Một gã trẻ tuổi ốm nhom ốm nhách trong bộ dạng không mấy lương thiện lảng vảng xung quanh khách chờ xe buýt. Tôi không lạ những chuyện như thế này nữa, kinh nghiệm xương máu ở Áo trước Giáng Sinh khiến tôi tâm niệm: "Ở đâu cũng có anh hùng. Ở đâu cũng có… thằng khùng thằng điên", và đã trở thành chuyên nghiệp trong việc cảnh giác mất cắp, đến nỗi đạo chích Paris hay Venice (những nơi vốn khét tiếng về nạn móc túi du khách) cũng không "làm ăn" được gì với tôi, huống chi giang hồ tỉnh lẻ! Tôi liếc xéo gã một cái, ra điều "ta biết rồi, đừng hòng giở trò móc túi ở đây!" rồi đeo ba lô ra trước ngực, ôm khư khư vào lòng. Nhắm thấy con mồi không phải tay vừa, gã bỏ đi.
Những dòng chữ trên được trích trong cuốn sách "Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương" của Ngô Thị Giáng Uyên, sinh năm 1981- Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) Đại học Southampton, Anh, theo học bổng Chevening của chính phủ Anh.
Từng là một nhà quản lý trẻ của Tập đoàn Dược phẩm lớn thứ nhì thế giới GlaxoSmithKline (văn phòng đại diện tại Việt Nam), cô đã đi hơn 20 nước trên thế giới, được mệnh danh là “cô gái của hội nghị” bởi cô đã tham gia rất nhiều hội nghị quốc tế…
Cô nói rằng, mình muốn tận hưởng La Dolce Vita (Một cuộc sống tươi đẹp), tận hưởng tất cả những giá trị của cuộc sống, những thứ không thể tính bằng sự thành đạt về kinh tế mà có giá trị về tâm hồn.
Giáng Uyên đã từ chối một số lời mời của các công ty nước ngoài để về Việt Nam, tìm một khoảng lặng cho mình trước khi thực sự lao vào công việc.
Theo Uyên, điều gì khiến cuốn sách của Uyên lại được nhiều độc giả đón nhận đến vậy?
““““
Thực sự là vui mừng khi “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương” vừa được tái bản lần thứ 4 trong vòng chưa đầy bốn tháng và gây được dư luận rất tốt.
Những người từng đi châu Âu tìm đọc cuốn sách này để nhớ lại những kỷ niệm họ từng trải qua. Với những người trẻ tuổi, đó là một giấc mơ. Còn đối với những người lớn hơn tôi, đó là một điều họ muốn nhưng chưa thực hiện được, nên khi tôi làm được điều này, họ muốn biết tôi đã làm đến đâu và như thế nào.
Vậy nên tôi đoán độc giả tìm mua “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương” cũng như mua một giấc mơ.
Uyên có phải là “con nhà giàu” không mà đi hơn 20 nước như vậy?
Tôi chưa bao giờ đi nước ngoài bằng tiền của gia đình, ngay cả khi còn sinh viên. Rất nhiều trong số những chuyến đi xa của tôi nhờ những suất học bổng toàn phần tôi có được bằng cách nộp bài luận, hồ sơ, hoặc sau những lần phỏng vấn.
Những nước còn lại, chi phí du lịch đều do tôi để dành từ học bổng Chevening và tôi tự kiếm được trong thời gian ở Anh, nhờ biết cách tận dụng sự chênh lệch tỉ giá hối đoái giữa đồng bảng Anh và đôla Mỹ để mua bán hàng hóa trên mạng eBay ở cả Anh và Mỹ.
Những tháng làm luận văn cao học, tôi làm việc toàn thời gian cho một công ty tư nhân của Anh nên cuộc sống khá “sung túc”. Tôi thấy tự hào vì đã đi được 17 nước châu Âu và 9 nước châu Á bằng cơ hội do chính bản thân tạo ra chứ không phải nhờ gia đình khá giả như nhiều người nghĩ.
Được gặp khá nhiều "ông lớn" trong các giới khác nhau trong các hội nghị quốc tế, cảm giác của Uyên là gì?
