Mơ mộng dường như đã trở thành thuộc tính của nhạc trẻ Việt Nam kể từ khi nó (bị cho là) chìm vào giấc ngủ triền miên sau cái thời tưng bừng giờ nghĩ lại ai cùng tiếc. Trong một tình cảnh buồn chán, khán giả ngán ngẩm, ca sĩ mỏi mệt nhìn nhau, ca nhạc truyền hình bình dân miễn phí tràn ngập, thì những ước mơ được phát ngôn khá thoải mái phần nào giúp người cả trong lẫn ngoài cuộc có được cái nhìn tươi sáng hơn về một tương lai… không biết khi nào tới!
Những giấc mơ xuất hiện bất cứ lúc nào, kể cả khi người khởi xướng sự kiện đang trong trạng thái tỉnh táo nhất. Album của Mỹ Tâm với một công ty Hàn Quốc rõ ràng chỉ là một dự án cá nhân nhắm vào thị trường Việt Nam; bản thân ca sĩ thì khá kín tiếng, bởi cô hiểu hơn ai hết bản chất sự việc rằng một cuộc lăng-xê đa quốc gia sẽ tốn kém nhường nào, mà chẳng ai lại không dưng bỏ tiền cho một ca sĩ vô danh tầm khu vực đến từ một nền nhạc pop vô danh tầm… thế giới. Nhưng bên ngoài thì ồn ào, báo chí hân hoan giật tít ca sĩ Việt Nam bước một (hay hai) chân ra thị trường khu vực, làm như xuất khẩu giọng hát dễ như bán… cá ba-sa.
Mơ mộng tràn ngập khi những gì thuộc về WTO trở nên… thời sự. Trong khi giới doanh nghiệp, những đối tượng sẽ chịu tác động đầu tiên từ việc Việt Nam gia nhập WTO, đa số vẫn còn khá lơ mơ về những gì sẽ đến hoặc đang đợi mình phía trước, thì giới nghệ sĩ có vẻ rất lạc quan trong một tư tưởng rất tự tin rằng rồi ngay sau đây cửa ra với thế giới sẽ rộng mở thênh thang. Theo những suy nghĩ ấy – ca sĩ thì phát biểu rằng sẽ có nhiều nhà sản xuất nước ngoài tìm đến ca sĩ Việt Nam để lăng-xê; diễn viên nghiệp dư thì vui mừng vì sẽ có nhiều phim với nước ngoài để “lót đường” cho họ tới cái thiên đàng Hollywood. Họ nói đầy như thế trên báo, trên truyền hình – thì tương lai gần cho nền nhạc trẻ Việt Nam quả là rất sáng sủa, việc các ngôi sao Việt tỏa sáng trên sân khấu thế giới giờ đã nằm trong tầm tay nhờ cái “cầu” MTV.
Những liều thuốc tinh thần kiểu WTO này khiến người ta quên đi phần nào nỗi tự ti có tên MTV xuất hiện từ gần 10 năm trước. Việc nhạc trẻ Việt Nam không có cửa vào MTV có lẽ sẽ không bị coi là nỗi buồn nữa khi đã có WTO “oai” hơn nhiều.
Và giờ là lúc để nói đến những thực tế trần trụi của cả một nền nhạc trẻ năm qua. Dẫu sao, mộng cũng chỉ có trong… giấc ngủ, và khi sân khấu ca nhạc càng bế tắc người ta càng có xu hướng mơ mộng nhiều hơn, mà quên đi phải làm gì để hiện thực hóa giấc mộng ấy.
Hiện thực là nhạc trẻ Việt Nam năm qua tiếp tục… buồn. Có điều gì đó nghịch lý khi mà 2006 là năm của khá nhiều liveshow hoành tráng, từ show ca sĩ, show nhạc sĩ tới show ca nhạc truyền hình. Bên cạnh đó, “mùa” album cũng rất xôm. Cả 4 “diva nhạc Việt” và gần như hết thảy các ngôi sao thị trường, ca sĩ triển vọng… đều ra album. Nhiều như thế mà vẫn chưa đủ tạo ra được một “bước ngoặt”, điều mà ai cũng chờ đợi từ mấy năm nay hòng mong thoát khỏi tình trạng trì trệ, khán giả thờ ơ, ca sĩ làm lấy lệ.
