Tới Hollywood- Điện ảnh Việt sắp cất cánh?

Từ 300 thanh niên được gửi sang đào tạo tại Hollywood, chưa đầy 1 thập niên, điện ảnh xứ Hàn đã đánh bạt cả phim Hollywood ra khỏi thị trường nội địa, xuất khẩu kịch bản sang chính Hollywood và đang lan tỏa trên khắp thế giới mà gần đây là LHP Cannes. Giấc mơ ấy và hy vọng ấy đang được thắp lên từ 10 thanh niên Việt lần đầu tiên đặt chân tới thiên đường của điện ảnh thế giới?
 
 Đầu tháng trước làng điện ảnh Việt Nam đầy phấn khích trước “cuộc đổ bộ trong mơ” của các tên tuổi thượng thặng đến từ Hollywood – từ Curtis Hanson (đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất bộ phim đoạt Oscar “L.A Confidential”), Susannah Grant (tác giả kịch bản “Erin Brockovich”), William Horberg (nhà sản xuất “Người Mỹ trầm lặng”, “Cold Mountain”)…
 
 Đầu tháng 6 này, âm thầm nhưng mang theo hy vọng lớn, một cuộc đổ bộ theo chiều ngược lại: gần 10 nhà làm phim trẻ tuổi (gồm đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch) từ Hà Nội và Tp.HCM khăn gói lên đường sang kinh đô điện ảnh thế giới “dùi mài kinh sử”.
 
 Thực tế là…
 
 Thì cứ mơ đi, có ai đánh thuế đâu mà sợ. Hollywood là nơi sản xuất các giấc mơ mà! Nhưng để sản xuất được giấc mơ, Hollywood phải sống bằng thực tế với những doanh thu khổng lồ từ sản xuất phim hàng năm. Điện ảnh Việt giờ này càng phải sống bằng thực tế, thực tế mà đạo diễn Đào Duy Phúc không biết trả lời làm sao cho mấy nhân viên phỏng vấn visa của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hiểu: Tại sao là đạo diễn phim truyện nhựa anh lại vẫn đi làm phim truyền hình? (thắc mắc của các nhân viên sứ quán Mỹ).
 
 Thực tế là, không giống 300 thanh niên Hàn Quốc sang Hollywood học nghề để chuẩn bị cho một nền điện ảnh Hàn mới nằm trong kế hoạch và chiến lược của ngành điện ảnh và Chính phủ Hàn Quốc, lứa các nhà làm phim Việt Nam đầu tiên sang học nghề tại Hollywood lần này nằm trong kế hoạch và chiến lược hỗ trợ về văn hóa và giáo dục Việt Nam từ Quỹ Ford Foundation của Mỹ.
 
 Quỹ này hiện đang có 3 dự án lớn dành cho điện ảnh Việt Nam, tập trung vào thế hệ những nhà làm điện ảnh trẻ và hướng trọng tâm vào giáo dục. Một Trung tâm phát triển tài năng trẻ do Quỹ Ford tài trợ được thành lập, trực thuộc Hội Điện ảnh VN, đã và đang triển khai dự án 10 phim ngắn trong 10 tháng (năm đầu tiên của dự án đã hoàn thành khá tốt đẹp, hiện đang thực hiện năm thứ hai).
 
 Một quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất phim với tổng kinh phí 600.000 USD thực hiện trong 4 năm do Quỹ Ford tài trợ toàn bộ (Film Development Fund) vừa được Bộ VHTT cấp phép tháng 5 vừa qua và đã chính thức đi vào hoạt động với khóa học Ý tưởng & viết kịch bản, do 3 giảng viên là giáo sư khoa Điện ảnh ĐH Nam California hướng dẫn (khóa học kéo dài 2 tuần, tại Viện Tư liệu phim TW, Hà Nội).
 
 Theo kế hoạch, mỗi năm Quỹ này sẽ tổ chức 4 khóa học ở trong nước, giảng viên mời từ nước ngoài, các chủ đề khóa học được xây dựng nhằm tiếp nối một quy trình làm phim. Sau khóa học về Ý tưởng và viết kịch bản, sẽ là khóa học Xây dựng tài chính cho 1 bộ phim (kiếm tiền từ đâu, xây dựng quỹ tài chính như thế nào…), khóa học về Marketing và quảng bá phim, về Bản quyền phim…
 
 Dự án thứ ba dành cho điện ảnh Việt Nam của Quỹ Ford là các chương trình học bổng ngắn, dài hạn dành cho các nhà làm phim Việt Nam. Khóa học đầu tiên tại khoa Điện ảnh ĐH Nam California của nhóm các nhà làm phim Việt Nam, khai giảng vào 2/6 nhắc tới ở trên là nằm trong chương trình dự án này.
 
