Kim Mai - Người lạ không... xa lạ - Tạp chí Đẹp

Kim Mai – Người lạ không… xa lạ

Bộ Sưu Tập

Trên trang bìa ĐẸP số Xuân 2007, bên cạnh gương mặt xinh đẹp quen thuộc của Ngô Thanh Vân là hình ảnh một người phụ nữ đã ở cái tuổi mà người ta quen gọi là “toan về già” nhưng vẫn đầy sức sống và có sức hấp dẫn kỳ lạ. Gương mặt ấy đến giờ vẫn còn gây nhiều thắc mắc cho những ai đã trót “chiêm ngưỡng” trên báo, và câu chuyện đằng sau người đàn bà bí ẩn này còn hấp dẫn hơn nhiều những gì chị thể hiện trên số báo đặc biệt ấy…

 Chị là Lâm Thị Kim Mai, người thân thiết vẫn gọi là “chị Mai”, bạn bè, khách hàng nước ngoài thì gọi là “Mai Lam”, chữ “Lam” đọc như kiểu Mỹ, “a” thành “e”, và chị tự gọi mình là “Mai Lem”. Hiện tại chị Kim Mai sống và làm việc ở Sài Gòn, là một nhà thiết kế thời trang với thương hiệu Mai’s.

Đó là một người phụ nữ kỳ lạ, lạ từ những gì chị mặc trên người, như muốn phá bỏ đi những quy ước vốn đã cũ mòn mang danh thân thuộc, lạ hơn nữa trong những câu chuyện chị kể về những thăng trầm của mình, với một giọng kể đầy quyến rũ điểm những nụ cười sảng khoái trên khuôn mặt rõ ràng đã có dấu thời gian nhưng dường như không có chỗ cho “tuổi già”.

Chuyện của một "boat people"

Thưa chị Mai, tấm hình trên bìa Đẹp số Xuân vừa rồi đã đem lại cho chị những gì?

Đó là một bất ngờ cho tôi. Tôi không nghĩ là mình chụp ảnh để mà được lên bìa. Trước đó, nhiều bạn bè tôi bảo tôi nên theo con đường “underground”, không nên ồn ào, ít xuất hiện thôi. Nhưng sau lần lên báo vừa rồi, tôi thấy việc ấy cũng tốt, mọi người nhìn tôi nhiều thiện cảm, công việc kinh doanh tốt hơn.

Và vì thế, hôm nay, chắc chị không ngần ngại kể những câu chuyện đời mình?

Tôi sẽ kể thoải mái với bạn, nhưng hy vọng không ai nghĩ tôi đem chuyện riêng của mình để… tiếp thị cho cửa hàng. Nói không phải để khoe, nhiều lúc tôi vẫn nghĩ cuộc đời tôi đáng là một kho kinh nghiệm cho không chỉ riêng tôi. Mới đây, có mấy người bạn tôi làm phim ở nước ngoài đang muốn khai thác những kinh nghiệm ấy cho một show truyền hình nữa.

Vậy chúng ta sẽ bắt đầu từ…

Chắc là từ khi tôi trở thành “Việt kiều” đi. Tôi đến Úc năm 1976, như bao nhiêu người

 Chị Kim Mai sống trong một căn biệt thự nằm trong khuôn viên khu Nhà khách Chính phủ trên đường Lý Thái Tổ (Tp.HCM). Trong căn nhà được trang trí rất đẹp ấy, chị hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc bên người chồng rất yêu vợ cùng 5 người con.

Chị có một xưởng làm việc nho nhỏ, nơi hiện thực hóa mọi ý tưởng của mình, nơi ra đời những bộ trang phục rất lạ, chẳng hạn những pha trộn giữa áo tứ thân hay áo yếm với quần jeans, những bộ đồ lính được “dân sự hóa” và rất nhiều những món accessories độc đáo.

