Nhịp điệu Salsa

 Hãy thêm chút hương vị thân thiện, chan chứa tình cảm, nóng bỏng và phóng khoáng, sôi động và mãnh liệt bằng những nhịp Salsa. Bạn sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp lên rất nhiều, và hãy khám phá tâm hồn của những người xung quanh bạn qua điệu Salsa yêu đời…

Do you Salsa?
 
 Trên thế giới, từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi tới châu Á, châu Úc… trên phim ảnh hay tiểu thuyết, người ta nhắc tới Salsa như một thứ mốt thời thượng với hàng loạt mỹ từ như: quyến rũ, nóng bỏng, cuồng nhiệt… “Do you Salsa?” trở thành một trong những “thước đo” độ hấp dẫn và sự tự tin năng động của lớp thanh niên thời hiện đại.
 
 Salsa là nước sốt cay
 
 Chuyện kể rằng từ thuở xa xưa, khi những người da đen bị bắt lên tàu làm nô lệ, họ đã mang theo đến châu Mỹ những vũ điệu, lời ca, và nhịp trống truyền thống của quê hương mình. Dòng nhạc châu Phi từ đó hòa nhịp với âm nhạc châu Mỹ Latin, tạo nên âm hưởng “Afro-Cuban” đầy hoang dại, tâm linh và quyến rũ lòng người.
 
 Vào những năm 1960, các nhạc sỹ Cuba tị nạn tại New York chơi nhạc của mình tại các quầy bar. Ngoài các bộ gõ truyền thống, họ đã đưa vào các nhạc cụ phương Tây như kèn trumpet, đàn piano… Mỗi khi điệu nhạc này vang lên, hàng loạt nhạc cụ từ trống, kèn, đàn, bộ gõ được pha trộn cùng lúc, tạo nên một bản nhạc giàu âm điệu, phức tạp về nhịp, phách và rất cuồng nhiệt.
 
 Mỗi khi các vũ công nhảy múa theo điệu nhạc, người nghệ sỹ chơi đàn lại cổ vũ “Add more Salsa to your dance!” (Mặn nồng nữa vào!). “Salsa” – nghĩa là nước sốt cay – sau này đã được giới chơi nhạc dùng để chỉ thứ âm nhạc mê hoặc này.
 
 Nếu nhạc Salsa được coi là thể loại phức tạp nhất thế giới, thì điệu nhảy Salsa cũng không kém phần nổi tiếng khi được coi là bà hoàng của sự quyến rũ. Tương truyền bước nhảy cơ bản của Salsa được ra đời trong hoàn cảnh một chàng trai muốn tỏ tình với một cô gái, khi chàng trai tiến đến gần, cô gái liền lùi lại thể hiện sự e thẹn, chàng trai thấy vậy liền ngần ngại rút chân về, cô gái vốn bị hấp dẫn bởi chàng trai, thấy vậy liền chủ động tiến đến. Toàn bộ bước nhảy của Salsa vốn dĩ đã mang câu chuyện “đuổi bắt” của lứa đôi, và quả thật, chỉ cần nhìn bước nhảy cơ bản của Salsa, bất cứ ai cũng có thể xiêu lòng.

Thanh niên cùng hòa nhịp Salsa
 
 So với các điệu nhảy khác được du nhập vào Việt Nam, Salsa thu hút mọi tầng lớp, lứa tuổi, vì tính phóng khoáng đường phố, âm nhạc hấp dẫn… Không nghiêng nặng về quy định, luật lệ như nhảy cổ điển nhưng vẫn có những “vũ hình” độc và gợi cảm. Cho phép sáng tạo và khẳng định cái tôi như Hip – Hop, Breakdance… nhưng vẫn duy trì được “tình cảm với nửa kia”, cảm tính nhưng không thái quá và kích động như một số điệu nhảy tại các vũ trường quá nửa đêm. Có người đã ví Salsa “hiện đại” như Hip-Hop, tình cảm như Rumba, và ngẫu hứng như nhạc Jazz!
 
 Cách đây 3 năm, ở Việt Nam, điệu nhảy này hầu như không được biết đến. Còn giờ đây, nhảy Salsa đang là một thú chơi dần trở thành đam mê của rất nhiều bạn trẻ.
 
