Dạ Thảo Phương: Lắng nghe cuộc sống

Dạ Thảo Phương – tác giả của bài thơ “Kinh cầu” đã từng nhận một số giải thưởng văn học và xuất hiện trong nhiều tuyển tập từ 15 năm trước.

Sau một thời gian vắng bóng, gần đây chị bắt đầu xuất hiện trong một số chương trình nghệ thuật đồng thời tham gia đóng một trong những vai chính trong phim “Kiến Lửa” (Đạo diễn Phạm Hải Anh – Giải Nhì phim ngắn LHP toàn quốc 2006)

Đã có rất nhiều độc giả phản ứng mạnh với bài thơ Kinh Cầu của chị, họ không thể tưởng tượng nổi tại sao lại có một người có thể ước những thứ kì quái, ghê sợ đến như vậy vào người mình?

Những điều nhân vật trữ tình của bài thơ ấy ước bị phá hủy đi chính là những điều bình thường ta rất sợ hãi nếu bị mất đi.

Nhưng đã bao giờ, mặc dù đang có tất cả những điều đó, nhưng bạn vẫn thấy cuộc sống

Kinh cầu

Ước
Một ngày thức dậy
Ban công ngập rác thối
Lá non rữa nát
Những hoa hồng teo quắt
Con chim bên chùa Bà Đá thôi hót
Tốt nhất – đã chết
Bình nước trên bàn cũng cạn
Chuông Nhà thờ Lớn
Câm.

Ước
Một ngày thức dậy
Không nụ cười
Không cử chỉ tốt
Không lời tử tế
Không trò đùa dí dỏm
Không ánh mắt trong

Ước
Một ngày thức dậy
Thất nghiệp
Mồ côi
Anh chị em
Từ
Bạn bè
Phản bội

Ước
Một ngày thức dậy
Thân lở loét
Mặt biến dạng
Mồm nồng nặc hôi
Răng rụng
Sọ trơ
Mắt thủng
Chân lìa tay cụt

Ước
Một ngày thức dậy
Trong trập trùng phỉ nhổ
Không tình yêu anh đợi sẵn
Tận tụy đến sốt tiết

Ước
Một ngày thức dậy
Mà không thể chết

Để hết lười
Sống.

của mình thật thiếu thốn, vô vị, và những điều bạn vẫn muốn giữ bằng mọi giá, thực ra chỉ là những điểm bấu víu, những nơi ẩn náu đầy bất trắc? Giống như bạn khư khư ôm chặt một cái nhẫn đá quý mà không biết đến giá trị của những ngón tay mình.

Nên ước những điều mất mát kia, thực ra lại không phải là ước điều mất mát.

Chị nghĩ sao về tốc độ của cuộc sống gấp gáp, và sự muốn có được mọi vật chất tột đỉnh khiến con người cảm thấy họ đang ở một guồng quay chóng mặt khó có thể dừng?

Những nhu cầu về vật chất, hay nhu cầu được khẳng định mình trong cộng đồng cũng cần được quan tâm đúng mức như những nhu cầu khác về tinh thần, tình cảm vậy.

Dám mơ ước, biết nỗ lực để đạt được những điều mình mơ ước là một lối sống lành mạnh. Nhưng quá đề cao một nhu cầu nào đó cũng có nghĩa là nhầm lẫn về giá trị thật của nó.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà điều kiện vật chất thay đổi đến chóng mặt, quá nhiều thứ mới mẻ ập đến, dễ làm ta choáng váng và khơi gợi những ước ao thèm muốn.

Trong khi đó, văn minh tinh thần lại không có những biến chuyển tương đương, nên ngoại cảnh càng nháo nhào, càng lộ rõ nội tâm trống rỗng.

Không ít bạn trẻ đang nhầm lẫn giữa sự khẳng định mình với việc có được một chức vị, một chiếc ôtô, để rồi sẽ bẽ bàng nhận thấy những cái đó chẳng là gì khi bước ra một môi trường rộng lớn hơn.

Nhiều trí thức trẻ thành đạt hay bị rơi vào tâm trạng đơn độc và thụ động giữa cuộc đua quay cuồng mà họ tự lao vào. Và tôi nghĩ họ sẽ không thể giải quyết được vấn đề chừng nào vẫn chưa sòng phẳng với lòng mình.

