Nói chuyện “bệnh thành tích” liên quan đến dân nghệ sĩ, sao cũng có người bảo… rỗi hơi, dân nghệ thuật ai chẳng ham danh tiếng. Nhưng một phạm trù đã trở nên phổ biến như “bệnh thành tích” thì nó ắt phải dính dáng đến nhiều nơi hơn là chỉ trong… ngành giáo dục. Thành tích khi nó đúng với giá trị thực, nó là điều cần thiết mà người ta coi như mục tiêu phấn đấu của đời mình, nhưng khi trở thành “bệnh”, nó biến thành một thứ hư danh hão huyền mà nhiều người cố bám víu vào như một liệu pháp tinh thần, đôi khi có cả màu sắc kim tiền – dù chẳng đậm đà cho lắm…
Xin mở đầu bằng một chuyện không liên quan tới dân nghệ sĩ. Báo chí mới đưa tin: Có một vị chức sắc ở tỉnh trung du nọ bị bắt vì tội nhận tiền hối lộ để chạy thành tích, chạy huy chương cho các đơn vị, cá nhân nào đó. Lẽ ra, những kẻ đưa tiền cũng phải bị bêu ra cho ê chề.
Phải háo danh, phải mắc bệnh thành tích, phải ưa thói dối trá nặng đến mức nào thì người ta mới sẵn sàng bỏ tiền ra mua những thứ lẽ ra không dành cho mình như thế.
Những chuyện tương tự vụ vừa kể không phải hiếm. Xã hội mênh mông thiếu gì lĩnh vực mà bệnh thành tích ngự trị, rõ nhất là ngành giáo dục đấy thôi, lì lì không biết ngượng là gì.
Nhưng hôm nay, câu chuyện sẽ được khoanh vùng trong một đối tượng khác, với đối tượng này, thành tích luôn là chuyện tối cần thiết, và chẳng có gì đáng nói. Nhưng khi thành tích trở thành “bệnh” thì lại có nhiều chuyện… phát sinh.
Bệnh của “nghệ sĩ công chức”
Đợt xét phong Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú vừa rồi quả là ồn ào nhất trong “lịch sử” của danh hiệu này. Báo chí tha hồ mà đăng hàng loạt những tố cáo, kiến nghị, doạ dẫm kiện cáo, dằn dỗi, trách móc, tức tối… của các ông bà nghệ sĩ không được lên Nhân dân, chưa được là Ưu tú.
Dỗi theo kiểu trẻ con, rằng không cho ăn thì sẽ… nhịn luôn, không được lên lần này thì sẽ… không thèm làm đơn lần sau nữa.
Tất nhiên, trong trường hợp này, sự “không thèm” sẽ không đi kèm với sự im lặng, mà phải là những hành động tương xứng đáp trả lại sự thờ ơ của người “xét phong” cho… bõ tức.
Chuyện ồn ào này do “tại anh tại ả, tại cả đôi bên”.
Về phía bên “trao”, rất tiếc những danh hiệu cao quý thay vì là sự tôn vinh đương nhiên, lại bị biến thành một thứ cơ chế xin – cho, khiến cho nghệ sĩ này cảm thấy tự ái khi phải “xin” còn người khác thì tức giận vì không được “cho”; phía (có thể) “nhận” cũng chẳng vừa, ham hố hư danh đến thế là cùng, nằng nặc đòi cống hiến của mình phải được công nhận, không được thì dằn dỗi, ấy hẳn không phải là phẩm chất nghệ sĩ. Mà là của một công chức bình thường, có nhu cầu sưu tập thành tích phục vụ cho các nhu cầu tiến thân, hoặc có khi chỉ là để hãnh diện với đời.
Người ngoài nhìn vào có thể bảo gớm làm gì mà tranh giành ghê thế, không có mấy chữ “nờ-sứt” (NSƯT) đằng trước thì danh tiếng của anh/chị cũng đã có sẵn rồi, như Thanh Lam đấy thôi, từ sau khi lên NSƯT có bao giờ cần dùng đến mấy chữ ấy để “tiếp thị” đâu, còn đã không nổi tiếng thì thêm cả đống “tiếp đầu ngữ” tương tự cũng chẳng ai thèm để ý.
Nhưng với những người đã trót mang cái mà người ngoài nghĩ là “bệnh thành tích”, họ có những suy nghĩ thực dụng hơn nhiều, như đã nói, chủ yếu ở nhu cầu được… lên làm lãnh đạo, hưởng bổng lộc, hoặc với những người có đời sống tương đối khó khăn, nhất là nghệ sĩ tỉnh lẻ, thì kèm theo danh hiệu là “ba-rem” thanh sắc sẽ nâng lên chút đỉnh.
Màu sắc kim tiền nổi rõ trong trường hợp này, có lẽ nhiều cuộc đấu đá phát sinh từ đây.
Chuyện ham hố quá mức này có thể khiến nghệ sĩ mất đi hình ảnh tốt đẹp trong mắt công chúng – đối tượng cần thiết nhất cho đời hoạt động nghệ thuật của họ.
Công chúng mà nghe những “ngôi sao điện ảnh” một thời như Diệu Thuần, Minh Châu… nay lên báo phát biểu những lời trách móc bằng một giọng điệu… chẳng liên quan gì đến những vai diễn để đời của họ, có người còn lớn tiếng đòi cho cả… chồng nữa!
Ham hố đến thế là cùng, nhưng nếu được hỏi: Mục đích làm nghệ thuật của anh/chị có phải là để được “lên” Nhân dân, Ưu tú? Hẳn ai cũng chối đây đẩy, tôi vì nhân dân, vì khán giả, vì đam mê, vì nghệ thuật cao quý, ham gì danh hiệu. Không ham mà đã như thế, ham thật rồi thì còn “nặng” đến mức nào nữa.