 Vào năm 2002, CLB Báo chí (Press Club) Hà Nội thường tổ chức riêng một đêm Latin vào tối thứ sáu hằng tuần, mỗi khi nhạc Salsa được chơi, lại có một số đôi người gốc Latin dìu nhau những bước cơ bản nhất và mọi người đều tản ra, quây thành vòng tròn cùng thưởng thức điệu nhảy. Cũng trong một đêm như vậy, Raoul Imbach, Phó Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam rất hăng say thể hiện điệu nhảy và được nhiều bạn trẻ hưởng ứng nhảy theo. 

Nắm bắt được mong muốn của mọi người, năm 2003, Raoul mở lớp học Salsa đầu tiên tại HN và cùng các bạn mình là Roberto (người Cuba) và Arif (người Malaysia) dồn hết nhiệt huyết để duy trì CLB, trải qua rất nhiều địa điểm như Roma Café, Jazz Club của Quyền Văn Minh… Điều quan trọng mà Raoul đã tạo được đó là một niềm vui mới cho lớp trẻ muốn tìm nơi giải trí, giảm stress bằng cách tham gia các điệu nhảy dễ dàng, tập thể, nhộn nhịp, sôi nổi và lành mạnh.
 
 Khi khách sạn Sheraton khánh thành năm 2004, CLB Salsa đã chính thức được coi là một hoạt động hằng tuần ở Nutz Pub. Những giáo viên người Việt tham gia hướng dẫn cùng Raoul lúc đó là An và Thanh Phương. Một số những người tham gia CLB từ ngày đầu đã đăng thông tin lên diễn đàn của cộng đồng khiêu vũ và mời gọi mọi người tham gia. Đây là một cột mốc thứ hai đánh dấu sự “xâm nhập” của Salsa vào giới trẻ Hà Nội, bởi lực lượng này chính là những người truyền lửa nhiệt tình nhất, nhân rộng phong trào Salsa một cách nhanh chóng.
 
 Nutz không còn là địa chỉ duy nhất
 
 Khởi thủy Nutz Pub không thu vé vào cửa rồi sau bắt đầu thu 25.000đ/vé, rồi sau tăng lên 60.000đ/người/2 đồ uống như bây giờ. Tuy rất hiểu Nutz Pub bắt đầu tính toán đến việc kinh doanh là điều dĩ nhiên nhưng đôi khi họ cảm nhận được thái độ thương mại quá mức. Hơn nữa, những vũ công Salsa ít được coi trọng như lúc đầu, nhiều sinh viên không có tiền để được lên sàn chơi một cách lành mạnh.
 
  Một thực tế nữa khó tránh khỏi, đó là từ khi vũ trường New Century bị đóng cửa, một số người hay lên sàn không biết đi đâu về đâu, tạo nên một sự tạp nham lẫn lộn làm cho dân chơi Salsa nản lòng. Nhưng một số dân yêu Salsa vẫn thi thoảng đến nhảy cho đỡ nhớ nơi quen thuộc, và từ khi đôi nhảy Anton – Ara dạy ở đó, dân Salsa bắt đầu lục tục quay lại.
 
 Ngay sau đó, hàng loạt các bar, địa điểm có nhảy Salsa xuất hiện nhằm cạnh tranh, thu hút khách như Melia, ODC, HYEC, Bull Café, Smokie, Roma Café… Lần đầu tiên, sau 3 năm xuất hiện, Salsa được ghi nhận như một môn nhảy dạy song hành trong một trung tâm dạy Dancesport, do người Việt Nam đứng lớp (Hoàng Phương). Đây là một cố gắng lớn khi mà tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn những so sánh dè chừng ở cả hai phía, giữa một môn được coi là “đường phố, vỉa hè” và một môn được xem là “đẳng cấp, quý tộc”.
 
 Cuộc thi đôi nhảy đẹp Salsa lần đầu tiên tại Việt Nam được Nutz Pub tổ chức vào tháng 3 năm 2006, Giải Salsa King và Salsa Queen đã về tay đôi nhảy Đình Sỹ và Sao Mai. Cuộc thi này như một luồng gió thổi bùng ngọn lửa Salsa vẫn đang âm ỉ tại Hà Nội. Các lớp học Salsa do người Việt đã bắt đầu hoạt động rất tốt nhờ những hình thức miễn phí hoặc tiền học phí thấp không đáng kể (Đại La, ODC, HYEC…) thậm chí, cuối tuần, các bạn yêu Salsa chỉ mất có 5.000đ là có thể vào nhảy Salsa tại ODC. 

