Đặng Thiếu Ngân "Tôi là một phần của xã hội đó"
Mỗi lần gặp mặt, tôi lại thấy chị mang một "chức danh" khác: lúc là con gái rượu của đạo diễn, giám đốc hãng Phim truyện 1 Đặng Tất Bình; lúc là nhà báo năng nổ; "nhà ngoại giao văn hóa"…
Còn lần này, tôi vẫn chưa biết mình đang đối thoại với một đại diện của những thành viên "xã hội chung cư mới" hay với một cựu nữ sinh chuyên văn Lam Sơn đang cùng chị gái bắt tay viết kịch bản phim truyền hình lấy chất liệu từ cuộc sống tại chung cư Việt Nam để mời chào các nhà sản xuất phim Hàn Quốc.
Điều gì khiến chị chọn cuộc sống chung cư làm đề tài cho kịch bản đầu tay của mình?
Tôi và chị gái (Đặng Diệu Hương, biên kịch của Hãng phim Truyền hình Việt Nam) cùng sống ở chung cư. Cuộc sống hằng ngày trong môi trường mới với vô vàn tình huống đầy kịch tính, hài hước có, bi tráng có, khiến chúng tôi không thể không cầm bút.
Và trong phim sẽ có những phiền phức, những bức bối, rối rắm của cuộc sống hiện đại? Hình như chúng ta thích phê phán? Trong khi không thể phủ nhận rằng chung cư không phải không có nhiều ưu điểm, và là xu thế tất yếu của xã hội phát triển…
Tại các nơi như Hong Kong, Singapore… chung cư chiếm tới 80-90% diện tích nhà ở. Đó cũng sẽ là tương lai của Việt Nam.
Có điều, dường như chúng ta mới chỉ quan tâm tới cơ sở vật chất bên ngoài chứ chưa nghĩ tới việc, đã tạo ra nó rồi thì phải ứng xử với nó ra sao. Có nhà báo đã nói, chung cư xét cho cùng là một lối sống chứ không chỉ là một giải pháp kiến trúc.
Nhưng tôi thấy chúng ta vẫn chưa có ý thức về việc xây dựng lối sống ấy một cách bài bản. Người ta sống trong môi trường hiện đại, nhưng chưa thích ứng được với môi trường ấy mà vẫn bê nguyên cách sinh hoạt kiểu nhà tập thể cũ tới đây. Tất nhiên không phải là tất cả, nhưng tôi đang đối diện với nó hằng ngày.
Ví như lại bắt đầu xuất hiện những cái lồng sắt mà người ta thường gọi là “chuồng cọp” nhô ra khỏi ban công.
Ở khu tôi sống thì không có cảnh đó, nhưng bức xúc từ sự thiếu ý thức của hàng xóm thì nhiều lắm.
Bạn có tưởng tượng được không, ở trong một khu chung cư đẹp và hiện đại như vậy nhưng người ta sẵn sàng ném rác xuống ban công tầng dưới, từ vỏ bánh kẹo tới đồ vệ sinh phụ nữ. Rồi mỗi buổi chiều, một “tập đoàn” người giúp việc lại tụ tập buôn chuyện ầm ĩ, trẻ con thì để mặc cho cười đùa inh ỏi.
Thang máy có ba cái, nhưng nguyên tắc đơn giản nhất là đợi người trong đi ra rồi người ngoài mới vào cũng không ai tuân thủ, cứ mặc sức chen lấn xô đẩy. Nhiều người còn vắt mũi cho con, hút thuốc, thậm chí là… nôn oẹ trong thang máy.
Sống chung cư, điều tối thiểu là phải tôn trọng cuộc sống của người xung quanh, nhưng hầu như người ta vẫn giữ lối suy nghĩ “của chung ấy mà” hoặc “tôi thấy đúng thì tôi làm”.
Những người sống ở các khu chung cư hiện đại thường được cho là thuộc tầng lớp tân tiến, có học thức. Nhưng những điều chị vừa kể cho thấy một thực tế khác hoàn toàn. Vậy theo chị, tình trạng này do đâu?
Trước hết phải kể đến đội ngũ người giúp việc hùng hậu, hầu như nhà nào cũng có ít nhất một người. Họ hồn nhiên mang văn hóa làng tới đây. Ngoài ra, nhiều vị chủ nhà trẻ tuổi lại chẳng thèm để ý đến những điều đơn giản như đừng để đồ đạc riêng ra ngoài hành lang chung.
Trình độ học vấn cao không hẳn là có văn hóa cao. Văn hóa sống phải được rèn luyện và tự rèn luyện chứ không phải cứ vứt vào môi trường văn minh là tự nhiên cũng trở nên văn minh.
Ngay cả những người nước ngoài sống ở đây như người Trung Quốc, Hàn Quốc cũng không ít vị gây phiền phức cho hàng xóm. Những điều này tôi muốn đưa vào bộ phim của mình, một là để nói về thực trạng cuộc sống ở chung cư, hai là qua đó góp tiếng nói vào việc xây dựng một lối sống lành mạnh, văn minh.
Nhiều người than phiền về sự phiền phức từ phía Ban quản lý. Theo chị đó là do người dân chưa quen với nếp sống hiện đại, hay nhà quản lý vẫn lúng túng trong cách tổ chức mô hình?
