Chia tay với sàn diễn thời trang đã hơn 10 năm, và cũng đã im lặng trong 10 năm đó. Có chăng chỉ là những lời bàn tán rậm rịch từ giới salon Sài Gòn. Bất ngờ Đức Hải ồn ào trở lại, với sự kiện về bộ phim giới tính thứ 3 “Trai nhảy” trong đó anh đóng vai một người đồng tính cùng với những lời đồn về giới tính thật của anh. Trong sự ồn ào đó, Đức Hải đối diện với phóng viên của Đẹp. Đầu tiên là khoảng cách và sự phòng thủ (hơi quá đáng). Tiếp theo là những phát ngôn, nghe thì kiêu, nhưng thẳng thắn và sòng phẳng. Đến cuối buổi trò chuyện, mới thực sự gặp một Đức Hải cởi mở!
Tôi… coi thường điện ảnh là đúng
Theo anh, đạo diễn mời cựu người mẫu đi đóng phim thường xuất phát từ yếu tố nào?
Có thể vì ngoại hình, có thể vì sự tò mò, vì khả năng diễn xuất hay đơn giản vì anh ta phù hợp với vai diễn đó.
Anh thuộc lý do nào trong những lý do kể trên?
Tôi không quan tâm đến vấn đề vì sao họ mời tôi đóng phim.
Anh nghĩ sao, nếu lời mời của đạo diễn đơn giản xuất phát từ hình thức của anh?
Thì cũng tốt thôi. Đạo diễn muốn đem những gương mặt đẹp lên phim để làm phim hấp dẫn hơn, thì bản thân họ đã nghĩ đến tính thương mại của phim. Điều này rất cần thiết, nhất là khi điện ảnh Việt Nam vẫn còn hẩm hiu như hiện nay. Tuy nhiên, ý đồ của họ thành công hay không là chuyện khác.
Khi họ chọn tôi ở góc độ đẹp trai, nhưng tôi không thể hiện vai diễn xuất sắc thì họ là người gánh chịu hậu quả, vì đã đặt sự rủi ro của mình lên một diễn viên chưa bao giờ đóng phim mà chỉ có đẹp trai.
Còn với cá nhân tôi, nếu người ta có thể khai thác được mình ở góc độ nào đó, tôi thấy mình cũng đáng giá lắm, chứ một đạo diễn nhìn diễn viên mà không thấy khai thác được nét gì thì người diễn viên đó vứt đi rồi.
Có thể đạo diễn khai thác về diễn xuất, có thể khai thác về ngoại hình, về đời tư. Paris Hilton đóng phim rất dở, chưa chắc đẹp bằng những người khác, nhưng cô ấy có đời tư rất ồn ào cũng trở thành một diễn viên, một ca sĩ. Nên những người làm trong ngành giải trí phải nắm bắt được cơ hội và những cái đang xảy ra xung quanh. Lê Hoàng cũng rất lẹ khi mời Cindy Thái Tài vào phim, vì thời điểm vừa rồi Cindy là một sự ồn ào rất lớn.
Dù tham gia phim ảnh, nhưng những phát biểu trên báo gần đây cho thấy anh là người… coi thường điện ảnh?
Phim ảnh không được đầu tư, kinh phí nghèo nàn, cốt chuyện dở hơi, copy của phim Hàn Quốc, Hồng Kông, diễn xuất quá tệ… thì tôi coi thường là đúng! Phải có những người lên tiếng coi thường như vậy các nhà sản xuất phim mới sực tỉnh được, chứ không thấy mình đang dở, mình đang thất bại thì không bao giờ tiến lên được.
Phát biểu như vậy, anh có sợ bị ghét, bị mất cơ hội cho những lần sau?
Có thể nhiều người sẽ ghét tôi. Nhưng họ cần nhìn vào sự thật. Còn nếu không muốn nghe sự thật thì đừng đọc bài phỏng vấn Đức Hải làm gì!
Có thể nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Đức Hải có bề dày gì trong điện ảnh để đưa ra phán xét?
Bề dày của tôi là tôi sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, xem phim Việt Nam nhưng không thể nào chấp nhận được phần lớn những bộ phim Việt Nam! Tôi tin còn rất nhiều người, có bề dày hơn tôi, cũng chưa chấp nhận phim Việt Nam.
Nếu anh đánh giá thấp điện ảnh sao vẫn tham gia "Trai nhảy"? Và phim “Trai nhảy” vừa ra mắt cũng bị… dập te tua?