Đó là lần tham gia một hội nghị tại Thụy Sĩ gồm hai trăm sinh viên và sáu trăm nhà lãnh đạo kinh doanh toàn cầu, trong đó có vô số những nhân vật được xem là "những người làm rung chuyển thế giới” như Chủ tịch Ngân hàng Thụy Sĩ UBS Marcel Ospel, Chủ tịch hãng Toyota Fujio Cho, Chủ tịch hãng Hàng không Anh British Airways Lord Marshall of Knightsbridge…
Thực sự, tôi cảm thấy choáng ngợp và mình nhỏ bé quá. Tôi tự hỏi: "Tại sao họ làm được như thế?" và thế là trong tôi lại bùng lên quyết tâm phải trở thành một nhà quản trị giỏi.
Tôi đặc biệt mến mộ cô Christine Lagarde. Lần đầu tiên tôi gặp, cô là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Toàn cầu của Tập đoàn Luật Baker & McKenzie. Ba năm sau, cô đến hội nghị với tư cách “chính trị” hơn: Bộ trưởng Bộ Thương mại Pháp.
Điều này làm tôi thật sự khâm phục, tôi cũng muốn thử sức mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cô, chắc chắn không cao cấp như cô nhưng cũng là những thử nghiệm cần thiết đối với một người trẻ tuổi. Tôi muốn trở thành một người đa năng, một hòn đá lăn có thể làm tốt nhiều việc song song nhau.
Làm ở công ty nước ngoài là điều mong ước của nhiều người, tại sao Uyên lại có thể dễ dàng từ chối vậy nhỉ?
Tôi được khá nhiều công ty, nhất là các công ty "săn đầu người" liên lạc và đưa ra nhiều đề nghị làm việc với vị trí cao hơn nhiều khi biết tôi sắp nghỉ làm tại GlaxoSmithKline nhưng tôi từ chối.
Cũng có một lần, sau khi đã nghỉ việc được hơn một tháng, tôi mới về Việt Nam sau chuyến đi Đông Dương và cũng có liên lạc với một công ty "săn đầu người".
Qua cuộc tiếp xúc, tôi chợt nhận ra có lẽ mình không hợp với việc đi làm cho một tập đoàn "hoành tráng" nữa, mặc dù làm ở đó tôi sẽ được nhận một mức lương rất cao và ổn định, tôi không phải lo lắng gì chỉ phải thực hiện công việc trong ngày. Nhưng tôi từ chối, đơn giản, vì nhận thấy mình không hợp, thế thôi.
Tôi thích sống một La Dolce Vita, có thời gian cho riêng mình để tận hưởng những giá trị tinh thần của cuộc sống, được làm những gì mình thật sự yêu thích.
Hiện nay, tôi đang theo đuổi một dự án về thương mại điện tử với một số người bạn, tôi phụ trách mảng marketing. Khi học ở Anh, tôi có dịp học hỏi và ứng dụng lĩnh vực này rất nhiều, nên rất tự tin khi tham gia dự án này. Thương mại điện tử sẽ là một trong những ngành phát triển rất nhanh trong vài năm tới ở Việt Nam.
Vậy cái dự định mở một chuỗi các shop từ thiện thì sao, liệu có phải là dự án utopia (không tưởng) không?
Không. Chắc chắn đây không phải là điều mơ mộng, mà là điều tôi học tập được từ nước ngoài, và tôi sẽ tiến hành làm khi ổn định về mặt tài chính.
Tôi sẽ mở các shop và mọi người sẽ đem đến cho cửa hàng những thứ đồ họ không cần. Chẳng hạn như quần áo cũ, máy giặt, xe đạp, sách, đĩa CD… có thể là cũ, hoặc mới nhưng đều có một mặt giá trị nào đó.
Tôi cũng đã từng là khách mua những mặt hàng như thế này ở nước ngoài, và tôi nghĩ mô hình này rất thích hợp với Việt Nam. Tất cả nguồn thu từ cửa hàng sẽ được đầu tư vào các dự án cải thiện môi trường, còn tôi sẽ chịu toàn bộ chi phí hoạt động.
Cái này là tương lai xa, vì cần phải thật vững về mặt tài chính, nhưng mục tiêu lớn nhất của dự án này là làm sao để mọi người cùng đóng góp cho xã hội.
Bản thân tôi hiện nay thỉnh thoảng cũng góp tiền từ thiện từ vài trăm nghìn đến vài triệu, nhưng như thế chưa đủ mà còn phải khuyến khích nhiều người cùng đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau: tặng tiền mặt, tặng đồ, tình nguyện góp công sức vào dự án. Tôi đã có rất nhiều người ủng hộ dự án này, đây thực sự là một tín hiệu vui. Đây cũng là cách để có một La Dolce Vita như đã nói ở trên.