Phải nhìn nhận vấn đề từ cả hai phía. Bản thân nhà quản lý, theo tôi, cũng đang trong giai đoạn tìm phương thức quản lý dịch vụ sao cho phù hợp nhất. Nhưng cũng không thể không nói đến tác động ngược từ phía người dân. Ngày mới về đây, khách lên tầng phải liên lạc với chủ nhà qua hệ thống chuông cửa đàm thoại, người ra vào có bảo vệ kiểm soát…
Nhưng khi bị bảo vệ hỏi thì nhiều người tỏ ra khó chịu và phản ứng lại. Dần dần tôi cũng thấy việc kiểm soát người ra vào không còn chặt chẽ như trước. Đó chỉ là một trong vô vàn ví dụ thôi.
Hàng xóm của chị hiện nay chủ yếu ở lứa tuổi nào?
Nói chung là các hộ gia đình trẻ, tuổi 30-40. Những gia đình sống 3 thế hệ cũng có nhưng không nhiều.
Trong xã hội hiện nay tự do cá nhân được đề cao, nhất là ở giới trẻ. Vậy khi sống trong căn hộ, xung quanh, thậm chí cả trên đầu và dưới chân đều có người ở, liệu như vậy có nảy sinh mâu thuẫn?
Nói gì thì nói, một khi còn sống trong xã hội, người ta còn phải tuân theo những nguyên tắc, ràng buộc nhất định, không thể tự do tới mức muốn làm gì thì làm.
Anh không thể nói nhà tôi, tôi thích bật nhạc to, thích mở toang cửa, thích gọi chồng con í ới ngoài hành lang… là quyền của tôi. Có điều tôi thấy nhà chung cư ở nước ngoài cách âm rất tốt, chứ ở đây, đôi khi nhà bên cạnh tắm là nhà mình cũng nghe thấy.
Theo chị, mua nhà chung cư hiện đang là trào lưu, là một biểu hiện của lối sống hiện đại hay xuất phát từ nhu cầu thực tế?
Xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống. Người phụ nữ hiện đại không thể dành quá nhiều thì giờ cho việc chăm sóc nhà cửa. Mô hình nhà chung cư tiết kiệm cho họ rất nhiều thời gian trong việc quét dọn nhà cửa, quan tâm tới con cái…
Cái từ “chung cư cao cấp” được sử dụng quá nhiều. Vậy những khu chung cư cao cấp hiện nay đã đúng là cao cấp chưa? Phải chăng cứ chung cư cao tầng có thang máy thì được gọi là cao cấp?
Chung cư cao cấp là một tổng thể của chất lượng xây dựng, dịch vụ, hạ tầng hỗ trợ như khu vui chơi, nghỉ ngơi, trường học, bệnh viện…
Ở nước ngoài, việc xếp loại chung cư phải theo những quy chuẩn rõ ràng. Còn ở Việt Nam, có những khu "cao cấp" thật ra là do dân tự đặt ra chứ bản thân nhà đầu tư cũng chưa bao giờ tuyên bố khu chung cư của mình là cao cấp.
Chúng ta phải bỏ ra số tiền quá lớn để mua một căn hộ chung cư nên luôn kỳ vọng vào chất lượng dịch vụ cũng phải thật tương xứng. Nhưng thực sự giá trị những căn hộ đó không tới mức như vậy. Chính "cơn sốt" của người tiêu dùng đã đẩy giá trị của chúng lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi giá trị thực tế.
Người ta có nói đến tâm lý sợ hãi khi sống trong chung cư, ví dụ độ bền, tai nạn, hỏa hoạn… Bản thân chị thì sao?
Có chứ, hầu như ai ở đây cũng vậy. Nhà của tôi mới ở hơn hai năm mà tường nứt, thấm, bục đường ống, bục trần… thì bảo sao có thể yên tâm với chất lượng công trình.
Hoặc lại có những tình huống dở khóc dở cười khác. Như chuông báo cháy ngày nào cũng kêu, dần dần người ta không còn để ý nữa, và rồi có hôm đã xảy ra cháy thật. Chính vì thế mà tôi cố mua bằng được căn hộ tầng 2, cũng coi như liệu pháp tâm lý.
Người ta thường nói màu vàng là hình ảnh của nhà tập thể, chung cư kiểu cũ. Còn theo chị, cái gì là đại diện cho chung cư kiểu mới?
Không phải một cái gì cụ thể mà là cảm giác. Những người bạn Việt Nam và Hàn Quốc khi tới đây chơi đều có cái cảm giác ấy. Đó là những gương mặt, giọng nói phụ nữ mang đầy vẻ tự mãn một cách thái quá với sự thành đạt của mình mà với họ ở chung cư là một minh chứng cho sự thành đạt ấy.
Xem ra cái nhìn của tôi có vẻ quá xét nét, và tất nhiên là tôi khẳng định lại, không phải tất cả mọi người đều như vậy. Nhưng tôi sẽ đưa tất cả những điều này vào kịch bản của mình, vì đó là những gì sống động nhất của xã hội mà tôi đang là một phần trong đó.
Những tin liên quan
Đối tượng chính của chung cư là người trẻ
Tự do nhưng đừng đơn độc