Tôi chỉ quan tâm đến hiệu quả của phim khi ra rạp, còn vấn đề người ta chửi như thế nào tôi không quan tâm. Mà bị chửi cũng có nhiều lí do lắm, có thể trâu cột ghét trâu ăn chẳng hạn.
Nhưng tôi nghĩ làm phim nghệ thuật mà khán giả không xem thì làm để làm gì. Thực tế, bao nhiêu bộ phim nghệ thuật đem ra rạp có ai xem đâu.
Tôi biết, đạo diễn Lê Hoàng bị chửi nhiều lắm, chửi từ khi làm “Gái nhảy” cho đến bây giờ. Nhưng đó là một đạo diễn dám nghĩ, dám làm và là người đầu tiên lôi kéo khán giả trở lại rạp.
Trong sự khởi sắc của điện ảnh những năm gần đây, công của Lê Hoàng không nhỏ đâu. Tôi rất phục anh Hoàng trong vấn đề làm phim này, cộng lời mời nhiệt tình của anh ấy nên tôi tham gia phim ảnh.
Còn chuyện người ta chê Lê Hoàng, chê “Trai nhảy” đấy là quyền của công luận, nhưng đôi khi cũng nên đặt ngược vấn đề lại xem những người bình luận đó là ai.
Trong phim này tôi là diễn viên và đã hoàn thành vai diễn của mình, mà theo chủ quan của tôi là không tệ, nên tôi hoàn toàn không bị những lời bình luận đó chi phối…
Gương mặt, ngoại hình là tài sản của người mẫu
Sẽ rất thiếu sót nếu bài phỏng vấn này không đề cập đến cái chảnh của anh! Đầu tiên, anh chảnh vì đòi cát xê quá cao so với mặt bằng chung?
Đối với người mẫu, thì gương mặt, ngoại hình là tài sản của họ. Nếu chụp hình bừa bãi với thù lao quá thấp là không đánh giá đúng năng lực của người mẫu.
Hơn nữa, người mẫu cũng rất cần đầu tư nhiều cho ngoại hình như trang phục, mỹ phẩm, rèn luyện thể hình, ăn uống để giữ phom. Vì anh đâu thể đại diện cho cái đẹp mà ra đường tả tơi, nhìn khắc khổ được.
Thu nhập từ đâu ra? Từ chính những bức ảnh, những sô quảng cáo. Vậy người mẫu chụp hình không lấy tiền thì làm người mẫu để làm gì? Lúc chưa nổi tiếng tôi cần chụp hình để nổi tiếng, nhưng khi nổi tiếng rồi thì tôi cần chụp hình để lấy tiền, cái đó không phải chảnh, mà là đánh giá đúng năng lực của một người mẫu.
Phải nói thẳng một điều, từ trước đến nay, khi nào muốn lên báo thì đó là ý đồ của tôi! Một người mẫu xuất hiện thường xuyên trên báo trong vài năm sẽ chẳng có nhà quảng cáo nào mời, vì anh ta đã trở thành một người quá nhàm chán.
Tôi muốn 3 tháng, 6 tháng có một bức ảnh thôi, nhưng không có phỏng vấn, để người ta nhớ vẫn còn một Đức Hải. Bây giờ tôi xuất hiện trên báo vì nhiệm vụ PR cho phim “Trai nhảy”, nếu không tôi vẫn sẽ im lặng
Anh chảnh còn vì anh ý thức được sự hấp dẫn của mình?
Tôi quan niệm mỗi người có một sự tự tin riêng. Người thông minh có sự tự tin tôi thông minh, người đẹp có sự tự tin tôi đẹp. Người thông minh cống hiến cho kinh tế, người đẹp cống hiến cho văn hóa.
Chính mình mới là mình, và mới sống được trong xã hội. Có một ngoại hình đẹp, sẽ cảm thấy thoải mái và mạnh khỏe.
Là người mẫu, hình ảnh càng quan trọng hơn, vì anh ra đường là có người ngắm, thậm chí hình ảnh của anh sẽ ảnh hưởng lên công chúng.
Tôi không còn là người mẫu. Nhưng nếu người nào đó biết tôi từng là người mẫu, thấy 10 năm sau tôi vẫn có vóc dáng đó, nghĩa là tôi đã thành công về mặt giữ hình ảnh.
