Sống trên Net chết vùi trong Blog

 

 Blog của BLV Anh Ngọc với nhiều bài viết sâu sắc

Có một thời gian, công việc của tôi “dính” đến những trang bản thảo trước khi chúng ra đời thành những cuốn sách in sạch sẽ đẹp đẽ. Những lúc ấy, tôi thường phải cúi mặt, miệt mài với trang sách, và tạm thời bị quên đi thế giới Net – thế giới online, thế giới ảo – mà không ảo, thế giới thực – mà không thực, nơi một phần cuộc sống của tôi đã ở đó.
 
 Thế rồi giám đốc của tôi lấy cớ rằng, tiền Net tháng này tăng quá nhiều một cách phi lý, nên anh ta tạm thời sẽ cắt Net của nhân viên, và chỉ có anh ta mới độc quyền vào Net khi nào cần.
 
 Vậy là, từng ấy ngày tháng, ngồi đủ 8 giờ công sở vàng ngọc, cặm cụi đọc bản thảo, mà khốn khổ thay, không phải như kiểu đọc sách, là đọc sách gì mình thích, cũng còn đâu cái kiểu nằm ườn ra, hoặc thi thoảng ngẫu hứng, lên Bờ Hồ, ngồi cùng đám dân tây la liệt mà đọc…
 
 Và trong những ngày của mùa đông lạnh giá ấy, bị cấm vận Net, tôi cảm thấy mình bị tù đày, lạc lõng trong một thế giới chật hẹp có ô ngăn, và chiếc máy tính bởi không kết nối mạng đã trở thành một vật vô tri vô giác, không còn ích lợi gì cho tôi.
 
 Đôi khi, nhân vật trong những trang bản thảo tự nhiên lại thấp thoáng như thật, xuất hiện trong những lần gà gật lơ mơ trong giây lát của tôi. Buổi tối, tranh thủ lắm, tôi cũng chỉ lên Net được trong một thời gian rất ngắn vì mệt mỏi.
 
 Bạn đừng nghĩ rằng, công việc “Đọc” và “Sửa”, là một công việc nhàn hạ, đơn giản. Bạn cứ thử làm đi thì biết. Để ra được một bản thảo sạch sẽ, có khi chúng tôi phải đọc không dưới 6 lần. Cứ làm 4 tập Thuỷ Hử dày hự, mỗi bản 6 lần, tổng cộng, bạn sẽ đọc bao nhiêu trang nhỉ? 
 
 Blog của tôi hồi đó đa phần là các bài viết liên quan đến sách, đã lâu không được update, và nó cũng trở nên hoang vu… Không phải là một người nghiện và quá cuồng tín vì Net, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình đang bị ngăn cản, cô lập với một nửa kia của cuộc sống.
 
 Tôi chợt dễ chua chát hoặc buồn chán, ủ rũ, và trở nên câm lặng với những trang bản thảo. Sự thiếu vắng đến tẻ nhạt ấy khiến tôi chợt ngẫm rằng: bấy lâu nay, mình đang Sống trên Net quá nhiều ư?
 
 Sau này, không thể kiên nhẫn được nữa, tôi đã xin chuyển công tác mới. Việc quay trở lại với blog, đã khiến tôi bàng hoàng bởi sự phát triển quá nhanh của blog, và blogger.
 
 Blog, không chỉ đơn thuần là một trang nhật ký có chữ, có hình vẽ, thay vì xưa kia được viết ra giấy thì nay, nó được viết trực tuyến, online, được design bởi những bức ảnh, bản nhạc, và được xuất bản ngay bởi chính chủ nhân của blog.
 
 Những từ dùng để chỉ tính chất, đặc điểm của blog xuất hiện như blog đen, blog bẩn, blog thể thao, blog thương mại, blog PR, blog của Hội (hội nọ hội kia), blog của sao, blog của nhà đài, blog sex, báo blog, comment blog…
 
 Người người blog, nhà nhà blog, con blog, cha cũng blog, chồng blog, vợ cũng blog. Không blog, mới là người kì lạ. Người ta gặp nhau, không cần nói gì, chỉ cần vô tình nhắc tới một chi tiết trên blog của người đối diện, ấy vậy mà đã thấy cảm kích, bởi chứng tỏ có người quan tâm tới blog của mình.
 
