Võ Thiện Thanh: “Đứng cạnh “Chuông gió” là... vợ'' - Tạp chí Đẹp

Võ Thiện Thanh: “Đứng cạnh “Chuông gió” là… vợ”

Bộ Sưu Tập

 “Chuông gió”, bài “hit” mới nhất làm nên một năm thành công rực rỡ của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Người nhạc sĩ vốn vẫn bị cho là lầm lì nay đã xuất hiện trước công chúng nhiều hơn, và dường như với thời gian, anh cũng bớt “lì” hơn, ít nhất là như trong câu chuyện với ĐẸP lần này. Một Võ Thiện Thanh nghiêm túc, say mê khi nói về nghề và cũng “tếu” một cách say sưa khi nói về hậu phương của mình…
 

 Chuyện của người “đắt sô”…

 
 Anh vừa giành giải Cống hiến – Nhạc sĩ của năm, thêm một giải thưởng nữa sau nhiều giải thưởng đánh dấu vị trí quan trọng của anh trên thị trường ca nhạc. Một cách chủ quan và tự tin nữa, anh thấy mình “chiến thắng”, tức là vượt lên những đồng nghiệp cùng được đề cử khác, nhờ những “lợi thế” nào?
 
 Chúng tôi làm việc, thử nghiệm, tìm tòi là do yêu nghề chứ không phải vì bất kỳ một giải thưởng nào. Và trên con đường làm việc say mê ấy, mỗi người đi một hướng khác nhau.

Giải thưởng chỉ nói lên một xu hướng này đang hợp thời, một dòng nhạc kia đang thu hút công chúng hơn, chứ không bao hàm ý nghĩa ai giỏi hơn ai. Lợi thế, theo tôi, chính là các vấn đề như: sản phẩm tung ra đúng thời điểm, sự hấp dẫn của âm nhạc giàu tiết tấu, người cộng sự đang ở thời kỳ sung mãn.
 
 Anh được nhắc đến nhiều nửa cuối năm một phần nhờ hiệu ứng album “Thiên đàng” mà anh sản xuất cho Thu Minh. Anh từng trả lời phỏng vấn là trong thời điểm hiện tại, chỉ có Thu Minh là thích hợp nhất với dòng âm nhạc như trong “Thiên đàng”, liệu anh có chủ quan không? Nếu không có Thu Minh thì một cái gì đó tương tự “Thiên đàng” có cơ hội xuất hiện không?
 
 Trước đó tôi có thu demo dòng nhạc này ở một vài ca sĩ, kết quả thật tệ, cho đến khi gặp Thu Minh. Điều đó đã được kiểm chứng bằng thực tế, làm sao có thể chủ quan được chứ!

Một ca sĩ có thể hát được nhiều thể loại, nhưng chỉ hay nhất ở một thể loại. Tôi nghĩ Thu Minh hát dance tuyệt nhất, mặc dù cô ấy hát ballad cũng rất hay. Nếu không gặp Thu Minh, sẽ không có “Thiên Đàng”, tôi khẳng định như thế.

“Đắt sô” hàng đầu hiện nay, từ ca sĩ mới vào nghề cho tới… diva đều muốn cộng tác với anh, ca sĩ cần bài “hit” ăn liền lẫn người cần cách tân âm nhạc cũng tìm đến anh. Anh tự nhận thấy giá trị nào ở mình thu hút được những đối tượng khách hàng khác nhau như vậy?

 
 Giá trị của tôi là tôi rất tỉnh táo để không bị vắt kiệt chất xám rồi bị đào thải trước hấp lực nhiều khách hàng như vậy. Tôi vẫn làm việc bình thản như chưa bao giờ đắt sô, vẫn dành 2 tiếng mỗi ngày nhâm nhi cà phê sáng, và 1 tiếng dành cho nghe nhạc.
 
 
Lời đề nghị hợp tác nào khiến anh bị “kích thích” mạnh nhất – “kích thích” trong ý nghĩa sung sướng được sáng tạo?
 

 Tôi vẫn đang mơ đây!
 

 Một ca sĩ nổi tiếng về khả năng đột phá, lại có tính cách tương đồng với anh là Trần Thu Hà, vẫn chưa đủ… đánh thức anh sao?
 

 Mới chỉ là những tiếp xúc ban đầu, tôi chưa thể nói trước được gì. Tôi vẫn chưa… tỉnh ngủ hoàn toàn để có thể sẵn sàng đón nhận một kích thích nào đó!
 

