Ám ảnh vòng 2

Ba mươi tuổi còn đương xoan, và như thế không ai nói là già vào cái thời tuổi thọ có thể lên đến một trăm như hiện nay. Vậy mà hầu như dân văn phòng nào đến tuổi này đều hơi bị khủng hoảng một chút. Như một diễn đàn của giới này mở ra, họ than: “Nghiệt ngã tuổi ba mươi!” Tại sao, tại sao nhìn thấy con số tuổi ấy là mỗi chúng ta lại thấy bần thần…
 
 Không nói chuyện thay đổi tâm sinh lý sâu xa, chỉ cần nhìn vào ngoại hình là đã thấy sự khác biệt của tuổi ba mươi. Đó dường như chính là mối bận tâm nếu không nói là hàng đầu của dân văn phòng thì cũng là một nỗi ám ảnh mơ hồ.
 
  Khoé mắt mờ mờ vệt chân chim, cằm hơi có ngấn và nhất là vòng hai tăng trưởng vù vù. Ôi chao, khi mười tám đôi mươi, ăn bao nhiêu cũng không thấy no, bụng vẫn thon hơn ngực, người vẫn cân chưa lệch trước phì sau.
 
 Vậy mà vào tuổi băm, những gì xảy ra khiến người viên chức không biết làm gì hơn là vội vàng thực thi những hành động khẩn cấp để chữa cháy, cụ thể tức là “vấn nạn mỡ”.
 
 Cái khổ của tình trạng “bóp phanh” này mới ghê gớm làm sao: ăn không dám ăn, làm việc không dám chăm chỉ như trước, sợ ngồi lâu tích mỡ, tập thể dục với cường độ mà có lẽ vận động viên chuyên nghiệp cũng chỉ đến thế, rồi thuốc giảm béo, rồi hút mỡ, rồi quấn nóng, tắm hơi, bơi chải, lắc vòng…
 
 Một anh nhà văn chắc phải đối diện vấn đề này thường xuyên (tôi không tiện nêu tên vì rất nổi tiếng, nếu ai muốn biết, xin mật thư cho tôi), kể trong hôm ăn mừng đầy tháng con trai: “Giờ tớ mới dám kể, vợ tớ đến tháng thứ ba vẫn còn lắc vòng cho bụng nhỏ lại”.
 
 Chắc anh ấy phóng đại, nhưng có lẽ cũng có sự thật là ám ảnh vòng hai đè bẹp những tín hiệu về thiên chức của người phụ nữ hiện đại.
 
 Khoa học hiện đại chứng minh sinh đẻ không phải là thủ phạm duy nhất làm cho chị em mất eo, bằng chứng là các anh chồng không phải mang bầu bao giờ mà cũng bụng to ra như thường.
 
 Cái vòng hai trứ danh, nó chẳng của riêng dân văn phòng nhưng mà hình như nó phản ánh đặc điểm lối sống và nhận dạng dân văn phòng. Có lẽ không có bộ phận nào trên cơ thể mà lại chiếm nhiều suy nghĩ của anh chị viên chức đến thế.
 
  Người lãng mạn bảo trái tim quan trọng nhất, người lí trí bảo bộ não, người dồi dào tình cảm bảo “cái đó” quan trọng nhất, thế nhưng mà có cái nào tố cáo lối sống của bạn bằng cái bụng?
 
  Chị ấy tốt bụng, anh ta xấu bụng, rồi bụng là dấu hiệu của tuổi già, của người bị stress nhiều, của sự ít vận động, nghĩa là kém hấp dẫn.
 
 Nói đến đây, có lẽ chưa hẳn đúng. Người ta nói, bụng to là bụng ông địa mát trời, bụng thần tài, bụng ông Di Lặc, nghĩa là may mắn. Bụng to là bụng bia, là bụng các sếp.
 
 Mặc dù người nghèo cũng có thể bụng to, nhưng cặp bài trùng sếp lớn-bụng to đã trở nên phổ biến đến mức văn hào Tsekhov đã viết hẳn truyện “Anh béo anh gầy” theo ý, bụng to là anh giàu.
 
 Thử ra sân quần vợt hay rình ở cửa sân golf sẽ thấy, 80% các sếp xách dụng cụ đi vào không phải là người dây, nghĩa là cái bụng to là chứng chỉ cho việc cần chơi những môn quý tộc này. Như vậy, bụng to mà túi to thì cũng vẫn hấp dẫn, nếu không nói là hơn.
 