Chị tự tin vì hiện cửa hàng Mai’s trên đường Đồng Khởi đang rất đắt hàng, còn những bộ đồ được (hay bị) cho là “underground” dù ngay bây giờ có thể lạ lẫm, nhưng rồi sẽ sớm thịnh hành khi mà những quan niệm về thời trang ngày càng cởi mở hơn. Giữa làn sóng đổ bộ của các thương hiệu thời trang quốc tế vào “con đường vàng” này, Kim Mai và Mai’s vẫn rất yên tâm với cách làm haute-couture của mình…

khác, là dân “boat people”. Lúc mới đến nơi, chồng tôi tiếp tục đi học, còn tôi đi làm cho xưởng cá, ở đó có nhiều người Việt cùng làm, mà tiếng Anh của tôi khi ấy thì rất tệ.  6 tháng sau tôi chuyển qua làm… rửa chén ở một khách sạn 3 sao. 3 tháng sau khách sạn đóng cửa, tôi “được” đi làm giặt đồ ở khách sạn 5 sao, Hilton đàng hoàng.

 Rồi bước ngoặt đời tôi xảy đến khi tôi lại được chuyển qua làm trong bếp. Tóm tắt vậy thôi, chứ người Việt mình lúc mới qua hầu hết đều vất vả như vậy, tôi không muốn mang tiếng kể khổ.

Bước ngoặt chị vừa nói đã làm nên con người “Mai Lam” hôm nay?

Chưa đâu. Tôi đã nói đời tôi còn nhiều lần tích lũy kinh nghiệm mà. Khi được vô bếp làm, tôi thấy người ta làm mấy cái tượng bằng nước đá, rồi tỉa hoa củ quả để đi thi lấy giải cho khách sạn, tôi nghĩ mấy thứ đó mình cũng làm được. Phải nói thêm là trước đây, khi còn ở Việt Nam, tôi là một kiểu “tom boy” chính hiệu, nghịch như con trai, chuyện đan lát thêu thùa nấu nướng tôi chịu, còn leo cây bắn ná thì tôi rất giỏi.
Qua Úc, tôi bị “ép” trở thành người phụ nữ đích thực (cười). Tôi đề nghị khách sạn cho tôi được dự thi đầu bếp năm sau. Họ bắt tôi chứng minh tài năng của mình, và tôi làm ngay bức chân dung ông sếp bằng đường trắng và chocolate; rồi làm con cá đẻ trứng bằng nước đá và caviar; một vườn hoa hồng bằng củ cải. Vậy là tôi được cử đi thi và đem huy chương vàng về cho khách sạn, vài lần “vàng” nữa rồi tôi xin nghỉ và chuyển qua mở tiệm hoa.

Từ một “tom boy” chuyển qua làm toàn những công việc mà yếu tố cần nhất là nữ tính tràn trề, ngoài bức bách cuộc sống, chị tự thấy mình còn tố chất nào để có thể nhảy từ… xưởng cá đến vị trí nhà thiết kế thời trang đầy tính tiên phong bây giờ?

Tôi nghĩ là mình có khiếu mà lúc trước không biết thôi, tôi cũng là người khéo tay nữa. Hồi mới mua nhà, thấy người ta báo giá mấy cái rèm mắc khiếp, thế là tôi tự làm, lại được chồng khen nức nở, hàng xóm cũng khen. Việc mở tiệm hoa cũng gián tiếp từ ông xã tôi.

Ổng thường xuyên mua hoa tặng tôi, có lần rảnh rang tôi đi thăm dò giá cả thì biết hoa ổng mua giá mắc gấp 10 chỗ tôi biết. Thế là tôi mở tiệm hoa, có mối sẵn là các khách sạn lớn, rồi bán lẻ nữa. Cũng từ khéo tay, tôi có những cách đơn giản làm cho cửa hiệu đông khách, chẳng hạn cho thêm con gấu bông vào lẵng hoa sinh nhật em bé. Cứ thế, rồi tôi có 4 tiệm hoa, doanh thu rất là lớn, đủ cho tôi mua nhà ở khu thượng lưu, và ông xã về lại Việt Nam đầu tư…

Nếu chỉ bằng tiền bán hoa mà đầu tư cả cơ ngơi thép Việt – Úc thì quả cũng… khó tin thật!

