“Đồ con đĩ!” – đó là câu các bà vợ thích "quăng" vào mặt đối thủ – "con bồ" của chồng. Theo bà thì chữ ấy xấu nhất. Các cụ ta ngày xưa chả nói là gì, có hai việc xấu nhất trên đời là ăn cắp và làm đĩ.
Vấn đề không phải chỉ ở ngôn từ, mà cũng không chỉ do xã hội. Điều các bà đánh mất – tình cảm lứa đôi – lại có phần là do các bà đã không quan tâm "xây dựng hình ảnh mới" trước mắt chồng.
Một khi ông xã có bồ tức là gia đình ấy đang "bệnh". Bệnh đâu mà bệnh? – có bà cãi. Gia đình đang làm ăn yên ổn, bình lặng xưa nay, vợ đẹp con khôn, kinh tế đầy đủ, vợ đâu có lỗi gì. Đùng một cái…
Thật ra họ có bệnh đấy. Bệnh âm thầm không thấy mà thôi.
Hoặc là ổng hư hỏng một cách âm thầm, bình thường ít dịp lộ ra. Hoặc là cuộc sống quá buồn tẻ, đơn điệu. Hoặc là ở vợ thiếu điều gì đó, ông không hài lòng. Hoặc là bà chu toàn quá, chuyên xông pha mọi chuyện khiến ông nhàn rỗi chơi bời rồi… mắc kẹt.
Nhiều thứ lắm, đòi hỏi cả hai vợ chồng phải cố gắng. Thế nên mới gọi là hạnh phúc không đơn giản chút nào.
Một tâm lý phổ biến nhất: nếu gia đình không là "địa ngục" thì dù có bắt bồ, dù có thật sự yêu “bồ nhí” đến đâu, người đàn ông cũng không bao giờ thích bỏ gia đình.
Chính điều này là điểm yếu nhất của các cô bồ và là một điểm mạnh của các bà vợ. Vấn đề là họ khai thác chuyển hóa cái mạnh cái yếu này ra sao.
Đàn ông vốn yếu đuối, dù cho đó là một anh chàng kiếm ra tiền và độc đoán.
Một bà nhận xét: “Ổng không thích sóng gió, khó khăn. Sống với vợ con quen rồi. Bảo ông bỏ tất cả thói quen đó để lại đứng mũi chịu sào lập một gia đình khác là điều không dễ”.
Thế thì, điều gì khiến có nhiều ông đành phải dấn thân làm cái việc mình không hề thích đó? Chính là bà vợ đẩy đến. Và cô bồ “triệt để vẫy gọi”.
“Là bởi vì chúng tôi thà ở một mình nuôi con chứ không thể chịu cảnh ấy – tình yêu lứa đôi vốn không chia sẻ được”. Đó là lý lẽ đúng của phụ nữ. Họ có quyền được tìm cho mình và các con cuộc sống bình yên. Những người giải quyết như thế ta đừng nói đến đúng, sai.
Bởi khi gia đình đã không còn là nơi có thể sống yên, thì thà một lần đau để ổn định. Chuyện ấy là việc của mỗi hoàn cảnh riêng biệt.
Nhưng có nhiều phụ nữ muốn bảo vệ gia đình toàn vẹn, sửa sai cho chồng, lại đạt kết quả ngược lại là làm tan vỡ nhanh hơn. Họ không biết kiềm chế bản thân, thường thích làm gì đó cho thỏa cơn căm thù.
Bà rình rập, biết hết mọi đường đi nước bước của "đôi tình nhân". Đàn ông thường khó giấu lắm. Thiếu gì ông ngày trước đánh rơi cả thư tình. Bây giờ có điện thoại, khó lộ hơn.
Thì có khi chỉ là lấm lét, chạy ra chỗ khác nghe, đêm khuya còn thì thào, tin nhắn không xóa, một số điện thoại lạ… dù sao thì các bà vẫn "bắt được" như thường. Rồi bà đến tận nơi bắt quả tang đôi uyên ương chở nhau đi ăn, ngồi quán, đến nơi hò hẹn…
Câu chuyện không có gì mới. Mô tuýp đánh ghen đã có ở trong tranh dân gian Làng Hồ. Để ý mà xem, ông chồng đang lấy thân che cho cô vợ lẽ tránh khỏi đòn của người vợ cả.
"Triết lý" ở câu chuyện đánh ghen bao giờ cũng là: ông chồng luôn nhầm lẫn đâu là kẻ yếu, kẻ mạnh. Ông cho rằng cô vợ lẽ đáng yêu đang bị "mụ phù thủy" ghê gớm ra tay.
Thật ra kẻ yếu nhất chính là “mụ phù thủy” ấy. Đau đớn đến cả "mất trí" phải làm cái việc độc ác có khi cả đời chưa hề làm. Mà nói cho cùng, cả ba vị đều yếu cả. Ở vào thế cùng đường, khác thường, bí lối ra.
"Triết lý" nữa mà các bà ít để ý: mắt long sòng sọc, mồm chửi rủa… tạo ra "một chân dung ghê quá", chân dung lạ trước mắt ông chồng, xưa nay chưa hề thấy bao giờ.
Trong khi đó tình mới đang nồng nàn, cô gái mới đang bủa lưới tình yêu, đang chăm chút gây dựng hình ảnh mỹ miều nhất, chiều chuộng nhất, có nhiều khi là hình ảnh giả tạo thôi, nhưng nó có sức hút ghê gớm, làm cho đàn ông "mù lòa".
Có thể mãi sau này ông ta nhận ra cô bồ cũng chỉ là một thứ quỷ dữ thì đã muộn.
Vậy phải xây dựng hình ảnh mình cho đúng khi lâm nguy. Câu chuyện bà tổng thống nọ, ai cũng biết, cũng khâm phục, rất hiện đại, hơi thiếu nữ tính một chút, nhưng hiệu quả chiến thắng rõ ràng.
Không bị đánh ngã, không trở thành thua cuộc, gìn giữ được gia đình và được ngưỡng mộ như một hình ảnh cư xử đẹp nhất của thế giới phụ nữ có chồng ngoại tình.