 Đông khách như vậy chứng tỏ sự đa năng và nhạy bén với thị trường của anh. Anh có thể cho biết cách cập nhật thông tin của anh có điểm nào đặc biệt ngoài việc nghe, nghe và nghe?
 
 Nghe là thượng sách! Tiếp đó là lùng sục các trang web về sound, software. Các bản demo để quảng cáo cho các “danh thủ’’ trên thế giới sáng tác, là cả một kho kiến thức mới mẻ trong đó mà đôi khi nó đi trước cả những CD mà chúng ta đang nghe hiện nay về học thuật. Nhưng đây là giải pháp tạm thời tôi đang chọn. Chắc chắn rồi có một ngày tôi phải đi “update’’ ở nước ngoài, tôi đã có ý nghĩ này trong đầu.
 
Đã làm “dịch vụ” cho nhiều người với những sản phẩm tốt, làm vẻ vang danh tiếng cho “khách hàng”, có bao giơç anh định kiếm một “khách đặc biệt” để biến thành “người nhà” mà theo thuật ngữ của dân trong làng nhạc hay gọi đùa là “nuôi gà”, để có thể thực hiện những thử nghiệm đặc trưng cá nhân của mình không?
 
 
Những người tôi đã và đang làm việc hiện nay là “gà nhà” rồi còn gì. Chúng tôi rất thoải mái trong việc trao đổi ý tưởng, thoải mái trong cách làm việc. Còn “nuôi gà” theo kiểu ràng buộc pháp lý, độc quyền thì tôi không làm. Bởi tôi chưa có trong tay một công ty đủ sức để làm việc này.
 

 Lời khen nào từng nhận được khiến anh cảm động nghẹn ngào trong nỗi vui sướng?

 
 Chưa có.
 
 
Còn lời chê nào anh từng nghe được khiến anh cảm thấy không thể nào quên được, day dứt khôn nguôi?
 

 Cũng chưa có nốt. Tóm lại tôi là một gã không còn quá trẻ và cũng không quá già. Tôi đủ tỉnh táo trước mọi lời khen chê, nên không bị tác động nhiều bởi vấn đề này. Trong nghệ thuật cần một chút cực đoan, cần cái tôi, nếu không hóa ra ai cũng giống ai. Chán chết. Mà cái tư tưởng “ai cũng như ai” vẫn còn ngự trị nặng lắm đấy. Tôi may mắn không bị dính vào cái “chùm” ấy.
 
 Thành công ngày hôm nay của anh, so với hình dung của chính anh về tương lai của mình nhiều năm trước, có những gì hay để anh có thể kể ra đây? Những bước ngoặt nào trong đời đã dẫn tới sự khác biệt giữa ước mơ thời trẻ với thành công ở tuổi… không còn trẻ?
 
 Trong nghệ thuật, không thể tự hình dung tương lai của mình được, nó là cảm hứng, là đam mê. Ngày trước, khi tôi không được vào học nhạc viện, tôi đi làm thợ chụp ảnh, thì tôi cũng hết lòng với cái nghề ấy và vẫn đam mê âm nhạc. Bởi chẳng ai hay cái gì có thể dập tắt đam mê ấy cả, dù nó không nuôi sống tôi bằng nghề làm thợ.

Nhưng nhờ nghề ảnh mà tôi có được… cô vợ tuyệt vời như bây giờ. Rõ ràng đời chẳng ai nói trước được. Chỉ biết rằng, với nghề nghiệp, tôi là người khao khát tìm cái mới, vận động liên tục. Tôi chỉ biết rằng tôi bây giờ khác ngày hôm qua, và tôi ngày mai sẽ khác bây giờ.
 
 Một bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cuộc đời của tôi có thể là chuyện học hành của tôi ở nhạc viện: Trước lúc thi vào nhạc viện, tôi tự đặt nhiệm vụ phải làm sao học hết đại học sáng tác, rồi học tiếp chỉ huy dàn nhạc để có thể tự mình chỉ huy tác phẩm hòa tấu của mình.

Nhưng thực tế hoàn toàn không dễ dàng như vậy. Xong trung cấp sáng tác, đến năm 3 đại học thì đời tôi đứng trước hai khúc rẽ: âm nhạc hàn lâm, hoặc là nhạc pop-rock. Cuối cùng tôi đã chọn con đường thứ hai, dẫu tiếc đứt ruột cho 8 năm miệt mài nhạc viện mà không có tấm bằng tốt nghiệp.

