Đầu tóc phờ phạc, quần áo rộng thùng thình, vai đeo chiếc túi giống người “từ trên ngược xuống”. Hết ăn lại nói, hết nói lại ăn… Tôi đã gặp Tùng Dương như vậy giữa Sài Gòn, khi cái nắng nhuộm từng con hẻm.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu từ công việc, rồi “lấn” sang những tính cách rất đời thường của Tùng Dương.
Và cuối cùng là một cái kết “mở”, để qua đó, bạn đọc hiểu hơn về Tùng Dương – người đàn ông trên sân khấu, nhưng lại là một “cậu bé” trong cuộc sống.
Lời hứa của tôi không còn trọng lượng với khán giả
Trong thế hệ ca sĩ Sao Mai – Điểm hẹn đầu tiên, anh là người ra album khôn ngoan và đúng thời điểm nhất – ngay sau cuộc thi. Điều đó làm người ta chờ đợi vào sự khôn ngoan tiếp theo của anh. Nhưng anh đã dậm chân tại chỗ, dù nói rất nhiều về dự án hợp tác với Quốc Trung?
Thực sự tôi không phải là người quá thận trọng. Vì người nào quá thận trọng có nghĩa là người đó không dũng cảm, mà trong nghề này rất cần sự dũng cảm.
Nhưng album là làm việc với một êkíp. Sau Lê Minh Sơn, tôi làm với Quốc Trung, và hai anh em cần có sự làm quen trong một thời gian để tìm ra phong cách thích hợp cho album.
Cũng không phủ nhận, bệnh của nghệ sĩ là bệnh lười. Bản thân tôi cũng là người rất lười.
Ngoài ra, còn do nhiều yếu tố khác, ví như tôi không có manager để quản lý tất cả công việc của mình. Phải tự thân vận động, nên đến giờ tôi vẫn chưa làm được nhiệm vụ đã hứa với khán giả trong 2 năm qua.
Nhưng tôi hiểu album rất quan trọng trong việc giới thiệu hình ảnh của mình. Nếu không ra được album trong năm nay, chắc chắn tôi sẽ là người bị khán giả quên. Vì tôi hứa quá nhiều rồi, nên lời hứa của tôi không còn trọng lượng với khán giả nữa!
Trong khi đó, dù anh có tài năng, có hát hay bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng vắng trăng sẽ có sao, không có mình thì có người khác. Chỉ có sự lao động mới quyết định được thành công của ca sĩ.
Nghệ sĩ lười thường… nói rất hay. Nhưng, như anh nói – “vắng trăng sẽ có sao” – nên anh càng không được lười, bởi lười đồng nghĩa với không có “đất cắm dùi”?
Có những người chăm, nhưng cố gắng trong sự vô vọng cũng chẳng để làm gì. Hoặc có những ca sĩ có người quản lý đứng sau lo tất cả, họ chỉ cần hát thôi.
Còn tôi có quá nhiều việc phải tự quyết định, tự làm, nên cái sự lười ở đây được hiểu theo nghĩa mình cảm thấy mệt mỏi.
Cũng phải nói luôn, nếu chịu sự quản lý của một công ty nào đó, họ quyết định mọi thứ thì tôi không làm được.
Mà cũng chẳng có ai nhận quản lý cho tôi. Bởi tôi là người cực đoan trong nghệ thuật, lúc nào cũng phấn đấu vì một niềm tin trong nghệ thuật, mình áp đặt cá tính vào âm nhạc có nghĩa là mình phải quyết định nó, chứ tôi không sẵn sàng chấp nhận sự áp đặt của người khác.
Vì lựa chọn này, nên từng bước đi của tôi trở nên khó khăn hơn, kể cả việc ra album.
Dấu ấn tiếp theo của anh phụ thuộc vào Quốc Trung, trong khi đó Quốc Trung lại có những dự án riêng. Xem ra, anh đang đứng ở thế bị động?
Tôi có rất nhiều sản phẩm muốn làm, nên Quốc Trung không phải là tất cả, và ngược lại. Quốc Trung muốn làm cho cô A, cô B cộng C, Tùng Dương chỉ là một trong số đó thôi.
Nhưng mình đến được với nhau, có cảm hứng để làm việc và ra được sản phẩm, đó mới là điều quan trọng. Còn tôi không quan tâm Quốc Trung làm cho những ai. Anh ấy có nhiều dự định lớn, mình ở trong số đó cũng được rồi.
Bản thân tôi là người muốn đảm bảo điều mình nói. Tôi biết rất nhiều nhạc sĩ tài năng và muốn cộng tác. Ví dụ Đỗ Bảo, Quốc Trung. Nhưng tôi đã hứa với khán giả sản phẩm tiếp theo sẽ là sự hợp tác với Quốc Trung, nên tôi phải gắng thực hiện.
