KT Tunstall và Joss Stone |
Sáng sớm ở thủ đô Washington và KT Tunstall đang ngồi trong phòng thu của Đài phát thanh quốc gia. Cô có vẻ mệt mỏi nhưng vẫn hoạt bát chuyện trò với 7 triệu người đang nghe đài này trên khắp nước Mỹ.
Cô bắt đầu hát bài “Black Horse and the Cherry Tree”. Bài hát rộn rã này đã gây ra một cơn sốt khi cô diễn trong show Later… With Jools Holland vào tháng 10.2004, 2 tháng trước khi cô phát hành album đầu tay “Eye to the Telescope”.
Nhiều tháng sau, bên bờ kia của Đại Tây Dương, bài này lại tỏa sáng. Gã DJ trong chương trình rất hồ hởi giới thiệu mọi người đón nghe chương trình của gã trên 83 đài phát thanh trên khắp nước Mỹ để nghe lại đĩa nhạc của KT.
Xong việc, Tunstall gói ghém hành lý trực chỉ hướng ga xe lửa. Trạm dừng kế tiếp: New York. Hôm trước đó, cô ghé vào phòng thu ở Manhattan của show truyền hình buổi sáng The Today Show.
Cô chỉ muốn chào các nhà sản xuất chương trình và cho họ thấy cô có thể làm được gì với cây đàn guitar thùng của mình. Một phần trình diễn ngẫu hứng ngay tại chỗ mang lại cho Tunstall vị trí khách mời trong The Today Show hai ngày sau.
Đối với Tunstall, điều này có nghĩa là sau khi xuất hiện trên radio ở Washington, cô sẽ phải thức giấc sớm hơn nữa và mặc chiếc áo đầm dạ hội đỏ chói vào thời điểm mọi người đang ăn sáng. Kết quả rõ ràng là xứng đáng với công sức bỏ ra: 26 triệu người xem chương trình The Today Show sẽ nhận ra cô.
Một năm trước, KT tâm sự “Tôi bị sốc khi diễn ở nhạc hội Glastonbury. Tôi và Abi của nhóm Zutons là 2 cô gái duy nhất trên sàn Other Stage suốt cả ngày thứ Bảy. Có hàng chục ban nhạc từ 10 sáng đến nửa đêm và toàn bọn con trai.” Một năm sau, các cô gái Anh trở thành âm vang lớn nhất của làng nhạc thế giới, đặc biệt là ở Mỹ.
Đầu năm 2006, KT vẫn còn là kẻ vô danh ở Mỹ thì trong suốt năm, mỗi tháng cô đều đến Mỹ “công tác”, trong đó có 6 tuần lưu diễn vào tháng 9 và 10. “Black Horse and the Cherry Tree” được hát trong cảnh cuối tập đầu phim “Ugly Betty”.
Các phim truyền hình phát giờ vàng khác như “Grey’s Anatomy” và “Will and Grace” cũng giúp quảng bá tên tuổi của KT rộng rãi. KT đạt được điều mà ít có nghệ sĩ Anh nào làm được kể từ thời hoàng kim của nhạc new wave với Duran Duran và Depeche Mode trong thập niên 80: hòa nhập vào văn hóa Mỹ.
Tương tự với Joss Stone: cô ca sĩ 19 tuổi này được phát hiện ra ở Mỹ. Hai album của cô bán được 7 triệu đĩa và cô xuất hiện tại các sự kiện quan trọng, há chung với các tên tuổi nhạc soul như Stevie Wonder, Gladys Knight và Smokey Robinson.
Cô là bạn thân với Tom Cruise, hát tại sân vận động Super Bowl (nơi mà việc trình diễn văn nghệ giữa các hiệp đấu bóng bầu dục là giờ vàng cho giới ca sĩ, sự kiện tụt áo ngực của Janet Jackson cũng vào thời điểm này) và trình diễn 2 lần trước Tổng thống Bush. Album thứ 3 “Introducing Joss Stone” vừa phát hành ngày 20.03.07 được nhiều ưu đãi từ hãng đĩa Virgin.
Với Lily Allen, tuy album của cô mãi đến năm 2007 mới được phát hành ở Mỹ nhưng các nhà phê bình Mỹ (như tờ Entertainment Weekly) đã xếp đĩa “Alright, Still” vào danh sách 10 album hay nhất năm 2006. Tạp chí Blender gọi Lily là “lý do number one để yêu năm 2007” còn GQ thì phong chức “đệ nhất phu nhân của MySpace”. Tất cả nhờ Lily tải nhạc lên MySpace và có hàng triệu lượt người nghe từ hơn 135.000 người dùng nằm trong “danh sách bạn”.
Lily Allen |
Natasha Bedingfield cũng không kém cạnh. Năm ngoái, bài “Unwritten” của cô trở thành bài hát quen thuộc tại các buổi lễ tốt nghiệp trung học trên cả nước Mỹ, là ca khúc được phát nhiều nhất năm 2006 trên các đài phát thanh nhạc pop và dòng nhạc đương đại dành cho người trưởng thành (adult contemporary), đạt hạng nhất trên top Billboard.
Mãi 20 năm trước mới có một nữ ca sĩ từ Anh làm được điều này là Kim Wilde. Ca khúc này được download có trả tiền đến 1,4 triệu lượt. Hầu hết thời gian trong mười tám tháng qua của Natasha là ở Los Angeles, lưu diễn, viết và ghi âm album thứ 2 “NB”.
Cô còn kiếm tiền được từ vài “việc vặt” như trở thành giọng nói của Bond Girl trong một game 007, được XBox chọn là Nghệ sĩ của tháng, rõ ràng Microsoft nhận ra khả năng thu hút đám đông của cô gái người Anh 26 tuổi này.
