Xin chừa nhắn tin!

Cứ thử tưởng tượng mà xem, khi mà bạn không đủ gan để thốt ra lời “nhạy cảm” với nàng, giá một lời “gạ” chỉ có 500 đồng! Nếu không có chiếc điện thoại di động, liệu ai có thể tin rằng có thể đưa ra “lời đề nghị khiếm nhã” mà chỉ phải chi phí có vậy! Công nghệ nhắn tin đã làm khối kẻ cầm tinh con cáy chỉ phút chốc trở nên bản lĩnh đầy mình!
 Nhưng, mặt trái của sự hoan lạc qua sóng ấy cũng khiến khối người sinh bệnh. Vậy làm thế nào để sướng nhưng không bị bại hoại vì một dòng chữ cỏn con, đôi khi chỉ có vài ký tự ấy?

 
 Từ khi chiếc máy điện thoại di động được phổ cập tại Việt Nam, sự tiện lợi tất nhiên khỏi phải bàn cãi.
 
  Dù anh ở bất cứ nơi đâu vẫn thấy như bên cạnh, dù đang bị “ám” bởi một cuộc buôn dưa vô bổ, thấy hiện lên số của sếp, OK luôn; lúc trưa ngồi đợi cơm hộp có thể tí toáy vào game cũng thấy đỡ buồn v.v… Có thể kể cả ngày cũng không thể hết được cái sự sướng từ cái cục bé tí mà đa năng ấy.
 
  Đặc biệt khi “tạm thời không liên lạc được”, người ta mới thấy cái giá trị của phương tiện văn minh này. Ai đã từng đi qua vùng lõm, ngay khi máy vừa báo có sóng, màn hình hiện lên dòng chữ đang mong đợi mới… thấy sướng! Vì vậy, lâu ngày nhắn tin đã trở thành thứ bệnh của những người xài điện thoại di động.
 
 Mấy anh có thu nhập thấp, nhắn tin vì cái thú tiết kiệm, gặp phải thời khuyến mại nhân dịp nào đó, nhắn thả phanh, thôi thì từ rủ đi cafe, đi thăm bạn, chúc mừng sinh nhật, thoải mái vô tư, lúc hết khuyến mại thì cứ 500 đồng một “phát”, cũng không kém vô tư, hết tài khoản nạp thêm 50 ngàn đồng, lại bắt nhịp thông tin cùng phần còn lại của cả thế giới.
 
  Ngẫm ra cũng khoái, loay hoay cái máy, vừa sành điệu vừa có đủ thông tin cần thiết. Nhưng, thời của những kẻ đại hà tiện đã xa sau khi các hãng thi nhau hạ giá, ngày nay, những người không tiết kiệm mới nhắn tin vô tội vạ.
 
 Cứ thử tưởng tượng mà xem, khi mà bạn không đủ gan để thốt ra lời “nhạy cảm” với nàng, giá một lời “gạ” chỉ có 500 đồng! Nếu không có chiếc điện thoại di động, liệu ai có thể tin rằng có thể đưa ra “lời đề nghị khiếm nhã” mà chỉ phải chi phí có vậy! Công nghệ nhắn tin đã làm khối kẻ cầm tinh con cáy chỉ phút chốc trở nên bản lĩnh đầy mình!
 
 Nhưng, mặt trái của sự hoan lạc qua sóng ấy cũng khiến khối người sinh bệnh. Vậy làm thế nào để sướng nhưng không bị bại hoại vì một dòng chữ cỏn con, đôi khi chỉ có vài ký tự ấy?
 
 Ngày điện thoại di động mới được phổ cập, anh bạn tôi nhìn mấy anh đồng nghiệp hý hoáy nhắn tin với vẻ coi thường ra mặt. Hắn bảo, tao ghét cái bọn Grăngđê ấy thế, cần thì gọi quách đi, tiếc tiền thì thôi, đúng là trò của kẻ hãm tài!
 
 Vậy mà sau khi nghe luận thuyết “cáy hóa thành cọp” của tôi, hắn đâm ra khoái cái món đã một thời hắn cho là ti tiện. Chẳng bao lâu sau khi toát mồ hôi giải trình khi bị vợ soi những số liên lạc trên hóa đơn thanh toán điện thoại hàng tháng, hắn mới thật sự tin rằng nhắn tin thì… đố mà biết đó là ai!
 