 Tuy nhiên đây chỉ là khóa học ngắn hạn, kéo dài 6 tuần, 35 người được giới thiệu, 11 trong số này được nhóm tuyển chọn chấp nhận, tuy nhiên vào giờ chót vẫn có người bỏ cuộc vì nhiều lý do (2 đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Bùi Tuấn Dũng nằm trong danh sách được tuyển chọn nhưng không đi đợt này).
 
 Được biết, năm 2008 chương trình sẽ tiếp tục có 1 khóa học ngắn hạn mùa hè tương tự. Ngoài ra còn khá nhiều chương trình học bổng dài hạn. Nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, cây bút viết điện ảnh Phan Gia Nhật Linh quen biết với bút danh Phanxinê đã và đang theo học tại ĐH Nam California theo học bổng dạng này.
 
 Sắp tới đây, 2 sinh viên xuất sắc lớp Điện ảnh ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (lớp này cũng do Quỹ Ford tài trợ, kéo dài 10 tháng, dành cho những sinh viên đã tốt nghiệp khoa Văn, do các giảng viên trong và ngoài nước giảng dạy) sẽ lên đường sang Mỹ học tiếp. Khoa Điện ảnh ĐH Nam California, 1 trong 10 trường đào tạo điện ảnh danh tiếng nhất của Mỹ, là địa chỉ ruột cho các dự án điện ảnh Việt Nam của quỹ Ford.
 
 Thực tế là…
 
 Những đóng góp cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam của một Quỹ văn hóa và giáo dục nước ngoài như quỹ Ford rất đáng ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên có một thực tế là các dự án này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài chính phân bổ (Ford Foundation đặt tại nhiều nước và khu vực trên thế giới), vào chiến lược phát triển của Quỹ này và cũng phụ thuộc vào cá nhân những người nước ngoài điều hành Quỹ tại VN.
 
 Trông đợi vào sự “hào phóng” của Quỹ này, 2 năm trước, một đoàn các nhà làm phim Việt Nam đã có chuyến tham quan học tập về kỹ thuật điện ảnh tại Hollywood nhưng thành phần của chuyến đi thực chất chỉ có 1-2 nhà làm phim thật sự có chuyên môn về kỹ thuật, còn lại là lãnh đạo hãng phim, cán bộ quản lý, mà chuyện bên lề đưa về là có “nhà” sang đó còn không biết sử dụng laptop thế nào, check mail ra sao!
 
 Còn trong số 4 người được chọn của điện ảnh phía Nam tham dự khóa học 6 tuần tại ĐH Nam California năm nay, duy nhất có Lê Bảo Trung là một trong những đạo diễn nổi bật của thế hệ làm phim hiện tại. Cùng thế hệ này những Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Võ Tấn Bình… đều ở ngoài rìa.
 
 Thông tin và quá trình tuyển chọn thiếu công khai, vẫn theo kiểu “phân bổ” từ Cục Điện ảnh, từ hãng phim, từ Đài truyền hình Nhà nước (nên thành phần đi học làm phim lần này có cả phát thanh viên Đài truyền hình!) khiến vẫn còn cảnh “nơi ăn chẳng hết, nơi lần chẳng ra”.
 
 Mặt khác, không thể xem các dự án mang tính hỗ trợ của một Quỹ nước ngoài quan tâm tới điện ảnh Việt Nam có thể xây dựng được chiến lược phát triển cho điện ảnh nước nhà. Điện ảnh là một ngành công nghiệp đòi hỏi sự đồng bộ ở các mắt xích trong dây chuyền.
 
 Chưa nói chuyện khóa học ngắn hạn chỉ mới “mở mắt”, mới “khai phá”, mới chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, thì ngay cả việc đào tạo 1-2 đạo diễn hoặc nhà biên kịch chuyên nghiệp cũng không thể thay đổi được chất lượng phim khi các thành phần khác từ quay phim, làm ánh sáng, hóa trang, kỹ xảo… vẫn nằm ở khu vực khác. Điện ảnh Hàn Quốc phải cần tới 300 người và có chiến lược đào tạo tổng thể là như vậy.
 
 Thêm thực tế là…
 
 Không chỉ ngành điện ảnh Việt Nam chưa có chiến lược chủ động trong việc đào tạo và phát triển nhân lực cho điện ảnh mà bản thân những người làm phim của chúng ta phần lớn cũng mang tư tưởng ngồi chờ hơn là tự vùng vẫy, tìm kiếm cơ hội.
 
 Ông Michael DiGregorio, cán bộ dự án Quỹ Ford tại Việt Nam than phiền rằng “vấn đề của nhiều người làm phim Việt Nam hiện nay là tiếng Anh”.
 
 Bởi vậy nhiều lần Quỹ này mang học bổng đi “cho” mà “cho” không được. Khóa học mùa hè tại ĐH Nam California dành cho các nhà làm phim Việt Nam lần này là một khóa học đặc biệt của trường vì học có phiên dịch (nếu không có phiên dịch thì không có ai đi học!), vì vậy xem như khóa học đã ngắn rồi (6 tuần) lại ngắn thêm một nửa!
 