 Mới hôm trước, anh bạn tôi thì thào: “Hôm nay, anh đã biết thế nào là blog đấy!”… Rồi anh giơ ngón tay cái lên, tỏ vẻ rất thú vị. Một người bạn khác cũng hào hứng: “Ừ, bao giờ anh cũng phải làm một cái blog mới được, để còn quảng cáo công việc kinh doanh của công ty…”
 

 

 Báo cũng Blog

 Blog chính là nơi để người ta bộc lộ con người bên trong, là nơi trao đổi thông tin… Blog cũng chính là những bằng chứng phản ảnh cả cách sống của từng thế hệ. Trên blog, có thể người ta bỗng trở nên chân thật hơn, và việc xử sự thường rõ ràng hơn trên các diễn đàn, forum. Những blog có nội dung là những kiến thức đa chiều phong phú mau chóng được blogger tiếp thu hưởng ứng rất nhanh.
 
  Nhưng, những trào lưu mới theo chiều hướng khác cũng gây ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng tuổi thiếu niên, từ ngôn ngữ, cách viết… tới thái độ sống ngay trong đời thực. Ngôn ngữ blog với những sự cố tình biến tướng tiếng Việt đã bị sử dụng vào cách nói chuyện, chữ viết, vào các bài kiểm tra, bài thi…
 
 Một số người quen với việc tự đánh bóng trên blog. Họ mắc căn bệnh hạt gạo, không chỉ là hạt gạo, mà phải là một thứ hạt khổng lồ đa màu sắc và dị hình. Cái ý thức viết trước hết là cho mình, chỉ để “làm vì”, bởi blogger biết, những bài viết đó sẽ có một lượng công chúng blogger. Ý thức đám đông chính là điều quan trọng, nó tác động không nhỏ đến người viết blog, nên đôi khi người viết muốn nổi trội trong đám đông trong cái thế uốn mình ấy.
 
  Một số không nhỏ các bạn ở tuổi xì tin, có chút “máu ăn chơi”, trai thì tóc như Bi – Rain, gái thì trên cả Hàn Quốc. Khi chụp ảnh để post lên blog, đa phần rặt một style giống nhau là mắt cô nào cũng trợn lên cho nó to tròn, và miệng thì chu lại, hoặc dẩu ra cho có vẻ nhõng nhẽo ngây thơ. Lại có một số theo trào lưu Emo (để cảm xúc lấn át mọi phương diện) như trên báo chí đã phản ảnh.
 
  Blog thể hiện mọi cảm xúc ở tình trạng thái quá. Khóc, thì phải gào thét; sến, thì phải quằn quại chảy vãi nước mắt; ăn mặc thì giới tính đã bị hòa trộn, nhìn đố biết là nam hay nữ; bản lĩnh thì phải biết chửi bậy; sành điệu thì phải biết đủ thứ trong mọi lĩnh vực, biết bình luận bình phẩm các show diễn như những người thực sự am hiểu cho dù họ không hề xem.
 

 

 62 tuổi, đã về hưu nhưng vẫn là một blogger duyên dáng

 Một blogger, có tối đa 300 bạn được quyền add nick, và còn phải tính đến một lượng vô biên các bạn đọc khác tự do nhởn nhơ qua lại một blog public. Trong một ngày, nếu như bạn không tự update blog của mình, nghĩa là bạn đang có thể bị chìm nghỉm trong 299 blog khác, và liệu người ta có đủ kiên nhẫn và thời gian để đi thăm hết lượt danh sách 300 bạn trong friend list của mình không?
 
  Sân siu, nếu ước tính thời gian cho bạn click chuột 1 blog hết khoảng nửa phút (kiểu cưỡi… chuột… lướt blog), bạn đã mất ít nhất 2,5 tiếng cho việc viếng thăm blog của bạn bè. Rồi còn phải chăm sóc cái blog của bạn nữa chứ. Tính ra, bạn sẽ hết khoảng bao nhiêu thời gian cho blog của mình?
 
 Cả một xã hội online tương thích với xã hội bên ngoài hay ngược lại nhỉ? Đến báo chí, còn phải cạnh tranh với blog. Khoảng 90% blogger đọc blog trong giờ làm việc. Nhiều người quên cuộc sống thực để vùi mình say sưa trên blog. Một số người vì tư thù cá nhân mà đi làm giả mạo blog giống hệt blog của người khác nhằm mục đích hạ uy tín của blogger kia.
 
