Phim Việt: Đóng thuyền vượt biển!

Không nóng thì… chết
 
 Khác với nhạc Việt, Mỹ Linh, Mỹ Tâm nếu không tìm đường đem tiếng hát Việt Nam ra nước ngoài thì ở trong nước hát show vẫn… sống khỏe; phim Việt nóng tìm thị trường nước ngoài để không chết ở trong nước.
 
 “Áo lụa Hà Đông” đầu tư khoảng 16 tỷ đồng, chiếu "cật lực" dạo tháng 3 vừa qua sau khi đã được "PR" rất kỹ bằng giải thưởng nức lòng trong giới làm phim tại LHP quốc tế Busan (Hàn Quốc), bằng rất nhiều lời khen ngợi trên báo chí, doanh thu khi ra rạp là hơn 1 tỷ đồng – một kỷ lục đối với dòng phim nghệ thuật trong thời gian gần đây.
 
 Tuy nhiên nhà sản xuất sẽ chỉ nhận được khoảng 60% số tiền này (phần còn lại là của chủ rạp). Nếu bằng lòng với thị trường trong nước, nhà sản xuất “Áo lụa Hà Đông” "lõm" nặng, có đến mấy mùa phim tết với mấy “Võ Lâm truyền kỳ” cũng chưa đủ bù lại.
 
 Thế nhưng “Áo lụa Hà Đông” cũng chỉ là "em út" về mức độ đầu tư trong bộ 3 phim kể trên.
 
  “Dòng máu anh hùng” để nhận được nhiều lời khen ngợi trong ngày công chiếu về một phim hành động Việt Nam mang đẳng cấp châu Á, thậm chí quốc tế, nhà sản xuất đã bấm bụng (thực tế là phải cầm nhà cửa vay tiền ngân hàng) bỏ ra 22 tỷ đồng. Tương tự, “Sài Gòn nhật thực” cũng tiêu mất khoảng 20 tỷ.
 
 Thị trường chiếu bóng trong nước mới vừa phục hồi sau một thập niên đắp chiếu (phục hồi chủ yếu

   “Áo lụa Hà Đông” (hãng Phước Sang, BHD và Ánh Việt), “Dòng máu anh hùng” (hãng Chánh Phương và Cinema Pictures), “Sài Gòn nhật thực” (hãng phim truyện I) – 3 phim tư nhân có mức đầu tư vượt ngưỡng 1 triệu USD đầu tiên và cũng là 3 phim nhắm tới thị trường ngoài Việt Nam ngay từ trước khi bấm máy. Và đến lượt bộ phim Tết 2008 bấm máy sớm nhất, dự kiến vào cuối tháng 5 này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng không giấu kế hoạch đem “Nụ hôn thần chết” "vượt biên". Sau những giấc mơ xuất khẩu nhạc Việt, giờ đây xuất khẩu phim Việt mới trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM) chưa đủ sức nuôi những bộ phim kinh phí hạng này (thực ra nếu so với các thị trường điện ảnh trong khu vực và trên thế giới thì mức đầu tư trên dưới 1 triệu USD/phim chỉ là "hạng ruồi").
 
 Lăn lộn 25 năm trong thế giới Hollywood, diễn viên điện ảnh Dustin Nguyễn (diễn viên chính trong 2 bộ phim “Dòng máu anh hùng” và “Sài Gòn nhật thực”) nhận xét rằng thị trường trong nước của điện ảnh Việt Nam còn quá nhỏ bé nên dự án làm phim tại Việt Nam của anh bắt buộc phải tính đến thị trường nước ngoài.
 
 Ngay cả những phim vốn chỉ nhăm nhăm thị trường trong nước như phim Tết giờ này cũng cảm thấy cái áo kinh phí quá chật.
 
 Để đảm bảo doanh thu, nhà sản xuất chỉ dám đầu tư loanh quanh ở mức 3 – 4 tỷ đồng (200 – 250 ngàn USD), trong khi nhu cầu người xem ngày một đòi hỏi cao hơn, cuộc cạnh tranh với phim ngoại nhập ngày một gay gắt hơn.
 
  Ngay từ khi lập dự án đã phải tính đến việc phát hành thêm ở nước ngoài để tăng thêm kinh phí sản xuất – đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói về bộ phim “Nụ hôn thần chết” sắp khởi quay.
 
 Nóng nhưng là nhà làm phim nóng ruột. Nhưng phim Việt có gây nóng ở thị trường nước ngoài không lại là chuyện khác.
 

 Bán được, bán không được
 

 Thật ra, điện ảnh Việt đã vượt qua biên giới Việt từ lâu rồi, có điều không chủ động tự mình "đóng thuyền vượt biển" và "biển lớn" ở đây thực tế mới chỉ đóng khung trong một số LHP mà nhà tổ chức có nhã ý mời và tạo nhiều điều kiện để phim Việt Nam tham dự. 
 