Salsa Việt Nam hòa chung Salsa quốc tế
 
 Lúc này cũng phải nói thêm về tình hình Salsa tại Tp.HCM. Cùng khởi điểm như Salsa Hà Nội, cách đây 4 năm đã có lớp học nhảy Salsa do giáo viên người Pháp tên Fabien chủ nhiệm, tại nhà hàng La Casa Latina nhưng chỉ duy trì được vài chục người tham gia. Sau đó, một giáo viên người Tây Ban Nha tên là Urko dạy tại La Habana và sau này thêm Fredrick mở nhiều lớp Salsa khác.

   

 Say mê trong một tối mùa hè oi bức…

 Salsa trên bàn…

Tuy hoạt động ở một thành phố được coi là năng động, hiện đại, và cởi mở, nhưng phong trào Salsa ở đây khép kín với đa số là người nước ngoài – một trong những lý do đó là vì sự vắng mặt của người Việt Nam làm chủ phong trào. Hiện nay, Salsa được đưa vào trường Đại học Quốc tế RMIT và tạo nên một làn sóng Salsa Việt Nam khá mạnh.
 
 SalsaBangkok Fiesta 2006 đánh dấu sự tham gia lần đầu tiên của Salsa Việt Nam tại Thái Lan. Salsa VN còn được đưa lên trang danh mục các địa điểm Salsa trên thế giới của trang web www.salsapower.com, do Phan Ý Ly làm người đại diện kết nối.
 
 Đây là khởi điểm để bất cứ Salsa dancer nào đều có thể tìm hiểu thông tin về lịch chơi, lịch học Salsa tại Việt Nam một cách dễ dàng, từ đó tạo điều kiện để các vị khách từ khắp nơi trên thế giới đến giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm. Vì thế, ngoài Raoul, Fabien, và Urko, Salsa VN còn được học hỏi và giao lưu với rất nhiều giáo viên quốc tế giỏi đến từ các nơi như Pháp, Nhật, New Zealand…
 
 Tháng 9 năm 2006, Salsa Hà Nội chia tay Raoul (người khởi thủy cho Salsa Việt Nam) bởi ông hết nhiệm kỳ về nước. Kế tiếp vào đó là cặp đôi Salsa nổi tiếng quốc tế: Anton Berchenko – Ara Hwang theo lời mời của một Salsa Việt Nam, đã quyết định chuyển sang Việt Nam sinh sống nhằm mục đích chính là phát triển chất lượng phong trào Salsa tại đây.
 
  Có thể nói đây là một giai đoạn mới của Salsa Việt Nam vì được tiếp nhận một đẳng cấp cao, làm thay đổi gần như hoàn toàn nhận thức và cách chơi, cách hiểu về Salsa của cộng đồng khiêu vũ. Đồng thời, từ hai người thầy giỏi này đã xuất hiện thêm nhiều gương mặt Salsa có kỹ thuật và khả năng cảm nhạc cao (Benkai Hoàng, Quang Anh, Duy, Ly, Sao Mai, Thành…) góp phần đưa Salsa Việt Nam ngang bằng chất lượng với các nước láng giềng.
 
 Nếu nhìn lại quá trình phát triển Salsa tại Việt Nam, sẽ thấy dù là một bộ môn được du nhập từ nước ngoài, do người nước ngoài phát triển nhưng nếu không có đam mê, nhiệt huyết và công sức của người Việt, bộ môn đó cũng khó phát triển thành một “đam mê” một cách lành mạnh của giới trẻ như hiện nay.
 
 Vào cuối tháng 7 năm 2007, Việt Nam sẽ tổ chức Cuộc thi Nhảy Salsa Quốc tế lần đầu tiên tại Nutz Pub, Hà Nội với thành phần Ban Giám khảo Quốc tế và những thí sinh từ các nước khác tới tham dự. 

 Mimi

 Ảnh: Quang Bảo, Hùng Sơn

 

 

 

 

 

Các tin liên quan

Hạnh phúc khi Salsa
Chuyện một cô gái yêu Salsa


From the same category