Không có ngôi sao mới nào thực sự xuất hiện, thị trường ca nhạc không có bài “hit”, sao cũ thì nhàm chán, hoặc không chán thì dường như cũng không còn tham vọng nghệ thuật. Mỹ Tâm bằng album Vút bay “Made in Korea” cho thấy đường hướng đã được cụ thể hóa. Rõ ràng cô không tham vọng trở thành người khai phá mở đường cho trường phái “diva”, dù ai đó cho rằng giọng cô còn có thể khai thác được nhiều, cô có thể thành một hình tượng xuất sắc hơn nữa, thì cô cũng chỉ cần dừng ở cái mốc hiện tại, và làm tốt nhất cái sứ mệnh “ca sĩ thị trường” của mình mà thôi. Và “Vút bay” là một đĩa hay nhìn ở góc độ thị trường. Không nên đòi hỏi một ca sĩ phải thay đổi phương châm làm nghề khi họ đã có lựa chọn chắc chắn.
Hay trường hợp Hồng Nhung. Trong khi nói nhiều về việc mình đã học được những cách hát mới để có thể khai thác được nhiều hơn nữa từ… cổ họng của mình, thì “diva” lại chọn ngay nhạc Trịnh Công Sơn để thể hiện cái “mới” ấy. Mà nhạc Trịnh thì quả thực khả năng tự thay đổi hay “uốn” mình theo những áp đặt nghệ thuật cũng có giới hạn, nó không thể mới hơn được nữa, và cũng chẳng lạ hơn. Còn “đẹp” hơn hay không thì phải tùy thuộc vào… dân trí nữa.
Một diva khác, Thanh Lam, sau những ồn ào, “công phá”, 2 năm trước, giờ rõ ràng đã “đuối”. Cứ nghe cách chị vừa hát vừa… đọc thơ trong “Giọt… Lam”, album tuyển chọn những bài “hit” của chị suốt 20 năm làm ca sĩ chuyên nghiệp, người “hoài cổ” sẽ tiếc cho tiếng hát một thời say đắm, nay nghe sao mà mệt mỏi quá. Phe “cấp tiến” hơn, như Thanh Lam vẫn khẳng định mình có nhiều fan trong đội ngũ này, có lẽ cũng phải đặt dấu hỏi về khả năng sáng tạo trong chính giọng hát của Thanh Lam và ê-kíp xung quanh chị. Nói đơn giản, trường hợp Thanh Lam, sau thời gian “trở lại” ấn tượng, nay đang ở thế tự bão hòa đã cho thấy thị trường nhạc trẻ không hề biến chuyển theo hướng lạc quan. Liveshow của Mỹ Linh lớn thật đấy, nhưng hiệu ứng tạo ra thì đúng như ca sĩ đã luôn rào đón từ trước, “chỉ là hoạt động bình thường thôi!”. Vì “bình thường” nên sự chờ đợi từ phía công chúng cũng không mặn mà gì giữa thời buổi lúc nào chẳng gặp… liveshow! Đúng là hơi tiếc, vì đây là một liveshow rất tốt về chất lượng so với mặt bằng chung hiện nay.
Hàng loạt liveshow cá nhân với rất nhiều tuyên bố về sáng tạo trong kỹ nghệ nghe – nhìn cuối cùng vẫn bị phủ bóng bởi những show ca nhạc truyền hình xuất hiện tràn ngập để thỏa mãn quyền lực của các nhà tài trợ. Cái gì dễ dãi thì cũng dễ… nhờn, ca nhạc truyền hình chẳng thể “tiến hóa” hơn được nữa, mà lại làm nản lòng những người muốn làm liveshow đích thực.