 Từ đó, hắn vô tư luôn, tối nhắn, ngày nhắn, trưa nhắn, thôi thì suốt ngày chỉ loay hoay đần mặt ra mà ngóng cái “tít tít”, quá đã! Hắn nghiện tới mức có bận cả lũ đang ngồi nhậu với nhau, cứ thoáng cái chưa kịp cầm cốc, hắn lại loay hoay… “làm cái tin”, trông rõ ghét, nhưng chính tôi bày cho hắn thì biết làm sao được.
 
 Thế rồi có bận hắn say sưa “lên sóng” với bạn gái mà quên khuấy việc xóa dấu vết, tối về vô phúc bà vợ bắt được dòng tin “9h15’ chỗ cũ nhé”! Vốn là người cao kế vì nếu gặng hỏi ngay, thế nào gã cũng lẻo mép cho rằng đó là do gọi thấy máy kêu mãi mà không nhấc nên hẹn khách hàng, vì thế bà vợ mần thinh xem sao!
 
 Đi đêm lắm gặp ma là chuyện ai cũng biết trừ hắn, trong một đợt vợ kiểm tra đột xuất, hắn hết cửa chối, vật chứng rành rành là dòng chữ “AyE” trên màn hình điện thoại! Tệ hơn, với những gì ghi lại đằng sau dòng tin nhắn là một lốc thông tin đầy đủ có thể lần tới tận tổ con tò vò: thời gian nhắn, số máy nhắn.
 
 Thế là hết, để đổi lại không làm liên lụy tới “khách hàng” hòng giữ thể diện cho đấng nam nhi, hắn chấp nhận hình phạt tàn khốc nhất do bà vợ nghĩ ra: tháo password và cấm không được tắt máy!
 
 Khi đã mãn hạn phạt tù sau cú phốt kinh người ấy, gã mới tìm tới tôi phân trần, tôi nhẹ nhàng bảo gã “bệnh tật gì đâu, ngu thì chết”.
 
 Thế rồi bằng bề dày đáng kể của một thời hoạt động bí mật, tôi bảo hắn một là mua thêm một sim card khác, hai là vào menu máy để vào hai mục: “chỉ nhắn không lưu” và mục tự động xóa tin sau 12 tiếng.
 
 Thế là, cứ sau nửa ngày đi làm, máy hắn lại sạch bách những lời chỉ có hai đứa hắn mới dám nói với nhau, nhưng tin nào đó có nội dung đoan trang dễ sợ thì tất nhiên lưu ngày này qua ngày khác! Hóa ra, để an toàn thật đơn giản, người ta phải am hiểu tiến tới làm chủ khoa học công nghệ cùng với việc luyện rèn cho mình thành người cẩn thận, kết quả nhận được sẽ như ý.
 
 Tưởng đã là cao kiến, nhưng đời thật không ai học được chữ ngờ, tôi thì không thể ngờ rằng vợ hắn lại đứng vào hàng “cao thủ ngồi trên cây đu đủ”. Sau khi gã “thụ án” xong, vợ hắn vẫn ngấm ngầm theo dõi, nhất cử nhất động đều không lọt qua được cặp mắt cú vọ.
 
 Thời yên ổn đã trở lại với hắn, cứ nhắn tin xong hắn lại cẩn thận xóa ngay tắp lự, yên trí kê cao gối mà ngủ! Một hôm, đi làm về, vợ hắn bảo cho xem chiếc điện thoại, hắn thản nhiên đưa vợ với vẻ tự tin hiếm có.
 
  Thoăn thoắt vào menu, lướt qua các mục vào mục “tin nhắn” vợ hắn vào tiếp mục “bộ đếm nhắn tin” và đọc dõng dạc: 350 tin đã gửi và 367 tin đã nhận, chưa hết, trước bộ mặt đã co rúm lại vì sợ hãi của chồng, vợ hắn thản nhiên tiếp vào mục “nhật ký điện thoại” và vào tiểu mục “người nhận”, trước mặt hắn chỉ có duy nhất một số điện thoại! Gọn gàng chị ta bảo: “Còn gì để nói nữa không”?
 
 Ngày hôm sau, trước cốc bia buổi chiều nhạt thếch, hắn mếu máo bảo tôi: “Tao sợ quá rồi, từ giờ xin chừa nhắn tin”.
 
 Sự khiếp sợ hiện ra trên bộ mặt ấy khiến cho tôi có thể tin rằng, nếu ngày mai chiếc điện thoại xịn của hắn khẽ rung lên hai lần hoặc “tít tít”, nhất định thằng cha này phải… vãi ra quần!
 
 Và, từ đó, hễ mùi khai bốc lên trong phòng làm việc là chúng tôi biết ngay rằng có tay bợm nào đã chơi đểu hắn bằng cách bắn vào máy hắn một dòng tin nhắn: AyE!
 


From the same category