 Bởi vậy, ngoại trừ việc xuất hiện tại LHP, những ngày văn hóa Việt Nam tại nước ngoài hoặc được chiếu một vài suất do sự nỗ lực và hỗ trợ của một số cá nhân, tổ chức nước ngoài (như “Mê Thảo” chiếu tại Pháp, “Chuyện của Pao” chiếu giới thiệu tại một số trường đại học Mỹ…), nhìn chung, điện ảnh Việt Nam vẫn "ở ngoài lề" thị trường phim ảnh quốc tế, chưa phim nào vào được hệ thống phát hành rạp chính thức trên thế giới.
 
 
 Năm 2000, sau khi hoàn tất bộ phim đầu tay dưới nhãn mác hãng phim Hội Nhà văn hợp tác với một hãng phim Malaysia, phim “Vũ khúc con cò”, cô gái trẻ Ngô Bích Hạnh, giám đốc công ty BHD, bắt đầu lên đường đi bán phim Việt ở nước ngoài.
 
  Ban đầu là đi cùng một đại lý tại Na uy để bán “Vũ khúc con cò”, khi đã rành đường đi nước bước, BHD lập hẳn một kênh riêng chuyên đem phim của các hãng trong nước đi chợ quốc tế (gồm cả phim nhựa và phim truyền hình).
 
  Từ kênh của BHD, đã có khoảng 30 bộ phim Việt Nam bán được bản quyền cho nước ngoài, trong đó có những phim truyện nhựa như “Ký ức Điện Biên”, “Đường thư”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Gái nhảy”, “Chuyện của Pao”, “Sống trong sợ hãi”, “Áo lụa Hà Đông”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”.
 
 
 Theo thông tin từ BHD, hầu hết các phim này đều được bán bản quyền dưới nhiều dạng phát hành: DVD, truyền hình và chiếu rạp, nhưng phổ biến nhất vẫn là chiếu trên truyền hình.
 
 Hãng phát hành mua nhiều phim Việt Nam nhất là Astro của Malaysia (hãng này mua quyền phân phối cho các nước trong khu vực như Brunei, Singapore, Indonesia, Malaysia và cả Thái Lan).
 
 Với giải thưởng từ LHP Busan, “Áo lụa Hà Đông” có nhiều cơ may xuất ngoại hơn cả: phim này được nhà phân phối Line Tree của Hàn Quốc, CMC của Đài Loan, Astro (Malaysia) mua bản quyền phân phối rạp (hiện tại mới chỉ chiếu ở Đài Loan).
 
 Trong khi đó, những bộ phim về chiến tranh như “Ký ức Điện Biên”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Đường thư”… rất đắt hàng với Nhật Bản (phát hành DVD.
 Không chỉ đắt hàng ở Nhật, theo kênh của BHD, phim về đề tài chiến tranh của Việt Nam rất đắt hàng ở các thị trường nước ngoài nói chung.
 
 "Tất cả các phim đề tài chiến tranh sản xuất trong thời gian gần đây đều bán được. Họ (các nhà phân phối nước ngoài) còn hỏi còn phim nữa không" – BHD cho biết.
 
 Tuy không tiết lộ số tiền bản quyền nhưng BHD cho hay mục tiêu chủ yếu giai đoạn này vẫn là giới thiệu hình ảnh Việt Nam, điện ảnh Việt Nam hơn là thu hồi vốn hay có lời.
 
 Nhiều yếu tố khiến phim Việt Nam chưa có giá trên chợ phim quốc tế, trong đó có chất lượng kỹ thuật quá kém, không đạt chuẩn âm thanh Dolby 5.1. "Phim Việt Nam muốn phát truyền hình nước ngoài cũng phải làm lại âm thanh, ánh sáng. Có đến 50% các phim đi chào bán BHD phải mang sang nước ngoài làm lại phần kỹ thuật".
 
 Hơn nữa, dòng phim thương mại Việt cũng như dòng phim thương mại của nhiều nước trong khu vực, không địch lại được với phim Hollywood trên đường ra rạp (ở Việt Nam tình hình không khác: phim Mỹ và phim Hàn là những phim ngoại bá chủ rạp chiếu, phim Thái Lan, Singapore, Malaysia… cũng không có đường ra rạp ở Việt Nam), nên chỉ có thể bán theo đường truyền hình hoặc DVD.
 
 Hãng phim Thiên Ngân thời gian gần đây cũng tự phát hành phim của mình ra nước ngoài dưới hình thức này (phim Những cô gái chân dài).
 
