Tôi không lấy chồng vì đến tuổi phải lấy

Bắt đầu từ tháng 6 này – ở tuổi 26 – Trần Nguyễn Như Hoa lại trở về “đại gia đình” Unilever trong vai trò Giám đốc thương hiệu Close–Up! Trước đó, khi mới tốt nghiệp Đại học Kinh tế loại ưu, trải qua 7 cuộc thi cùng 2.000 sinh viên khá giỏi trên toàn quốc, cô đã trở thành 1 trong 20 quản trị viên tập sự của tập đoàn Unilever.
 
 Sau đó Hoa chuyển hướng làm marketing ở những công ty “sừng sỏ” nhất: từ công ty Nghiên cứu thị trường Ac Nielsen đến công ty quảng cáo Bates World Wide, rồi làm nhân viên marketing cao cấp của tập đoàn PepsiCo.
 

 Thành đạt thì rõ, nhưng chẳng biết có phải vì vậy mà cô đâm ra… “khó” yêu, mà “khó” yêu bắt đầu từ chính những gạch đầu dòng về người đàn ông của mình.
 
 Đầu tiên, xin hỏi chị có muốn… yêu không?
 
 Đương nhiên là rất muốn. Nhưng thà không yêu, chứ đã yêu thì phải yêu đúng kiểu tình yêu mình muốn, chứ tôi không yêu tạm cái có sẵn.
 
 Chị muốn kiểu tình yêu thế nào?
 
 Trước đây mọi người quan niệm con gái lớn là phải lấy chồng, phải sinh con đẻ cái. Nó gần như là cái vòng tuần hoàn mà người ta phải đi. Nhưng tôi không nhìn ở góc độ đó.
 
 Chuyện lấy chồng, sinh con không nhất thiết là một bước tôi phải làm trong cuộc đời mình. Với tôi, tình yêu phải là sự hòa hợp. Không nhất thiết ở tuổi đó, gặp anh chàng đó – nhìn cũng được, gia đình tốt, bản thân tốt, có công ăn việc làm – là lấy được.  Mà ít nhất, anh ta phải chia sẻ với mình về quan niệm sống, về gia đình và cách anh ta quản lí cuộc sống.
 
 Hôn nhân chỉ diễn ra khi tôi biết được người đó sẽ đóng góp như thế nào trong cuộc sống của mình. Cuộc sống của mình có đẹp hơn không và đẹp hơn như thế nào? Ngược lại, tôi cũng phải đóng góp được gì cho cuộc sống của người đó.
 
 Quan điểm hôn nhân “Người đó sẽ đóng góp như thế nào trong cuộc sống của mình” của chị cho thấy ít có sự hy sinh theo cách của một phụ nữ truyền thống?
 
 Nhưng xem kỹ, chị sẽ thấy vẫn có sự hy sinh. Vấn đề là hy sinh theo cách nào. Tôi quan điểm, khi anh lấy mình về, mình làm được gì cho anh và anh làm được gì cho mình. Tài sản cũng chẳng phải điều gì quá to tát, quan trọng là chuyện anh nhìn nhận cuộc sống gia đình như thế nào.
 
 Nếu anh quan niệm tôi tìm một người cùng mình xây dựng gia đình cho thế hệ tương lai, nuôi dạy những đứa con của tôi, thì lúc đó mình toàn tâm chung sức với anh.
 
 Một tình huống khác nữa là, với anh ta, quan trọng không phải gia đình, mà anh ta phải là “ông nào” trong vòng 5 – 10 năm tới, và con anh ta phải tốt nghiệp trường nào, ở nước nào, người bên cạnh phải là một phu nhân xinh đẹp, để cuộc sống của anh ta là một bức tranh hoàn hảo mà tất cả mọi người đều ngắm nhìn, thì chắc chắn tôi cũng không chấp nhận bước vào bức tranh đó, không thể nào hy sinh cho bức tranh đó. Vì tôi và anh ta đã không chia sẻ chung một quan niệm về cuộc sống, gia đình.
 

 Cụ thể hơn, chị cần người đàn ông đóng góp gì cho cuộc sống của mình?Và chị có thể đóng góp được gì cho cuộc sống của họ?

 
 Thứ nhất, mình trẻ, lương mình không thấp, mình khá độc lập về kinh tế. Đó là một thứ tôi có thể đóng góp. Thứ hai, trong gia đình, tôi rất thích giá trị của người Á Đông mà người phương Tây cũng rất ngưỡng mộ, như câu “Phu phụ tương kính như tân” chẳng hạn. Vợ chồng sống bao nhiêu năm, vẫn phải luôn đối xử với nhau như khách quý. Đó là thứ tôi có thể đóng góp, nếu tìm được người phù hợp với mình.
 