Thế nhưng sau Lê Minh Sơn, lại thấy anh hát nhạc của nhiều nhạc sĩ?
Đúng là sau âm nhạc của Lê Minh Sơn, tôi hơi quẩn quanh. Hôm nay tôi hát Con đường âm nhạc cho ông này, ngày mai hát Con đường âm nhạc cho ông kia.
Đó không phải là sự mưu sinh, mà các nhạc sĩ quý mình, trân trọng tài năng của mình, họ mới mời mình, nên tôi không thể từ chối.
Quan trọng là tôi đều làm tốt Con đường âm nhạc của các ông. Từ Dương Thụ, Phó Đức Phương, Phú Quang, Đỗ Bảo, Ngọc Châu, đến Thuận Yến, Quốc Trung…
Có thể nói, tôi tham gia Con đường âm nhạc nhiều nhất trong số các ca sĩ. Trong 12 chương trình, tôi đã tham gia 6 – 7 chương trình. Tôi nghĩ, trời cho mình giọng hát thì mình phải phát huy!
“Trời” còn cho anh cái “điên” của nghệ sĩ, nhưng lại không cho anh tinh thần của ngôi sao?
Ngôi sao chưa chắc đã là một nghệ sĩ, nhưng nghệ sĩ có thể trở thành một ngôi sao! Hơn nữa, ca sĩ được cái này thì mất cái kia, có người thiên về bản năng, có người thiên về lý trí. Tôi thiên về bản năng nhiều hơn là lý trí.
Với sự “điên” của mình, nếu mình bị chi phối bởi người khác thì chưa chắc đã có một cá tính âm nhạc như thế. Bởi tôi không thể nào đòi hỏi người ta làm cho mình mọi thứ, nhưng lại để mình quyết định mọi thứ.
Trong khi đó mới là yếu tố quyết định anh có thể thành sao hay không. Theo tôi, ngôi sao thực sự phải có tính nghệ sĩ, còn ngôi sao rỗng tuếch, từ A đến Z người khác quyết định, không có gì là cá tính của mình, thì chỉ là ngôi sao ảo.
Tôi thấy ca sĩ Tuấn Ngọc có một nhận xét rất đúng về anh: khả năng tiết chế cảm xúc của Tùng Dương còn kém. Anh thấy thế nào về nhận xét này?
Là người đi hát nhiều năm, anh Tuấn Ngọc sẽ dễ dàng nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của ca sĩ trẻ, nếu quan sát. Nhưng thà tôi bộc lộ quá nhiều cảm xúc còn hơn hát mà không có cảm xúc.
Tôi công nhận đó là điểm yếu của mình. Nhiều lúc tôi không tiết chế được cảm xúc, nên thể hiện hơi quá. Tôi sẽ khắc phục dần.
Có phải do anh còn trẻ, muốn được bộc lộ, nên có bao nhiêu nội lực là thể hiện hết ra bên ngoài?
Không thể nói tôi là người tồng tộc ra ngoài, nhưng bên trong tôi không có gì.
Tôi hiểu ý anh Tuấn Ngọc, mình cần giấu, ẩn sâu nội lực cũng như cái mình muốn làm ở bên trong nhiều hơn. Cũng như Tuấn Ngọc, là ca sĩ rất có nội lực, nhưng giấu được nó ở bên trong.
Nhưng tôi còn quá trẻ, lại sống rất đa cảm, nên tôi cần thời gian để tiết chế cảm xúc của mình.
Không chỉ cách hát, mà cách ăn mặc của anh cũng “quá”! Đáng tiếc là trông không đẹp, nếu không muốn nói là xấu?
Tôi nghĩ mình ăn mặc có gu nhưng chưa đẹp, chứ không phải là xấu.
Dòng nhạc của tôi phải ăn mặc như thế, nếu không tôi sẽ bị lẫn với những ca sĩ đẹp trai, ăn mặc chỉn chu khác.
Tất nhiên, tôi không thể là người chỉnh tề trên sân khấu như một sản phẩm hoàn chỉnh. Tôi cũng không thích là người như thế.
Tôi thiên về nghệ sĩ nhiều hơn ngôi sao cũng chính là thế. Nhưng đó là cảm xúc thật của mình, chứ tôi không phải vay mượn cảm xúc, lời lẽ chỉn chu cho lọt tai.
Có nhiều người nghe tôi hát ở phòng trà đã nói: “Tùng Dương nói ít thôi, hát nhiều vào”. Đó cũng là cái lỗi của mình, nhưng quan trọng là mình không diễn.
Tôi là tuổi Hợi, nên tôi ăn nhiều
Anh nói nghệ sĩ hay mắc bệnh lười. Thế khi không là nghệ sĩ, anh có lười không?
Tôi vẫn chịu sự quản lý của gia đình. Vì là con một, nên bố mẹ lo lắng cho tôi rất nhiều.
