Sống để rửa bát cho sạch

 1. Rửa bát đi!
 

 Trong Vô Môn Quan, một cuốn sách nổi tiếng của Thiền tông, có một công án như thế này:
 
 Một học trò mới đến chùa, vào gặp Thiền sư Triệu Châu (778-897):
 
 – Con mới vào chùa, xin thầy dạy đạo.
 
 – Ăn cháo chưa?
 
 – Dạ ăn rồi.
 
 – Rửa bát đi!
 
 Người học trò liền tỉnh ngộ.
 
 Cái gì làm người học trò tỉnh ngộ?
 
 Tường minh một công án Thiền bằng những suy lý thường tình là việc làm vô nghĩa. Nhưng lời nói của vị Thiền sư rõ ràng đã đánh mạnh vào ấn tượng của người theo dõi công án: Rửa bát đi!
 
 Trong khi người học trò muốn tìm cầu những thứ to tát cao xa, thì người thầy nhắc rằng: bài học lớn nằm ở những việc bình thường nhất. Hãy bắt đầu học từ việc ăn cháo và rửa bát.
 
 2. Khát vọng
 
 Các thành phố lớn luôn là nơi tập trung những khát vọng điển hình cho cả xã hội. Khát vọng kiếm tiền, khát vọng thành công, khát vọng hạnh phúc, và nhiều khát vọng không thể điểm tên.
 
 Thành phố luôn luôn sôi động. Sôi động với tiếng còi xe. Sôi động với chuyện bán buôn. Sôi động với vô số hy vọng và thất vọng mỗi ngày nảy nở như bong bóng xà phòng.
 
 Nhà văn miệt mài bên bàn viết để tìm lối sáng tác mới. Người người miệt mài học chứng khoán để có cách đầu tư tốt. Người mẫu oằn mình với những biện pháp giữ cho cơ thể thanh xuân, ca sĩ, diễn viên mải mê với những scandal tình ái.
 
 Những thanh niên trẻ mỗi tuần lại mua thêm một cuốn sách mới dạy marketing, dạy PR, dạy kinh doanh, dạy chiến lược, dạy tâm lý phụ nữ, dạy cách để thành đạt, dạy cách để sống hoàn hảo và làm giàu nhanh chóng. Ai cũng có một giấc mộng và muốn thực hiện cho bằng được.
 
 Nhưng những khát vọng cao xa lại có mặt trái là đẩy con người xa rời thế giới hiện thực.
 
 Chúng ta không lạ gì những vụ tự tử ở nước Nhật. Những con người học tập quá căng thẳng, làm việc quá sức để thỏa mãn khát vọng thành công, đến một lúc nào đó cảm thấy cuộc sống thật là vô vị. Và họ chết cũng hết sức phi lý như họ vẫn nghĩ cuộc sống là phi lý bởi họ không sao hiểu nổi bản thân mình.
 
 3. Thần tượng
 
 Đám trẻ ngày nay thường khiến người lớn phiền lòng vì cách ăn mặc, nói năng và cả yêu đương của chúng. Không cần nói, ai cũng biết: chúng bắt chước các diễn viên Hàn Quốc, các ca sĩ nổi tiếng ngày nay.
 
 Khi Bill Gates xuất hiện ở Việt Nam, tên ông được nhắc đến ở mọi nơi mọi lúc. Nhiều thanh niên bắt đầu bào chữa cho việc bỏ học đại học của mình là giống thần tượng Bill Gates.
 
 Những phát biểu của Bill lập tức được sưu tầm, và hầu như ai cũng biết quãng đời phấn đấu để thành công của Bill. Những người như Bill Gates, Donald Trump – những tấm gương thành đạt, giàu có – là động lực để thanh niên ở nước ta bắt tay vào thực hiện giấc mộng kinh doanh.
 
 Có Bill Gates đằng trước, có khát vọng đằng trước, họ ra sức đọc sách, học kinh doanh và bắt đầu làm kinh doanh.
 
 Ở những lĩnh vực khác, có những tấm gương như cô gái tình nguyện hay những cô giáo vùng cao, hay những bậc thầy được chào đón ở khắp nơi, được những người hâm mộ khao khát học theo.
 
 Và ở một lĩnh vực hoàn toàn trái ngược, trái cả với kinh doanh lẫn đạo đức, có những tấm gương như Mai Văn Dâu không phải không có kẻ ngấm ngầm hâm mộ, muốn bắt chước.
 