Một danh hiệu cao quý, khi không còn được trao tặng một cách trân trọng và chọn lọc mà ban phát theo bề rộng thì đương nhiên nó mất giá. Cái danh xuống giá trở thành danh hão, ấy thế mà người ta vẫn ham. Tính đố kỵ muôn thuở có dịp tung hoành trong những dịp ban phát này.
Với nhiều người lên Ưu tú, lên Nhân dân chỉ là dịp để… vênh với đàn em, với đồng nghiệp khác không may mắn. Có người đã “nhịn” cả đời nghệ thuật của mình, để khi về hưu thì muốn được “lên”, coi như gỡ gạc lại.
Một khi đã là chuyện xin-cho, và ở các “làng” khác đã có chuyện “chạy” thì nếu điều ấy có xảy ra trong “làng nghệ” cũng chẳng phải chuyện lạ, chưa kể vận động hành lang, báo chí om xòm thì đầy ra. Chuyện “đam mê” hay những “vì” này “vì” kia đầy hãnh diện hãy cứ bỏ qua một bên, quên đi cho hết mùa… danh hiệu!
“Chảnh” kiểu “Nghệ sĩ tự do”
Với một cái nhìn nào đó, câu chuyện “nho nhỏ” – theo cách nói của người trong cuộc – xung quanh mất cái băng-rôn, như trường hợp gần đây là khi Đan Trường doạ bỏ hát chương trình Con đường âm nhạc – Lê Quang nếu nhà tổ chức không điều chỉnh thứ tự tên ca sĩ trên băng-rôn, có thể coi là “chuyện nhỏ”, bởi việc ấy khá phổ biến, thỉnh thoảng vẫn có chuyện ngôi sao này bỏ diễn, ngôi sao kia dằn dỗi lớn tiếng chỉ vì chuyện tên mình đứng sau người này người kia, và mọi chuyện cũng vẫn diễn ra ổn thỏa, chưa có xung đột gì lớn.
Đúng là không có xung đột lớn ở bên ngoài, nhưng nhìn ở góc cạnh khác, một chuyện nhỏ như thế cho thấy chuyện lớn hơn nhiều ở khía cạnh trạng thái tâm lý của dân nghệ sĩ (vì là trạng thái tâm lý, tức thứ ở bên trong con người, nên không có đụng độ lớn bên ngoài là thế).
Một trạng thái bất an luôn thường trực trong mỗi nghệ sĩ, bất kể là “công chức”, là “thị trường” hay “diva”, đó là nỗi lo mất đi vị trí đang có, mất đi những ảnh hưởng đã có, cụ thể tâm lý ấy được quy về hai chữ: “hết thời”.
Vì sợ hết thời nên họ phải bám vào những cái neo mỏng manh, đầy tính hình thức để nuôi dưỡng niềm tin vào vị trí của mình, như một liệu pháp tinh thần. Chừng nào cái tên mình còn ở gần vị trí đầu tiên nhất, chừng ấy họ còn yên tâm mình vẫn chưa… chìm. Cũng là một biểu hiện khác của “bệnh thành tích” khi tin vào hư danh. Một niềm tin thật mong manh, một trạng thái tinh thần thật đáng thương.
Một câu chuyện khác, ít khi được công khai hay được để ý. Nhưng nếu ai đó chịu khó quan sát lễ trao giải Làn Sóng Xanh là thấy. Năm nào khi trao giải cũng bày ra phong bì đóng kín, người trao hồi hộp mở ra đọc, và rồi người được xướng tên thì hân hoan lên sân khấu nhận giải, còn người không được giải, kẻ “bại trận” thì… đố ai thấy mặt đâu, dù trước đó, trong các đêm công diễn, người ấy vẫn ca hát nhảy múa tưng bừng…
Tâm lý “phải có giải mới đi, không có ngu gì đi” đã nặng đến mức mà có một lần, ai đó ở giải Mai Vàng phải dùng đến chiêu chiêu “lừa”, bảo là có giải để ca sĩ phải đến nhận, và thế là xảy ra những vụ ầm ĩ Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương…
Giải thưởng như thế coi như đã bị mất giá, khi nó mất đi sự bất ngờ, mất đi những giây phút vỡ oà cảm xúc mà chỉ còn là những thủ tục khô cứng.
Nhưng đó là điều đương nhiên, phải xảy ra để khớp với những quy luật mà “bệnh thành tích” đã tạo ra. Những mơ ước về một Oscar, một Grammy Việt Nam sẽ mãi mãi là không tưởng khi mà tư duy “không được ngu gì đến” vẫn còn ngự trị.
Sâu xa hơn, nó cho thấy cái gọi là “tình thương mến thương” giữa dân nghệ sĩ có vẻ giả tạo, chỉ có cái thực nhất là sự đố kỵ.
Nếu thương mến nhau thật, người ta đã đến dự, để nếu không được thì chia vui với đồng nghiệp ngay tại đó, ít nhất cũng là “đóng kịch” để công chúng còn có niềm tin rằng những gì họ nói về “tình thương” là thật. Chứ những chia sẻ khách sáo gián tiếp sau đó trên báo thật là rất… khó tin.
Với những thí dụ vừa kể, vụ băng-rôn và vụ giải thưởng, những phát biểu thường xuyên của nghệ sĩ trên báo như “diễn vì khán giả”, vì đam mê, không quan trọng giải thưởng, không sợ ngày mất đi vinh quang hay khuôn sao kiểu “giải thưởng lớn nhất là vị trí trong lòng công chúng” v.v và v.v… sẽ trở nên vô duyên và trơ trẽn.
Nhưng chẳng lẽ lại bảo “Tôi hát vì cái băng-rôn”?
Chia sẻ bài viết này