Người ta bảo, đi một ngày đàng, học một sàng khôn, đi nhiều vậy, Uyên nhìn nhận lại các bạn đồng trang lứa với mình ở Việt Nam thế nào?
Tôi thấy rất nhiều bạn trẻ Việt Nam dễ bị cuốn vào guồng xoáy của số đông, điều này thể hiện rõ nhất qua việc chú trọng hình thức bên ngoài: ai cũng muốn mình có những thứ tân kỳ nhất, hiện đại nhất, “sành điệu” nhất trong dòng thời trang xe máy, điện thoại… mà không cần biết những thứ đó có thực sự cần thiết hay không.
Như vậy thay vì việc cần phải "điều khiển" vật chất, chúng ta lại có thể lâm vào tình trạng bị vật chất "điều khiển"?
Vâng. Có thể những bạn trẻ này cho rằng đó là cách bắt kịp cuộc sống hiện đại trên thế giới, nhưng các bạn không biết trên thế giới, người ta sử dụng điện thoại để liên lạc chứ không phải để mọi người biết mình sở hữu điện thoại trị giá hàng ngàn đô la.
Một biểu hiện khác của việc bị cuốn vào guồng xoáy của số đông là việc các bạn dễ bị cuốn hút bởi công nghệ lăng xê mà ít khi tự mình đánh giá được giá trị thực của vấn đề.
Ví dụ như về âm nhạc, các bạn hâm mộ điên cuồng những ca sĩ trẻ được lăng xê đánh bóng mà không cần biết ca sĩ đó hát như thế nào, lời nhạc có ý nghĩa gì trong cuộc sống tinh thần…
Các bạn chỉ hâm mộ vì những ca sĩ đó ăn mặc đẹp, có cuộc sống tình cảm “giật gân”, được giới truyền thông thổi phồng lên là hiện tượng, và quan trọng nhất là phần đông bạn bè mình cũng hâm mộ những người này, mình không hâm mộ thì bị xem là lập dị…
Uyên đi nhiều, sống cuộc sống Tây phương nhiều, còn quan niệm về đường chồng con thì sao? Hình như cũng thuộc mẫu phụ nữ không có ý định lấy chồng?
Cũng không hoàn toàn như vậy. Nếu gặp người hợp ý, tôi sẽ kết hôn chứ. Nhưng có chồng không phải là một trong những mục tiêu bắt buộc phải đạt tới trong cuộc sống của tôi. Tôi cũng không sợ dư luận gọi là "bà cô" hay "ế chồng".
Tôi thấy có quá nhiều người vì áp lực của gia đình hoặc của xã hội mà phải lập gia đình dù bản thân không muốn, đó là một điều đáng tiếc bởi như vậy, cuộc sống sẽ khó có thể hạnh phúc.
Một người tưởng chừng công việc không thể "mềm mại" được, mà sao Uyên vẫn có vẻ "siêu" lãng mạn nhỉ?
Vâng, tôi là một người vừa mơ mộng vừa tỉnh táo, có lẽ vì lúc trước có một thời gian học Văn trước khi chuyển sang học chuyên Anh, rồi đến học kinh doanh.
Còn một điều này nữa tôi muốn nhắn với các bạn trẻ, đó là tôi đang làm một forum học tiếng Anh trên trang web www.ngothigianguyen.com. Một trong những câu hỏi tôi thường được hỏi nhất là “Làm sao để học giỏi tiếng Anh” nên khi có điều kiện, tôi tự nguyện làm diễn đàn này một phần để chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh, một phần để các bạn tự làm quen nhau và học hỏi nhau.
Một điều rất bất ngờ là có khá nhiều Việt kiều hoặc du học sinh tại các nước Anh, Úc, Mỹ… cũng tham gia diễn đàn, tôi đoán là vì họ có cùng mong ước được chia sẻ với các bạn trẻ nhưng không có cơ hội, thấy tôi làm được điều này họ tình nguyện tham gia để giúp đỡ.
Chắc chắn không thể trông đợi ai tham gia diễn đàn sẽ giỏi tiếng Anh ngay, nhưng học ngoại ngữ “mưa dầm thấm lâu”, hy vọng sẽ có ích ít nhiều cho các bạn trẻ.
Chia sẻ bài viết này