  Hình ảnh và tin tức về những nhân vật nổi tiếng ấy được nhắc đi nhắc lại mỗi ngày. Đến một lúc nào đó, trong bộ não những người hâm mộ họ sẽ hình thành một nếp nhăn: phải làm theo họ.
 
 Có một thần tượng rất lớn và lâu đời, đó là Đức Phật Thích Ca. Mặc dù bản thân ngài và các nhà hoằng đạo uy tín nhất đều khẳng định Phật giáo là một nền giáo dục chứ không phải tôn giáo, Đức Phật vẫn “bị” biến hóa thành một Đấng quyền năng, được thờ phụng và phần nào “bị” khiếp sợ.
 
 Mọi lời ngài nói là chân lý, mọi việc ngài làm đều được bắt chước. Lúc đó, Đức Phật là một thần tượng, một hòn đá đè nặng lên sự tự do tinh thần của kẻ hâm mộ ngài.
 
 Cho nên trong giới Thiền mới có câu “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ”, để nhắc nhở những người học trò rằng: phải luôn giữ lấy sự độc lập, đừng coi thầy là thần tượng.
 
 Người lớn cứ cười cợt cách đám trẻ bắt chước thần tượng của chúng, những diễn viên Hàn Quốc mắt đen môi tím, tóc tai như bị điện giật mà bỏ quên nếp nhà ngoan ngoãn.
 
 Nhưng nhìn lại, ở cấp độ cao hơn, tinh vi và say đắm hơn, nhiều con người nghiêm túc cũng đang bắt chước thần tượng của mình một cách trẻ con. Từ việc làm giàu đến phong cách sống, từ hành động vụ lợi đến công việc cao đẹp.
 
 Thật khó để định ra ranh giới giữa tấm gương và thần tượng. Bill Gates vẫn là Bill Gates, nhưng khi nào, ở đâu ông là tấm gương hữu ích? Khi nào, ở đâu ông là cái tượng thần giam hãm tín đồ? 
 
 
4. Định kiến
 

 Vua Gia Long có một kỷ niệm ngượng ngùng với đứa con trai cả của mình.
 Khi Gia Long chưa lên ngôi, Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện binh với Giám mục Bá Đa Lộc suốt bốn năm.
 
 Tám tuổi, cậu bé trở về, trong cái đầu non nớt đã nêm chặt những quan điểm của Thiên chúa giáo mà vị Giám mục đã cố gắng giảng bảo cho cậu. Cậu nhất quyết không quỳ lạy bàn thờ tổ tiên, vì theo cậu, tổ tiên không còn biết gì nữa.
 
 Sự tức giận của vua cha và vài cái bạt tai của Hoàng hậu trước mặt quần thần cũng chẳng ăn thua. Cuối cùng, ngượng ngùng và nén giận, vua Gia Long phải lạy tổ tiên thay cho con mình.
 
 Ngay sau đó, nhà vua tức giận tranh cãi với Bá Đa Lộc về vấn đề có cần vái tổ tiên hay không.
 
 Nhà vua cho rằng đó là hành động thể hiện sự tôn kính, không cần biết tổ tiên có nhận được hay không. Bá Đa Lộc phê phán tính mê tín của nó. Mỗi bên giữ định kiến của mình.
 
 Mỗi xã hội có một nền tảng những quan niệm; ngấm sâu vào mỗi cá nhân trong cuộc sống hằng ngày, đến nỗi thành định kiến.
 
  Có những khi định kiến khiến con người ác độc với nhau và với chính mình. Chính cái định kiến coi rẻ cuộc đời phàm tục đã khiến các tu sĩ khổ hạnh tự hành hạ mình.
 
 Chính những định kiến về việc thờ cúng tổ tiên hay không dẫn đến xung đột giữa triều đình vua Tự Đức, chắt của Gia Long, với những người Thiên Chúa giáo.
 
 Dường như những giá trị nền tảng của xã hội hiện đại đã thấp thoáng thành hình. Đó là thông tin, thành đạt, công nghệ, tính hiện đại.
 
 Cứ thử hình dung vài chữ nếu… Khi tính hiện đại trở thành định kiến, con người sẽ coi thường truyền thống. Khi công nghệ đi vào định kiến, sự giản đơn sẽ bị rẻ rúng.
 
  Khi thành công là định kiến, những hưởng thụ nho nhỏ sẽ bị không được đếm xỉa đến. Khi thông tin biến thành định kiến, cảm giác, linh cảm sẽ bị cho là vớ vẩn.
 
