Họp báo giới thiệu Vietnam Idol |
Bỏ mặc nhà sản xuất live show “Rain’coming Vietnam” vẫn còn đang tái mặt vì thua lỗ từ việc đón tour lưu diễn quốc tế của ngôi sao làng giải trí châu Á Bi/Rain tại Tp.HCM hôm 10 & 11/3 vừa qua (cùng với “thảm họa tài chính” là nguy cơ “đường băng” đón các tour lưu diễn khu vực và thế giới vào Việt Nam sẽ tiếp tục thuộc dạng “dự án treo” vì “chưa khả thi”), làng showbiz Việt lại háo hức và đầy kỳ vọng (lúc Rain chưa coming cũng thế) đón chào Pop Idol nguyên bản đến Việt Nam – Vietnam Idol hay Thần tượng âm nhạc sẽ chính thức bắt đầu vòng loại vào ngày 7/4 này. Kẻ đi sau liệu có may mắn hơn người tới trước?
Mới người, cũ ta?
5/10/2001 Pop Idol được phát sóng lần đầu tiên trên kênh ITV của British Television và không bao lâu sau đó trở thành chương trình truyền hình thu hút lượng khán giả quan tâm hàng đầu ở Anh.
Pop Idol được hiểu nôm na là cuộc thi “tiếng hát truyền hình” để chọn ra những ngôi sao mới của làng âm nhạc đại chúng mà kết quả được quyết định bằng số phiếu bầu của khán giả (bầu qua điện thoại, qua nhắn tin hoặc bằng bấm bút ngay trên tivi đối với truyền hình kỹ thuật số digital television).
Cuộc thi có 4 vị giám khảo nhưng công việc của họ là bình phẩm, nhận xét thí sinh chứ không cho điểm. Nổi nhất trong các vị giám khảo của Pop Idol là Simon Cowell (ông này tiếp tục làm giám khảo của American Idol) vì chuyên đưa ra những lời phê bình rất nặng nề như té nước vào mặt thí sinh.
Hình thức thi thố kéo dài hàng tuần, căn cứ số lượng bầu chọn để loại “knock-out” và kiểu “bốp chát” giữa thí sinh – giám khảo được xem là rất mới mẻ ở Anh lúc ấy, “gãi” đúng thời điểm nền công nghiệp âm nhạc giải trí ở đây đang buồn tẻ, Simon Fuller – ông bầu cũ của nhóm Spice Girls đang sốt ruột muốn tìm một vài gương mặt mới cho guồng máy lăng xê…
Sự thành công về khán giả truyền hình của Pop Idol khiến nó nhanh chóng trở thành món hàng nóng chuyển nhượng theo dạng franchise. Từ nguyên bản Pop Idol đã phát triển rất nhiều phiên bản như American Idol, Canadian Idol…
Ở Đông Nam Á, Pop Idol đã có mặt ở Philippines, Singapore, Malaysia trước khi qua Việt Nam. Ngoài cái tên Idol nó còn có phiên bản mang tên SuperStar.
Sau Anh, Mỹ là nơi chương trình này tỏ ra hợp “cạ” nhất: đêm chung kết American Idol năm 2006 thu hút hơn 35 triệu người Mỹ xem truyền hình trực tiếp. Năm 2005 American Idol thu hút khoảng 500.000 thí sinh đăng ký dự thi và 500 triệu phiếu bình chọn cho họ.
Nhiều ngôi sao của thế giới âm nhạc đã được phát hiện từ sân chơi này như Fantasia, Kelly Clarkson, Carrie Underwood… và Idols được xem như một mắt xích quan trọng trong công nghệ lăng xê các ngôi sao ca nhạc.
Nhập khẩu công nghệ tiêu chuẩn quốc tế này nhà sản xuất chương trình phía Việt Nam phải chi (nghe nói) tới 2 triệu USD để sử dụng format Pop Idol lần đầu tiên ở Việt Nam (thời gian sử dụng 1 năm)!
Thế nhưng, oái oăm ở chỗ, trước Idol “xịn”, phiên bản và cả… dị bản của nó đều đã có mặt ở Việt Nam: Sao Mai điểm hẹn của VTV và Ngôi sao Tiếng hát truyền hình của HTV.
