Lẽ ra mấy tháng đầu năm không nên nói chuyện “kiếm hiệp”, “hành động” ở đây. Tuy nhiên, có lẽ nhất thiết ngay từ ban đầu, hãy giãi bày quan điểm về chuyện phong cách nghệ sĩ. Một năm xem vậy mà qua nhanh lắm. Bẵng đi một đoạn, người ta lại hít hà với nhau chuyện các giải thưởng, danh hiệu trong năm. Rồi thì năm nào cũng thế, “bài ca con cá” trống đánh xuôi kèn thổi ngược lại nhan nhản khắp nơi. Cùng một nghệ sĩ, nơi tôn vinh ngất trời, nơi gắn đính biết bao lời chê bai hắt hủi. Phản xạ của nghệ sĩ cũng thành chai lì, vô cảm. Người được tôn vinh nghệch mặt ra chẳng hiểu gì, kẻ bị chê bai cười xòa vẫy tay ra điều không màng tới. Thời trang, nhìn theo diện rộng hơn là phong cách nghệ sĩ, nếu cứ đà này, chẳng mấy chốc lại bước vào “thời bạo loạn”. Bạo loạn những suy nghĩ trái chiều.
Style – khen hay chê đều thiếu căn cứ
Đành rằng báo giới “được quyền” phán xét, nhưng phán xét thế nào để “tâm phục khẩu phục” lại là chuyện không nhỏ tí nào. Đôi khi cứ tượng một danh hiệu hê lên, chẳng mấy gì thay đổi cho người hê, nhưng với kẻ “được hê” thì loạng choạng buồn vui lắm.
Những nhận xét, bình chọn đều phải dựa trên căn cứ, những dẫn chứng cụ thể xác đáng. Không thể nào quàng xuyên chuyện đánh giá một người khác được. Nhất là đối với danh hiệu của cả một năm, không thể chỉ vịn vào một hai câu chuyện truyền miệng mà thôi.
Khi các Nhà thiết kế nói lên tiếng nói của mình, họ đứng trên phương diện chuyên môn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, họ không thể sâu sát đời sống văn hóa bằng cánh nhà báo.
Vì vậy, với những hiện tượng được bày biện ra, họ chỉ dựa trên quan điểm cá nhân mà buông lời xấu-đẹp. Có cả những người được giải hoàn toàn rất… ngỡ ngàng. Họ thậm chí không hình dung được có cả một hội đồng bình phẩm rằng họ rất đẹp, trong khi chính họ còn không thấy mình…đẹp đến thế nữa là!
Một dạo, khá nhiều Biên tập viên, Phát thanh viên được danh hiệu ăn mặc đẹp, lịch sự, có phong cách, mốt nhất… Trên thực tế, những cái veston một kiểu cổ của hàng chục năm không thay đổi, khô cứng như đồng phục thiếu màu, được mặc lên gần như trong thế “buộc phải mặc vì đó là quy định nhà Đài” thì được xem là “nghệ sĩ ăn mặc lịch sự nhất”.
Anh chàng Long Vũ dẫn chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” ngày nào, quanh đi quẩn lại với chuyện chọn màu cho áo sơ-mi, nếu được khen là lịch sự cũng tạm ổn, nhưng là “nghệ sĩ lịch sự nhất” hoặc “phong cách nhất” thì nghe chừng hài hước quá.
Nếu cứ đà này, rồi đến ngày nào đó, cũng áo sơ-mi nhiều màu từng tuần thay đổi, anh MC mới Tuấn Tú cũng sẽ là “nghệ sĩ ăn mặc lịch sự nhất, phong cách nhất” mà thôi…
Mọi chuyện nằm ở chữ “nhất”. “Nhất” là tiên phong, là đỉnh cao. Thế nên AC&M là “nghệ sĩ ăn mặc có phong cách” – thế thôi đã phải bàn “Thế nào là mặc có phong cách” chứ chưa nói gì đến là “phong cách nhất”.
Nếu ăn mặc như Quốc Trung, Kiều Thanh là “nghệ sĩ lịch sự nhất” thì quan điểm lịch sự được bộc lộ ra ở đâu? Riêng trong chuyện lịch sự “Em cứ hiền xinh như thế” đã là lịch sự – quan điểm đó đúng hay sai, ai là người giải đáp? Những căn cứ mơ hồ mà báo giới đưa ra và bình chọn khiến cho sự lung lay vào những giá trị thực chất tăng dần lên.
Trên thực chất, các nghệ sĩ này nếu được bình chọn kỹ lưỡng hơn bằng cách liệt kê hàng loạt những chương trình, hoạt động trong năm với những trang phục cụ thể thì việc nhận xét có giá trị hơn nhiều. Đó là chưa kể, có khá nhiều nghệ sĩ có hoạt động mờ nhạt hoặc chỉ mới manh nha ban đầu trong năm cũng được bình là “nhất năm” thì quả là… loạn thật!