 Thứ ba, tôi rất thích sự tôn ti trật tự. Là phụ nữ, dù bạn kiếm được rất nhiều tiền, nhiều hơn cả chồng, nhưng khi về nhà, bạn vẫn phải tôn trọng chồng, coi chồng là chỗ dựa chứ không ra oai, lấn lướt.
 
 Trong một gia đình, mẹ rất yêu bố, rất kính trọng bố, thì các con sẽ thấy bố là cây tùng cho cả gia đình. Tôi tin mình sẽ làm được điều đó. Chưa kể tôi tin rằng mình có thể thương bố mẹ chồng như bố mẹ mình.
 
 Còn người đàn ông đóng góp được gì cho tôi ư? Thứ nhất, trong gia đình, đôi khi cần một người bạn để có thể chia sẻ được với mình. Ví dụ đi làm mệt mỏi, rồi gặp những va chạm ngoài xã hội, tôi cần chồng đóng vai trò người bạn chia sẻ, chứ không phải là người ngồi chỉ dạy: em phải làm thế này, em phải làm thế kia.
 
 Thứ hai, đóng vai trò người chồng, người bố, nghĩa là người đàn ông đó phải có trách nhiệm, biết chia sẻ gánh nặng trong gia đình, không chỉ chăm chăm lo cho sự nghiệp của mình.
 
 Những “gạch đầu dòng” lý trí trên cho thấy, chị thiếu sự phiêu linh và bản năng trong tình yêu. Phải chăng điều đó tạo nên sự lạnh lùng và vẻ bề ngoài khó gần của chị, dẫn đến đàn ông cũng thiếu tự tin khi đến với chị?
 
 Chị nói hoàn toàn đúng. Trong tình yêu tôi rất tỉnh táo. Cách tôi yêu khác cách bạn bè tôi yêu. Không cần lý trí, chỉ cần có cảm xúc mạnh là họ có thể lao vào nhau, yêu nhau rất nồng nhiệt.
 
 Có thể cái đầu của tôi quá tỉnh táo, nhưng tôi nghĩ, tình yêu dù nồng nhiệt cỡ nào, nếu bạn không nhìn rõ bản chất của nó, không biết vì sao mình yêu, thì càng yêu nhiều, sau này càng hận nhiều, càng ghét nhau nhiều. Bởi rất đơn giản, tình yêu là sự ích kỷ.
 
 Có một câu quá cũ, nhưng nó nói đúng bản chất của tình yêu bền vững, đó là “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà cùng nhìn về một hướng”. Cái gì sẽ níu chân nhau khi hai người không còn nồng thắm nữa? Phải chăng đó là cái nghĩa và sự tôn trọng lẫn nhau. Còn yêu nồng nhiệt, cho bạn những lúc thăng hoa, nhưng rất mong manh, dễ vỡ.
 
 Vậy nên tôi chọn cái bền vững, dù phải thiếu một chút thăng hoa! Tôi cũng không phủ nhận mình là người khó gần, khó tính. Chính một số người bạn, mãi sau này mới nói là họ không dám đến với tôi, vì nhìn tôi “sắc” quá, thiếu cái “mềm” của phụ nữ, nên họ sợ.
 
 Có thể sau này tôi sẽ chỉnh sửa để nhìn mình đừng “nhọn” quá, “sắc” quá, để người ta không ngại khi đến gần mình. Nhưng nhất định tôi sẽ không làm mất đi sự tỉnh táo. Đó là con người tôi, và tôi không thấy cái gì xấu ở trong đó.
 
 Quay lại những “gạch đầu dòng” của chị. Nếu dễ tìm hẳn giờ chị không phải “một cõi đi về”. Nghĩa là tìm người đàn ông như thế không hề dễ, dù tiêu chí của chị, tuy “tỉnh”, nhưng rất chính đáng?
 
 Đúng. Không dễ một chút nào. Vì đàn ông bây giờ thực dụng hơn! Nhiều người nghĩ điểm họ thu hút phụ nữ là sự thành đạt. Họ có một cái bụng to, tương đương với một cái chức to. Họ có một chiếc xe hơi bự, một cái nhà to, và một đống cổ phiếu trong tay nghĩa là họ đã quá “sexy” đối với phụ nữ rồi!
 