Tiếp đến còn có Corinne Bailey Rae. Hầu hết năm 2006, cô bay ra bay vào nước Mỹ để quảng bá album mới. Đĩa nhạc mang tên cô được tung ra ở Mỹ vào tháng 6 nhưng mãi đến đầu năm 2007, album mới leo lên hạng 4 Top Billboard mặc dù ngay lúc phát hành ở Anh vào cuối tháng 2/2006, album đã leo ngay lên hạng nhất ở xứ sở sương mù này.
Cô là nữ ca sĩ Anh thứ 4 trong lịch sử có album đầu tay xếp hạng nhất trong tuần đầu phát hành. Tình hình ở Mỹ cũng khả quan với vị trí hạng 1 bảng xếp hạng của iTunes Mỹ và website bán hàng trực truyến Amazon. Corinne trở thành nghệ sĩ Anh quốc dưới trướng hãng Capitol có album đầu tay đạt được vị trí cao nhất ở Mỹ kể từ “Meet the Beatles” đạt hạng 1 năm 1964.
Vì sao album của Corinne thành công muộn màng nhiều tháng sau khi được phát hành? Do Oprah Winfrey. Nếu bà hoàng truyền thông này chịu “chống lưng” thì cả công chúng Mỹ sẽ theo ủng hộ bạn.
Corinne Bailey Rae |
Corinne kể lại rằng Winfrey để mắt đến cô kể từ một show diễn ở Chicago hè năm ngoái “15 người từ The Oprah Winfrey Show đã đến gặp tôi. Nhà sản xuất sau đó đã trò chuyện với tôi, có vẻ như cô ấy định phỏng vấn tôi nhưng còn phải điều tra kỹ. Họ cũng viết về tôi trên tạp chí Oprah nhưng sau đó thì chẳng thấy tăm hơi gì. Mãi đến khi đề cử Grammy được công bố thì tôi nhận được điện thoại… Tôi diễn ở New York, ngủ 3 tiếng đồng hồ và đi một phi cơ riêng đến Chicago để biểu diễn trong show của cô ấy.”
Trong 5 nghệ sĩ được đề cử Grammy, có đến 2 gương mặt từ Anh là Corinne và Imogen Heap (Imogen được đề cử nhờ vào sự xuất hiện trong phim truyền hình ăn khách “The OC” và nhạc phim “Narnia”). KT Tunstall cho rằng mình bị lọt sổ chỉ vì “nếu có đến 3 ca sĩ Anh cho giải này thì hơi kỳ.” Bù lại, cô có được đề cử Trình diễn pop hay nhất, cạnh tranh với Natasha Bedingfield.
Vì sao các cô gái này lại thành công ở Mỹ như vậy? Phải chẳng giọng Anh có sức hấp dẫn với dân Mỹ? Natasha Bedingfield cho là như vậy nhưng Richard Ramsey thuộc công ty Empire, quản lý các nghệ sĩ như Natasha và Lily, không đồng ý “Những phụ nữ này có tài để khiến mọi thứ trôi chảy ở Mỹ: họ viết nhạc, có thể trình diễn trực tiếp và sẵn sàng đến Mỹ để làm việc cật lực”.
Corinne thì giải thích: “Người Mỹ thích những gì không có vẻ Mỹ! Họ thích những sự khác biệt”. Quả đúng như vậy, 2 bài hát đình đám trên sóng phát thanh ở Mỹ năm qua là bởi một gã người Anh (James Blunt với “You’re Beautiful”) và một gã Canada (Daniel Powter với “Bad Day”). Các bài hát tự sự, có giai điệu trong album “Eye to the Telescope” của KT Tunstall và album cùng tên Corinne Bailey Rae là liều thuốc giải cho làng nhạc Mỹ hiện nay.
“Nhạc Mỹ trở nên chú trọng vào phần sản xuất. Với các nhà sản xuất như the Neptunes và Timbaland, phần nhạc đệm trở nên quan trọng hơn cả chính bài hát. Nhưng nhiều người Mỹ vẫn thích bài hát nên KT và Natasha đã thành công ở đây. Album đầu của Joss Stone gồm những ca khúc xuất sắc được viết ở thập niên 70 và khi có một giọng hát hay thể hiện, không thể không thu hút”, Corinne tiếp tục lý giải.
Lý do nữa là họ là những nghệ sĩ solo. Sự tập trung của người hâm mộ chỉ vào một người duy nhất. Với sự hôé trợ của kênh VH1, nhóm Keane và Snow Patrol có con đường rộng rãi đến với thị trường Mỹ nhưng người bình thường chẳng thể nhớ mặt “Gary từ Snow Patrol” hay “Tom từ Keane”. Nhưng những cô gái kia thì đều có vẻ ngoài đặc trưng. Dòng nhạc họ theo là dòng chủ lưu, dễ dàng bắt gặp trên TV và radio. Và quan trọng nhất là họ rất chịu khó làm việc.
Lòng đam mê của các cô gái này sẽ gặp nhiều thử thách. Amy Winehouse, sau khi thắng giải Brit Award đã bắt đầu nhắm tới thị trường Mỹ. Nhưng liệu cô ca sĩ khẳng khái này có chịu được những buổi gặp gỡ “tay bắt mặt mừng” bắt buộc phải có?
Hiền lành như KT Tunstall cũng phải than phiền về lần gặp mặt vào bữa ăn sáng của đài phát thanh “Bạn và 20 người trúng giải có mặt trong phòng họp lúc 8 giờ sáng. Bạn hì hục hát hò còn họ thì ăn pizza và quay hình bạn bằng điện thoại di động!”