Anh có rất nhiều người theo đuổi, và phải ở hạng “đại gia” mới đủ tự tin theo đuổi anh. Và đó cũng là lý do để anh chảnh?
Làm hay không làm thì lời đồn thổi vẫn tồn tại. Vấn đề là mình có chấp nhận sự tồn tại đó không, chứ không bao giờ bịt hết miệng mọi người được. Lời đồn xuất phát từ đâu, nếu không phải sự ganh tị với nhau?
Nếu ba chàng trai thích bạn, bạn sẽ làm gì? Bạn đâu có la lên được, bạn cũng không thể đuổi họ đi, quyền của họ mà.
Bây giờ nhiều người thích tôi, thì đó là quyền của họ, tôi đâu có làm gì được. Vấn đề là tôi có thích người ta hay không. Nếu tôi không thích là họ nói thằng cha đó chảnh lắm.
Như thế là thiếu công bằng với tôi! Mình là ai, tư cách thế nào, mình có sự tự tin và có đủ khả năng để người ta đến với mình hay không, đó mới là quan trọng, chứ mình thích từ một phía, rồi đồn thổi, làm những động tác phía sau, để ảnh hưởng đến người khác là hành động không hay chút nào.
Nghĩa là anh không chảnh?
Nếu gặp tôi ở khu vực sống của tôi thì không thể nói tôi chảnh được. Ngày bé tôi đối xử với mọi người thế nào thì bây giờ tôi vẫn đối xử như vậy, dù Đức Hải có là người mẫu số một, có đi đóng phim hay kinh doanh thành công.
Tôi đã hơn 30 tuổi, nhưng gặp tất cả các bác, các chú trong khu vực của tôi, tôi đều phải gập đầu chào. Ngay cả những em bé trong xóm, mỗi lần tôi về chúng đều xúm vào chào, đến nỗi tôi còn không biết mấy đứa bé đó là con nhà ai.
Tôi không phải là người tự cao, tự đại, tự kiêu hay quá tự hào về mình. Tôi chỉ là người biết lẽ phải, biết đánh giá mình ở đâu, và không đánh giá thấp mình.
Vì mình có năng lực mà đánh giá thấp mình nghĩa là mình coi thường bản thân, coi thường kinh nghiệm sống và trình độ của mình, coi thường cha mẹ, gia đình, những người đã đi làm để lo cho mình một cuộc sống tốt, có trình độ trong xã hội.
Nếu hỏi anh Hải, anh có phải là người mẫu nổi tiếng không? Không lẽ tôi nói tôi không nổi tiếng? Còn nói tôi nổi tiếng thì lại cho tôi chảnh! Mọi người thường thích nghe những gì không thật, nghe những gì rất "mềm", mà không bao giờ nghe sự thật!
Tôi còn bị đồn với chính… người nhà của mình
Người ta chỉ biết đời tư của anh qua… lời đồn, chứ chưa bao giờ thấy nó được trải… trên báo như rất nhiều người nổi tiếng khác. Vì sao anh lại khép chặt đời tư của mình như vậy?
Từ lúc bắt đầu nổi tiếng tôi đã không đưa đời tư của mình lên báo, dù rất nhiều báo muốn hỏi. Bởi tôi không thích làm ảnh hưởng tới những người xung quanh, những người yêu thương mình.
Tôi quan niệm, là người của công chúng, mình phải chấp nhận sự phiền phức của một người nổi tiếng, nhưng không nên lôi kéo những người xung quanh vào. Cái đó không công bằng cho họ.
Từ đầu cuộc phỏng vấn, anh tỏ ra là người rất thẳng thắn. Vậy cũng xin hỏi thẳng anh một câu: có phải anh là người… đồng tính không?
Gần đây tôi còn nghe người ta đồn tôi cặp với một đại gia nổi tiếng ở Sài Gòn. Cảm ơn mọi người đã cho tôi là bồ của nhân vật đó! Nếu là bồ thì chắc bây giờ tôi phải giàu lắm, đâu cần đi đóng phim để hôm nay phải ngồi trả lời phỏng vấn báo chí!
Nhưng đã có ai thấy tôi cặp kè với anh ấy chưa? Có ai thấy tài khoản của anh ấy chuyển vào tài khoản của tôi chưa? Nếu có bằng chứng hãy lên tiếng, chứ đừng đồn như vậy, ác cho tôi và ác cho anh ấy.
Nhưng anh ấy không phải là người tôi bị đồn đầu tiên đâu. Cách đây mười mấy năm, tôi còn bị đồn với chính bố ruột của mình cơ!