 Thật ra, họ có thể cuốn hút đối với một số phụ nữ nhất định. Nhưng bên cạnh nhóm phụ nữ đó vẫn còn một nhóm phụ nữ sống bằng cái đầu, nghĩa là họ vẫn sống tự lập được, và tự tin sống một mình rất thoải mái, mà không quá cô đơn hay đau khổ. Đối với một phụ nữ như vậy thì sự “sexy” như vậy chưa đủ.
 
 Nếu anh có xe hơi, tôi cũng kiếm được xe hơi. Anh có cổ phiếu, tôi cũng kiếm được cổ phiếu. Anh có đất tôi cũng mua được đất… Chẳng qua tôi làm lâu hơn anh một chút, nhưng vẫn kiếm được, nếu đó là cái đích. Những người phụ nữ như vậy cần ở người đàn ông một cái đầu cao hơn và một trái tim rộng hơn. Nên thực sự là rất khó tìm.
 
 Bên cạnh những người đàn ông thực dụng như chị nói, chị có thấy vẫn còn những người đàn ông gia trưởng?
 
 Phần lớn đàn ông Việt Nam vẫn gia trưởng! Nó truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Sau này có những người đỡ gia trưởng hơn, đó là những người đi du học hoặc từng sống ở nước ngoài.
 
 Đó cũng là lí do có một thời gian tôi chỉ quen người nước ngoài hoặc Việt kiều chứ không quen đàn ông Việt Nam, mà họ cũng không dám lấy tôi. Bởi họ biết họ không thể nào kiểm soát được tôi, và không thể nào dạy bảo tôi như những người vợ bình thường.
 
 Tuy nhiên, họ phải nhận ra một điều là bây giờ phụ nữ dành cho họ đâu phải là phụ nữ truyền thống như ngày xưa. Bản thân người đàn ông thông minh, thành đạt tôi nghĩ cũng không thể sống với người phụ nữ chỉ cun cút nghe lời chồng.
 
 Vợ còn là bạn đời nữa. Khi thất bại, hoặc va chạm, bị bầm dập ngoài cuộc đời, thì về nhà người đàn ông còn có vợ là chỗ dựa tinh thần, ít nhất nói chuyện được với họ. Còn “búp bê” chẳng thể nào nói chuyện được, và họ lại phải đi tìm rượu hoặc tìm người tri kỷ ở ngoài thôi.
 
 Nên xã hội phát triển, bản thân đàn ông và phụ nữ đều phải tự điều chỉnh. Tôi chỉ có hai quyết định: hoặc mình tự thay đổi; hoặc mình vẫn giữ đòi hỏi của mình, nhưng linh hoạt hơn một chút.
 
 Chị sẽ chọn cách nào?
 
 Trước đây tôi tìm người yêu theo cách “check list”, mà thiếu trái tim. Tôi thường đi lòng vòng xem trong những người mình quen, ai vừa với “bức tranh” của mình nhất. Nhưng sau này tôi thấy điều đó khó xảy ra. Vì sẽ chẳng có ai là “nửa kia” hoàn hảo của mình được. Nên phải mài mòn bớt yêu cầu của mình và người kia cũng vậy.
 
 Đó là lí do bây giờ tôi không còn “check list” nữa, mà mở rộng trái tim của mình hơn. Tôi tiếp xúc một cách “mềm” hơn để nó đến một cách tự nhiên.
 
 Nhưng tôi luôn nhấn mạnh vào quan niệm sống, với tôi điều đó rất quan trọng. Cuộc đời của bạn có thể đi lên, đi xuống, nó chỉ là biểu đồ hình sin thôi, cái trục nằm yên ở giữa để bạn dao động xung quanh chính là quan niệm sống của bạn, nó định hình cuộc đời và tạo nên con người bạn.
 
 Tôi sẽ để ý quan niệm sống của anh ta như thế nào. Sau đó tôi hoàn toàn để trái tim mình nói chuyện. Tôi nghĩ, chỉ cần cùng một quan niệm sống là đã có thể đến gần nhau rồi. Mà hai mảnh muốn gắn lại với nhau thì đều phải mài một chút mới khớp nhau được. Nói cách khác là hai người cùng thay đổi để cuộc sống tốt hơn.
 
 Cũng khá may là tôi đang le lói tìm thấy được người đó, khi đã thay đổi quan điểm. Nhưng cũng nhấn mạnh, tôi không lấy chồng vì đã đến tuổi phải lấy. Nếu lấy chồng theo nghĩa vụ, dù là nghĩa vụ nào, cũng sẽ không mang lại hạnh phúc cho ai cả, nên tốt nhất tôi sẽ không “làm nghĩa vụ”.
 

 Dương Sương Mai

 Ảnh: Jundat

 


From the same category