. Thế là thay vì hamburger tôi chỉ ăn mỗi món mì sợi. Năm ấy khi tôi về nhà nghỉ hè, mọi người ngạc nhiên khi thấy tôi chẳng mập lên tí nào. Phần lớn bạn bè tôi, sau một năm học tập bên Mỹ, đều mập lên ít nhiều.
Thầy giáo tôi than phiền rằng lẽ ra dân Mỹ phải kiện các công ty fastfood đã làm cho họ mắc chứng tiểu đường và béo phì. Ông ấy nói – tôi cho là rất đúng tuy có hơi buồn cười – do các công ty này liên tục quảng cáo rằng chỉ bỏ ra vài xu, khách hàng có thể mua thêm nhiều thức ăn và thế là mọi người ra sức ăn, cuối cùng họ đều mập ú.
Và bây giờ các công ty fastfood đó kéo tới Việt Nam. Nhiều người Việt nghĩ rằng, ăn thức ăn nhanh – một kiểu ăn uống nước ngoài – sẽ làm họ tân tiến lên! Khi tôi về nước mùa hè vừa qua tôi thấy vài tiệm bánh pizza mọc lên ở cái thành phố nhỏ bé miền Trung của tôi. Một cái bánh pizza giá bằng hai ba tô phở nhưng chẳng ai thèm để ý.
Tôi giải thích cho Jen bạn tôi, tại sao nước Mỹ lại buồn tẻ như thế này: là vì nơi nào cũng giống nhau. Đi tới bất kỳ thành phố nào ở Mỹ ta cũng chỉ gặp những cửa hàng ấy, những tiệm ăn ấy, những món ăn ấy, không có gì khác, kể cả lối bài trí trong cửa tiệm hay đồng phục của nhân viên chạy bàn. Đó cũng là lý do tại sao tôi yêu Việt Nam của tôi. Hà Nội và Sài Gòn rất khác nhau, nhất là về ăn uống. Ở Việt Nam đi tới một thành phố khác là thực hiện một cuộc khám phá về ẩm thực, ít ra là đối với tôi. Tôi nhớ biết bao những người bán hàng rong trên đường phố ở khắp các thành phố quê tôi. Đó là chỗ cho đám trẻ chúng tôi tụ tập, cho những kỷ niệm êm đềm của tuổi học trò.
Toàn cầu hóa, phải toàn cầu hóa với cả thức ăn sao?