Chuyện thí sinh thi hát từ tuần này qua tuần khác với một hội đồng nghệ thuật ngồi bình phẩm, khen chê và khán giả thì nhắn tin hoặc bình chọn qua mạng hồi năm 2004 còn là mới với Sao Mai điểm hẹn, giờ đã thành… không mới.
Và hiện tại, cả hai nhà có phiên bản và dị bản kia đều khẳng định không ai buông chương trình của mình cả. Có nghĩa là cùng lúc sẽ có cả Idol “thiệt” và Idol “phảy” cùng giăng lưới phát hiện những tiềm năng ca hát mới (theo định kỳ 2 năm/lần thì năm nay Sao Mai điểm hẹn không tổ chức, nên năm nay Vietnam Idol sẽ đua cùng Ngôi sao Tiếng hát truyền hình).
Sao nhiều mà sao chẳng sáng!
Ban giám khảo Vietnam Idol: Tuấn Khanh, Siu Black, Hà Dũng |
Ngoài Vietnam Idol và Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, năm nay còn phải kể thêm cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc mang tên Sao Mai đang rục rịch khởi động, chưa tính hàng chục cuộc thi Tiếng hát truyền hình quy mô tỉnh thành địa phương khác.
Với hàng hàng các cuộc tìm kiếm tài năng ca hát như thế, hỏi có sao nào có thể lọt lưới? Trước khi Vietnam Idol có mặt, tình trạng thí sinh đi tour các cuộc thi, rớt cuộc này nhanh chóng lao sang cuộc khác đã trở thành chuyện khá bình thường.
Thế nên nhiều cuộc thi tìm kiếm giọng hát mới, gương mặt trẻ rốt cuộc tìm toàn thấy người quen, thậm chí cả những gương mặt đã “nhừ” trên các sân khấu ca nhạc.
Nay thêm Vietnam Idol, tần suất người quen có nguy cơ cao hơn nữa. Lại thêm một oái oăm, nhà sản xuất Vietnam Idol thì cũng chính là nhà sản xuất Sao Mai điểm hẹn, còn nhà phát sóng Vietnam Idol chính lại là nhà phát sóng Ngôi sao Tiếng hát truyền hình!
Vấn đề nằm ở chỗ việc phát hiện và lăng xê các ngôi sao mới từ các cuộc thi như
Vietnam Idol bắt đầu vòng sơ tuyển từ 7/4 tổ chức tại 4 khu vực lần lượt là Cần Thơ – Hà Nội – Đà Nẵng – Tp.HCM. Sẽ có khoảng 100 – 150 thí sinh được sơ tuyển để bước vào vòng loại dự kiến tổ chức tại Nhạc viện Tp.HCM vào trung tuần tháng 5. 30 thí sinh đi tiếp vào vòng Bán kết gồm 5 tuần thi. 10 thí sinh được đi tiếp vào vòng Chung kết sẽ trải qua 8 tuần thi liên tục, mỗi tuần có 1 thí sinh bị loại. Đêm Chung kết vào tháng 9 chỉ còn 2 thí sinh và việc lựa chọn người thắng cuộc căn cứ vào số phiếu bình chọn của công chúng vào cuối buổi biểu diễn truyền hình trực tiếp. Chương trình được phát sóng trên HTV9 của Đài truyền hình Tp.HCM và được một số đài địa phương chuyển tiếp. Hội đồng giám khảo: Hà Dũng (nhạc sĩ), Tuấn Khanh (nhạc sĩ), Siu Black (ca sĩ). Ban giám khảo quyết định các thí sinh vào tới vòng Bán kết (30 người). Từ vòng Bán kết, quyền quyết định thuộc về khán giả.v |
Idol chỉ là bước đầu của một quy trình đào luyện ngôi sao và ngôi sao cũng chỉ là một mắt xích trong một chuỗi xích của nền công nghiệp âm nhạc.
Chúng ta đang có hàng chục (và sẽ tiếp tục có thêm) các cuộc thi với cùng một mục đích phát hiện mầm mống sao, các cuộc thi ngày càng có tầm cỡ, có tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng chẳng một ai quan tâm tới việc đào luyện tiếp các mầm sao ấy thành những ngôi sao thực sự theo chuẩn quốc tế (hoặc ít nhất cũng là chuẩn khu vực).