Tôi là người may mắn, thật đấy. Lúc mở cửa tiệm hoa, tôi cứ nghĩ mình chăm chỉ làm ăn nhỏ để ông xã học hành đàng hoàng rồi trở thành nhà đầu tư, đi theo truyền thống gia đình.

Khi đó tôi có rất nhiều tiền, mua nhà, mua xe toàn bằng cash (tiền mặt). Còn chuyện đầu tư thì do cơ may nữa. Tôi có ông hàng xóm, là nhà đầu tư, ông bảo vợ chồng tôi có bao nhiêu gom hết lại, cần ông cho vay, vài chục triệu cũng được. Thế là năm 1991, gia đình tôi kéo nhau về lại quê hương. Lúc đầu cũng hơi sợ, mình là thuyền nhân mà, sợ bị bắt. Nhưng rồi mọi chuyện đã rất ổn thỏa cho chúng tôi đến tận bây giờ.

Còn một nguyên nhân nữa cho chuyến bồng bế nhau trở về của chúng tôi là tôi sợ con tôi ở bên đó bị hư. Về Việt Nam, dù kinh doanh có không thành công thì các con tôi vẫn biết được nguồn gốc của chúng dễ dàng hơn.

Chuyện của một Designer

Khi về Việt Nam, ông xã chị đã có ngay sự nghiệp là Thép Việt – Úc, còn chị đã khởi nghiệp ra sao khi không thể mở tiệm hoa nữa?

Cũng bắt đầu từ chồng tôi. Công việc khiến chồng tôi có nhiều mối quan hệ với các doanh nhân trên thế giới, thỉnh thoảng họ qua Việt Nam chơi, và tôi đưa các bà vợ đi mua sắm.

Đến các nhà may, thấy ở đó giỏi nghề nhưng không có nhiều ý tưởng, tôi vẽ mẫu cho họ may luôn. Thế là các bà phu nhân kia bảo sao không tự mình làm một “business” riêng đi, các bà sẽ ủng hộ đầu tiên. Ngẫm lại, tôi đã hy sinh cho chồng con nhiều, giờ là lúc làm theo cái đam mê của mình. Thế là tôi mở tiệm.

Từ lúc nào chị có ý tưởng đưa các bộ đồ lính vào sưu tập thời trang của mình, phải chăng “hiệu ứng chiến tranh” còn là một cơ hội làm ăn tốt?

Quần áo lính đủ các kiểu người ta bán đầy, tôi có một cách nghĩ khác với loại trang phục này. Tôi có một sở thích riêng tư với những chiếc áo cái quần lính. Nhưng ngó đồ lính tôi rất buồn, vì nghĩ đến bố và anh trai mình, họ đều không còn nữa. Từ đó tôi muốn làm sao cho những bộ đồ kia bớt gợi lên cảm giác dữ dằn, còn mình mặc lên thì không thấy sợ nữa. Đôi lúc chỉ thêm vài họa tiết là một bộ đồ quân nhân trở nên đầy hấp dẫn ngay. Các khách hàng của tôi đã nói thế.

Còn công thức nào để một chiếc áo tứ thân cách điệu có thể “ăn” với quần lính hầm hố hay quần jeans phong trần?

Hai thứ đó, áo tứ thân và quần jeans, đều là những đồ mặc thông dụng của những đối tượng khác nhau, thời đại khác nhau. Tôi cho chúng đứng cạnh nhau và làm chúng cũ đi bằng cách mài, đánh, pha màu của riêng tôi. Tôi còn có loại áo dài mặc với quần jeans, áo dài mặc trên bãi tắm khoác ngoài bikini..

Xem ra toàn những sản phẩm hơi… lập dị, chị lý giải những ý tưởng kỳ lạ này thế nào?