Nếu Anh Khoa là “nghệ sĩ ấn tượng nhất năm” thì chắc hẳn người ta đã quên Anh Khoa chỉ xuất hiện vào cuối năm với phong cách độc nhất rất không-lấy-gì-làm-lạ của dân hát rock! Thế thì biết bao ca sĩ rock khác cũng phải được đứng cùng cái “nhất” đó.
Thậm chí còn có những style ấn tượng hơn như vốn có của Phương Thanh, đang định hình của Minh Thư (Minh Thư được biết đến trước Sao Mai điểm hẹn từ rất lâu rồi!), hay của những “ca sĩ phòng trà” kiểu Phương Đài, Tố Phương ở Yoko còn xứng đáng hơn.
Đó là chưa kể những nghệ sĩ nhiếp ảnh, đạo diễn, họa sĩ… thực sự có style nhưng họ không đình đám lên được như ca sĩ nên đành “nhường” chữ “phong cách nhất”. Hình như báo giới chỉ đánh giá ở mặt bề nổi, mà lại là cái bề nổi của gần cuối năm để rồi chụp mũ cho cả năm trời.
Cũng như thế, nếu Hà Anh Tuấn là “nghệ sĩ ăn mặc mốt nhất” thì khái niệm mốt nhất mới thật đáng lo. Lộ ra từ Sao Mai điểm hẹn, thậm chí có vòng thi mà Tuấn mặc sơ-mi phanh cổ bên trong là áo ba lỗ ôm sát, quần jeans. Chỉ thế thôi mà cả cô giáo trong trường còn phải gọi điện cho một nhà thiết kế để “mong tư vấn lại cho em nó, ăn mặc như thế không ổn chút nào”. Đó là chưa kể, những xu hướng thời trang mới nhất không đi song hành với chàng ca sĩ này.
Bản thân anh ta cũng cố gắng chọn lựa sự giản dị cho mình, có khi đời thường như ngày công sở, thì lấy đâu ra khái niệm “mốt nhất”? Tuấn chỉ hợp với từ “lịch sự”, chấm hết.
Còn “mốt nhất”, người ta hình như quên béng Hiền Thục, Hồ Ngọc Hà, Thanh Hằng, Tuấn Hưng… Cũng nghệ sỹ đấy thôi, hoạt động miệt mài, đẹp ai cũng công nhận, ăn mặc chăm chút kỹ lưỡng, có nhà thiết kế tư vấn, có đầu tư nghiêm túc… thì không được nhớ đến. Bình chọn mà bỏ sót, không… loạn mới lạ!
Bàn riêng chuyện “phản cảm”
Thu Minh là cô gái nổi bật nhất năm qua. Đấy mới là bình chọn đúng. Khi cô ấy hát dance, mọi suy nghĩ về dance Việt Nam bắt đầu thay đổi. Khi cô ấy múa, ca sĩ Việt mới nhìn lại sự đa dạng của chính mình. Album “Thiên đàng” được giải thưởng, bài hát “Chuông gió” trở thành quán quân “Bài hát Việt 2006”.
Tuy nhiên, Thu Minh chỉ thực sự “bứt phá” nhờ vào danh hiệu “ăn mặc phản cảm nhất!”. Trên thực tế, cô ca sĩ này rất có cá tính, kiêu kỳ và thẳng thắn. Vì thế, cô ta mặc thế nào cũng không cấm được, hay bị góp ý.
Những trang phục đó, nếu không phải là vì Thu Minh có dáng đẹp, thì chúng cũng chưa chắc là đẹp. Không đẹp thì còn có thể đúng, vì đôi khi rườm rà quá.
Tuy nhiên, “phản cảm nhất” thì khác hoàn toàn. Quan niệm về sự phản cảm nằm ở cảm giác “ghê, sợ, không muốn, không dám nhìn”, cảm giác “bị thiếu sự tôn trọng”. “Phản cảm” là đi ngược với tính xu hướng, tính thẩm mỹ hiện đại và thuần phong mỹ tục.
Nếu liệt kê dài ngoằng kiểu này thì chỉ vì cái “áo ba lỗ truyền hình” nào đó, hoặc “cử chỉ khiêu khích” nào đó thì không “đúng người, đúng tội” chút nào.
Một danh hiệu được quyết định bởi báo chí mà nghệ sĩ không rút kinh nghiệm, thậm chí còn… cười khẩy, thì báo chí bình chọn cho ai, vì đâu?
Sự phản cảm bị ảnh hưởng rất nhiều từ quan điểm thẩm mỹ của các cá nhân. Có người cho là ca sĩ không mặc đồ lót là phản cảm, trong khi cũng tùy trường hợp, không mặc trang phục lót làm cơ thể trông khỏe khoắn hơn.
Cũng có ý kiến cho là thà là… không lót, chứ “có lót” rồi cứ tênh hênh mỏng tanh áo ngoài thì còn “lạ thường” hơn. Mà chuyện “hôm nay em lót hay không lót”, “em hở hay không hở” cũng là chuyện dài.