 Vấn đề của 2 sinh viên lớp Điện ảnh ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn đang đăng ký vào ĐH ở Mỹ cũng là vấn đề tiếng Anh. Còn trường hợp nữ đạo diễn Nhuệ Giang nhận học bổng dài hạn đặc biệt của Quỹ Ford, mới sang ĐH Nam California học tiếng Anh 3 tháng đã bỏ về nước, thì không ai rõ lý do vì sao.
 
 Hay như Vũ Ngọc Đãng, từng có lời mời sang Hồng Kông “làm phim thuê” 2 năm, nhưng anh lại từ chối cơ hội “làm mà học” này để ở nhà làm phim truyền hình dài tập.
 
 Đào Duy Phúc cũng từng bỏ lỡ cơ hội xin học bổng đi học tại Ý, nơi có nền điện ảnh mà Phúc mê nhất, vì… vợ sinh con.
 
 Tất nhiên học nghề có nhiều con đường. Trương Nghệ Mưu học nghề đạo diễn từ chiếc máy ảnh cũ và không qua bất cứ một trường lớp nước ngoài nào. Kim Ki Duk thì không qua Hollywood mà sang Pháp tầm sư học đạo.
 
 Lê Bảo Trung có lẽ là một trong số hiếm đạo diễn nhà ta có 550 điểm TOEFL trong tay và đang săn tìm học bổng trường nghệ thuật Chicago (SASS). Muốn gì thì gì, phải có khát vọng tự thân và nỗ lực cất cánh của chính mình chúng ta mới thực sự “bay” được.

 

 Thủy Phạm

Đi

Đào Duy Phúc – đạo diễn các phim nhựa: “Chiến dịch trái tim bên phải”, “2 trong 1”, “Sinh mệnh”: Quan trọng nhất là học tầm nhìn.

Trong khóa học ngắn hạn tại Mỹ lần này, quan trọng nhất với tôi là học tầm nhìn, mở tầm nhìn để thực sự biết mình đang ở đâu, điện ảnh Việt Nam đang ở đâu. Ngoài ra tôi cũng cố gắng cập nhật ngay cách quay và dựng phim hành động võ thuật để chuẩn bị cho vai trò tổng đạo diễn bộ phim Trần Thủ Độ (phim nằm trong chương trình Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long).

Lê Bảo Trung – đạo diễn các phim: “Đẻ mướn”, “Võ lâm truyền kỳ” (nhựa), “Hải âu” (phim truyền hình): Sẽ tìm hiểu kỹ xảo để bắt tay vào “Bộ lạc siêu nhí”.

Được biết đây là 1 trong 10 trường đào tạo về điện ảnh hàng đầu của Hollywood. Tôi cố gắng tìm hiểu công nghệ sản xuất phim của Mỹ và cập nhật thông tin về nghề đạo diễn và viết kịch bản. Lần này tôi cũng mang theo kịch bản Bộ lạc siêu nhí xem thế nào và cố gắng tìm hiểu về kỹ xảo.

Không đi

Bùi Tuấn Dũng – đạo diễn phim nhựa “Đường thư”, đang hoàn tất “Vũ điệu tử thần”: Khóa học ngắn hạn với tôi không cần thiết nữa.

Từ chối chương trình ngắn hạn tại Mỹ lần này vì tôi nghĩ trong vòng 6 tuần chỉ có được những khái niệm và bài tập ngắn với công nghệ mới. Tôi đã học những điều này từ trường HFF ở Potsdam (Đức) vì vậy đi lần này không cần thiết nữa, lại dở dang cho công việc và lấy mất chỗ của những người cần đi hơn. Trong tương lai tôi muốn đi học khóa dài hạn, làm master tại Mỹ. Người làm phim luôn phải biết phối hợp những công nghệ mới nhất, phải khai thác mình như khai thác mỏ, nếu không sẽ cùn gỉ, sẽ thành mỏ chết. Ý định của tôi là sau khi học master, ngoài làm việc cho mình, có thể đi dạy để truyền đạt cho các bạn trẻ.

Vũ Ngọc Đãng – đạo diễn phim nhựa “Những cô gái chân dài”, phim truyền hình: “Chuột”, “Tuyết nhiệt đới”: Tiếc quá vì không có thông tin về khóa học!

Tôi cảm thấy rất tiếc khi không tham gia được khóa học này. Có lẽ bởi thông tin không phổ biến rộng rãi, bản thân tôi không biết gì về chương trình này trước đó. Tôi nghĩ rằng nên có tiếp những cơ hội khác và nên có thông báo sớm để những người muốn tham dự có thể sắp xếp công việc, hầu hết các đạo diễn đều có những dự án làm việc riêng.

 T.T (ghi)


From the same category