Điều đáng nói là tất cả những trường hợp kể trên, dù rơi vào tĩnh lặng hay phải tiếp nhận sự thờ ơ, nghi ngờ, lại đều là những nỗ lực nhằm đưa nhạc trẻ Việt thoát khỏi tình trạng buồn chán. Mà cũng không phải lực bất tòng tâm. “Lực” của Thanh Lam hay Mỹ Tâm, Mỹ Linh hay những người làm Duyên dáng Việt Nam, cả phe làm ca nhạc truyền hình nữa đều rất mạnh, và cái “tâm” muốn thay đổi cũng rất dễ nhận thấy. Nhưng dường như có một sức ì đáng sợ nào đó vẫn trì kéo mọi cố gắng ấy. Điều trớ trêu là sức ì ấy, dù ở nghệ sĩ hay công chúng, thì cũng lại sinh ra từ chính những gì mà giới nghệ sĩ và công chúng đã “tặng” cho nhau trước đó. Họ làm cho nhau chán, rồi lại chật vật làm cho nhau vui trở lại. Không đơn giản chút nào!
Trong những tình cảnh như ở trong “ngõ cụt” như thế, thì những mơ ước về xuất ngoại – như đã nói – vừa là một liều thuốc tinh thần, vừa là một phép đánh lạc hướng dư luận. Những dự án xuất khẩu tiếng hát được nhắc đến nhiều hơn, và rất nhiều người đã cho rằng năm 2006 là năm mà nghệ sĩ Việt Nam đến… xếp hàng ở cửa khẩu để sang năm 2007 là thẳng đường… chinh phục. Này là Đan Trường sẽ tấn công thị trường Đài Loan; Mỹ Tâm có ê-kíp Hàn Quốc hậu thuẫn; Kasim Hoàng Vũ, Lam Trường đi ra thế giới qua ngả Thái Lan; Trần Thu Hà tìm cơ hội ở Mỹ; Mỹ Linh được mời thu âm bên Nhật v.v… Nhưng người đi trước là người… tỉnh trước. Trần Thu Hà, trong chuyến về nước phát hành album Đối thoại 06 đã nhiều lần phát biểu về những ngộ nhận mà các nghệ sĩ có thể mắc phải khi nghĩ về thị trường âm nhạc Mỹ. Mỹ Linh và dự án (coi như) thất bại “Coming to America” là một thí dụ cần nêu ra để người ngoài không vội ảo tưởng để rồi trách móc nghệ sĩ sao không trở thành ngôi sao thế giới cho vẻ vang nước nhà. Có ra tới nước ngoài rồi thì mới thấy để là ngôi sao trên “sân khách” không phải đơn giản như so sánh Thu Minh với Phạm Văn Phương hát ở Nhà thi đấu Nguyễn Du rồi nhất trí rằng ca sĩ ta hát hay hơn, thế nào chẳng ra được thế giới. Khó mà tin rằng một ca sĩ như Đan Trường có thể trở thành ngôi sao đa quốc gia khi mà đến giờ này, ca sĩ và ông bầu vẫn còn sồn sồn lên vì những chuyện vặt vãnh như thứ tự trên băng-rôn!
Cuối cùng, thực tế nhất là những ca sĩ trẻ, dù mới từ “lò” Sao Mai – Điểm hẹn bước ra hay đã có kinh nghiệm bôn ba chinh chiến nhiều năm. Họ không bị ám ảnh bởi nghĩa vụ phục hưng nhạc Việt, cũng không bị cuốn vào những tham vọng xuất ngoại mơ hồ. Họ biết rõ khán giả của mình là ai, tầng lớp nào, gu ra sao. Thế là Hà Anh Tuấn có khán giả riêng ngay khi vừa chính thức ra mắt; Đức Tuấn, Hiền Thục, Nguyên Thảo được “thăng hạng”; Mai Khôi, Minh Thư, Thủy Tiên được ca ngợi như những làn gió lạ, tài năng và đáng yêu; Lệ Quyên, Lưu Hương Giang, Thùy Trang bỗng nhiên có chỗ đứng vững chắc mà không mất quá nhiều thời gian cho những “thử nghiệm” xa vời.
Và sự sôi động phần nào của nhạc trẻ năm qua chính là nhờ ở những người trẻ rất thực tế này. Có lẽ, họ may mắn không bị chìm trong giấc ngủ dài…