Nhật Chiêu – Sống trong nhịp của cái đẹp

Có một cuốn sách với tựa đề “Quả chuông gió bay đi” của Nhật Chiêu để dành cho bạn đọc mỗi lúc căng thẳng. Hãy thử lạc vào miền miên viễn của người luôn mơ tới cái đẹp và đi tìm ý nghĩa cuộc sống nơi mà cái thực và cái ảo đan xen, hòa quyện nhau, nơi con người thả trí phiêu lãng tới vẻ đẹp của một bóng hồng nào đó, hoặc đối diện Tôi với chính Tôi…

Trong trang viết của ông, những người đẹp thường hiện ra tại sao không phải từ một thế giới thực?

Tìm kiếm cái đẹp, thể hiện được nó hay hư cấu ra nó cũng không khác gì nhau. Tôi là người ao ước dùng văn của mình như một phương tiện để khám phá những cái đẹp của trần gian, đó cũng là thực tại.

 Do đó, không chỉ phụ nữ mà một cánh sen, một cánh bèo, một chút gió thoảng qua, một làn hương lan tỏa cũng đem đến cho tôi một hứng khởi đặc biệt.

Đọc truyện của ông, luôn thấy phảng phất màu sắc Thiền. Trong cuộc sống, ông thấy mình đang sống với tốc độ nào so với thời cuộc?

Tôi thể hiện một người vừa đi vừa trầm tư nhưng không phải là một nỗ lực mà thả mình vào nó theo một nhịp điệu thật chậm. Như khi ta ngắm hoa ta phải ngắm thật chậm, không thể cưỡi ngựa xem hoa như người xưa vẫn nói.

Trong cuộc đời cũng thế, muốn thưởng thức đời sống thì phải đến với nó, đi với nó với một nhịp điệu mà ta làm chủ để có thể thiết lập một sự cân bằng trong và ngoài. Tất nhiên là điều này rất khó nhưng mà phải đạt được nó (trạng thái cân bằng) nếu không thì stress sẽ xảy ra.

Còn riêng tôi, tôi sống trong một thế giới mà nhịp điệu của nó hoàn toàn phù hợp với tôi, đó là nhịp của tư tưởng, nhịp của cái đẹp, nhịp của sự im lặng.

Theo ông, con người thời nay có thể được nhìn nhận trong một thế giới như thế nào?

Con người bây giờ, hay bị phân tâm trong thời đại có quá nhiều phương tiện thông tin, nhiều tác động bên ngoài, và dành ít thời gian cho hiện tại.

Những làn sóng đó làm cho họ đi lạc, bị cuốn vào hướng tiêu cực, hoặc bị vỡ mộng, hoặc bị những thói quen vật chất làm cho lệch lạc con người. Do ta nhìn ra ngoài nhiều quá, mà không chịu nhìn vào bên trong.

Hãy nhìn thế giới nội tâm từ đó cố tìm xem thực sự ta muốn, ao ước điều gì, điều đó có phải là hạnh phúc chính đáng không?

 Ta sống với ta một cách đầy đủ trọn vẹn và hãy thức tỉnh thế giới phong phú của nội tâm, ý chí, và dục vọng trong sáng chứ không phải dục vọng mù quáng.

Con người cần làm gì để giữ được thăng bằng trong cuộc sống?

Có những người thành đạt nhưng vẫn rất cô đơn. Họ không biết mình muốn gì. Đâu phải cứ làm ra nhiều tiền là hạnh phúc. Các bạn hãy tỉnh táo, hãy biết coi nó chỉ là một phương tiện, và lưu ý rằng, đời sống luôn hướng về những nguồn vui.

Tại sao hoa cứ luôn nở, tại sao ngày nào ánh sáng ban mai cũng tỏa sắc, vậy thì con người cũng vậy thôi. Thái độ sống là làm sao để đạt được niềm vui cho mình, từ đó chia sẻ cho mọi người.

 Đức Phật có nói đại ý rằng: Ta đến đây để nói lời Trung đạo. Điều này có nghĩa là con người luôn nhìn đời một cách phân biệt, chấp nhất, một phía chứ không thấy phía kia. Làm gì có ánh sáng mà không có bóng tối?

Đừng nghĩ thế gian này theo ý ta, làm sao có sung sướng mà không có đau khổ, làm sao chỉ có hạnh phúc mà không có đớn đau, làm sao có hợp mãi, mà không có tan, có sống, mà không có chết.

 Cái nhìn của Phật là cái nhìn vượt lên biên kiến (một phía). Ta đừng nên bi quan quá, có điều gì nghịch lý thì phải vượt lên cái bi quan của cái nhìn biên kiến đó.

 Ngọc Ái


From the same category