Những công việc trong gia đình hay công việc của tôi, bố mẹ đều giúp, nên nhiều khi tôi thấy mình lười nhác. Ví như tôi rất sợ nấu cơm, giặt giũ hay quét dọn nhà cửa. Có lẽ do tôi đang còn tuổi ăn, tuổi ngủ.
Tôi cảm thấy mình chưa thực sự trưởng thành. Đôi khi tôi cũng rất thụ động, ít chịu quan sát xung quanh, cứ làm theo bản năng, nên mới xảy ra những hậu quả, dù nhỏ, nhưng cũng ảnh hưởng.
Ví như phần đối nhân xử thế, giao tiếp của tôi khá kém. Tôi biết, nếu mình duy trì tính cách này lâu dài, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của tôi sau này.
Không chỉ lười nhác, thụ động, mà anh còn… đanh đá hơn cả phụ nữ?
Tôi không phủ nhận điều đó. Bạn bè cũng nhận xét tôi như thế. Nhưng chính sự đanh đá đó là một phần không thiếu của nghệ sĩ.
Anh đang bao biện cho sự đanh đá của mình?
Tôi không bao biện, mà đúng là nghệ sĩ phải có một chút đanh đá. Nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh một nam ca sĩ, chị không thể dùng từ đanh đá được, chị phải dùng từ khác!
Đanh đá chỉ là cái tồng tộc bên ngoài, quan trọng là cái nội tâm bên trong.
Tôi đã chứng kiến sự đanh đá của anh, nên với anh, dùng từ đanh đá là… chính xác nhất?
Vâng, cứ cho là vậy đi. Ai bảo tôi đanh đá tôi cũng chấp nhận. Nó thuộc về bản chất của mình rồi, rất khó sửa!
Nhưng tôi nghĩ đanh đá cũng là sự thi vị của cuộc sống. Và sự đanh đá của tôi vô hại, chứ tôi không phải là người đanh đá có mục đích, ăn miếng trả miếng.
Tôi nghĩ chua ngoa nhưng vô hại cũng không sao. Trong âm nhạc, Lê Minh Sơn, Ngọc Đại cũng là người rất chua ngoa.
Không những đanh đá, mà anh còn rất thích “tám” chuyện?
“Tám” là bệnh của nghệ sĩ. Không phải mình tôi. Mà những ngôi sao danh giá khác, mấy chục triệu tiền cát xê cũng “tám” như tôi.
Sao anh không lo đi làm CD mà lại ngồi “tám” chuyện?
(Cười) “Tám” là sự thi vị, gia vị của cuộc sống. Từ đó, mình có thể cân bằng mọi thứ.
‘Tám” ở đây không có nghĩa đi nói xấu cô này cô kia trong giới, tôi cũng không có thời gian để dành cho những chuyện đó, mà tôi “tám” theo kiểu nói về mọi mặt trong cuộc sống. Tôi có thể ngồi “tám” với Khánh Linh, Ngọc Khuê cả buổi, có thể nói về cách hát không ai giống ai, hoặc công việc.
Không những thích “tám”, mà anh còn rất thích… ăn quà vặt?
Tôi không bao biện cho mình, nhưng ăn quà vặt thuộc bản tính của tôi rồi. Bố mẹ sinh ra như thế, thì mình phải chịu thôi.
Tôi chỉ có thể nói mình là tuổi Hợi, nên mình ăn nhiều. Tôi là người ăn no ngủ kỹ, và rất dễ ăn. Món dở, món ngon tôi đều có thể ăn được.
Cùng “tám” với bạn bè về công việc cũng là lúc mình ăn vặt. Đặc biệt là các món như thịt bò khô, ô mai, hạt dẻ. Mà mọi người cứ nói tôi ăn nhiều, trong khi Tùng Dương vẫn như bộ xương di động đấy thôi.
Vì anh đanh đá, “tám” nhiều nên ăn bao nhiêu cũng không đủ…
Không phải tôi đanh đá, “tám” nhiều mà do tôi hát nhiều. Hát nhiều, thực sự rất tốn sức.
Không biết người khác thế nào, nhưng với tôi, ăn bao nhiêu cũng không lại được. Mà tôi ăn cơm rất ít, nhưng ăn vặt rất nhiều.
Xin “chốt” anh bằng một câu khá… khó trả lời: Anh là đàn ông, sao lại mang những tính cách vốn là“đặc quyền” của… phụ nữ?
Ôi, đó là một sự quy chụp cho tôi! Tôi không nhận mình như thế! Nó chỉ là bao nhiêu phần trăm thôi!
Đàn ông ăn vặt hay “tám” chuyện là chuyện hết sức bình thường! Cũng như có quá nhiều công việc của đàn bà mà đàn ông làm rất xuất sắc. Tại sao chị không nói đến mà lại cứ quy chụp như thế?!