 Làm sao có thể đạt được sự cân bằng khi, để đáp ứng nhu cầu có danh lợi, bạn phải lờ đi một loạt những nhu cầu khác, kể cả nhu cầu được sống tự nhiên và được trọng mình?

Vậy chị quan niệm thế nào về sống chậm?

Theo tôi, nhanh-chậm ở đây là do tâm thế, chứ không thể đo bằng tốc độ hoạt động của bạn.

Khác với thói quen sống của số đông hiện nay – háo hức lao lên, giành giật thành quả danh lợi bằng mọi giá, một số người lại chọn lối sống trọng những giá-trị-thực-chất hơn là những giá-trị-thực-dụng, biết tìm được sự hài hòa giữa các nhu cầu, biết dành cho tâm trí những khoảng lặng để lắng-nghe cuộc sống… Lối sống ấy thường được coi là "sống chậm".

Nhưng tôi nghĩ khái niệm "sống cân bằng" bạn từng nhắc đến thì chính xác hơn. Sống "nhanh" quá, hay "chậm" quá, thì đều là mất cân bằng cả.

Theo chị, người ta có thể đi tìm sự cân bằng ở đâu?

Với tôi, sự cân bằng chỉ có thể được bắt nguồn từ chính bản thân.

Sự giúp đỡ từ ngoại cảnh chỉ trở nên hữu ích khi chính ta muốn đứng lên, muốn sống tốt hơn và làm cuộc sống tốt hơn, chứ không ai có thể đứng lên hộ ta, hay làm cây nạng cho ta suốt cả cuộc đời.

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến có một tứ thơ mà tôi rất thích, đại ý, mỗi người giống như một bệnh viện kín tự băng bó vết thương cho mình. Chính bản năng yêu sống của ta sẽ là vị bác sĩ khôn ngoan nhất.

 Các tổn thương cũng rất hữu ích, nó giống như một tín hiệu báo rằng ta đã lỡ một nhịp nào đấy để giữ được sự hài hòa với cuộc sống, và nhất là sự hài hòa trong chính bản thân mình.

Có phải người càng nhạy cảm, là người càng dễ bị tổn thương nhất?

Chỉ có những kẻ mơ mộng ích kỷ và ngu ngốc mới tìm đến những tổn thương để "sưu tầm cảm xúc".

Những người có lối sống lành mạnh và đã từng thật sự trải qua những tổn thương sâu sắc thì không chỉ ao ước bình yên suông, mà sẽ luôn cố tránh những tổn thương không đáng có.

Tuy nhiên, sống nhạy cảm, bạn có nhiều cơ hội được cảm nhận vẻ đẹp sâu sắc của cuộc sống, nhưng cũng có nghĩa bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị thất vọng sâu sắc. Điều quan trọng là bạn đối xử với những thương tổn ấy như thế nào.

Tôi thường tâm niệm câu nói của một thiền sư: "Không phải lúc nào ta cũng thay đổi được hoàn cảnh, nhưng ta luôn có thể thay đổi được cách mình ứng xử với nó".

Nghe nói có một thời gian, chị tuyệt vọng vì một cú sốc tâm lí, và cả vì căn bệnh ung thư mà bác sĩ phán đoán… nhầm?

Tôi đã từng trải qua một "tai nạn" tồi tệ, phải đối mặt với thói độc ác và xảo quyệt của một môi trường phức tạp mà khi đó tôi chưa đủ kinh nghiệm sống cũng như bản lĩnh để tự bảo vệ mình.

Điều làm tôi khổ sở nhất khi đó không phải là những điều độc ác mà người ta tìm mọi cách gây ra cho tôi, mà vì tôi đã đánh mất lòng tin vào những giá trị tôi vẫn tưởng là bất biến, và mất luôn lòng tin vào bản thân, mất cả lòng yêu sống.

Khi đó, mỗi sáng thức dậy, nghĩ đến việc phải tiếp tục đối mặt với hoàn cảnh của mình, tôi thấy chẳng khác nào một kẻ đau ốm, rét mướt cứ phải cất bước giữa một đầm lầy mênh mông bùn.

Tôi thường xuyên nghĩ đến cái chết, không phải vì thích chết, mà vì tưởng không còn lối thoát nào khác để vượt qua cái đầm lầy ấy.