Tôi làm thời trang cao cấp nhưng muốn nhắm đến sự tiện dụng. Khách hàng nước ngoài của tôi bảo họ muốn có những bộ đồ thấy rõ là của Việt Nam, nhưng phải dễ mặc, tiện lợi. Họ không mua một bộ đồ về chỉ để trong tủ kính hay diễn tuồng, họ lại càng không cần những bộ đồ na ná như bên họ.

Có người nhìn đồ của tôi, thấy cách tôi ăn mặc, họ bảo tôi quái đản, tôi chẳng lấy làm buồn. Tôi đã đi đúng con đường của mình, được làm điều tôi thích và thấy xung quanh vẫn có người mặc đồ của mình.

Tính cao cấp của những bộ đồ chị tạo ra còn nằm ở đâu ngoài chuyện khách hàng của nó chủ yếu là người nước ngoài?

Trang phục của tôi có giá cao không phải vì nó lập dị kỳ quái hay người mua nó toàn giàu có. Tôi đã làm ra chúng hoàn toàn bằng tay, vải vóc cũng là những lô hàng đặc biệt làm riêng, mẫu thêu do tôi tự học, tôi đã đi Ấn Độ 6 tháng để học những mũi thêu mới, khác với cách thêu quen thuộc trước giờ ở Việt Nam.

 Tôi nhuộm màu cũng bằng tay luôn, toàn là những thứ từ thiên nhiên như lá trà, cà phê, củ nâu, một loại lá ở Sapa mà tôi không biết rõ tên.
Mỗi chiếc áo hay cái khăn nhỏ tôi bán ra đều là kết quả của quá trình lao động thủ công cầu kỳ. Và tôi làm ít lắm, đúng tâm lý thích “hàng độc” của khách hàng mình đấy.

Chị nhắm đến những “trường phái” khách hàng nào với những đặc sản thủ công của mình?

4 đối tượng: già quậy, già cổ hủ, trẻ quậy, trẻ cụ non.

Nếu phải tóm tắt ngắn gọn về phong cách thời trang của mình, chị sẽ nói…

Past – Present – Future

Chị có cảm thấy sự tương đồng nào giữa những sáng tạo có phần lập dị của mình với các nhà tạo mẫu Việt Nam khác?

Tôi không nghĩ mình lập dị, có thể bây giờ mọi người thấy đồ của tôi quái lạ, nhưng chỉ cần thay đổi cách nghĩ đi chút ít là thấy nó bình thường thôi.

Theo tôi, làm thời trang thì nhất định phải tạo được dấu ấn của mình, và phải đi được con đường riêng của mình, dù khó khăn, chứ không thể cứ mãi sao chép của nước ngoài hay cứ tạo ra những bộ đồ mãi mãi chỉ để trình diễn trên sân khấu.

Riêng tôi thích Minh Hạnh, dù tôi không mặc được đồ của cô ấy, nhưng tôi đánh giá cao sự dũng cảm của cô ấy khi đi đến cùng lựa chọn của riêng mình. Sắp tới đây tôi sẽ có thêm nhãn hiệu Mai Mai, chủ yếu dành cho giới trẻ, với giá cả rất mềm, khoảng từ 70.000đ đến 700.000 đồng, và sẽ không ai thấy tôi lập dị nữa đâu.

Đã thành công cả khi đứng sau người chồng lẫn khi có sự nghiệp riêng, giờ đây chị còn muốn “nhảy” sang lĩnh vực gì khác không, như đã từng “nhảy” nhiều lần…

Lúc này tôi hoàn toàn hài lòng với những gì mình đã tạo dựng được. Hạnh phúc của tôi giờ là được chồng và con trai lớn – nó cũng là một doanh nhân thành đạt – rất ngưỡng mộ. Tôi là người đàn bà của gia đình mà!

 Nguyễn Minh

 Ảnh: Phạm Hoài Nam

 

 

 

 

 

Thực hiện: depweb

05/06/2007, 11:50