Từng tuyên bố khá hùng hồn cho những học bổng theo học về công nghệ biểu diễn tại nước ngoài cho người thắng cuộc (mà thực ra đấy cũng mới chỉ là kiểu đào luyện dạng “fast food”, không bài bản) nhưng 4 năm qua Sao Mai điểm hẹn chưa đưa được mầm sao nào đi học cả.
Đơn giản là chẳng có mầm sao nào chịu đi học, ở nhà chạy show kiếm tiền nhiều hơn và nhanh hơn.
Ngay cả nhà tổ chức Vietnam Idol lúc này cũng chỉ lo quảng bá, phát động cuộc thi để có đông người tham dự chứ chẳng buồn quan tâm tới việc “hậu Vietnam Idol” thế nào, thậm chí giải thưởng cho người thắng cuộc là gì cũng còn phải để “tính toán sau khi cân đối tài chính”, rồi việc tổ chức Vietnam Idol định kỳ như thế nào ở Việt Nam cũng “để tính sau”!
Thực tế này đã mang lại cho đời sống ca nhạc Việt Nam mấy năm nay hằng hà sa số các giọng ca triển vọng, nhưng để nâng tầm lên ngang bằng những ngôi sao khu vực như Bi/Rain, BoA, Tata Young, hay chí ít chỉ cần ngang tầm các ngôi sao đàn anh đàn chị thời trước ở trong nước cũng còn xa lắm. Nhạc Việt ngậm ngùi trong cảnh sao nhiều mà sao chẳng sáng…
Nhìn rộng thêm tí nữa, cái gọi là nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam đang khủng hoảng thiếu đủ thứ.
Đạo diễn sân khấu quanh đi quẩn lại vài gương mặt, bí rị chiêu thức sân khấu; chuyên gia âm thanh ánh sáng, thiết kế sân khấu có đôi người, không ai dám… ốm (chuyện thật: người làm sân khấu live show “Chuyện hôm qua” của Lam Trường hôm 23, 24/3 mới đây vừa hồi tỉnh sau cú đột quị từ show Bi/Rain, kết quả là ánh sáng show Lam Trường tại Tp.HCM dở tệ); đến nhóm múa cũng phải thuê từ Nhật sang…
Thế nhưng trong số hàng triệu USD được tung vào các cuộc thi tìm sao ca hát, không ai có ý định tìm sao, tạo sao cho các mắt xích khác nói trên. Không có các mắt xích này tạo nên bệ đỡ vững chắc cho các ngôi sao tỏa sáng thì sự tỏa sáng của các sao sẽ chỉ nhất thời.
Một chiến lược cho nhạc Việt hay cú áp-phe của các nhà tài trợ?
Tỏ ra là lĩnh vực hoạt động sôi nổi và tích cực cho mục tiêu chuyên nghiệp và hội nhập nhưng nhạc Việt rõ ràng đang thiếu hẳn một chiến lược để thực hiện mục tiêu.
Chỉ riêng nội việc chồng chéo những cuộc thi giống nhau theo kiểu Idol kéo theo những khoản chi phí khổng lồ và những cạnh tranh không cần thiết cho thấy không ít đài truyền hình Nhà nước, thay vì góp phần quan trọng tích cực vào sự phát triển của nhạc Việt lại chạy theo quyền lợi của các nhà tài trợ.
Trong các cú áp phe trên sóng này, cái mà các nhà tài trợ quan tâm là làm sao cho chương trình ngày càng kéo dài hơn, nhiều người tham gia hơn, nhiều người bấm máy nhắn tin hơn, chứ không phải âm nhạc sẽ được phát triển như thế nào!
Nếu không có một chiến lược phát triển toàn diện, đặc biệt ở khâu đào tạo cho nhạc Việt thì việc nhập khẩu những công nghệ quốc tế như show diễn của Bi/Rain hay Pop Idol sẽ khó mang lại hiệu quả thực chất. E rằng Bi đến rồi đi, Idol đến rồi cũng Idol đi cùng với những khoản tiền khổng lồ đi theo và chúng ta lại chỉ biết háo hức đợi chờ, kỳ vọng một công nghệ khác sẽ tới…