Ca sĩ nữ hình như cực kỳ thích hở. Vòng một sau bao nhiêu công sức “tân trang”, không… bày ra xem thì cũng tiếc! Xem lại những tấm ảnh của Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh, Minh Thư… là thấy ngay.
Khoe ngực hình như đã thành nhu cầu. Nhu cầu này không có gì… sai trái, tuy nhiên, phải bình tĩnh và có kiến thức mới biết cách khoe sao cho đẹp được! Thường các cô gái thích khoe là những cô có cá tính mạnh mẽ, tự tin vào nét đẹp cơ thể.
Tuy nhiên, đôi khi các cô cũng lạm dụng thái quá. Hình như các cô quên mất sự cố tình ỡm ờ đôi khi cũng gây bực bội khó chịu cho thị giác lắm. Hơn nữa, các chất liệu tạo nên trang phục, nếu đã “rẻ tiền” – theo nghĩa của thiết kế, thì trang phục thế nào cũng “rẻ tiền” theo.
Trong thời trang, 1 cm cũng có thể làm chuyển đổi từ đẹp sang xấu, từ gợi cảm sang quê mùa được! Nếu phản cảm thấy rõ và… rất thuyết phục như Lâm Chí Khanh, có lẽ không phải phàn nàn gì.
Không chỉ nữ nghệ sĩ mà nam nghệ sĩ cũng hăm hở mặc đồ… hở. Điểm lại xem trong năm vừa qua bao nhiêu chàng trai lên sân khấu mà cố tình quên cài nút ngực áo? Nếu đưa ra nhận định, đánh giá cụ thể, thì sự “phản cảm” sẽ được phát giác sớm và đương nhiên việc nhắc nhở sẽ có giá trị hơn. Nhưng nếu “sự phản cảm” quy chụp đó mà gây cho nghệ sỹ hoang mang, thì bình chọn đó phải xem lại.
Nhà thiết kế không có lỗi
Làm sao có thể đổ tội cho Nhà thiết kế, vì công việc của họ là cho ra những sản phẩm thời trang theo cách mà họ đã xây dựng cho phong cách của mình. Người lựa chọn là nghệ sĩ và kẻ bình chọn là báo chí.
Ngay cả khi Nhà thiết kế nêu ra quan điểm đẹp xấu cũng chỉ dựa trên những “bằng chứng” mà cánh báo chí “mớm” vào. Thế nên, các nhà thiết kế cứ thế hồn nhiên mà bình chọn, và họ không có lỗi.
Trên thực tế, từ đầu năm, khi suy tư hình tượng cho chính mình, các nghệ sĩ đã quan tâm đến mấy danh hiệu này rồi. Những ai vốn dĩ đã ăn mặc ấn tượng thì rất thích giải “mốt nhất” hoặc “ấn tượng nhất”.
Ca sĩ Đoan Trang đã từng mặc cả năm theo phong cách La-tinh, êkip cùng làm việc xây dựng hình tượng cho cô từ kiểu tóc đến phụ trang. Váy digan được trong giới gọi là “váy Đoan Trang”. Nhưng rút cuộc thì năm đó Đoan Trang cũng không được chú ý, giải thưởng “trôi” về tay người khác.
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, sau khi bị “phán” phản cảm đã có suy nghĩ trở lại về style của mình, năm nay “thoát nạn”. Ca sĩ Mỹ Tâm vài lần mặc không đẹp cũng được “cho qua”.
Có cảm giác như những nghệ sĩ có “liên đới” tới “gã phù thủy” Công Trí thì sẽ nhận được… ác cảm nhiều hơn, trong khi Công Trí lại chính là NTK hàng đầu được nhiều nghệ sỹ tin tưởng “trao thân” nhất!
Nghệ sĩ hiện nay cũng là những người hiểu rõ giá trị của mình nhất. Họ luôn đúng vì “chỉ tôi mới hiểu phong cách của tôi, tôi có khán giả của tôi và họ ủng hộ tôi làm việc đó”. Và vì thế họ không màng đến những điều khác. Style – nói cho cùng, nếu quá dễ dàng để có thì đã chẳng ai tìm đến nhà thiết kế.
Số lượng báo chí thời trang tăng lên vùn vụt. Các chuyên mục thời trang luôn đa sắc màu. Tuy nhiên, số lượng người có ám hiệu chính xác về lĩnh vực này lại không nhiều.
Những ý kiến chủ quan đã vô tình khiến cho bộ mặt của thời trang bị bóp méo. Đặc biệt trong giới nghệ sĩ, họ luôn cần những luồng thông tin của dư luận để tự hoàn thiện mình. Và với thực tế hiện tại, người chưa đủ hay được gọi là “hay nhất”, kẻ chưa đủ dở bị phán là “dở nhất”, cuối cùng chỉ tạo tiền lệ gây hoang mang, xem thường lẫn nhau mà thôi.
Rồi thì nghệ sĩ và các nhà thiết kế, họ phải nghe ai, làm gì khi “thời trang bạo loạn” thế này?