 Tôi suy nhược đến mức có nhiều biểu hiện của một bệnh nhân ung thư máu. Rõ rệt nhất là hồng cầu suy giảm mạnh và bị rụng tóc. Có cảm giác như sức sống trong cơ thể đang theo những sợi tóc ấy cứ chảy mãi chảy mãi đi mất mà tôi không sao giữ lại được.

Khi tưởng rằng thời gian sống của mình không còn nhiều nữa, tôi mới cảm thấy mình yêu sống biết bao, yêu mãnh liệt và tuyệt vọng. Tôi không muốn tiêu những giây phút sống quý giá ấy để khổ đau và hận thù.

Như người tỉnh mộng, tôi chợt nhận thấy mình còn biết bao điều tốt đẹp muốn làm, bao yêu thương ngọt ngào muốn trao tặng…

Như một con chim nhỏ biết mình sinh ra không phải để lội bùn, tôi hân hoan đập cánh, bay đi.

Tôi luôn cảm ơn quãng sống khó khăn ấy, điều tuyệt vời nhất là tôi đã trải qua nó mà không trở thành một kẻ chua chát, nghi ngờ, thù hận.

 Tôi đã có lại niềm tin, tình yêu đối với cuộc sống quanh tôi và nhất là với chính bản thân mình, những điều ấy giờ đây còn mãnh liệt hơn vì nó không còn được xây dựng từ những ảo tưởng mộng mơ, phù phiếm.

Chị có còn nhớ khoảnh khắc nào đã thay đổi cuộc sống của mình không?

Đó là một buổi sáng mùa hè, tôi thức dậy, mở cửa sổ và rót cho mình một ly nước trắng. Vẫn ô cửa ấy, đã cả ngàn buổi sáng trước đó tôi thức dậy mà chỉ nhìn thấy những khổ đau, sợ hãi.

Nhưng hôm đó, đứng ở ô cửa đó, uống từng ngụm nước nhỏ cùng với tiếng chim lích chích trong vườn, tôi chợt nhận thấy một cái cây bé xíu, xanh mướt trong lòng mình đang hân hoan đón từng ngụm nước mát.

 Cái cây ấy nói với tôi rằng thật hạnh phúc xiết bao khi ta đang được sống, được hít thở khí trời cùng bao nhiêu sinh linh khác không hẹn mà đến trong giây phút này, bao nhiêu bông hoa đang khe khẽ nở và tỏa hương, bao nhiêu điều kỳ diệu mà ta có thể không nhận thấy bằng mắt thường…

 Và tôi bỗng có cảm giác không phải mình đang uống nước, mà đang hạnh nhận một nguồn vui sống.

 Vậy đấy, từng điều tưởng như nhỏ bé nhất, bình thường nhất cũng có thể ẩn chứa thông điệp lớn lao của đời sống, chỉ có điều khi bị hoàn cảnh làm cho hoảng loạn, mất cân bằng, tôi đã đánh mất khả năng lắng nghe được thông điệp ấy.

Ba mươi ba tuổi nhưng chưa một lần bước lên xe hoa, chị kén chọn quá chăng hay do tâm hồn nghệ sĩ, lại có cá tính nên thường khó tìm thấy sự hòa hợp?

Nhiều người Việt Nam vẫn còn quan niệm đến một độ tuổi nào đó người phụ nữ phải có một tấm chồng, mà quên mất ý nghĩa nền tảng của hôn nhân không phải là tờ đăng ký kết hôn.

Tôi cho rằng sống độc thân hay sống đôi lứa không phải điều quan trọng nhất, mà là mình có cảm thấy cuộc sống của mình hài hòa không.

Khi nhận lời gắn bó với một người đàn ông, tôi không lăm lăm để miễn có một tấm chồng, chiều lòng dư luận, mà là muốn tìm kiếm một người phù hợp có thể cùng mình chia sẻ những khó khăn và thưởng thức cuộc sống.

Tôi không quan trọng người đó làm nghề gì, có thành đạt không. Với tôi, người đàn ông hấp dẫn là người bản lĩnh, có nhân cách, biết yêu thương và rất quan trọng là muốn cùng tôi sống hạnh phúc. Để hạnh phúc, thì có bao giờ là quá muộn?

Xin cảm ơn chị.
 

 Lan Anh

                                                                                                      

 

 


From the same category