 Những blast trên blog thường phản ánh tâm trạng, hay thái độ hiện thời, hoặc lời nhắn nhủ, kêu gọi của chủ nhân blog. Ví như: hình như hết yêu rồi/ mất ngủ trầm trọng/tất cả các đàn ông đều đểu/một ngày sâu kín ta biết trái tim mình/sống như thể ngày mai sẽ chết/thuê bao qk đang gọi vừa lộn vài vòng cầu thang xuống… please try again later/Ban nao co the hien mau cuu giup nguoi ban nho cua chung ta qua con hoan nan/Hãy nhìn đời như một ly cocktail/Blog nay se bo hoang, co moc day và reu phong bao phu…
 
 Tuy nhiên, có người cứ vài phút lại thay đổi blast một lần, không chỉ vì tâm trạng, mà với mục đích muốn tăng lượng người vào đọc blog. Một số khác câu người đọc bằng các title giật đùng đùng một cách cực kỳ chuyên nghiệp, một số muốn nổi tiếng nên đã sử dụng phần mềm kích hoạt để người ngoài phải nhìn con số page view một cách ngưỡng mộ. Quả là một sự mệt mỏi đến bệnh!
 
 Bên cạnh những blog chuyên nghiệp, viết bài với một ý thức rõ ràng mình là blogger nổi tiếng và viết cho công chúng, thì có những blog đặt ở chế độ private (để blog ở chế độ bí mật, riêng tư, chỉ mình chủ nhân của nó đọc được). Tôi rất đỗi tò mò với những blog bí mật đó. Họ chính là những người có đôi chút bí ẩn, kín tiếng, không muốn để chuyện riêng tư của mình cho cả thiên hạ online đều biết, và mọi sự bình luận, comment đều không thể mon men làm cho họ phải suy nghĩ, sung sướng, hoặc tổn thương.
 
 Xưa kia, những bản thảo quý giá, đều có thể lưu giữ thành kỷ vật riêng trong gia đình, hoặc trong các bộ sưu tập, bảo tàng, nhưng ngày nay, hầu như tất cả được tung lên Net, diễn đàn, forum, hoặc blog; cần tìm gì, xin cứ hỏi ông Google. Hỡi ơi những blog bí ẩn, họ đã viết gì trong blog? Nếu chủ nhân của chúng có biến đi đâu mất theo nghĩa đen, thử hỏi người ta sẽ làm cách nào để biết được, lỡ khi trong blog chứa cả một kho quý báu tri thức của thiên hạ??? Cái đó, phải chăng là Chết vùi trong blog?
 
 Hãy thử liên tưởng đến những blog đã ngưng không còn dấu hoa thị lấp lánh vàng nữa. Ngưng, không update, không phải bởi người ta bỏ blog đó, để lập một blog khác; không phải vì người ta bận, không chăm sóc, viết lách gì… mà đau đớn rằng, blogger kia đã mất, đi vào cõi vĩnh hằng, để lại một blog mở với những dòng chữ được type trong cuộc chiến đấu tranh giành sự sống như blogger Trần Tuyên…
 
 Tôi đã thót tim, khi đọc những dòng chữ của các blogger bị bệnh nặng như máu trắng, ung thư, tim, tai nạn đang chữa trị… Dõi theo số phận của blogger, mỗi lần nhìn thấy blog của họ được update, nghĩa là lúc ấy, biết bạn mình còn đang tồn tại. Chỉ sợ một ngày kia, blogger ấy chìm xuống trong danh sách bạn, rồi mãi mãi phủ một màu đen tang tóc và để lại một sự hụt hẫng đến xót xa.
 
 Và cũng biết đâu, lỡ Yahoo 360 giở quẻ, xóa bỏ hệ thống blog 360 và toàn thể các blogger sẽ không tài nào vào được blog của mình, mọi thứ sẽ bị đóng lại, biến mất…
 
 Khi đó, tôi chợt nhớ tới một câu gây ám ảnh trong tiểu thuyết “Cô đơn trên mạng” của Janusz Leon Wisniewski: “Thế giới vắng anh giờ đây im ắng quá!”. Và rồi suy cho cùng, ở những năm của thế kỷ 21 này, ta cũng có thể tự nhủ: “Thế giới vắng blog, sẽ trở nên im ắng lắm!”. 
 

  Tuệ Thư

 

 


From the same category