 Ở vị trí của mình hiện nay, anh quan sát đời sống âm nhạc xung quanh mình bằng thái độ như thế nào?
 
 Mặt bằng âm nhạc lúc nào cũng lồi lõm. Có những dãy núi cao xen lẫn các bình nguyên, và đôi khi có cả vực sâu. Tôi chọn cho mình giữa lưng chừng núi thôi. Nhưng tôi không bao giờ nhìn xuống vực sâu mà lúc nào cũng nhìn theo đỉnh núi kia mà leo lên. Bởi nhìn xuống vực quá lâu tôi sẽ sợ hãi, sẽ bi quan, sẽ chán nản.
 
 Ngày trước anh được khen là số 1 trong dòng “nhạc thị trường” chung chung, rồi nổi bật với những bài pop-rock pha dân ca từng được đẩy lên thành “hit” khá lớn. Tiếp nữa lại là cái tên đứng tốp đầu về sản xuất, hòa âm hip-hop khi dòng nhạc này cực thịnh ở Việt Nam, giờ thì là số 1 làm nhạc dance với sản phẩm đã được chứng minh. Được đặt từ số 1 này sang số 1 khác, tự thân anh khao khát nhất mình được là số 1 ở dòng nhạc nào hay (nói chung) ở trong lĩnh vực nào?
 
 Cũng có người chỉ trung thành một dòng nhạc, tôi tôn trọng họ. Còn với tôi, đều đó thật khó chịu. Nó giống như việc bắt tôi phải mặc hoài một chiếc áo vậy. Tôi không thích như thế. Nhưng bỏ qua hết những điều vừa nói đi, bạn thấy các sản phẩm của tôi làm ra có hay không? Với tôi, chỉ có “hay” và “không hay”, thế là đủ. Tôi khao khát nhất mình được là số 1 ở dòng nhạc mà tôi đang… khao khát. Thế đấy!
 
 
Hỏi vừa vui vừa nghiêm túc này: Còn những gì mà ở thời điểm này anh còn bứt rứt vì mình chưa kịp làm, chưa làm được và e là không còn thời gian để làm nữa?
 

 Khiếp, bạn hỏi cứ như thể tôi sắp… đi xa mãi mãi. Yên tâm, tôi còn dư thời gian để… cà phê sáng 2 tiếng mỗi ngày kia mà! Nghiêm túc này: Tôi là người không đặt mục tiêu quá xa đến nỗi phải bứt rứt hay hối tiếc vì chưa làm được đâu. Từng năm một, tôi có sản phẩm của năm đó.

Cái mà tôi đã thất hứa với người nghe lâu nhất có lẽ là series album nhạc hòa tấu của riêng tôi, bởi tôi cứ mãi làm cho ca sĩ. Nhưng nhất định tôi phải làm cho xong kế hoạch lớn này của đời mình!
 
 Chuyện của một ông chồng…
 
 Dù là người chuyên đứng sau ca sĩ, nhưng anh cũng là người nổi tiếng, được nhắc đến khá nhiều, vậy mà cuộc sống riêng của anh khá kín đáo. Đó là một sự may mắn, hay đương nhiên là phải như thế?
 
 Tôi nghĩ là đương nhiên, do bản tính sống đơn giản của tôi. Tôi sống và sáng tác thật tự nhiên. Tôi sống và hưởng hạnh phúc cuộc đời, thế là đủ.
 
 Nhắc tới anh, những người biết anh đều nhớ và nói ngay đến 1 từ “hiền”. Anh có thực sự “hiền” không? Có thể miêu tả sự “hiền” của anh như thế nào?
 
 Có lẽ mọi người nói thế là do tính tôi rất ít nói, không thích chỗ đông người, không thích xuất hiện trước đám đông, không thích tranh luận. Tôi thích ngồi ngắm cuộc đời hơn.

Và những gì tôi ngắm nghía đã hiện diện lại trong ca khúc của tôi. Mà nhiều người nghe nhạc của tôi, không gặp tôi, lại nghĩ tôi… giang hồ đấy nhé. Từ cái thuở “Bạn tôi” ngày nào đó. Vậy là “hiền” cũng chỉ tương đối thôi, với người biết tôi rõ nhất, họ không nghĩ tôi… hiền đâu!
 