 Nhưng khổ nỗi, chúng ta, những viên chức quèn, túi chẳng to mà vòng hai đã phè phè nhích dần từng centimet một, vợ chán không muốn gần cái đống mỡ lùng nhùng, chồng hãi không muốn luồn tay vào ôm cái bánh mì như thuở đôi ta hăm tư hăm lăm vào rạp tối. Chúng ta trở nên yếm thế vì sự thua cuộc với thời gian như thế.
 
 Ngước mắt nhìn lên các cô thi hoa hậu, thực ra chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào vòng hai nhiều hơn là soi những vòng một đồ sộ. Mở một cuốn tạp chí được dân văn phòng hay đọc ra, hình những người được chụp chả bao giờ có vòng bụng to, trừ ông già Noel hay võ sĩ Sumo.
 
 Nguy hiểm nhất là các tạp chí ấy với thẩm mỹ lúc nào cũng ba vòng hoàn hảo khiến cho tất cả chúng ta tin rằng mọi bất hạnh và không may mắn của đời mình là từ vẻ ngoài của mình. 
 
 Mà những người đẹp đẽ trên hình báo lúc nào cũng cười hạnh phúc như thể họ đang cười chúng ta, những kẻ lười nhác tội nghiệp chạy theo hụt hơi. Chúng ta bực dọc buồn nản đi qua tủ kính bày những manơcanh mặc áo hở rốn hay áo bó, nghĩ bao giờ mình được ướm lên người. 
 
 Chúng ta bị ám ảnh. Bởi vì vòng hai là cái chỉ có một chiều tăng, và cái số đo nhỏ nhất có thể có của ta lại đã ở thời quá khứ mất rồi!
 
 Đàn ông gồng sức lên gập bụng trên xà tập để cho ra thân hình chữ V, phụ nữ cần mẫn mướt mồ hôi phòng thể dục thẩm mỹ theo nhịp “một hai ba đá chân phải chuyển chân trái” cho cơ thể nét lại hình lưng ong.
 
 Cái eo bánh mì này, nó cồm cộm như một nỗi nhức nhối nghiệt ngã của tuổi ba mươi. Nó là của ta, là hậu quả của những ngày tháng đam mê không điều độ, là của sự ù lì thân xác. Trong khi đó, bác sĩ nào cũng nói: “vòng hai càng tăng, vòng đời ngắn lại”.
 
 Nhưng hình thức chỉ là hình thức nếu nó không ảnh hưởng gì đến bên trong con người bạn. Bụng to, ờ có sao đâu, già thì ai chả già, nhưng mà nói đến “vòng đời ngắn lại” là bạn đã phải nghĩ ngợi.
 
 À, thì ra ba mươi năm cuộc đời, bạn đã nghĩ đến cái dốc của sức khoẻ. Vòng hai to chỉ là phát súng báo hiệu một cuộc kháng chiến toàn diện đối với vấn đề sức khoẻ của đời văn phòng. Nó báo hiệu một căn bệnh vật chất thời đại: hãi mỡ.
 
 Mỡ là đầu têu của tất cả những khổ đau của con người hiện đại. Nếu dầu mỏ là mối bận tâm hay xung đột của các quốc gia thì mỡ là mối nguy hại cho dân văn phòng, chẳng kém thiên thạch va vào trái đất.
 
 Nhưng mỡ lại dễ và sẵn. Nó chẳng phải từ đâu đến. Nó như con khủng long ẩn mình trong cơ thể bạn, chờ một ngày mùa thu rồi, tuổi ba mươi sơn hà nguy biến rơi chiếc lá tạch ngoài hè, ngóc đầu dậy, mượn cái xác bạn mà tồn tại kí sinh.
 
  Nó làm bạn thành khủng long mini 70kg là một chuyện, làm vòng hai ngồn ngộn lên đã đành, nhưng nó là cái biểu hiện của huyết áp cao, máu trong mỡ, tiểu đường, của bệnh tim mạch, của những cơn nhức đầu, những thứ sẽ có 99% khả năng đồng hành với bạn nửa đời hương phấn (nhưng phai sắc) còn lại.
 