 
5. Kẻ thất bại ở Ga L’Enfant Plaza
 

 Pearl before breakfast (Ngọc trai trước bữa sáng) là tên một bài báo của tác G.Wiengaten trên tờ Washington Post ra ngày 8/4/2007.
 
 Bài báo viết về một cuộc thử nghiệm đánh giá khả năng cảm thụ của công chúng bằng  việc nghệ sỹ violon Joshua Bell, 39 tuổi, nghệ sĩ violon chơi nhạc cổ điển hay nhất nước Mỹ, “lặng lẽ” mặc quần áo đường phố và chơi nhạc vào giờ cao điểm lúc 8 giờ sáng tại ga L’Enfant Plaza (Mỹ).
 
 Nhưng trái với dự kiến rằng đây là một trò giật gân, thì với 1017 người đi qua, tiếng đàn được coi là làm cho nhân loại biết ý nghĩa của cuộc sống là gì đã không hề thu hút được một đám đông như dự kiến dẫu là một giây.
 
 Anh đã chơi 6 bản nhạc cổ điển bằng những tiếng nhạc thiên tài. Cây đàn vĩ cầm trên tay anh có giá trị 3,5 triệu đô la, và bằng tài năng anh có thể kiếm được 1000USD/phút, nhưng ở nơi này, anh chỉ kiếm xấp xỉ 0,6USD/phút.

Có 1017 người đi qua, nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay số người lưu ý nghe tiếng nhạc đôi chút và 3 người thực sự thấy anh là một thiên tài.
 
 Điều này minh chứng rằng cuộc sống gấp gáp, hối hả của đám đông vội vã, trì ệ, lo lắng… làm cho họ mất khả năng “chậm” lại để cảm nhận âm nhạc, và biết bao vẻ đẹp của cuộc sống đã bị trôi qua một cách đìu hiu như vậy.
 
 6. Tình dục, người tình bàn tay chậm (Carl Honore)
 
 Theo một triết gia: “Hầu hết đàn ông đều theo đuổi khoái lạc với sự hối hả không kịp thở tới mức họ mau chóng trở thành bất lực”.

Nhà báo Carl Honore muốn đề cập tới triết lý tantra (làm tình chậm) trong thế giới hiện đại không còn kiên nhẫn với bất kỳ ai không theo kịp nhịp độ tình dục.
 
  Nhiều người đã mắc phải căn bệnh không ham muốn, hứng thú với tình dục. Sự âu yếm vuốt ve, quan tâm tới người bạn tình hầu như ít tồn tại với những đôi sống với nhau trong một thời gian dài.
 
  Sự hâm nóng, làm khởi động tình yêu đã mất có thể nhờ phần nào vào tantra để chống lại sự hối hả một cách thờ ơ, chịu đựng, xâm chiếm và bạo lực trên giường…

Đến chuyện yêu mà cũng quá vội vã và tranh thủ, thì con người thật là khổ biết bao. 
 
Hãy làm thế nào để ta tìm thấy tìm thấy trong tình dục những ý niệm về cái thẳm sâu, siêu nghiệm xuất phát từ tinh thần và con tim.
 
 
7. Hãy thở đi mình còn đang sống!
 

 Giữa một thế giới luôn vội vã, vội vã đến mức dùng tin nhắn cũng mất thời gian. Vội vã ngày hôm nay, để ngày mai lại vội vã như vậy.
 
 Phải chăng, mỗi người có thể tìm thấy cho riêng mình sự yên tĩnh để nhìn lại những gì mình đang có, những khát vọng đang lôi mình đi một cách quá đà, những định kiến đang che mờ tâm trí.
 
 Có thể sống yên tĩnh hơn, hưởng thụ cuộc sống tốt hơn khi ta chú ý vào những việc nhỏ nhặt như rửa bát, quét nhà, tắm giặt, khi đặt hết cảm giác và suy nghĩ của mình vào đó.
 
 Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói: “Hãy- thở -đi- mình- còn- đang -sống!” Cho dù bạn theo học thuyết phương Tây hay phương Đông, hãy nhanh lúc cần nhanh, hãy tự tặng cho mình những giây phút tĩnh lặng.

Bạn cũng đừng bao giờ tuyệt vọng quá vì bất cứ điều gì, hãy lắng nghe hơi thở của mình, của cuộc sống rồi sẽ có lúc bạn thấy được sống quả là điều diệu kỳ.

 Nguyễn Huy Hùng


From the same category