 Người đó chắc là… bà xã?
 

 Cô ấy cũng… hóm hỉnh lắm. Hồi bài “Khi tôi 20” đang nổi, tôi có trót nói ra là bài ấy ra đời từ kỷ niệm của tôi với cô ấy ngày đầu quen nhau. Cô ấy đọc được, nguýt một cái và bảo: “Anh chỉ giỏi bịa. Anh kể ra trái cây bánh quy la liệt, mà tôi nhớ, ngày đó làm gì có mẩu bánh nào!”
 

Trước những thành công ngày hôm nay của chồng, “chị nhà” bày tỏ thái độ, thể hiện sự “tự hào” của mình theo cách như thế nào?
 
 Vợ tôi thầm lặng, không khoa trương chồng mình, và nhất là đã hy sinh cho nghề nghiệp của tôi.
 
 
Ngoài bài hát “Khi tôi 20”, anh còn bài nào ra đời từ cảm hứng về… vợ mình không?
 

 Nhiều chứ, “Mãi cho tình lênh đênh”, “Ước gì’’. Nhưng đặc biệt hơn, cô ấy còn cung cấp ý tưởng cho tôi nữa chứ. Tôi xin bật mí nhé: chủ đề nội dung bài “Chuông gió” là ý tưởng của cô ấy.
 

 Chị ấy có thái độ thế nào với những cô ca sĩ rất trẻ đẹp thường xuyên hợp tác với anh, trên cơ sở “tham khảo” những kinh nghiệm từ các scandal vốn chẳng thiếu trong làng nhạc?
 

 Cũng có lúc sông phải nổi sóng chứ, phụ nữ mà, ai chẳng thế. Nhưng nói chung là cô ấy tin tôi. Cô ấy hy sinh cả nghề nghiệp của mình để ở nhà cùng tôi kinh doanh phòng thu, thì bạn thấy rồi đấy! Người quản lý ở sát bên tôi, ai đến nhà tôi muốn lên phòng thu phải đi qua… phòng “hành chính”, phải đi qua “chuông gió” đánh tiếng. Tôi đừng hòng mà léng phéng (Cười!).
 
 Có thể do bản tính của mình, cộng với sự khôn ngoan khéo léo của chị nhà mà anh bảo toàn được gia đình yên ấm, không cần tới sự “thông cảm của người cùng nghề” như nhiều nghệ sĩ vẫn viện dẫn khi nói tới hạnh phúc gia đình, nhưng một con người tài hoa, lại “hiền”, có nhiều bài hát mà tỉ lệ thành “hit” rất lớn, thì rất có thể là “trọng tâm” tấn công của một cô gái nào đó muốn nổi tiếng nhanh chẳng hạn, chuyện ấy đã bao giờ xảy ra, hay xém chút nữa xảy ra chưa?
 
 Đã có một thành trì vững chắc thế bao quanh thì khó đối phương nào dám… tấn công! Chắc có lẽ các ca sĩ thấy thế nên mới nản lòng. Mà nào tôi có tươi tắn rực rỡ gì, ông nhạc sĩ là tôi được nhiều người nhận xét mặt mày bặm trợn, ngầu như giang hồ, thường xuyên khó đăm đăm như… công an khu vực, thì ai bụng dạ hứng khởi nào mà tấn công!
 

 Sau những giờ miệt mài trong phòng thu, anh thể hiện vai trò “trụ cột” trong gia đình như thế nào?

 
 Chở vợ con đi ăn… mì Hàn Quốc!
 
 
Bé con nhà anh đã biết “tự hào” về bố của nó chưa?
 

 Bé mới có 29 tháng, bé tí, cho nên không thể biết tự hào về bố nó đâu. Nhưng hễ cứ ai hỏi: “Lớn lên con làm gì?”, thì con gái tôi trả lời ngay: “Làm nhạc sĩ!”. Câu trả lời của con gái cho tôi cảm giác vừa mừng vừa lo. Mừng vì cháu cũng mơ hồ biết được nghề của bố. Nhưng lo là con gái mà làm nhạc sĩ thì… khổ lắm!
 
 
Sướng hay khổ thì vẫn là ở… thì tương lai. Hiện tại, xin chúc mừng anh, nhạc sĩ thành đạt kiêm người đàn ông hạnh phúc. Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
 
 

Thực hiện: depweb

05/05/2007, 11:44