 Không cần bác sĩ dọa lần thứ hai, bạn đã nhanh chóng lên kế hoạch tập thể dục cho mình. Bạn không còn thờ ơ em qua công viên phóng xe âm thầm khinh khi những bà nạ dòng đồng diễn thể dục nữa, chồng bạn không còn cười khẩy khi thấy tay đồng nghiệp nhất quyết không đụng đến một giọt bia trong cuộc nhậu.
 
 Bạn đã phải bụng mỡ bảo dạ đói: cố nhịn đi mà theo ta, mà cùng nhau ta qua cơn khủng hoảng năng lượng này.

Chồng bạn đã phải gắng sức theo những đường banh ở sân quần hay gian khổ hơn, mím môi mím lợi đẩy tạ trong câu lạc bộ thể hình thay vì những nhu cầu dễ dãi khác. Tất cả vì một mục tiêu để cho cái cuộc đời còn lại có cơ kéo dài khả năng hưởng thụ cuộc sống.
 
 Tập thể dục xưa nay có bao giờ là một trào lưu dễ lây, song bền chí cũng có những người thành chính quả. Vậy khi bụng đẹp, eo thon, thì làm thế nào?
 
 Ồ, thì phải khoe. Thời nay là thời thực dụng đến mức người ta dùng từ “khoe hàng” như một thái độ thẩm mỹ. Ta sẽ hiểu chiếc áo hở rốn hay cái quần trễ cạp có ích gì khi biết nó để khoe một vùng da thịt mang tín hiệu “thẩm mỹ”.
 
 Nhưng tuổi ba mươi, ắt không thể khoe như thế. Khoe phải tế nhị, phải hiền thục, phải đoan trang, không thể phô phang những khoảng thịt da trắng rợn mình như thế, mà đã nhìn vào là không thể không cấm người ta nhìn lên trên hay xuống dưới.
 
 Vẻ đẹp không ở cái eo mà vẻ đẹp ở ánh mắt của người đối diện. Cửa sổ tâm hồn giờ đây hạ thấp dần xuống. Việc còn lại của bạn là mở ra…
 
 Nhưng mà như thế này có chết không, hóa ra mục đích cuối cùng của vòng hai chuẩn mực là sự khiêu gợi. Đạo đức của vòng hai để ở đâu? Trong khi đó, việc luyện tập đòi hỏi đi kèm những điều kiện ngặt nghèo về kỷ luật làm việc và hà khắc về chế độ ăn uống.
 
 Bạn phải kiêng khem, nhịn miệng nhạt mồm hay phải tranh thủ tập thể dục tại văn phòng theo sách, những điều khó khăn vô cùng khi quán bia với hàng quà bao vây cơ quan, khi dự án nào cũng đòi yêu cầu làm thêm giờ.
 
 Vào cái tuổi cơ thể đã ngưng phát triển, bạn cũng không thể có ngay phép màu. Và theo thói tật của dân văn phòng, chúng ta cũng chỉ hứng chí ba bảy hăm mốt ngày.
 
 Rồi ta lại bận, thấy hình như kết quả chẳng thay đổi bao nhiêu, tác dụng chẳng thấy đâu, lại thấy mình vắng các đám vui mãi cũng kỳ, anh em bạn bè xa dần. Có thứ gì gắn bó đồng nghiệp hơn cốc bia hay món quà vặt ăn giữa giờ, cho dù bạn thuộc lòng lượng calo kinh khủng chúng mang lại.
 
 Bởi vì bản chất chúng ta là làm gì cũng nhằm vào mục đích nào đó, nên việc bạn đi đến phòng tập phần nhiều là do sức ép chứ thực ra, niềm yêu thích của chúng ta là nằm ườn trên giường, nhấm nháp kẹo ngon và xem những chương trình TV dễ chịu nhất.
 
 Bởi vì bản chất chúng ta ham vui, cuộc sống văn phòng biết tìm đâu ra nguồn vui ngoài những thứ rình rập nguy cơ gây nên nạn béo?
 
 Nhịn đi là mất vui, phụ nữ chỉ có mua sắm và ăn vặt tiêu sầu, đàn ông chỉ có nhậu nhẹt hạ nguồn cơn.
 
 Chúng ta chán ngán nghĩ mình đâu có giàu mà cũng phải ậm ạch với cái bụng tuổi ba mươi. Chúng ta chật vật xoay xở trong nỗi ám ảnh của mình, cái sự không hấp dẫn của mình báo hiệu bao điều ta lo sợ. Bụng ơi, chào mi.


From the same category