Bố chở tôi đằng sau Honda, và người ta đồn tôi cặp bồ với ông già! Ngay cả mẹ tôi, người ta còn chụp hình và nói tôi bồ bịch với bà già tiệm vàng!
Những chuyện này nghe rất nực cười và cũng rất đau lòng, nhưng làm sao tôi giải thích hết được. Đó cũng chính là lí do tôi không đem đời tư của mình vào trong các cuộc phỏng vấn.
Đó là những lời đồn khiếm nhã sau lưng. Còn sự khiếm nhã trực diện mà anh từng đối đầu?
Tôi đã phải đối diện với những lời đề nghị khiếm nhã từ trước năm 20 tuổi. Và đến khi 20 tuổi tôi không tiếp tục nghề người mẫu nữa, vì tôi không muốn vì đồng tiền mà bị người ta đá qua đá lại và đá lên chính con người mình .
Sao anh có đủ bản lĩnh để từ chối, nhất là khi mới lớn người ta thường háo thắng, mà sự háo thắng đó lại đặt trong một môi trường xa hoa?
Tôi không có nhà, không có tài sản gì cũng không sao, nhưng đối với tôi, gia đình rất quan trọng. Trước đây, bây giờ, và cả sau này, tài sản lớn nhất của tôi là gia đình. Trình độ sống của gia đình được bố mẹ tôi để lại rất cao.
Từ nhỏ tôi đã biết ăn như thế nào, đi đứng, đối xử với người lớn như thế nào. Khi nổi tiếng, thấy người khác giàu hơn mình tôi cũng buồn. Vì mình đang nổi tiếng nhất mà lại thua thiệt họ, nên tôi quyết định đi làm từ năm 20 tuổi.
Tôi làm 8 tiếng một ngày, rồi lên 10 tiếng, lên 12 tiếng, và làm cho đến bây giờ. Sống bằng đồng tiền của mình sẽ chả bao giờ phải tủi, phải mang nhục với ai. Đó là niềm kiêu hãnh của tôi mà mọi người vẫn tưởng là tôi chảnh.
Nhưng không lẽ anh không có người tử tế yêu?
Có người rất trắng trợn, nhưng cũng có những người rất tử tế đến với mình. Vấn đề là mình có thích hay không. Mỗi người một cá tính.
Người có ngoại hình và điều kiện như tôi, nếu là người khác, có thể rất đào hoa, rất lăng nhăng. Nhưng tôi không có tính đó. Tôi vào nghề người mẫu năm 18 tuổi, và Văn Thúy Hạnh là người yêu đầu tiên của tôi. Chúng tôi kết thúc, thật sự tôi rất buồn, cho đến cả bây giờ.
Nhưng thôi, chuyện đó gác qua một bên! Tôi chỉ có thể nói mình thuộc týp người rất chung thủy. Không dễ dàng nay quen người này mai quen người khác, và sẽ rất mệt mỏi với những chuyện như vậy.
Anh có vẻ là người đa nghi và sống quá phòng thủ, nên tìm bạn đời trở thành công việc gian nan?
Có thể như vậy. Rất nhiều người biết tôi làm ở hãng thời trang nổi tiếng, toàn mặc đồ hiệu, tướng tá lại phong độ nên họ đến. Nhưng khi thấy cái ruột rỗng, họ cảm thấy thất vọng. Chính điều đó khiến tôi phải quan sát kỹ hơn.
Tôi đã gặp nhiều người bị tấn công bởi cái nhìn bề ngoài, họ cứ ngồi đờ ra, không biết nói gì hết. Điều đó làm mình sợ lắm! Thật sự tôi không thích quen người đờ ra, chỉ biết ngắm, biết khen mình.
Bởi tôi được ngắm, được nghe khen đủ rồi! Bản thân người thật lòng yêu tôi cũng sợ. Người ta nghĩ sắc đẹp của mình là một bằng chứng của sự không an toàn. Họ sẽ có những câu hỏi đại loại như: anh ta tới với mình hay đào mỏ mình? Anh ta đẹp trai vậy chắc lang chạ với nhiều người lắm?…
Đối với tôi, không có gì đau khổ bằng tình cảm, và sự đau khổ còn sâu sắc hơn đối với một người chung thuỷ, nên từ lâu tôi đã trở thành con ốc, tự nhốt mình trong một cái vỏ tạm gọi là an toàn!