 
Đóng thuyền ra biển
 

 Không chấp nhận kiếm thị trường ngoài thêm kiểu "thêm nếm", 3 nhà sản xuất “Áo lụa Hà Đông”, “Dòng máu anh hùng” và “Sài Gòn nhật thực” đi tiên phong trên con đường tự đóng thuyền ra biển lớn.
 
 Khi chính thức bấm máy “Áo lụa Hà Đông”, 1 trong 3 nhà sản xuất của bộ phim là công ty BHD đã được giao trọng trách tìm kiếm thị trường nước ngoài.
 
  Phim vừa hoàn tất, nó đã âm thầm lên đường sang LHP Cannes 5.2006, hòng lấy danh tiếng của LHP này làm bàn đạp… Rất không may, ngay từ vòng "lobby", “Áo lụa Hà Đông” đã gặp khó vì phim quá dài (bản gốc dài 150 phút) trong khi đạo diễn và diễn viên đều chưa có tên tuổi.
 
 Do thấy ít có cơ hội lọt được vào Cannes, “Áo lụa Hà Đông” đã quyết định bỏ LHP danh tiếng của châu Âu để trở về với châu Á – LHP Busan, và đã giành được giải Phim được khán giả yêu thích nhất tại LHP còn non trẻ nhưng cũng rất được chú ý ở châu Á này.
 
  Giải thưởng LHP Busan chính là "con tem" quan trọng để “Áo lụa Hà Đông” có thể vượt đại dương.

 Cả “Dòng máu anh hùng” và “Sài Gòn nhật thực” đều lựa chọn dàn diễn viên mang tính khu vực và quốc tế, để tiếp cận thị trường ngoài Việt Nam.
 
  Ở “Dòng máu anh hùng” là Dustin Nguyễn – ngôi sao người Việt tại Hollywood, từng đóng cặp với Johnny Depp trong series phim truyền hình Mỹ “21th Jump Street”, đóng cặp với ngôi sao Oscar Cate Blanchett trong bộ phim truyện xuất sắc nhất Australia năm 2005 “Little Fish”…; và Johnny Trí Nguyễn – người đóng thế trong nhiều phim hành động nổi tiếng của Hollywood như “Người nhện”, của Thái Lan như Tom Yum Goong.
 
 Ở Sài Gòn nhật thực là Dustin Nguyễn, là Edmund Chen (Trần Chí Tài) – ngôi sao truyền hình Singapore, là Chang Tseng từng đóng trong “Shanghai Noon”, “Romeo Must Die”… Thậm chí, để nhanh chóng hội nhập, ban đầu Sài Gòn nhật thực sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh.
 
 Trừ “Sài Gòn nhật thực” tới ngày 15/5 mới ra mắt, cả “Áo lụa Hà Đông” và “Dòng máu anh hùng” đều đã thể hiện "xứng tầm" với những gì nhà sản xuất đã bỏ ra, nếu “Áo lụa Hà Đông” (tạm xếp vào dòng phim nghệ thuật) lấy được nước mắt khán giả Hàn Quốc thì “Dòng máu anh hùng” (tạm xếp dòng phim giải trí thương mại) đóng dấu được đẳng cấp chất lượng ít nhất cũng ở tầm châu lục (chưa có phim thương mại Việt Nam nào làm được điều này trước đó).
 
  Nhưng không phải con thuyền “Áo lụa” và “Anh hùng” nhanh chóng nhổ neo ra được biển lớn. Theo thông tin chúng tôi có được tới hiện tại, doanh thu từ bán bản quyền cho nước ngoài của “Áo lụa Hà Đông” còn rất khiêm tốn.
 
 Trong khi đó lời hứa mua bản quyền phát hành kèm 1,5 triệu USD của nhà phát hành danh tiếng Weinsteins (Hollywood) với “Dòng máu anh hùng” nhiều khả năng khó thực hiện.
 
 Còn “Sài Gòn nhật thực”, dù đã bắt đầu chào hàng ở một số LHP nhưng vẫn cơ hội vẫn còn ở thì tương lai, chưa kể, việc dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong phim Việt đã bị phá sản (các LHP quốc tế ngày nay chỉ ưa phim quốc tịch nào phải nói tiếng nước đó), các diễn viên lại phải lồng tiếng Việt cho vai diễn nói tiếng Anh trước đó.
 
 Không dễ, nói như một nhà sản xuất phim có cơ hội tìm hiểu một vài thị trường nước ngoài, vì điện ảnh Việt chưa tạo thành một làn sóng ở nước ngoài, một vài con thuyền quá nhỏ bé rất khó gây được chú ý.
 
 
 Nhưng không thể không ra biển lớn. Có điều, chọn con đường nào trên biển, chọn kiểu thuyền nào đi biển, để tới đích an toàn – đấy còn là câu hỏi lớn.
 


From the same category